Những bài phát biểu của các Dự thính viên

trong khóa họp

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II

 

Những bài phát biểu của các Dự thính viên trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II.

Vatican (Vat. 13/10/2009) - Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II đã tiến hành được hơn một nửa. Trong 10 ngày qua chúng tôi đã trình bầy nội dung các bài phát biểu của các nghị phụ. Hôm nay xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung một vài bài phát biểu của các dự thính viên, trong phiên khoáng đại thứ 9 chiều thứ Sáu mùng 9 tháng 10 năm 2009 và phiên khoáng đại thứ 10 sáng thứ Bẩy mùng 10 tháng 10 năm 2009.

1) Chiều thứ Sáu mùng 9-10-2009 đã có 4 dự thính viên phát biểu. Trước hết là ông Laurien Ntezimana, giáo sư thần học thuộc giáo phận Butare bên Rwanda. Ông đã kể lại kinh nghiệm là thần học gia giáo dân của mình trong việc kiếm tìm một nền tu đức mang dấu vết của tính chất đời, khiến cho giáo dân trở thành một người con của Giáo Hội sống động giữa lòng thế giới để biến đổi thế giới từ bên trong như men, muối, hơi thở và ánh sáng.

Năm 1990 sau khi kết thúc chương trình thần học tại đại học Công giáo Louvain bên Bỉ, ông đã viết một cuốn sách tựa đề "Các lời nói tự do của một thần học gia Rwanda: đề nghị tươi vui của sức mạnh tốt lành". Sức mạnh tốt lành mà ông nói tới ở đây là sức mạnh của Chúa Kitô, vì các sức mạnh khác đều là các sức mạnh giả dối, nghĩa là các ảo tưởng lừa dối con người. Sức mạnh tốt lành có ba khía cạnh: thứ nhất là sự an ninh hay không sợ hãi; thứ hai là sức mạnh để sống hay thái độ không chịu trận; và thứ ba là việc triệt để tiếp nhận người khác hay thái độ không loại trừ tha nhân. Ðiều mà ông gọi là nguyên lý của "sức mạnh tốt lành", như thế, là việc diễn tả các nhân đức đối thần ra một cách cụ thể.

Giữa các năm 1990-1994 giáo sư Ntezimana đã dùng nguyên lý "sức mạnh tốt lành" trong lãnh vực linh hoạt thần học, mà Ðức Cha Jean Baptist Gahamanyi, Giám Mục giáo phận Butare, đã trao phó cho ông, để đào tạo hàng lãnh đạo các cộng đoàn Kitô cho chiều kích công cộng của lòng tin. Giữa tháng 4 và tháng 7 năm 1994 khi xảy ra cuộc diệt chủng chính nguyên lý "sức mạnh tốt lành" đã giúp ông sống còn và dùng mọi sức lực của mình để trợ giúp các anh chị em đồng chủng tộc Tutsi. Rồi giữa các năm 1994-1999 giáo sư Ntezimana đã sử dụng nguyên lý "sức mạnh tốt lành" để đào tạo các nam nữ linh hoạt viên đem Tin Mừng tới cho dân chúng sống trên các vùng đồi núi của Butare, trong bối cảnh kinh hoàng sau cuộc diệt chủng.

Công việc này đã khiến cho ông được giải thưởng của tổ chức Công Lý và Hòa Bình quốc tế năm 1998. Năm 1999 giữa hàng giáo sĩ giáo phận và ông đã xảy ra cảnh chia tay như giữa thánh Phaolô và Barnaba (Cv 15,39), ông đã lại dựa trên "sức mạnh tốt lành" để thành lập hiệp hội "Khiêm tốn và Vô tội". Từ năm 2000 cho đến nay, tuy gặp nhiều khốn khó và cả cảnh bị tù nữa, hiệp hội đã hoạt động và thành công trong việc hòa giải người Rwanda với nhau. Do đó năm 2003 hội đã nhận được giải thưởng "Theodor Haecker cho lòng can can đảm chính trị và liêm chính" do thành phố Esslingen am Neckar trao tặng, nhìn nhận dấn thân của hội trong việc hòa giải dân nước Rwanda.

2) Dự thính viên thứ hai phát biểu chiều ngày thứ Sáu mùng 9-10-2009 là anh Armand Garin, đặc trách các Tiểu Ðệ Chúa Giêsu các nước vùng Bắc Phi châu là Algeria và Maroc.

