Ðức Thánh Cha chủ sự nghi thức

tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

 

Ðức Thánh Cha chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa.

Vatican (Vat. 10/04/2009) - Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 10-4-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã chủ tọa nghi thức trọng thể tại Ðền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, gần 30 Hồng Y và 40 Giám Mục tại Tòa Thánh.

Bài giảng của Cha Cantalamessa


Ðức Thánh Cha chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa.


Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài "Vì chúng ta, Chúa Kitô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá".

Ðối với thánh Phaolô, thập giá mang một chiều kích vũ trụ. Trên thập giá, Chúa Kitô đã phá đổ bức tường chia cách, đã hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau, tiêu diệt sự hận thù (Xc Ep 2,14-16). Nhưng đồng thời thập giá cũng là một biến cố rất bản thân: "Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mạng vì tôi!" (Gl 2,20). Thánh Tông Ðồ đã viết: mỗi người đều là "một người mà Chúa Kitô đã chết cho" (Rm 14,15).

Trong khuôn khổ năm thánh Phaolô Tông Ðồ, Cha Cantalamessa mời gọi mọi người hãy học nơi Thánh Phaolô cách thức trả lời cho những thách đố ngày nay về đức tin. Một trong những thách đố ấy, ngày nay có lẽ được biểu lộ công khai hơn bao giờ hết, được biểu lộ qua một khẩu hiệu trong chiến dịch tuyên truyền được viết trên các phương tiện chuyên chở công cộng ở Luân đôn và các thành phố khác ở Âu Châu: "Có lẽ Thiên Chúa không hiện hữu, vậy bạn đừng lo lắng gì và hãy vui hưởng cuộc sống" (There's probably no God. Now stop worrying and enjoy your life). Ngụ ý của các biểu ngữ này nói rằng niềm tin nơi Thiên Chúa ngăn cản việc vui sống, đức tin là kẻ thù của vui mừng. Nếu không có đức tin thì sẽ có hạnh phúc nhiều hơn trên thế giới".

Cha Cantalamessa lần lượt bác bỏ luận cứ của những tuyên truyền ấy, đồng thời nêu bật ý nghĩa tích cực của thập giá Chúa Kitô, dựa trên kinh nghiệm và giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Ðồ. Cha nhìn nhận rằng trong các nước có đức tin Kitô kỳ cựu, người ta luôn liên kết ý tưởng đau khổ và thập giá với ý tưởng hy sinh và đền tội: người ta nghĩ, đau khổ là điều cần thiết để đền bù tội lỗi và làm nguôi công lý của Thiên Chúa. Chính điều đó, trong thời hiện đại, đã tạo nên tự chối bỏ mọi ý tưởng hy sinh dâng lên Thiên Chúa, để rồi đi đến sự chối bỏ chính ý tưởng về Thiên Chúa.

"Ta không thể phủ nhận rằng đôi khi các tín hữu Kitô chúng ta đã hỗ trợ cho lời cáo buộc ấy. Nhưng đó là một sự ngộ nhận mà sự hiểu biết rõ hơn về tư tưởng của thánh Phaolô đã làm sáng tỏ chung kết. Ngài viết rằng Thiên Chúa đã tiền định Chúa Kitô "phục vụ như một dụng cụ đền tội" (Rm 3,25), nhưng sự đền tội ấy không tác động trên Thiên Chúa để làm Ngài nguôi ngoai, nhưng trên tội lỗi để loại trừ tội lỗi. Người ta có thể nói rằng chính Thiên Chúa chứ không phải con người, đền bù tội lỗi... Chúa Kitô đã mang lại một nội dung hoàn toàn mới mẻ cho ý tưởng hy sinh. Trong đó "không phải con người tạo ảnh hưởng trên Thiên Chúa để Ngài nguôi ngoai. Ðúng hơn, chính Thiên Chúa tác động để con người từ bỏ sự hận thù đối với Ngài và đối với tha nhân. Ơn cứu độ không khởi sự với lời xin hòa giải từ phía con người, nhưng với lời yêu cầu của Thiên Chúa: "Anh chị em hãy hòa giải với Chúa" (1 Cr 2,6ss).

Trong bài giảng, Cha Cantalamessa cũng nhắc đến sự trống rỗng và bất toàn của những điều người ta coi là hạnh phúc: lo âu, trống rỗng thường đi sau khoái lạc: việc sử dụng ma túy, lạm dụng tình dục, bạo lực giết người, chúng mang lại khoái lạc nhất thời, nhưng dẫn đến sự băng hoại luân lý và cả thể lý cho con người. Chúa Kitô, qua cuộc khổ nạn và cái chết, ngài đã lật ngược quan hệ giữa khoái lạc và đau khổ. Không còn là khoái lạc chấm dứt trong đau khổ, nhưng là một đau khổ đưa tới sự sống và vui mừng.. Chúa Kitô không đến để gia tăng đau khổ cho nhân loại, hoặc rao giảng sự cam chịu đau khổ, Ngài đến để mang lại cho đau khổ một ý nghĩa, loan báo sự chấm dứt và vượt thắng đau khổ.

Và Cha Cantalamessa nói rằng: "Hỡi người anh em không tin tưởng, nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì tôi chẳng mất gì cả; trái lại, nếu Ngài hiện hữu thì bạn mất tất cả! Hầu như chúng ta phải cám ơn người đã cổ võ chiến dịch tuyên truyền quảng cáo ấy: nó phục vụ cho chính nghĩa Thiên Chúa hơn là bao nhiêu lý luận hộ giáo của chúng ta. Nó chứng tỏ sự nghèo nàn của những lý lẽ trong chiến dịch tuyên truyền ấy và đã góp phần đánh động bao nhiêu lương tâm ngủ yên".

Tóm lại, "thập giá Chúa Kitô là động lực hy vọng cho tất cả mọi người và năm Thánh Phaolô là một cơ hội ân phúc cho cả những người không tin và đang tìm kiếm. Một điều đang nói với họ trước mặt Chúa, đó là sự đau khổ. Cũng như phần còn lại của nhân loại những người vô thần cũng đang chịu đau khổ trong cuộc sống, và đau khổ, từ khi Con Thiên Chúa gánh lấy trên mình, có một quyền năng cứu độ hầu như bí tích. Ðức Gioan Phaolô 2 đã viết trong Tông Thư "Khổ đau cứu độ" (Salvifici doloris) rằng đau khổ là một cái máng qua đó năng lực cứu độ của thập giá Chúa Kitô được chuyển cho nhân loại".

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page