Những vấn đề nổi bật được nêu lên
trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới
về Phi Châu
Những vấn đề nổi bật được nêu lên trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu.
Vatican [La Croix 11/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu đã bước sang tuần lễ thứ hai. Trong tuần lễ đầu tiên, các bài phát biểu của các nghị phụ đã phác hoạ được một số tiêu đề mà các tham dự viên được chia thành nhóm và ngôn ngữ sẽ thảo luận trong những ngày sắp tới.
Trong tuần lễ vừa qua, các phiên khoáng đại đã cho phép mỗi tham dự viên được phát biểu mỗi vị 5 phút. Qua các bài phát biểu mà Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã chăm chú lắng nghe, người ta có thể tổng hợp được một số điểm nổi bật.
Trước hết là ảnh hưởng của Tây Phương. Sự tiến triển của Tây phương và việc đánh mất những giá trị của nó đã khiến cho một số nhà lãnh đạo Công giáo tại Phi Châu thực sự lo ngại.
Ðức cha Philippe Ouedraogo, Tổng giám mục Ouagadougou, Burkina Faso, đã lên tiếng báo động: "Các cộng đồng tôn giáo và nhân bản của chúng tôi bác bỏ những thực hành đã được nhiều nước Kitô giáo Tây phương hợp pháp hóa như phá thai, đồng tính luyến ái, làm cho chết êm dịu. Khi thế giới đang trở thành một ngôi làng chung, thì các phương tiên truyền thông muốn áp đặt một tư tưởng duy nhứt này của Tây Phương".
Vị Tổng giám mục người Burkina Faso này không ngần ngại tố cáo điều mà ngài gọi là "một cuộc gây rối có tổ chức của truyền thông" nhân chuyến viếng thăm Cameroun và Angola của Ðức thánh cha dạo tháng 3 năm 2009. Theo Ðức cha Ouedraogo, "đây là một thứ bạo chúa của tư tưởng độc nhứt".
Về phần mình, Ðức cha Robert Sarah, nguyên Tổng giám mục Conakry, Guine, và hiện đang là thư ký của bộ truyền giáo, cảnh cáo: "Phi Châu cần phải tự bảo vệ khỏi sự lay lan của chủ nghĩa "vô liêm sĩ" trí thức của Tây Phương. Trách nhiệm mục vụ của chúng ta là phải soi sáng lương tâm người Phi Châu trước những mối nguy hiểm của thứ ý thức hệ "sát nhân" này".
Vấn đề nổi bật thứ hai được các vị nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu nêu lên là tình trạng nội bộ của Giáo hội tại lục địa này. Ðức cha Martin Munyanyi, giám mục Gweru, Zimbabwe nhấn mạnh đến tình trạng căng thẳng trong lòng một số giáo xứ vì những khác biệt chủng tộc và ngôn ngữ. Vị Giám mục này than phiền về những khuynh hướng "bộ lạc và chủng tộc" trong Giáo hội. Một cách chính xác và cụ thể hơn, Ðức cha Valentin Masengo, Giám mục Kabinda, cộng hòa dân chủ Congo, khuyên "nên làm sao để việc bổ nhiệm không bị điều kiện hóa bởi nguồn gốc bộ lạc và chủng tộc".
Về phần mình, Ðức hồng y Francis Arinze, cựu bộ trưởng bộ phụng tự và kỹ luật các bí tích, chủ tịch thừa ủy của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu, khuyên "phải làm cách nào để những người sống đời thánh hiến, các giảng viên giáo lý và nhân viên của các giáo xứ phải được trả lương một cách đúng đắn". Hơn nữa, các linh mục "không nên xem các của dâng cúng như thuộc riêng về giáo sĩ, mà cho người nghèo và Giáo hội nói chung".
Ðức cha Joseph Tlhagale, Tổng giám mục Johannesburg, kiêm chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Phi, còn đi xa hơn khi khẳng định: "Thách đố lớn nhứt của Giáo hội tại Phi Châu là thiếu ý chí tập thể để đẩy mạnh các quyết định đã làm". Theo Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Phi, các Hội đồng Giám mục vùng và lục địa đều thất vọng về tình trạng này. Ngài thú nhận: "Chính chúng ta tự đạp đổ các tổ chức của mình".
