Vài nét về Giáo hội Công giáo tại Bỉ

 

Vài nét về Giáo hội Công giáo tại Bỉ.

Bruxell, Belgium (Bỉ) [La Croix 7/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày Chúa Nhựt 11 tháng 10 n28m 2009, tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức thánh cha Beneđitô XVI sẽ tôn phong hiển thánh cho Chân phước Damien de Veuster, tông đồ người phung cùi. Ðây là một biến cố lớn không những cho Giáo hội mà còn cho cả vương quốc Bỉ. Quốc vương Albert I và Hoàng hậu Paolo cũng như thủ tướng Herman Van Rompuy và chủ tịch thượng viện Bỉ sẽ có mặt trong lễ Phong Thánh.

Theo một cuộc thăm dò được thực hiện hồi năm 2005, cha Damien được xếp vào hàng ngũ "những người con vĩ đại nhứt của nước Bỉ". Ngài cũng được so sánh với cha Pierre của nước Pháp hay với một người Bỉ khác là nữ tu Emmanuelle. Tay đua xe đạp vô địch thế giới Eddy Merckx, cũng người Bỉ, đã đi đến tận đảo Hawai để cổ võ cho công cuộc của cha Damien.

Cha Tommy Scholtes, giám đốc phòng thông tin của Hội đồng Giám mục Bỉ, tuyên bố: "Kể từ cái chết của đức Gioan Phaolô II, chưa từng có biến cố nào được giới truyền thông Bỉ chú ý đến như thế". Tuy nhiên, vị linh mục Dòng Tên này nhìn nhận rằng "thực tại khó khăn của các giáo xứ tại Bỉ" sẽ không thay đổi bao nhiêu sau khi cha Damien được Phong Thánh.

Nhiều con số thống kê cho thấy "thực tại khó khăn" mà cha Scholtes muốn ám chỉ. Giáo hội Công giáo tại Bỉ hiện có 3,750 linh mục triều. Năm 1960, con số này lên đến 10,400 vị. Lúc đó, có đến 47 phần trăm người Công giáo Bỉ giữ Ngày Chúa Nhựt. Nay tỷ lệ này chỉ còn 11 phần trăm. Các chủng viện cũng đang trống chỗ: chủng viện Louvain La Neuve có khả năng thu nhận 40 chủng sinh, nhưng hiện nay chỉ có 9 thày theo học.

Cha Eric de Beukelaer, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Bỉ, ghi nhận rằng năm 2010 sẽ có hai người chịu chức, nhưng sau đó không còn ai nữa. Về phần mình, Ðức cha Andre Mutien Leonard Giám mục Namur, cho rằng tình hình tại Bỉ còn bi đát gấp hai lần tại Pháp.

Nếu có sống lại, hẳn cha Damien sẽ không còn nhận ra được khuôn mặt của Giáo hội thời ngài. Thời đó, Giáo hội Công giáo được xem gần như là quốc giáo tại Bỉ. Ngày nay, dù có nổi bật đến đâu, Công giáo tại Bỉ cũng chỉ còn là một bình phong trong bức tranh toàn cảnh. Ðây là điều có thể thấy rõ tại miền Flandre: tại đây, hầu hết các trường học và bệnh viện, nhà dưỡng lão, vẫn còn do Giáo hội điều khiển. Riêng giáo dục Công giáo được đánh giá rất cao, nhưng do hiệu năng của việc giáo dục hơn là nhãn hiệu Công giáo.

Ðức cha Johan Bonny, tân Giám mục Anvers, nhìn nhận ảnh hưởng xã hội của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, theo ngài, Giáo hội không còn ảnh hưởng lớn trong các cộng đồng tín hữu: dân chúng chỉ đến nhà thờ khi chuông nhà thờ đổ hồi cho riêng họ hay gia đình họ, chứ không phải cho giáo xứ. 60 phần trăm trẻ sơ sinh được mang đến nhà thờ để được rửa tội và hơn 61 phần trăm các đám tang được cử hành trong nhà thờ.

Trái lại, các cuộc hành hương tại hai trung tâm Thánh Mẫu Banneux và Beauraing vẫn còn thu hút đông đảo quần chúng. Nhưng theo cha De Beulelaer, "tôn giáo đầu tiên của người Bỉ là thứ Công giáo không thực hành đạo". Trong sinh hoạt thường ngày của các giáo xứ, chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 3 phần trăm những người thiện nguyện tỏ ra tích cực.

Ông Olivier Servais, một giáo sư về xã hội học tại trường đại học Công giáo Louvain cho rằng cơ cấu của Giáo hội vẫn còn nặng nề. Các linh mục bị đè bẹp dưới sức nặng của công việc quản trị, chạy hết nơi này đến nơi khác, mà không có thì giờ để đáp ứng nhu cầu thiết thân của dân chúng.

Thật vậy, ngày nay, chỉ có những nơi nào vừa đáp ứng được nhu cầu quản trị vừa lo cho nhu cầu của dân chúng mới được xem là những nơi sống động nhứt của Giáo hội Bỉ. Chẳng hạn như Trung Tâm có tên là "Tiberiade" trong vùng Ardenne, được dòng Phanxico đảm trách. Tại Namur, giáo xứ thánh nữ Julienne, được ủy thác cho cộng đồng Emmanuel cũng thu hút được nhiều người.

Nhìn chung, sự thực hành tôn giáo của người Công giáo Bỉ tại các thành phố rất linh động, không tùy thuộc vào cơ cấu. Do đó, các vị chủ chăn Giáo hội tại Bỉ thấy có nhu cầu phải cải tổ về cơ cấu: thay vì gia tăng con số các giáo xứ, kể từ năm 2005, Giáo hội tại đây gôm các giáo xứ lại với nhau.

Song song với việc canh tân nội bộ, Giáo hội Công giáo tại Bỉ còn tìm cách để cho tiếng nói của mình được "nghe thấy" trong cuộc sống công cộng. Ở nơi công cộng, người ta không còn chờ đợi để lắng nghe tiếng nói của Giáo hội nữa. Ngoài ra, truyền thống "thế tục" rất mạnh tại Bỉ cũng không ngừng "dò xét" tiếng nói của Giáo hội. Cha Philippe Mawet, chuyên hoạt động trong ngành truyền thông, nói rằng "người ta có khuynh hướng muốn biến Giáo hội thành một tổ chức không chính phủ".

Ðức cha Leonard cho rằng "dưới mắt nước Pháp, Tây Ban Nha hay Ðức, Giáo hội tại Bỉ nên lên tiếng nhiều hơn về những vấn đề của xã hội". Nhưng như đức cha Bonny, giám mục Anvers nhận xét: "sự hiện diện đông đảo của cộng đồng Hồi giáo đặt lại vấn đề về thực tại tôn giáo tại Bỉ".

Giáo hội tại Bỉ hy vọng rằng lễ Phong Thánh cho cha Damien sẽ đưa dân chúng lại gần với Giáo hội hơn, bởi vì như báo Nhựt báo Công giáo Pháp La Croix nhận định: "người Bỉ gần với cha Damien, nhưng lại xa các giáo xứ".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page