Tiếng nói của sự thật và công lý
Tiếng nói của sự thật và công lý: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi.
(Radio
Veritas Asia 8/10/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến.
Mới đây 67 nhà trí thức, nhà văn, nhà báo trong và ngoài
nước, trong đó có cả một số đảng viên tại Việt nam,
đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi cho giới lãnh
đạo cao nhứt của chính quyền cộng sản Việt nam. Lá thư đề
ngày thứ Hai 5 tháng 10 năm 2009 nêu lên những điều "hết
sức lo ngại" trong cách thức chính quyền cộng sản Việt
nam đàn áp gần 400 tăng sinh của Thiền Viện Bát Nhã, Bảo
Lộc, Lâm Ðồng.
Tu viện Bát Nhã với 400 tu sĩ và tu sinh Phật giáo tu học tại xã Dambri, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng từ năm 2006. |
Lá thư ghi lại diễn tiến của vụ việc như sau:
"Qua các phương tiện truyền thông quốc tế và các trang mạng, chúng tôi được biết: 400 tu sĩ và tu sinh Phật giáo được nhà nước chấp nhận cho tu học tại Tu viện Bát Nhã, xã Dambri, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng từ năm 2006, đã bị chính quyền địa phương ra lệnh trục xuất khỏi tu viện với những lý do chưa minh bạch. Ðiều hết sức nguy hiểm là trong những ngày cuối tháng 6/2009, hàng trăm kẻ lạ mặt đã dùng hung khí tấn công, phá phách tu viện Bát Nhã và hành hung các tu sĩ ở đó. Ngày 29/6/2009 chúng lại tấn công, gây thương tích và ném phân vào phái đoàn của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Lâm Ðồng đến xem xét tình hình tại tu viện trên. Suốt 3 tháng qua các tu sĩ và tu sinh ở đây liên tục bị gây khó khăn và sách nhiễu như: cắt điện nước, ngăn cản tiếp tế lương thực, đe dọa khủng bố, phá nơi thờ cúng và chỗ ở, lấy cắp đồ thờ cúng. Cuối cùng, ngày 27/9/2009, hàng trăm kẻ lạ mặt xông vào tu viện đập phá và hành hung, dùng vũ lực đuổi các tu sĩ và tu sinh ra khỏi tu viện.
Ðiều hết sức đáng lo ngại là những việc làm càn dỡ và phạm pháp có tổ chức nói trên diễn ra trước sự chứng kiến của lực lượng công an địa phương, và mọi lời kêu cứu của những người bị hại gửi đến các cấp chính quyền huyện và tỉnh đều không được để ý. Thậm chí ngày 30/6/2009, Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Lâm Ðồng đã có văn thư tường trình khẩn cấp về việc phái đoàn bị hành hung, gửi đến các cấp các ngành, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Hiện nay, sau khi các tu sĩ và tu sinh Bát Nhã chạy sang chùa Phước Huệ thị xã Bảo Lộc tạm trú, thì lực lượng công an bao vây chùa Phước Huệ và ráo riết xua đuổi những tu sĩ và tu sinh này ra khỏi chùa, buộc họ giải tán trở về địa phương.
Ðiều rất bất bình thường là toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam hầu như làm ngơ suốt thời gian xảy ra những sự biến ở Tu viện Bát Nhã."
Thư thỉnh nguyện kêu gọi:
"1. Cho lập ngay một Ủy ban Ðiều tra cấp Nhà nước về vụ Bát Nhã, có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng và một số nhân sĩ trí thức độc lập. Sau khi có kết quả điều tra, xin công bố rộng rãi và tiến hành xử lý nghiêm minh mọi người, mọi hành vi phạm pháp theo đúng pháp luật.
2. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, có biện pháp bảo đảm an ninh và điều kiện sinh hoạt bình thường cho các tu sĩ và tu sinh.
3. Giao cho Giáo hội Phật giáo sắp xếp việc tu hành của các tu sĩ và tu sinh ở Bát Nhã trước đây một cách công bằng, hợp tình hợp lý, hợp với nguyện vọng của họ, các luật tắc của Giáo hội và luật pháp Việt Nam.