Anh cho biết trong các nước vùng Magreb có đại đa số dân theo Hồi giáo, một vài Kitô hữu noi gương Chúa Giêsu Nagiarét và theo vết chân của chân phước Charles de Foucauld trung thành với Tin Mừng cố gắng sống tình huynh đệ với các người chung quanh và các bạn bè người hồi. Họ xác tín rằng có thể sống một cuộc sống chia sẻ, lắng nghe, tiếp đón và phục vụ đích thật bằng cách sống gần gũi các anh chị em hồi, đặc biệt là những người nghèo nàn bé nhỏ. Ðiều này đòi buộc phải hiểu biết các truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ từ bên trong. Khi đó với các người hồi cũng tin nơi Thiên Chúa duy nhất, có thể nảy sinh ra một tình liên đới thiêng liêng, qua các cử chỉ đôi khi có mùi vị vĩnh cửu và là dấu chỉ của một sự hiệp thông đích thật. Chúa Giêsu hiện diện một cách mầu nhiệm trong các cuộc gặp gỡ đó với các anh chị em hồi.

3) Dự thính viên thứ ba phát biểu chiều ngày thứ Sáu mùng 9-10-2009 là giáo sư Raymond Ranjeva, người Madagascar, nguyên phó chủ tịch Tòa Án Công Lý Quốc Tế Hòa Lan và là thành viên của Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Ông đã nói về các khía cạnh khác nhau của sự thật liên quan tới các sự kiện, các dấn thân và việc thi hành trách nhiệm và sống chứng tá. Nó quan trọng đối với việc hòa giải, vì chân lý khước từ việc lèo lái thù hận và làm sai lạc hòa giải, nó giúp lượng định đúng đắn các tình trạng bất công và xung khắc và sửa chữa các tình trạng đó. Ðặc biệt việc áp dụng giáo huấn xã hội của Hội Thánh vào lãnh vực luân lý, luật lệ và cơ cấu có thể giúp thay đổi tâm thức và các cơ cấu, và đây là bổn phận của toàn thể Giáo Hội.

4) Dự thính viên thứ tư phát biểu chiều ngày thứ Sáu mùng 9-10-2009 là bà Elena Giacchi, bác sĩ sản khoa thuộc Trung tâm nghiên cứu diều hòa sinh sản tự nhiên của Ðại học Thánh Tâm Roma, kiêm chủ tịch Ủy ban phối hợp quốc gia Italia về phương pháp ngừa thai tự nhiên.

Theo bà việc dậy dỗ và phổ biến phương pháp ngừa thai tự nhiên trên toàn thế giới luôn luôn đồng hành với các đề nghị một kiểu sống thăng tiến tình yêu hôn nhân, sự hiệp nhất gia đình, việc tôn trọng nữ giới, và rộng mở tiếp đón sự sống. Mọi cặp vợ chồng thuộc mọi trình độ, tôn giáo và tình trạng xã hội đều có thể áp dụng phương pháp đơn sơ này một cách hữu hiệu. Nó được tín hữu mọi tôn giáo chấp nhận. Nhờ đó hai vợ chồng có thể điều khiển việc có con hay không có con một cách tự nhiên trong mọi tình trạng của cuộc sống.

Ngoài việc thăng tiến gia đình và việc sinh con cái có trách nhiệm trong việc tôn trọng sự sống, tình yêu và lòng chung thủy, phương pháp này cũng giúp tránh phá thai, hay thụ thai nhân tạo, ngăn ngừa các thứ bệnh trong lãnh vực tính dục, dậy dỗ người trẻ sống tính dục trưởng thành bao gồm các khía cạnh tinh thần thể xác và tâm lý. Nó cũng giúp phổ biến các giá trị nhân bản và Kitô, và góp phần tích cực vào dấn thân mục vụ và công tác truyền giáo.

5) Sáng ngày mùng 10-10-2009 sau phiên họp khoáng đại thứ 10 đã có 4 dự thính viên phát biểu trước các nghị phụ. Trước hết là ông Edem Kodjo, nguyên tổng thư ký Tổ chức Liên Hiệp Phi châu, nguyên thủ tướng Togo, và hiện là giáo sư khoa Giáo phụ tại Học viện St. Paul Lomé, thủ đô Togo.

Trong bài phát biểu giáo sư đã nhấn mạnh các điểm sau đây: thứ nhất Giáo Hội tại Phi châu tiến triển, nhưng tình hình đại lục này ít tốt đẹp hơn, vì có qúa nhiều bất công làm nảy sinh ra các xung đột trầm trọng. Các bất công và áp bức ấy hiện diện trong các lãnh vực chính trị, kinh tế xã hội và cả tôn giáo nữa. Thứ hai, chính vì thế Phi châu cần có hòa giải và hòa bình giữa các chủng tộc và các quốc gia để có thể tiến triển. Giáo sư Kodjo đưa ra câu hỏi tại sao người Phi châu lại không hòa giải được với nhau? Làm thế nào để giúp họ hòa giải với nhau? Và mục đích của sự hòa giải là gì? Tiếp đến giáo sư đã khai triển đề tài của Thượng Hội Ðồng Giám Mục liên quan tới sự hòa giải, công lý và hòa bình lồng khung trong bối cảnh hiện nay của Phi châu. Rồi ông đề cập tới vai trò của giáo dân Kitô như là "muối đất và ánh sáng thế gian" với các tiền đề là sự ý thức và việc đào tạo. Sau khi khai triển về việc đào tạo giáo sư Kodjo đã đưa ra một số các đề nghị khác nhau.

