Các phụ nữ tham dự

Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu

nêu lên vấn đề kỳ thị đối với phụ nữ

 

Các phụ nữ tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu nêu lên vấn đề kỳ thị đối với phụ nữ.

Vatican [CNS 10/10/2009] - Các phụ nữ tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu kêu gọi các Ðức giám mục hãy đương đầu với vấn đề kỳ thị phụ nữ tại lục địa này.

Bề trên tổng quyền các nữ tu Nữ vương các thánh tông đồ nêu lên một vấn đề mà ít nhứt một vị giám mục gọi là "cơn ác mộng". Vị nữ tu này kêu gọi các nghị phụ Thượng hội đồng hãy thử tưởng tượng một Giáo hội không có phụ nữ.

Phát biểu hôm thứ Sáu 9 tháng 10 năm 2009, Nữ tu Felicia Harry, bề trên tổng quyền của dòng nữ tu Nữ vương các thánh tông đồ tại Ghana, nói rằng các phụ nữ rất sung sướng được "dạy giáo lý cho trẻ em, trang hoàng các nhà thờ, giặt giũ và vá áo lễ", nhưng họ cũng muốn có mặt trong các Hội đồng Giáo xứ và Giáo phận.

Theo nữ tu Harry, phụ nữ muốn "cộng tác không những chỉ để thi hành các quyết định có sẵn", mà còn để làm các quyết định nữa.

Nữ tu bề trên tổng quyền dòng nữ tu Nữ Vương các thánh tông đồ tại Ghana nói: "Chúng tôi không muốn lấn lướt trách nhiệm của linh mục quản xứ; chúng tôi chỉ muốn là những người thợ bình đẳng trong vườn nho của Chúa mà thôi". Nữ tu mời gọi các nghị phụ Thượng hội đồng hãy dành ra hai phút để thử tưởng tượng các nhà thờ sẽ như thế nào nếu không có sự hiện diện và dấn thân của các phụ nữ.

Trong một cuộc họp báo sau bài phát biểu của nữ tu Harry, Ðức cha Charles Palmier Buckle, Tổng giám mục Accra, Ghana nói rằng ngài không dám tưởng tượng điều nữ tu này đề nghị. Vị Tổng giám mục này cho biết: tại Phi Châu, có đến 75 phần trăm tín hữu của các Giáo hội là phụ nữ. Ngài nói: "Không có phụ nữ, tôi nghĩ rằng phần lớn các nhà thờ sẽ nhàm chán và chúng ta sẽ không thể dâng lời cầu nguyện một cách nghiêm chỉnh cho các vấn đề quan trọng".

Ðức cha Buckle nói rằng nữ tu Harry đã hoàn toàn có lý khi mời gọi các Ðức giám mục hãy nhìn nhận sự đóng góp của phụ nữ và phải làm sao để tiếng nói của họ được lắng nghe và tài năng của họ được xử dụng ở mọi quy mô của giáo hội.

Nữ tu Pauline Odia Bukasa, bề trên tổng quyền các nữ tu của Ðức Bà Maria tại Congo, nói rằng phụ nữ tại Phi Châu "bị đẩy ra bên lề" ở mọi phương diện, bị loại trừ khỏi các chương trình phát triển và là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh.

Nữ tu Bukasa tuyên bố: "Giờ đây, khi Giáo hội tại Phi Châu dấn thân hoạt động cho sự hòa giải của con cái mình, không thể quên được người phụ nữ nữa. Chúng tôi, những người mẹ và những người sống đời thánh hiến, xin các nghị phụ hãy thăng tiến phẩm giá của phụ nữ và cho họ có nhiều không gian cần thiết để phát huy tài năng của họ trong các cơ cấu tổ chức của Giáo hội và xã hội".

Về phần mình, Nữ tu Genevieve Uwamarya, thuộc Dòng Ðức Bà Namur, một người sống sót từ cuộc diệt chủng tại Rwanda nói trước Thượng hội đồng rằng cuộc sống của chị đã thay đổi nhờ làm việc cho một nhóm phụ nữ Công giáo có tên là "các bà của Lòng Chúa Nhân Từ". Ba năm sau khi hầu hết mọi người trong gia đình chị bị sát hại trong cuộc xung đột bạo động giữa người Hutu và người Tutsi hồi năm 1994, các "bà của Lòng Chúa Nhân từ" đã đến thành phố kêu gọi những người bị giam giữ vì tội diệt chủng hãy xin những người còn sống tha thứ để giải thoát người còn sống sót khỏi gánh nặng của hận thù và ước muốn báo thù. Các bà này cũng kêu gọi những người còn sống sót hãy tha thứ cho những kẻ gây ra tội ác.

Nữ tu Uwamarya cho biết: khi chị vào nhà tù, một tù nhân đã bật khóc và quỳ gối trước mặt chị, xin được tha thứ. Chị nói với anh: "anh vẫn mãi mãi là người anh em của tôi".

Nữ tu nói rằng "hội các bà của lòng Chúa Nhân Từ" và các hội tại các giáo xứ đã cho phép các tội nhân và các nạn nhân được đến với nhau: điều này chứng tỏ rằng tái lập tình yêu và hàn gắn các vết thương để giúp nhau được giải thoát là điều có thể thực hiện được.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page