ÐTC mời gọi mến Chúa yêu người

sống khoan nhượng, tha thứ và hòa bình

 

Ðức Thánh Cha mời gọi mến Chúa yêu người, sống khoan nhượng, tha thứ và hòa bình.

Vatican (Vat. 14/10/2009) - Toàn cuộc sống kitô phải được thấm nhuần tình yêu sâu thẳm đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, một tình yêu được diễn tả ra trong thái độ cởi mở chân thành đối với người khác, trong sự tha thứ, và trong việc tìm kiếm hòa bình.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 14-10-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Pietro Vị Ðáng Kính, viện phụ đan viện Cluny bên Pháp, là đan viện đã cống hiến cho Giáo Hội nhiều thánh viện phụ nổi tiếng. Thánh Pietro là người đã tích tụ nơi mình mọi nhân đức của các viện phụ tiền nhiệm. Ðề cập tới tiểu sử của thánh nhân Ðức Thánh Cha nói:

Chào đời vào khoảng năm 1094 trong vùng Alvernia, ngay từ ngày còn nhỏ Pietro đã gia nhập tu viện Sauxillanges, rồi sau này được bầu làm bề trên. Năm 1122 cha Pietro được bầu làm viện phụ đan viện Cluny và giữ chức vụ này cho tới khi qua đời ngay lễ Giáng Sinh năm 1156, như người đã mong ước. "Là người yêu chuộng hòa bình người đã chiếm được sự bình an trong vinh quang của Thiên Chúa trong ngày hòa bình" (Vita, I,17; PL 189, 28).

Những ai biết người đều ca ngợi sự dịu dàng, quân bình, tự chủ, ngay thẳng, liêm chính và thái độ chiêm niệm của người. Trong thư tín người cũng cho biết tính khoan nhượng, hay nhịn nhục và tha thứ của mình. Là người có bản chất nhậy cảm và trìu mến người gắn liền tình yêu đối với Chúa với sự diu dàng đối với người thân, đặc biệt là đối với thân mẫu và bạn bè. Người cũng săn sóc tình bạn một cách đặc biệt đối với các đan sĩ, thường thổ lộ tâm tình với người vì biết mình được tiếp đón và lắng nghe. Theo tác giả cuộc đời của thánh nhân thánh Pietro không bao giờ khinh rẻ hay khước từ bất cứ ai, trái lại rất dễ thương và cởi mở với mọi người.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói thánh viện phụ Pietro là một mẫu gương cho các đan sĩ và các kitô hữu thời người, có nhịp sống quay cuồng, bất khoan nhượng và không thông truyền với nhau, chia rẽ và xung khắc. Chứng tá của người mời gọi chúng ta biết kết hiệp tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân, và không mệt mỏi nối lại mối dây huynh đệ và hòa giải. Thánh Pietro đã sống như thế khi phải điều khiển đan viện Cluny trong những năm khó khăn vì những lý do ngoại tại và nội tại, và đã thành công trong thái độ nghiêm ngặt đồng thời cũng rất nhân bản. Người thường nói: "Khi khoan nhượng thì sẽ có thể đạt được nhiều điều từ một người hơn là khi làm cho họ khó chịu vì những lời than van" (Ep. 172, 1.c., tr. 409). Nhiệm vụ bắt buộc người thường phải du hành sang Italia, Anh quốc, Ðức và Tây Ban Nha. Nhưng việc bó buộc phải xa rời sự thinh lặng chiệm niệm là gánh nặng cho người. Thánh nhân thú nhận như sau: "Tôi đi từ nơi này sang nơi khác, vất vả, mệt nhọc không yên, bị lôi kéo bên này bên kia; tâm trí tôi khi thì lo cho việc của mình, khi lại lo cho việc của người khác, và tâm hồn thì bị khuấy động mạnh" (Ep. 91, 1.c., tr.233). Tuy phải tiếp xúc với quyền bính và các lãnh chúa chung quanh Cluny, người vẫn duy trì được sự an bình thường có nhờ ý thức điều độ, tâm hồn cao thượng và óc thực tiễn của người. Trong số các nhân vật người tiếp xúc có thánh Bernardo thành Clairvaux. Tình bạn giữa hai bên ngày càng trở nên đậm đà, tuy tính tình và viễn tượng của hai người có khác nhau. Bernardo định nghĩa thánh Pietro là "người quan trọng, có các nhiệm vụ quan trọng" và rất trân qúy thánh nhân (Ep., 147. ed. Scriptorium Claravallense, Milano 1986, VI/1, tr. 658-660); trong khi thánh Pietro Vị Ðáng Kính gọi Bernardo là "ngọn đèn của Giáo Hội" (Ep. 164,1.c, tr.397), "cột trụ mạnh mẽ và rạng ngời của đời đan tu và của toàn thể Giáo Hội" (Ep. 175, tr. 418).