4. Khuyến khích giới truyền thông tiếp cận thực tế và thông tin cho toàn dân biết sự thật về những gì đã và đang xảy ra về vụ Bát Nhã."
Về phần mình, thiền sư Nhất Hạnh, cũng đã gởi cho chủ tịch nhà nước Việt nam, ông Nguyễn Minh Triết, một lá thư ngỏ để lên án hành động vô nhân đạo diễn ra tại thiền viện Bát Nhã.
Dưới tên thật là Nguyễn Lang, tác giả của bộ "Việt nam Phật Giáo Sử", thiền sư Nhất Hạnh, người sáng lập Thiền Viện Làng Mai tại Pháp và đồng thời đã đóng góp xây dựng thiền viện Bát Nhã, đã viết cho chủ tịch nhà nước cộng sản Việt nam như sau: "Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ. Ngày xưa, trong cách mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẩn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây, cảnh sát và công an của chủ tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác. Hiện thời cảnh sát và công an của chủ tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ, buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu cách mạng. Tôi xin chủ tịch kịp thời ngăn chặn hành động trái luân thường đạo lý này".
Lá thư trên đây đã được thiền sư Nhất Hạnh viết vào ngày 30 tháng 9 năm 2009, nhân dịp chủ tịch Nhà nước Việt nam viếng thăm Hoa kỳ.
Hai ngày sau, thiền sư Nhất Hạnh cũng viết thêm một lá thư gởi cho các nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước, kêu gọi lên tiếng để che chở cho 400 người trẻ đang bị bao vây và đàn áp tại Chùa Phước Huệ.
Lá thư có đoạn viết: "Qua 14 tháng thử thách trước bạo động và đe dọa, họ đã can trường đứng vững, không nản chí, không sợ hãi, không oán thù, không bạo động và vẫn giữ được niềm tin nơi con đường họ đi và vào những giá trị tinh thần của đất nước. Nhìn vào những người như họ, chúng ta thấy vững lên niềm tin của chúng ta nơi các thế hệ tương lai của đất nước".
Tinh thần bất bạo động của các tăng sinh thiền viện Bát Nhã trên đây cũng được chính cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam nhìn nhận và đề cao trong lá thư hiệp thông gởi cho các tu sĩ Phật giáo đang gặp nạn tại tu viện. Cha giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt nam viết như sau: "Chúng tôi biết Quý vị, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ được tâm hồn thanh thản, an nhiên tự tại".
Trong thông cáo về vụ việc Bát Nhã, linh mục Ðinh Hữu Thoại, chánh văn phòng của tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt nam cũng viết: "Chúng tôi đánh giá cao thái độ bình an vô úy của quý vị tăng ni Bát Nhã trong những hoàn cảnh động loạn vừa qua".
Trong lá thư hiệp thông, cha giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam cũng nhắc lại hoàn cảnh tương tự của Dòng, cách riêng tại giáo xứ Thái Hà. Tại đây cũng như tại Tam Tòa, Loan Lý... các tín hữu Kitô cũng đã luôn luôn tỏ rõ tinh thần bất bạo động.
Nhưng kèm với lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxico Assisi ấy là tiếng nói cương quyết lên án bất công và đòi hỏi công lý.
Thông cáo của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam lên án "những vi phạm trầm trọng đối với các giá trị tâm linh, với nhân phẩm và nhân quyền" trong vụ việc Bát Nhã. Theo thông cáo của Dòng Chúa Cứu Thế, "việc lăng mạ, ném đá, ném phân, xúc phạm đến các tăng ni và đông đảo phật tử đến viếng thăm Bát Nhã và mới đây những biện pháp thô bạo, đập phá, hành hung khủng bố đối với các tu sĩ đang tu tập tại đây là không thể chấp nhận được".
Hành động hiệp thông của Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam cho thấy: một Giáo hội luôn xem "vui mừng và hy vọng", "ưu sầu và lo lắng" của con người thời đại, nhứt là người nghèo và những ai đang đau khổ, cũng là niềm vui và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của mình và nhứt là một Giáo hội cam kết "sống Phúc âm giữa lòng dân tộc" không thể làm khách bàng quan đứng nhìn những hành động bất công và xúc phạm đến phẩm giá con người diễn ra trước mắt mình, mà không lên tiếng...
Chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.
Chu Văn