Bản tường trình của ÐHY Peter Turkson

trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục

Phi châu kỳ 2

 

Bản tường trình của Ðức Hồng Y Peter Turkson trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2.

Vatican (Vat. 14/10/2009) - Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 bắt đầu giai đoạn thứ hai: thảo luận trong các nhóm nhỏ để đào sâu vấn đề và đưa ra những đề nghị cụ thể.

Thực vậy. Sau 10 ngày diễn ra trong giai đoạn thứ I lắng nghe các ý kiến, thứ Tư 14-10-2009, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 bước vào giai đoạn thứ hai: các nghị phụ đã họp trong các nhóm nhỏ, sáng và chiều, để thảo luận về các vấn đề cần được đào sâu thêm, để rồi trong phiên họp khoáng đại thứ 15 sáng thứ Năm, 15-10-2009, tường trình viên của mỗi nhóm sẽ báo cáo trước đại hội đồng kết quả các cuộc thảo luận trong nhóm liên hệ.

Tiếp đến, bắt đầu từ chiều 15-10-2009, các nghị phụ sẽ có thêm 3 phiên họp nhóm để soạn các đề nghị đúc kết thành quả của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này. Danh sách các đề nghị này sẽ được nạp cho Văn phòng tổng thư ký vào tối thứ Sáu 16-10-2009.

Trong tuần lễ tới đây, là tuần chót của công nghị Giám Mục Phi châu, các đề nghị sẽ được đúc kết, sửa chữa, và sau cùng sẽ mang ra bỏ phiếu chung kết vào cuối khóa họp. Ngoài ra, ban soạn dự thảo Sứ điệp gửi Cộng đoàn dân Chúa cũng hoạt động để trình bày trong phiên khoáng đại thứ 16, sáng thứ Bẩy 17-10-2009.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị một số ý tưởng nổi bật trong bản tường trình đúc kết ý kiến của các nghị phụ và dự thính viên, được phát biểu trong 10 ngày đầu tiên của khóa họp. Bản tường trình thật dài này đã được Ðức Hồng Y Peter Turkson, người Ghana, Tổng tường trình viên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu kỳ 2 đọc trong phiên khoáng đại thứ 14 chiều thứ Ba, 13-10-2009.

Tường trình của Ðức Hồng Y Turkson

Phần I của bản tường trình

Trong phần đầu, Ðức Hồng Y Turkson minh định rằng mặc dù phần lớn các tham dự viên Thượng Hội Ðồng Giám Mục này là người Phi châu hoặc có liên hệ tới Phi châu, nhưng điều này không thể làm thương tổn hoặc giảm bớt đặc tính Giáo Hội hoàn vũ thực sự của Công nghị này cũng như việc thực thi đoàn thể tính của hàng Giám Mục. Công nghị Giám Mục này là một việc thực hành tình hiệp thông của Giáo Hội. Vì thế, cũng như mỗi Thượng Hội Ðồng Giám Mục, công nghị cử hành mối liên hệ mật thiết giữa Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục, trợ giúp Giám Mục Roma trong sứ mạng hoàn vũ, cùng với ngài tìm hiểu và suy tư về những vấn đề và các đề tài liên hệ tới các hoạt động của Giáo Hội trên thế giới... Do đó, đây không phải chỉ là công chuyện của Phi châu mà thôi và cũng không phải là một đại hội với sự tham dự của những người không thuộc Phi châu. Ðúng hơn đây là một sự phân định của Giáo Hội hoàn vũ về cách thức làm sao duy trì cho buồng phổi tinh thần bao la của Phi châu được lành mạnh cho nhân loại, để thực hiện sứ mạng làm muối đất và ánh sáng.

Tiếp đến, Ðức Hồng Y Tổng tường trình viên lần lượt nhắc đến những điểm sáng và điểm tối trong tình hình xã hội, chính trị và Giáo Hội tại Phi châu đã được các nghị phụ nêu lên trong các bài phát biểu những ngày qua.

Chẳng hạn các Giáo Hội địa phương thẳng thắn nhìn nhận rằng phụ nữ và người trẻ trong các cộng đoàn của mình vẫn chưa được đề cao giá trị thích hợp, và họ chỉ được huấn luyện nghèo nàn về đức tin. Các nhà chính trị, cũng như những người khác dấn thân trong xã hội dân sự, không luôn luôn được tháp tùng và được huấn luyện thích hợp để có khả năng làm chứng tá đức tin trong cuộc sống và trong công việc làm của họ. Tiếp đến, chứng tá của Giáo Hội nhiều khi bị thương tổn vì những khó khăn mà một số nhân viên mục vụ gặp phải trong việc sống trung thành với lời khấn, với ơn gọi và bậc sống của họ.

Ðặc biệt về gia đình, nhiều nghị phụ than phiền về số phận mà gia đình đang gặp phải ở Phi châu, "quan niệm chân chính về hôn nhân và gia đình lành mạnh đang bị phá hủy" (Inst. labor.31). Sự ổn định và bất khả phân ly của gia đình bị đe dọa nghiêm trọng vì nghèo đói, xung đột, vì những tín ngưỡng và việc thực hành phù phép, bệnh tật, đặc biệt là bệnh HIV-Sida. Nhiều nghị phụ khác tố giác những cuộc tấn công khốc liệt chống gia đình và hôn nhân, xuất phát từ những môi trường ở ngoài Phi châu, và do những ý thức hệ ngoại lai, như muốn xóa bỏ sự khác biệt tự nhiên giữa nam nữ (gender), luân lý mới về tính dục, kỹ thuật truyền sinh, kế hoạch hóa gia đình, làm tuyệt đường sinh sản, công nhận hôn nhân đồng phái, v.v.

