Phiên họp ngày 9/10/2009

của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II

 

Phiên họp ngày 9/10/2009 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II.

Vatican (Vat. 9/10/2009) - Trong hai phiên họp khoáng đại thứ 8 và thứ 9 sáng và chiều thứ Sáu 9-10-2009, đều có sự hiện diện của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI và hơn 220 nghị phụ.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 tiếp tục ở trong giai đoạn lắng nghe. Mỗi nghị phụ được phát biểu tối đa 5 phút. Các bài phát biểu nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giáo dục như phương thế xây dựng hòa giải, công lý và hòa bình; nhu cầu hòa bình tại vùng Ðại Hồ bên Phi châu và năm linh mục. Vào cuối phiên nhóm, đã có một số dự thính viên lên tiếng. Trong phiên họp ban chiều 9/10/2009 từ lúc 4 giờ rưỡi, có bài phát biểu của ông Rudolf Adada, nguyên trưởng các sứ bộ hòa bình của Liên hiệp Phi châu về vùng Dafur bên Sudan. Một số nghị phụ khác lên tiếng về các vấn đề liên quan tới phá thai mà các tổ chức quốc tế liên kết một cách sai lầm với vấn đề "sức khỏe sinh sản".

Chiều thứ Năm, 8-10-2009, phiên họp khoáng đại thứ 7 ngắn hơn thường lệ và chấm dứt lúc 5 giờ chiều, để các nghị phụ có thể cùng với ÐTC tham dự buổi hòa nhạc tại Thính đường ở đường Hòa Giải lúc 6 giờ rưỡi chiều, nhân kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ 2 bùng nổ. Buổi hòa nhạc do Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cùng với Ðại sứ quán Ðức cạnh Tòa Thánh, Diễn đàn Văn Hóa Mainau, và Ủy ban Do thái quốc tế về liên tôn, cùng bảo trợ. Ban nhạc gồm các nhạc sĩ trẻ đến từ 10 quốc gia và đã trình diễn các bản nhạc của Gustav Mahler và Felix Mendelssohn Bartholdy. Cả hai đều là những nhà sáng tác gốc người Do Thái, nhưng rồi đã chịu phép rửa tội, một người trở thành Công Giáo và một người trở thành Tin Lành. Cả hai đều tuyên bố chống nạn bài người Do thái.

Lên tiếng vào cuối buổi hòa nhạc, ÐTC nhắc đến chiến tranh do Ðức quốc xã gây ra, gây chết chóc cho bao nhiêu người tại Âu Châu và các đại lục khác, nhất là thảm trạng diệt chủng Do thái. Ngài cũng nói đến khát vọng tự do và hòa bình và kêu gọi cùng nhau xây dựng nền văn minh đích thực.

Các ý kiến

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung bài phát biểu của một số nghị phụ trong các phiên nhóm trong những ngày qua của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2.

1) Ðức Cha Orlando Quevedo, dòng tận hiến thừa sai Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Tổng Giám Mục giáo phận Cotabato bên Phi luật tân, tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục này với tư cách là Tổng thư ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á châu, trong bài phát biểu, đã nói đến những thách đố chung của Giáo Hội tại Á và Phi châu. Ngài nói:

"Giống như tại Á châu, nhu cầu hòa giải, công lý và hòa bình tại Phi châu cũng có chiều kích hoàn vũ. Chẳng hạn vấn đề buôn bán khí giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, sự phá hủy môi sinh, nạn tham nhũng, sự ủng hộ các chế độ độc tài, kiểm soát sinh sản, di dân, nghèo đói và chậm tiến, sự hoàn cầu hóa kinh tế, hiện tượng trái đất bị hâm nóng và thay đổi khí hậu. Những điều trên đây xảy ra nhất là vì có những quyết định do các cường quốc phương bắc đề ra và áp đặt cho dân chúng tại các nước nghèo miền nam.

"Những vấn đề có tính chất hoàn cầu thì cũng đòi phải có một câu trả lời có chiều kích hoàn vũ. Chúng ta có câu trả lời với một chiều kích đức tin rất đặc thù. Chúng ta có nhân sinh quan, có vũ trụ quan dưới ánh sáng đức tin. Con người có nguồn gốc bởi Chúa và có một vận mạng vĩnh cửu. Toàn thể nhân loại đang lữ hành hướng về Nước Thiên Chúa. Thụ tạo đang rên xiết chờ ngày Chúa tái lâm. Chúng ta tin nơi Giáo Hội như một gia đình của Thiên Chúa, như một cộng đồng hiệp thông, có ơn gọi công bố Chúa Giêsu là Chúa và là Ðấng Cứu Thế, và rao giảng rằng Nước Thiên Chúa đã đi vào lịch sử chúng ta nơi con người của Chúa Giêsu.

Từ nhãn giới trên đây, Ðức Tổng Giám Mục Quevedo đề nghị "một cơ quan nào đó của Tòa Thánh triệu tập một hội nghị gồm một số các Giám Mục từ các nước giàu và các nước nghèo, nhóm họp vào năm tới, 2010. Với sự trợ giúp của các chuyên viên và một số cơ quan trợ giúp các Giáo Hội, hội nghị ấy có thể lên kế hoạch và đề ra một dự án liên đới và hiệp thông giữa các Giám Mục tại các nước nghèo với nhau và giữa các Giám Mục thuộc các nước giàu với các Giám Mục tại các nước nghèo, với mục đích đề ra những câu trả lời cho những nhu cầu cấp thiết về hòa giải, công lý và hòa bình, về phương diện đức tin và luân lý tôn giáo. Sức mạnh thúc đẩy và thành quả của sự hiệp thông trong hành động như thế sẽ là "bác ái trong chân lý".

