Ðức Thánh Cha chủ sự
Ðàng Thánh Giá trọng thể
Ðức Thánh Cha chủ sự Ðàng Thánh Giá trọng thể.
Roma
(Vat. 10/04/2009) - Lúc 9 giờ 15 phút tối cùng ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh, ÐTC Biển Ðức 16 đã chủ sự buổi đi đàng
Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma. Nghi
thức này được nhiều đài truyền hình năm châu truyền đi
trên hệ thống Mondovisione. Hàng chục ngàn tín hữu đã đến
tham dự nghi thức này.
Ðức Thánh Cha chủ sự Ðàng Thánh Giá trọng thể tại Quãng Trường Colossê, Roma. |
Giống như năm ngoái (2008), năm nay (2009) ÐTC cũng không đích thân vác Thánh Giá. Ðức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Ðàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là một thanh niên tàn tật, một gia đình thuộc giáo phận Roma, một bệnh nhân, một thiếu nữ và 2 nữ tu từ Ấn độ, 2 thanh niên từ Burkina Faso bên Phi châu, và sau cùng là 2 tu sĩ Phanxicô từ Thánh Ðịa.
Bài suy niệm đàng Thánh Giá năm nay do Ðức Cha Thomas Menamparampil dòng Don Bosco Ấn độ, TGM giáo phận Guwahati bang Assam, soạn. Ngài năm nay 73 tuổi (1936), con trưởng trong gia đình 12 người con, trong đó có 3 Linh Mục và 1 nữ tu. Ngài từng làm Tổng thư ký đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á châu hồi năm 1998, và hiện là Chủ tịch Văn phòng truyền giáo thuộc Liên Hội Ðồng Giám Mục Á châu, và Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục miền đông bắc Ấn độ.
Ngay trong lời dẫn nhập, ÐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của hy vọng khi viết rằng: "Qua thánh ca hy vọng chúng ta vừa cùng nhau hát lên, chúng ta muốn tự nhủ mình rằng không phải tất cả đều mất mát trong những lúc khó khăn, khi những tin dữ nối tiếp nhau, khi chúng ta bị lo âu đè nén, khi bất hạnh xảy đến cho chúng ta, khi một tai ương biến chúng ta thành nhạn nhân, khi niềm tín thác và niềm tin của chúng ta bị thử thách.. Trong những lúc khó khăn, chúng ta không thấy có lý do gì để tin và hy vọng, nhưng chúng ta vẫn hy vọng".
Ðức Tổng Giám Mục Menamparapil cũng tuyên bố với Ðài Vatican rằng: "Ðối với tôi, đề tài quan trọng nhất là hy vọng: hy vọng trong thời kỳ khó khăn, thử thách, bách hại và cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới. Các tín hữu Kitô chúng ta vẫn luôn tín thác nhiều nơi Thiên Chúa và tin nơi sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Chúng ta nhìn thập giá như dấu hiệu đau khổ mà Chúa Kitô đã phải chịu và qua đó chúng ta tìm được can đảm để theo ngài trên con đường tín thác và tin tưởng".
Trong các bài suy niệm, Ðức Tổng Giám Mục Menamparapil nói đến đủ loại đau khổ của con người, chiến tranh, bạo lực chủng tộc và tôn giáo, bạo hành chống phụ nữ và sự dửng dưng đối với tương lai thế giới, nạn tham nhũng, các vụ bách hại các tín hữu Kitô, sự đánh mất các giá trị, v.v.. Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục chịu đau khổ trong các tín hữu bị bách hại, khi công lý bị các tòa án quản lý một cách lệch lạc, khi những cơ cấu bất công đè bẹp người nghèo, khi các nhóm thiểu số bị tiêu diệt, khi những người di dân và tị nạn bị ngược đãi".
Cuối buổi đi đàng Thánh Giá, ÐTC đặc biệt chú giải về sự tuyên xưng đức tin của biên quan bách quân La Mã khi thấy Chúa Giêsu tắt thở: "Quả thực người này là Con Thiên Chúa!" (Mc 15,39). Sự tuyên xưng đức tin này không thể không gây ngạc nhiên, viên quan này đã chứng kiến các giai đoạn khác nhau trong cuộc đóng đinh... Viên sĩ quan La Mã này đã chứng kiến cuộc hành quyết bao nhiêu tử tội, đã biết nhận ra Người bị đóng đanh ấy là Con Thiên Chúa, trút hơi thở trong cảnh bị bỏ rơi tủi nhục. Cái chết ô nhục của Người ấy lẽ ra phải đánh dấu chiến thắng chung cục của oán thù và sự chết trên tình thương và sự sống. Nhưng không phải vậy! Trên đồi Golgota, một cây Thập Giá được dựng lên trên đó có treo một người nay đã chết, nhưng Người ấy là "Con Thiên Chúa" như viên bách quân đã tuyên xưng.
Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng cuộc thương khó của Chúa Giêsu không thể không đánh động cả những con tim cứng cỏi nhất, vì đó là tột đỉnh mạc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Thánh Gioan đã nhận xét: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài để tất cả những ai tin nơi Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16). Chính vì yêu thương chúng ta, Chúa Kitô đã chết trên thập giá! Qua bao thế kỷ, biết bao người nam nữ đã để cho mình bị mầu nhiệm ấy thu hút, và để đến lượt mình hiến mạng sống cho anh chị em nhờ ơn Chúa giúp. Họ là những vị thánh và các vị tự đạo, nhiều người trong họ không được chúng ta biết đến. Ngày nay cũng thế, bao nhiêu người trong cuộc sống âm thầm hằng ngày, kết hiệp đau khổ của họ với khổ đau của Ðấng chịu đóng đanh, và họ trở thành tông đồ cho một cuộc canh tân đích thực về tinh thần và xã hội".
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)