Phiên họp ngày 12/10/2009 của

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2

 

Phiên họp ngày 12/10/2009 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2.

Vatican (Vat. 12/10/2009) - Hôm 12-10-2009, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu kỳ 2 bắt đầu tuần lễ thứ 2 trong 3 tuần nhóm họp, với 2 phiên khoáng đại thứ 11 và 12, sáng và chiều, trước sự hiện diện của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 và hơn 220 nghị phụ. Mọi người đã lắng nghe các bài phát biểu của 20 nghị phụ, sau đó ý kiến của nhiều dự thính viên nam nữ.

Các vị đã đề cập đến vấn đề di dân nội địa, quan hệ với các tôn giáo truyền thống ở Phi châu. Hai Giám Mục người Nigeria kêu gọi Thượng Hội Ðồng Giám Mục này đẩy mạnh việc giáo dục các tín hữu về sự hiện hữu của ma quỷ, và loại bỏ các trò phù phép, phù thủy, và các hình thức mê tín khác. Một Giám Mục Congo tố giác các vụ bạo hành, hãm hiếp ồ ạt chống lại các phụ nữ ở Phi châu như một "võ khí chiến tranh". Ðức Hồng Y Napier, người Nam Phi, cảnh giác chống lại các chế độ độc tài, độc đảng, v.v.

Sáng thứ Ba ngày 13-10-2009, trong phiên họp khoáng đại thứ 13, các nghị phụ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, đặc biệt là các bài phát biểu của đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em, gồm Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành. Sau đó, trong phiên họp ban chiều, Ðức Hồng Y Turkson, người Ghana, Tổng tường trình viên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục hiện nay sẽ đọc bản đúc kết các bài phát biểu trong 10 ngày trước đó, đồng thời xác định các vấn đề cần được đào sâu trong các phiên họp nhóm kể từ sáng thứ Tư 14-10-2009.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung các bài phát biểu của một số nghị phụ trong những ngày qua:

1) Ðức Hồng Y Bernard Agré, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Abidjan, Côte d'Ivoire, tố giác nhiều tổ chức tài chánh quốc tế đưa các quốc gia trẻ tại Phi châu vào vòng nợ nần. Ngài nói:

"Cũng như tất cả các nước đã có tổ chức, các quốc gia trẻ tại Phi châu đã phải tìm đến các ngân hàng quốc tế và các tổ chức tài chánh khác để thực hiện nhiều dự án nhắm phát triển đất nước. Rất nhiều khi các giới lãnh đạo ít được chuẩn bị của các nước này không để ý nên đã rơi vào tròng của những người có thể được gọi là 'những kẻ sát nhân tài chánh', những kẻ bóc lột do các tổ chức đầy kinh nghiệm gửi tới, và đề nghị những hợp đồng thiếu lương thiện, nhắm làm giầu cho các tổ chức tài chánh quốc tế, vốn được sự nâng đỡ khéo léo của các quốc gia hoặc các tổ chức khác, can dự vào âm mưu im lặng và gian dối.

Những kẻ sát nhân tài chánh thu được những lợi lộc kếch xù. Cũng vậy đối với các công ty liên quốc và một số nhân vật hùng mạnh của chính quốc gia đó, họ làm bình phong cho các công việc kinh doanh với nước ngoài như vậy. Thế là phần lớn các nước Phi châu tiếp tục mòn mỏi trong nghèo đói và trong sự thất vọng mà hệ thống bất chính ấy gây ra.

"Những kẻ sát nhân tài chánh ấy" mang những số tiền to lớn cho vay mượn, thỏa thuận với những nhà lãnh đạo địa phương, làm sao để với hệ thống lãi xuất, các nước nghèo ấy không bao giờ có thể hoàn toàn hoàn trả số tiền vay mượn trong thời gian ngắn. Các khế ước thi hành và bảo trì thường được dành cho các đại diện của chủ nợ, dưới hình thức độc quyền. Các nước vay mượn tiền phải cho các nước chủ nợ độc quyền khai khác các nguồn tài nguyên của mình. Và thế là dân chúng tại các nước đó, qua bao thế hệ, bị ràng buộc, trở thành tù nhân cho hệ thống bóc lột như vậy trong nhiều năm trời. Ðể trả những món nợ không bao giờ cạn ấy, giống như chiếc gươm của Democles trên đầu mình, các quốc gia con nợ phải dành từ 40 đến 50% tổng sản lượng quốc gia.