Và vị Ðại diện hàng Giám Mục Á châu kết luận rằng: "Cuộc chiến đấu của chúng ta là chống lại nạn tham nhũng. Những cố gắng của chúng ta chỉ có thành quả lâu bền nếu có lời cầu nguyện tháp tùng.

2) Ðức Hồng Y André Vingt-Trois , Tổng Giám Mục Paris, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp, đã nói đến sự cộng tác giữa Giáo Hội tại Pháp với các Giám Mục Phi châu, cụ thể là qua sự hiện diện của các Linh Mục Phi châu đang sinh sống, học hành hoặc làm việc mục vụ tại Pháp.

Ðức Hồng Y nói: "Các Giáo Hội tại Âu Châu chúng tôi có thể vui mừng khi thấy các Giáo Hội Phi châu nam Sahara đạt tới mức trưởng thành với hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ, các cộng đồng tu trì riêng của mình cũng như hàng giáo dân dấn thân mạnh mẽ trong đời sống giáo xứ và rao giảng Tin Mừng tại Phi châu.

"Từ vài năm nay, quan hệ giữa chúng ta phát triển theo chiều hướng trao đổi các hồng ân cho nhau. Chắc chắn là nhiều giáo phận và giáo xứ ở Pháp đang dấn thân giúp đỡ cụ thể cho các Giáo Hội tại Phi châu. Nhưng ngày nay, nhiều giáo xứ ở Pháp đón nhận một sự giúp đỡ quan trọng từ các giáo phận Phi châu. Sự giúp đỡ này chủ yếu diễn ra dưới hai hình thức: Trước tiên là con số các tín hữu Công Giáo Phi châu nhập cư vào Pháp ngày càng gia tăng. Thứ hai là các linh mục Phi châu ngày càng giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch mục vụ tại Pháp. Hiện nay có hơn 250 Linh Mục Phi châu sinh viên, đông đảo tại các thành phố có đại học, ngoài ra, số các Linh Mục Phi châu đến hoạt động tại Pháp theo diện Fidei Donum, Hồng Ân đức tin, ngày càng đông đảo. Hiện thời con số các Linh Mục này là hơn 600 vị so với hơn 70 Linh Mục người Pháp thuộc diện Hồng ân đức tin.

"Việc kêu gọi các Linh Mục từ Phi châu và sự tiếp đón các vị đòi phải có sự chuẩn bị và quan tâm rất đặc biệt. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm rất quan trọng này là: cần làm sao để quan hệ giữa hai Giám Mục liên hệ, tại Phi châu và tại Pháp, phải hết sức rõ ràng. Nếu lơ là điều kiện tiên quyết này thì sẽ có hại cho sứ vụ và cho chính vị linh mục.

"Khó khăn mà chúng ta gặp phải không được làm lu mờ những quan hệ phong phú giữa các Giáo Hội chúng ta và không được ngăn cản chúng ta cảm tạ vì sự trao đổi những hồng ân mà chúng ta đang sống.

3) Ðức Hồng Y Anthony Olubunmi Okogie , Tổng Giám Mục giáo phận Lagos bên Nigeria, trong bài phát biểu đã nói đến thảm trạng Phi châu và nhấn mạnh lòng tín thác hy vọng.

Ðức Hồng Y coi gia đình như một nguồn mang lại nhiều phúc lành của Chúa để tăng trưởng và mưu ích cho các gia đình Phi châu nói chung. Phi châu trước kia được gọi là "đại lục đen" nay được những người thực dân trước kia nhìn dưới một ánh sáng khác, cho dù phần lớn các nước Phi châu vẫn còn sống trong nghèo đói: những người nghèo ngày càng nghèo hơn, và những người giàu ngày càng giầu hơn. Ðời sống gia đình ngày càng băng hoại vì ly dị, thiếu chung thủy và những ý thức hệ tây phương không thể dung hợp với nền văn hóa của chúng tôi. Những tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự phát triển xã hội chúng tôi bị những người tân thực dân bóc lột. Thực vậy, dường như chỉ có những kẻ bất lương mới tiến thân được trong xã hội. Tinh thần chúng tôi hiện nay rất thấp và nhiều người, kể cả các vị lãnh đạo Giáo Hội tỏ ra thiếu khôn ngoan khi họ nói rằng: "Sống tốt lành có ích gì đâu?" Những lời ngôn sứ Malakia "Không phải tất cả đều mất mát, anh chị em chỉ nên tín thác nơi Chúa", lời này rất thích hợp đối với những người ở trong vị thế chúng tôi ngày nay. Chúng ta dường như quên rằng, trong tư cách là con, chúng ta rất quí giá đối với Thiên Chúa, hơn cả con cái trước mặt cha mẹ... Vì thế chúng ta hãy võ trang bằng lời cầu nguyện và kiên nhẫn vì trong Thiên Chúa, công lý đích thực sẽ trổi vượt và chúng ta biết rằng tình yêu của Chúa đối với chúng ta vượt lên trên bất kỳ những gì chúng ta có thể tưởng tượng được.

Ðức Hồng Y Okogie cũng lấy làm tiếc vì hai tôn giáo, Kitô và Hồi giáo được đón nhận tại Phi châu, nhưng nhiều khi hai đạo này trở thành nguồn xung đột gây chết chóc tại Phi châu.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page