6) Dự thính viên thứ hai phát biểu là bà Genevière Amalia Mathide Sanze, người Côte d'Ivoire, phụ trách tổ chức Công trình của Ðức Maria thuộc phong trào Tổ Ấm. Bà cho biết phong trào Tổ ấm đã hiện diện trong vùng Phi châu nam sa mac Sahara từ năm 1963, và lan tràn sang mọi quốc gia phi châu khác. Hiện nay có tới 170 ngàn người sống theo linh đạo của phong trào xây dựng trên sự hiệp thông và thực thi Tin Mừng. Phong trào đào tạo các "con người mới" được canh tân bởi Tin Mừng trong mọi khía cạnh cuộc sống, nên có thể góp phần biến đổi xã hội, thăng tiến hòa giải công lý và hòa bình. Năm 2000 chị Chiara Lubich sáng lập viên phong trào đã viếng thăm chủng tộc Fontem bên Camerun, và đề nghị với họ sống yêu thương hòa bình và hòa giải, mỗi người trong tín ngưỡng và tập tục của mình. Cùng với nhà vua mọi người đã đề ra các chương trình cụ thể và thực hiện trong 10 làng khác nhau: các thành phần trong cùng gia đình hay trong thôn xóm đã xin lỗi và hòa giải với nhau. Ngày nay có 16 tộc trưởng cùng với bộ tộc của họ tham gia chương trình Truyền giáo mới này.

Năm 1992 chị Chiara Lubich cũng thành lập một trường hội nhập văn hóa tại Nairobi bên Kenya, để đem Tin Mừng vào các nền văn hóa phi châu dưới ánh sáng đặc sủng hiệp nhất của phong trào. Mỗi khóa học đào sâu một đề tài như các truyền thống phi châu, Kinh Thánh và huấn quyền của Giáo Hội.

7) Người thứ ba phát biểu sáng ngày mùng 10-10-2009 là nữ tu Jacqueline Manyi Atabong, người Camerun, Phụ tá bề trên tổng quyền dòng Thánh Terexa Hài đồng Giêsu thuộc giáo phận Buca, điều hợp viên Ủy ban công giáo quốc tế đặc trách mục vụ nhà tù.

Chị Jacqueline nói xã hội ngày nay sống trong sợ hãi vì nạn tội phạm gia tăng. Cho tới nay hệ thống tư pháp tỏ ra vô hiệu, và các phương pháp đối xử với tù nhân thường có tính cách vô nhân, bạo lực và đàn áp, đôi khi gây thiệt mạng cho họ. Nhà tù thường qúa chật chội không đủ chỗ và các cơ cấu hạ tầng không thích hợp. Các quyền lợi của tù nhân không được tôn trọng và việc tái hội nhập các tù nhân gặp nhiều khó khăn. Tại rất nhiều nước không có công tác tông đồ mục vụ cho các tù nhân. Chính trong bối cảnh này Giáo Hội có cơ may thi hành sứ vụ hòa giải của mình, trước hết bằng cách sống hòa giải cũng như thành lập các văn phòng tuyên úy mục vụ nhà tù trên bình diện quốc gia, giáo phận và giáo xứ bằng cách lôi cuốn sự tham gia của các cộng đoàn, và tổ chức các khóa đào tạo các nhóm cho công tác này. Một trong các phương thức giúp tái phục hồi các tù nhân đó là "công lý bồi bổ chữa lành" giúp người tù gặp gỡ để cùng nhau ý thức hậu qủa các hành động của họ, chia sẻ các cảm nghĩ cũng như các hối hận về các vết thương đã gây ra cho người khác, cho xã hội và cho chính mình.

8) Sau cùng là lời phát biểu của bác sĩ Pierre Titi Nwell, người Camerun, điều hợp viên Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Camerun. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng việc nhân dân tự do bầu cử giới lãnh đạo và kiểm soát hành động của họ. Rất tiếc là tại đa số các nước phi châu việc lên nắm quyền vượt thoát sự kiểm soát của người dân và giới lãnh đạo muốn làm gì thì làm. Ðây là lý do gây ra rất nhiều dau khổ cho các dân tộc Phi châu. Giáo Hội cần đồng hành với các dân tộc Phi châu trong việc phát huy dân chủ, thăng tiến ý thức trách nhiệm và quyền tự do của người dân đối với các thực tại chính trị dân sự, trong việc bầu cử và cả việc truất phế hàng lãnh đạo, khi họ bất xứng và không phục vụ công ích. Ngoài ra cũng cần phải có các tổ chức để cản ngăn việc tiếm quyền qua các luật lệ xấu xa.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page