"Bị kìm kẹp như thế, quốc gia con nợ thật là khó thở, phải thắt lưng buộc bụng trước vấn đề đầu tư, và những chi tiêu cần thiết cho việc giáo dục, y tế, phát triển nói chung.

"Tình trạng nợ nần ấy nhiều khi trở thành một cái bình phong chính trị để không thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng, từ đó nảy sinh tình trạng bất mãn nơi dân chúng, và những xáo trộn xã hội, v.v. Ông John Perkins (Ed. Al Terre) đã mô tả rất rõ hậu trường của viện trợ quốc tế vốn không bao giờ hữu hiệu trong việc trợ giúp phát triển lâu dài.

Ðức Hồng Y Agré nói thêm rằng:

"Vấn đề chủ yếu ngày nay là ước muốn, là ý chí bãi bỏ mọi hình thức nô lệ. Các thế hệ mới, những người trẻ tại một vài nước đã phát triển và tại thế giới thứ ba, đang ý thức rằng thay đổi thế giới, thay đổi những huyền thoại và những ảo tưởng của thế giới là một dự phóng thực tế và có thể thực hiện được. Từ đó đã nảy sinh các tổ chức Phi chính phủ để bảo vệ môi sinh và bênh vực quyền lợi của các dân tộc bị áp bức.

Giáo Hội, trong tư cách là ánh sáng thế gian, có thể thi hành vai trò ngôn sứ của mình, phải dấn thân cụ thể trong cuộc chiến đấu này để làm cho sự thật trổi vượt lên. Từ nhiều năm nay, các chuyên gia biết rằng phần lớn các món nợ đã được trả lại rồi. Xóa bỏ hoàn toàn các món nợ ấy không phải là một hành vi bác ái, nhưng là điều thuộc về đức công bằng. Vì thế, Thượng Hội Ðồng Giám Mục này cần cứu xét vấn đề nợ nần đang ảnh hưởng nặng nề tới một số dân tộc.

Ðể không chỉ dừng lại ở khía cạnh tình cảm, tôi đề nghị lập một Ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia tài chánh, các mục tử am tường vấn đề, những người thuộc các nước giàu và nước nghèo, để cứu xét vấn đề. Ủy ban này được ủy thác 3 sứ mạng:

- nghiên cứu xem hoạt động có thể hủy bỏ nợ nần hay không, vì hiển nhiên là hoàn cảnh khác nhau mỗi nơi.

- đề ra các biện pháp phòng ngừa để tránh rơi vào cùng một tình trạng nợ nần.

- canh chừng một cách cụ thể việc sử dụng minh bạch những số tiền tiết kiệm được, để thực sự mưu ích cho tất cả những yếu tố trong các tầng lớp xã hội: các nông dân và dân chúng tại thành thị.

- Tránh làm sao để những người, những nơi và những người ngoại quốc được lợi lộc từ những nguồn dồi dào như vậy vẫn là những người cũ như từ trước đến nay.

2) Ðức Cha Ignatius Chama, Giám Mục giáo phận Mpika bên Zambia, trong bài phát biểu cũng tố giác những bất công trong nền kinh tế và nông nghiệp mà nhiều miền quê ở Phi châu, trong đó có giáo phận của ngài phải chịu. Ðức Cha nói:

"Tôi muốn nhấn mạnh nơi đây cuộc khủng hoảng kinh tế địa phương mà tôi và dân tộc chúng tôi đang trải qua trong giáo phận miền quê ở miền đông bắc Zambia. Ðó là cuộc khủng hoảng về nông phẩm thu hoạch của các nông dân. Họ làm việc không biết mệt mỏi, nhưng nông phẩm của họ không đi vào thị trường được hoặc không được trả giá đúng mức. Nguyên do cuộc khủng hoảng là vì những nhà đầu tư nước ngoài cung cấp cho các siêu thị của họ những nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Cuộc khủng hoảng này là do những đường lối thương mại, nội địa hoặc quốc tế, với những hàng hóa được tài trợ, nhập khẩu từ Âu châu, bán với giá rẻ khiến cho các nông sản địa phương không cạnh tranh nổi. Ðây là một sự cạnh tranh bất chính.

Ngoài ra, tại Zambia ngày nay, các miền quê của chúng tôi còn phải đương đầu với chiến dịch đón nhận một kiểu mẫu nông nghiệp biến thái hệ di truyền. Ðây là điều đã bị tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này phê bình trong số 58.

