Vấn đề Ý thức hệ "phái tính" trong

Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi châu

 

Vấn đề Ý thức hệ "phái tính" trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi châu.

Vatican [Zenit 13/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu đặc biệt lắng nghe tiếng nói của người phụ nữ. Các nghị phụ chú ý đến vai trò và chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội và Giáo hội tại Phi Châu.

Cùng với tiếng nói của các phụ nữ, các nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục cũng quan tâm đến một vấn đề quan trọng đang được đặt ra cho Giáo hội tại Phi Châu: đó là ý thức hệ phái tính mà một số nghị phụ xem như một áp đặt của Tây Phương trên xã hội Phi Châu.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Zenit, Ðức ông Tony Anatrella, một nhà phân tâm học và chuyên gia tâm lý trị liệu, đã nêu lên một số vấn đề mà ý thức hệ mới này đặt ra cho gia đình và xã hội tại Phi Châu.

Ðức cha Anatrella hiện đang dạy tâm lý học tại Paris. Ngài là cố vấn của Hội đồng Tòa thánh về Gia đình và Hội đồng Tòa thánh về mục vụ y tế.

Phát biểu tại Thượng hội đồng, chính Ðức cha Sarah, thư ký bộ truyền giáo, cũng đề cập đến ý thức hệ này mà ngài không ngần ngại gọi là một ý thức hệ "giết người", hoàn toàn xa lạ với các giá trị phi châu.

Ðiều đáng quan ngại là hiện nay, ý thức hệ này đang xâm nhập vào Giáo hội và xã hội Phi Châu. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Zenit hôm 13 tháng 10 năm 2009, Ðức ông Anatrella khẳng định rằng ý thức hệ phái tính thâm nhập vào Giáo hội xuyên qua các tổ chức Kitô có liên hệ với các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, tổ chức y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, tổ chức Unesco cũng như các tổ chức không chính phủ.

Theo Ðức cha Anatrella, các tổ chức Kitô là "trạm tiếp vận" của ý thức hệ này ngang qua các khóa huấn luyện dành cho linh mục, tu sĩ và giáo dân. Thật vậy, để nhận viện trợ, phần lớn các nước Phi Châu đều phải lắng nghe thuyết giảng về phái tính, một cách cụ thể về điều được gọi là "y tế trong việc sinh sản". Bao hàm trong từ này là việc khuyến khích phá thai và ngừa thai, cũng như đặt lại vấn đề những giá trị gia đình Phi Châu, loại bỏ người đàn ông ra khỏi việc cộng tác với người đàn bà và sinh sản.

Tại Phi Châu, những người theo ý thức hệ phái tính tìm cách thuyết phục các dân biểu bỏ phiếu thông qua những luật phù hợp với ý thức hệ này. Họ tuyên bố rằng trong văn hóa Phi Châu, người ta không có truyền thống có nhiều con cái. Theo Ðức ông Anatrella, đây quả là một khẳng định hoàn toàn vô căn cứ, bởi vì tại Phi Châu, ý thức về gia đình rất sâu sắc, ý muốn trao ban sự sống và có nhiều con cái gắn liền văn hóa của lục địa. Con cái là kho tàng của gia đình và xã hội. Nhưng các chuyên gia theo ý thức hệ phái tính lại dựa trên những thành kiến của Tây Phương để nói rằng 3 đứa con trong một gia đình là một con số quá cao, cần phải hạ giảm. Trong khi đó, đối với người Phi Châu, chính con cái mới là tương lai của con người.

Tiếp tục giải thích về ý thức hệ phái tính, Ðức ông Anatrella khẳng định rằng phần lớn các dân biểu Phi Châu, vốn gần gũi với dân chúng không chấp nhận ý thức hệ này, cho nên các lý thuyết gia của ý thức hệ này mới tìm cách lợi dụng tư thế "chuyên gia bên cạnh các chính phủ" của mình để gây ảnh hưởng và quảng bá ý thức hệ của mình. Tại một số nước Phi Châu chẳng hạn, các chuyên gia này cổ võ việc thiết lập Bộ Kế Hoạch, nhằm lên kế hoạch và hạn chế việc sinh sản. Cũng có nơi, người ta thiết lập cả Bộ phái tính. Rất thường, cả hai bộ này liên kết với nhau để tổ chức các sinh hoạt nhằm tác động lên phụ nữ mà không có sự tham gia của đàn ông. Họ đưa ra chiêu bài là phải để cho phụ nữ làm chủ được việc sinh sản.

Theo Ðức ông Anatrella, với Bộ phái tính, người ta tìm cách loại bỏ sự liên đới của người đàn ông đối với người đàn bà và tách biệt sự sinh sản ra khỏi tính dục.

Người ta cũng viện cớ rằng phụ nữ là nạn nhân của các cuộc bạo hành trong đời sống vợ chồng hay bạo hành của những người đàn ông cưỡng bách họ phải giao hợp hoặc phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh xuyên qua các vụ hãm hiếp của các binh sĩ. Họ có thể bị mang thai và như vậy sinh những con ngoài ý muốn. Như thế, người ta tìm cách chứng minh rằng phụ nữ là nạn nhân của đàn ông để từ đó biện minh cho ý thức hệ phái tính.

Dựa trên những sự kiện trên đây, các chuyên gia tây phương đề nghị với các tổ chức Kitô và các bộ trưởng y tế Phi Châu hãy tổ chức những cuộc hội họp cấp vùng để nghiên cứu vấn đề. Và dựa trên những nghiên cứu ấy, người ta đưa ra các tuyên ngôn hướng về các nhà lập pháp để thuyết phục họ thông qua những luật phù hợp với ý thức hệ về phái tính.

Hiện nay, phần lớn các nhà lập pháp Phi Châu đều không hưởng ứng cái nhìn về hôn nhân, gia đình và sự sinh sản do các chuyên gia của ý thức hệ phái tính đề nghị. Nhưng điều đáng tiếc là những ý tưởng và hành xử như thế lại ngày càng được quảng bá tại lục địa này.

Mặt khác, các nước Phi châu lại không ngừng bị đặt dưới áp lực của các nước Tây Phương là những nước đang nhân danh sự bình đẳng phái tính để tuyên truyền cho đồng tính như một mẫu mực cần được hợp pháp hóa qua việc nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính.

Vấn đề lại càng trầm trọng hơn, bởi vì chính qua một số tổ chức Kitô giáo mà ý thức hệ phái tính đang dần dần xâm nhập vào xã hội và Giáo hội. Theo Ðức ông Anatrella, người ta xử dụng một ngôn ngữ mới để mang lại một ý nghĩa mới về sự bình đẳng: thay vì nói bình đẳng trong phẩm giá giữa người nam và người nữ, người ta chỉ nói đến sự bình đẳng phái tính.

Nhắc lại giáo huấn của Giáo hội, Ðức ông Anatrella khẳng định: "Giáo hội luôn luôn chủ trương sự bình đẳng của người nam và người nữ trong tương quan bổ túc nhau và trong sự tôn trọng con cái. Giáo hội không bao giờ chấp nhận các cuộc hôn nhân cưỡng bách, các cuộc hôn phối của vị thành niên; và xuyên qua các thành viên và tổ chức của mình, Giáo hội không ngừng góp phần tranh đấu chống lại việc khai thác lao động trẻ em, những cuộc tấn công tình dục, nạn mãi dâm thiếu niên, hay cưỡng bách trẻ em cầm súng". Nhưng qua tất cả những nỗ lực ấy, Giáo hội không bao giờ đề cao ý thức hệ phái tính vốn là ý thức hệ đặt người nam vào thế đối lập với người nữ.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page