Một trong những vấn đề lớn khác của Giáo hội tại Phi Châu được các vị nghị phụ bắt mạch được là sự gia tăng các giáo phái tại lục địa. Nhiều vị nghị phụ, nhứt là tại các nước sử dụng tiếng Anh, tố cáo sự chiêu mộ tín đồ của các phong trào tin lành. Theo Ðức cha Alfred Adewale Martins, Giám mục Abeokuta, Nigeria, các nhóm Tin lành này nhắm đánh bại Giáo hội Công giáo mà họ gọi là " một Giáo hội chết".
Theo Ðức cha Adriano Langa, Giám mục Inhambane, Mozambique, các Giám mục Phi Châu cần phải tự vấn tại sao có tình trạng các tín hữu Công giáo bỏ Giáo hội để gia nhập vào các nhóm có cách sống và ngôn ngữ kỳ lạ này. Ðức cha Joseph Ake Yapo, Tổng giám mục Gagnoa, chủ tịch Hội đồng Giám mục Cote D'Ivoire nêu lên câu hỏi: "Phải chăng Giáo hội tại Phi Châu không nên đặt vấn đề việc "quản lý các tín hữu" trong khi thực thi quyền bính?"
Song song với hiện tượng các giáo phái, các nghị phụ Thượng hội đồng cũng nêu lên vấn đề Hồi Giáo tại Phi Châu. Nhiều Giám mục nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp với Hồi giáo tại lục địa. Ðức cha Ambroise Ouedraogo, Giám mục Maradi, Niger, hoan nghênh việc Ðức cha Michel Cartateguy, Tổng giám mục Niger, tham gia Ủy Ban quốc gia ngăn ngừa các cuộc xung đột. Theo ngài, sự kiện này cho thấy Giáo hội tại Niger được chính quyền đánh giá cao.
Về phần mình, Ðức cha Martin Albert Happe, Giám mục Nouakchott, Mauritania, giải thích rằng tại nước này, tuyệt đại đa số dân chúng theo Hồi giáo, tất cả tín hữu Công giáo đều là người ngoại quốc. Vậy mà trong số 120 người làm việc cho Caritas, có đến 110 người là tín đồ Hồi giáo.
Tuy nhiên, Ðức cha Claude Rault, Giám mục Laghouat, Algerie, lại nói đến mói quan hệ khó khăn giữa thế giới Á rập và thế giới Phi Châu, một phần cũng vì tình trạng nô lệ, mà những kẻ chủ trương lại là người Tây Phương.
Ðức cha Vincent Landel, Tổng giám mục Rabat, Maroc, chủ tịch Hội đồng Giám mục vùng Bắc Phi nói đến tình trạng không có tự do tôn giáo tại vùng Hạ Sahara.
Riêng Ðức cha Maroun Laham, Giám mục Tunis, bày tỏ mong ước rằng các Giáo hội thiểu số tại Bắc Phi sẽ được mời tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung Ðông sẽ diễn ra vào năm 2010.
Cuối cùng, một vấn đề khác được một số nghị phụ quan tâm tới là hiện tượng bỏ nước ra đi. Ðức cha Giovanni Martinelli, Giám quản Tông tòa tại Tripoli, Lybia, cho biết: có đến 10 triệu người, vì chiến tranh và nghèo đói, phải bỏ nước ra đi. Một số đến Lybia để tìm công ăn việc làm, một số tìm cách sang Âu Châu để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nói đến cuộc "xuất hành" này, Ðức cha Martinelli gợi lại thảm cảnh của "các phụ nữ bị cưỡng bách phải làm nghề mãi dâm và nô lệ, còn đàn ông thì rơi vào cảnh tù tội hoặc bị trục xuất, mà không được một sự trợ giúp pháp lý nào". Theo Ðức cha Martinelli, việc đón tiếp người tỵ nạn có thể gia tăng tính khả tín của Giáo hội trong thế giới Hồi giáo.
Chu Văn