Những động thái bất chính ấy là dấu hiệu cho thấy có hố chia cách ngày càng sâu rộng giữa thành thị và thôn quê, đe dọa sự phát triển toàn diện và lâu dài của Zambia ngày nay. Cả chính phủ Zambia cũng nói với chúng tôi rằng sự nghèo đói tại thành thị giảm bớt trong những năm gần đây, nhưng nạn nghèo đói tại miền quê thì lại gia tăng đáng kể.

Ðức Cha Chama đặt câu hỏi:

"Nhưng Thượng Hội Ðồng Giám Mục này có thể làm được gì đứng trước tình trạng như vậy? Tôi chỉ muốn nhắc nhở anh em Giám Mục của tôi rằng chính Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1994 đã đón nhận một yêu cầu tương tự về sự công bằng kinh tế qua lời mời gọi hãy ủng hộ chiến dịch trong Năm Thánh kêu gọi xóa nợ, và lời kêu gọi ấy đã trở thành tại Zambia bước tiến quan trọng hướng đến sự nhân bản hóa lãnh vực kinh tế tại Zambia và các nơi khác. Ngày nay chúng ta cũng cần một lời kêu gọi tương tự về công bằng, chẳng hạn trong việc đương đầu với chính sách thương mại như Hiệp định đối tác kinh tế giữa Phi châu và Âu Châu, cũng như những quan tâm về môi sinh như sự hâm nóng trái đất.

"Vì thế, tôi xin Thượng Hội Ðồng Giám Mục này ủng hộ những lời thỉnh cầu thực hiện một nền kinh tế công bằng hơn, bảo vệ các quyền lợi và tương lai dân chúng tại miền quê."

3) Ðức Cha Martin Munyanyi , Giám Mục giáo phận Gweru bên Zimbabwe ở miền nam Phi châu, cũng nói đến những bất công và nghèo đói đồng thời kêu gọi thực thi hòa giải lâu bền và công bằng trong bối cảnh khó khăn ấy. Ngài nói:

"Giáo Hội tại Zimbabwe đánh giá rất cao tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, để ý đến những vấn đề mà đất nước chúng tôi rất quan tâm, như nạn nghèo đói, bạo lực, thái độ không nhìn nhận phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số, và cả những vấn đề liên quan đến công bằng trong Giáo Hội, như những điều kiện làm việc của những người làm việc cho Giáo Hội.

"Zimbabwe đã trải qua những kinh nghiệm xã hội chính trị rất khó khăn và vô nhân đạo, có từ thời thuộc địa và hậu thuộc địa, những vấn đề này cần cấp thiết được giải quyết. Trong khi tìm kiếm hòa giải lâu bền, thật là điều sai lầm khi yêu cầu dân chúng phải quên đi quá khứ.

"Cần có sự hòa giải không những trong quốc gia nói chung nhưng cả trong Giáo Hội nữa, xét vì chúng ta thấy sự căng thẳng gia tăng tại một số giáo xứ chúng tôi do sự khác biệt ngôn ngữ và chủng tộc.

"Tại Phi châu, khi chúng ta nói về công bằng, công lý, chắc chắn là chúng ta nói về những phe liên hệ, và gồm cả các gia đình nữa. Các cộng đoàn cần tụ họp lại để thảo luận những vấn đề của mình, theo phong tục của Phi châu. Cần có một sự công bằng phân phối và chữa lành trước khi một phe liên hệ bị tử vong. Các vấn đề công bằng trong Giáo Hội có liên hệ tỏ tường tới sự kiện các công nhân của chúng ta không được trả lương xứng đáng và có những linh mục sử dụng tiền bạc của Giáo Hội một cách sai trái, gây thiệt hại cho cộng đoàn. Ngoài ra trong Giáo Hội địa phương, vẫn còn những thành kiến đối với trẻ nữ, ví dụ trẻ nữ thì bị phạt còn trẻ nam thì không. Trong tư cách là Giáo Hội địa phương, chúng tôi đã thành lập các cơ cấu Ủy ban công lý và hòa bình để cứu xét các khía cạnh lịch sử tiêu cực trong kinh nghiệm chúng ta.

Toàn thể các công tác ấy phải bắt đầu từ gia đình, như ÐTC Biển Ðức 16 đã nói rất đúng: "Gia đình là nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế được về hòa bình.. vì gia đình giúp có được những kinh nghiệm quan trọng về hòa bình".

Khi làm như thế, cần phải coi trọng những lời Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói: "Không có hòa bình nếu không có công lý, và không có công lý nếu không có tha thứ". Ðó là vương quốc công lý mà Tài liệu làm việc đã cổ võ khi tóm tắt sứ điệp tin mừng về hòa giải, công lý và hòa bình".

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page