Tiếp tục bài huấn du Ðức Thánh Cha đã nêu bật một đặc điểm khác nơi thánh nhân như sau:

Với ý thức giáo hội sống động, thánh Pietro Vị Ðáng Kính khẳng định rằng các chuyện của dân kitô phải được cảm nghiệm "trong con tim sâu thẳm" bởi "những người thuộc chi thể thân mình Chúa Kitô" Ep. 164, 1.c, tr.397). "Ai không cảm thấy các vết thương của thân mình Chúa Kitô thì không được dưỡng nuôi bằng tinh thần của Chúa Kitô", ở bất cứ đâu chúng xảy ra. Ngoài ra người còn lo kắng cho cả những ai sống ngoài Giáo Hội, đặc biệt là người do thái và người hồi. Ðể giúp hiểu biết tín hữu hồi thánh nhân cho dịch Kinh Coran. Vì thế một sử gia mới đây ghi nhận rằng: "Giữa thái độ đòi hỏi khắt khe của người thời trung cổ - kể cả những vị lớn lao nhất trong họ - ở đây chúng ta khâm phục một gương cao cả của sự tế nhị mà tình bác ái kitô dẫn đưa tới" (J. Leclerq, Pietro il Venerabile, Jaca Book, 1991, tr 189).

Trong số các khía cạnh khác mà thánh nhân ưa thích trong cuộc sống kitô có tình yêu đối với Thánh Thể và lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria. Người đã để lại cho chúng ta các trang tuyệt tác về Thánh Thể thuộc mọi thời đại và đã viết các suy tư soi sáng về Mẹ Thiên Chúa, bằng cách luôn chiêm ngưỡng mẹ trong tương quan với Chúa Giêsu Cứu Thế và công trình cứu chuộc của Chúa. Chỉ cần nhắc lại ở đây lời cầu người đã dâng lên Ðức Mẹ thì đủ hiểu: "Kính chào Ðức Trinh Nữ có phúc, mẹ đã khiến cho lời chúc dữ phải trốn chạy. Kính chào mẹ Ðấng Tối Cao, hiền thê của Chiên Con rất hiền từ. Mẹ đã chiến thắng con rắn, Mẹ đã đạp dập đầu nó khi Thiên Chúa do Mẹ sinh ra đã hủy diệt nó... Ôi ngôi sao phương đông rạng ngời, Ðấng đã khiến cho bóng tối phương tây trốn chạy. Hừng đông đi trước mặt trời, ngày không biết tới đêm... Xin hãy cầu nguyện với Thiên Chúa đã được Mẹ sinh ra, để Người tháo cởi tội lỗi chúng con và sau khi tha thứ Người ban cho chúng con ơn thánh và vinh quang" (Carmina, PL, 1018-1019).

Thánh Pietro Vị Ðáng Kính cũng nuôi dưỡng lòng ưa thích đối với sinh hoạt văn chương và người có tài văn chương. Người ghi chép các suy tư của mình vì xác tín về tầm quan trọng của việc dùng ngòi bút như là cái cầy để "gieo vãi hạt giống của Ngôi Lời trong trang giấy" (Ep. 20, tr.38). Cả khi không phải là một thần học gia có hệ thống, người là một nhà nghiên cứu mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nền thần học của người đâm rễ sâu trong lời cầu nguyện, đặc biệt trong lời cầu nguyện phụng vụ; và trong các mầu nhiệm của Chúa Kitô người ưa thích mầu nhiệm của sự Hiển dung, là hình ảnh diễn tả trước sự sống lại. Chính thánh nhân đã đưa lễ Hiển Dung vào đan viện Cluny và sáng tác văn bản phụng vu đặc biệt phản ánh lòng đạo đức thần học đặc thù của thánh nhân và của Dòng tại Cluny, hướng tới chỗ chiêm niệm gương mặt vinh quang của Chúa Kitô, và tìm thấy nơi đó niềm vui sốt mến diễn tả tinh thần của người và tỏa ra trong phụng vụ viện tu.

Rồi Ðức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, vị thánh đan tu này là một gương sáng lớn của sự thánh thiện đan tu, được dưỡng nuôi nơi suối nguồn của truyền thống biển đức. Ðối với người, lý tưởng của đan sĩ hệ tại nơi thái độ gắn bó chặt chẽ với Chúa Kitô (Ep. 53, 1.c, tr.161), trong cuộc sống viện tu khiêm tốn và cần mẫn, cũng như trong bầu khí chiêm niệm thinh lặng và liên lỉ chúc tụng Thiên Chúa. Theo thánh Pietro thành Cluny công việc thứ nhất và quan trọng nhất của đan sĩ là việc cử hành phụng vụ giờ kinh là "bản hòa tấu thiên quốc và hữu ích nhất" (Statuta, I, 1026), đi kèm với việc đọc, suy niệm, nguyện ngắm cá nhân và sự sám hối kín đáo. Trong cách thức đó toàn cuộc sống của được thấm nhuần tình yêu sâu thẳm đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, một tình yêu được diễn tả ra trong thái độ cởi mở chân thành đối với người khác, trong sự tha thứ, trong việc tìm kiếm hòa bình. Kết luận, chúng ta có thể nói rằng đối với thánh Biển Ðức kiểu sống kết hiệp với việc làm thường ngày là lý tưởng của đan sĩ. Nó cũng liên quan tới tất cả chúng ta, và có thể trở thành kiểu sống của kitô hữu muốn trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô, có đặc tính kiên trì gắn bó với Chúa, khiêm nhường, cần mẫn, có khả năng tha thứ và sống hòa bình.

Sau khi chào các tín hữu và du khách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page