Nhiều nghị phụ cũng phê bình nạn tham ô hối lộ, trong các hợp đồng đầu tư, và nhất là trong việc khai thác các quặng mỏ ở Phi châu, việc công nghệ hóa vẫn còn yếu ớt tại đại lục này, những điều kiện do tổ chức Mậu dịch thế giới và các nước Tây phương thiết định là vấn đề sinh tử đối với nền kinh tế của nhiều nước Phi châu.

Phần II của bản tường trình

Phần thứ hai của bản tường trình có tính chất thần học nhiều hơn, qui hướng về Chúa Kitô như trọng tâm: Chúa Kitô là sự hòa giải của chúng ta, Ngài là công lý và là an bình của chúng ta, trước khi áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể.

Chẳng hạn các tham dự viên Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhìn nhận rằng nơi các phụ nữ và trẻ em, dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình và tình trạng thiếu hòa bình vì xung đột, có thể tổ chức họ thành những nhóm đặc biệt thăng tiến hòa bình trên toàn đại lục Phi châu. Và nơi nào thiếu hòa bình vì những phong tục và tập quán truyền thống có tính chất đàn áp, Thượng Hội Ðồng Giám Mục đề nghị thành lập những trung tâm nghiên cứu văn hóa để hướng dẫn việc duyệt lại và cải tổ các phong tục tập quán ấy.

Phần III của bản tường trình

Phần ba của bản tường trình sau các bài phát biểu ý kiến có tựa đề là "Các môn đệ, người phục vụ hòa giải, công lý, và hòa bình". Trong phần này có đoạn khẳng định rằng Giáo Hội gia đình của Thiên Chúa tại Phi châu phải ý thức về căn tính của mình, xét lại lối sống và hành động của mình, quan tâm tới chân lý và trong niềm trung thành với sứ mạng của mình. Các phần tử của Giáo Hội phải hòa giải với nhau trong Giáo Hội và noi gương Chúa Kitô Tôi Tớ. Sự hiệp thông giữa các mục tử, cuộc sống chứng tá của các vị, và việc đối xử với các nhân viên cũng là những lãnh vực cần được phân tích.

Các nghị phụ đề cao nghĩa vụ đầu tiên của "Giáo Hội - Gia đình của Thiên Chúa" ở Phi châu là tái lập gia đình Phi Châu trong phẩm giá và ơn gọi của mình, xét vì gia đình đang bị những ý thức hệ nguy hiểm đe dọa.

Các nghị phụ cũng lắng nghe tiếng kêu gọi nhiều phụ nữ Phi châu và Giáo Hội được mời gọi dấn thân chống lại những bất công đối với phụ nữ, cũng như làm sao để phụ nữ được nhìn nhận trong xã hội cũng như Giáo Hội, như những thành phần tích cực dấn thân trong đời sống Giáo Hội.

Trong lãnh vực xã hội tôn giáo, nhiều người dân Phi châu còn gặp sợ hãi và bấp bênh trong đời sống đức tin vì những nghi kỵ, ma thuật, các "lang băm" và tôn giáo huyền bí, các giáo phái lợi dụng sự yếu đuối và dốt nát của các tín hữu.. Các nghị phụ đề nghị tăng cường việc huấn giáo để giúp các tín hữu sống cuộc sống thường nhật phù hợp với đức tin Kitô. Một linh đạo quân bình có thể giúp các tín hữu Kitô chống lại sức ép của các giáo phái.

Các nghị phụ không quên đề nghị cải tiến việc huấn luyện giáo dân và sự dấn thân của họ, tăng cường việc sự dụng các phương tiện truyền thông xã hội thích hợp.

Trong phần kết luận bản tường trình đúc kết, Ðức Hồng Y Turkson viết:

"Các nghị phụ trong Thượng Hội Ðồng Giam Mục này xác quyết rằng Giáo Hội Gia đình của Thiên Chúa ở Phi châu phải được biến đổi từ bên trong và góp phần cải tiến đại lục cũng như thế giới trong tư cách là muối đất và ánh sáng thế gian. Công nghị GM này nhận định rằng, cùng với các chủ chăn và các cộng tác viên, Giáo Hội tại Phi châu thực thi sứ mạng tông đồ: giải thoát dân chúng tại đây khỏi mọi sợ hãi, thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa và trường kỳ, đồng thời huấn luyện vững chắc trong mọi lãnh vực: đức tin, huấn giáo, luân lý, truyền thông, văn hóa tình thương, hòa bình, công lý, hoán cải, cai trị và quản lý tốt, v.v. Ðối thoại ở mọi cấp độ, bênh vực các quyền lợi và các nhu cầu xã hội, mục vụ di dân và lưu động, thay đổi não trạng và tập quán, để loại trừ tàn tích của một quá khứ thực dân và bóc lột, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của sự hoàn cầu hóa và đáp ứng những thách đố do những điều kiện thương mại bất công, chủ nghĩa duy bộ tộc và trào lưu cực đoan gây ra.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page