Giáo hội và việc phòng chống
dịch bệnh Sida tại Phi châu
Giáo hội và việc phòng chống dịch bệnh Sida tại Phi châu.
Roma [CNS 5/10/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu đã bắt đầu với phiên khoáng đại sáng thứ Hai 5 tháng 10 năm 2009.
Ðức hồng y Peter Turkson, Tổng giám mục Cape Coast, Ghana, đã được bổ nhiệm làm tường trình viên của Thượng hội đồng. Trong bài tham luận đọc trước 244 nghị phụ, trong đó 197 vị đến từ Phi Châu, Ðức hồng y Turkson đã trình bày những dữ kiện mới về Giáo hội và xã hội tại Phi Châu như sự gia tăng nhanh chóng của Giáo hội, ước muốn có "một cuộc phục hưng Phi Châu" nơi các nhà hữu trách chính trị của lục địa, những sức ép khủng khiếp mà định chế hôn nhân và gia đình đang phải gánh chịu. Một trong những vấn đề gắn liền với tình trạng hôn nhân và gia đình tại Phi Châu là dịch bệnh Sida. Ðức hồng y Turkson nhìn nhận rằng đây là một thảm kịch của lục địa Phi châu.
Liền sau phiên khoáng đại sáng thứ Hai 5 tháng 10 năm 2009, Ðức hồng y tường trình viên của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu đã dành cho các ký giả một cuộc phỏng vấn trong đó ngài đặc biệt trở lại với vấn đề Sida.
Vị Hồng y người Ghana này khẳng định rằng việc xử dụng bao cao su không luôn luôn là một phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa việc lây lan của cơn bệnh này tại Phi Châu.
Theo ngài, tiết dục, thủy chung trong hôn nhân và được xử dụng rộng rãi thuốc chủng ngừa bệnh Sida là những phương thế mà Giáo hội không ngừng khuyến khích trong cuộc chiến chống lại bệnh Sida.
Ðược các ký giả hỏi về dịch bệnh Sida tại Phi Châu và lập trường của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu, nhứt là liên quan đến việc xử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh Sida, vị Hồng y sẽ mừng sinh nhựt thứ 61 vào ngày 11 tháng 10 năm 2009 trả lời rằng "khi dân chúng đề nghị xử dụng bao cao su, thì nó chỉ hữu hiệu trong các gia đình có sự thủy chung mà thôi". Theo Ðức hồng y, bao cao su cho người ta cái cảm tưởng là được an toàn. Thật ra, nó chỉ tạo điều kiện cho bệnh Sida được lây lan dễ dàng mà thôi.
Ðức hồng y Tổng giám mục Cape Coast, Ghana, khẳng định rằng bao cao su không thể là một phương tiện đáng tin cậy một trăm phần trăm trong việc phòng ngừa bệnh Sida. Ngài giải thích: chẳng hạn tại nước ngài, khí hậu nóng bức khiến cho việc xử dụng bao cao su không được an toàn. Chính vì vậy mà vị hồng y này khuyên cả các đôi vợ chồng không nên xử dụng bao cao su để giao hợp nếu một người bị nhiễm HIV.
Ngài cho biết: các ưu tiên mà các Ðức giám mục Phi Châu sẽ đề ra tại Thượng hội đồng vẫn là "tiết dục và chung thủy" trong đời sống vợ chồng.
Ðức hồng y Turkson nói với các ký giả rằng trong các buổi cố vấn về hôn nhân và gia đình, ngài thường trình bày vấn đề và thảo luận với những ai đang cần được giúp ý kiến và sau đó để cho họ tự quyết định.
Ngài nói rằng ngài đánh giá cao những người "nhìn nhận mình đang mắc bệnh Sida, nhưng vì là tín hữu Kitô, quyết định kiêng cử trong chuyện vợ chồng" để tránh không để cho bệnh Sida được lây lan". Ðôi khi trong trường hợp đó, một số người được khuyên nên xử dụng bao cao su. Nhưng tại Phi Châu, ngay cả việc xử dụng bao cao su cũng không an toàn.
Ðức hồng y Tổng giám mục Cape Coast giải thích: "Nếu chúng tôi có được những bao cao su có chất lượng cao, thì lúc đó chúng ta mới có thể dám cả quyết về tính hữu hiệu của việc xử dụng nó". Tuy nhiên, theo Ðức hồng y Turkson, đây không phải là trường hợp tại Ghana của ngài.
Theo ngài, có lẽ tốt hơn nên dùng tiền sản xuất bao cao su để sản xuất thuốc chủng ngừa và trị bệnh bệnh Sida. Ngài tin rằng đây là một ân huệ lớn lao dành cho những người đang mắc bệnh này.
Lập trường trên đây của Ðức hồng y Tổng giám mục Cape Coast cũng như của nhiều vị chủ chăn Giáo hội tại Phi Châu phản ánh lời tuyên bố của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI dạo tháng Ba năm 2009. Thật vậy, ngày 18 tháng 3 năm 2009, trên chuyến bay từ Roma đến thủ đô Yaoudé của Cameroun, Ðức thánh cha khẳng định rằng việc quảng bá xử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh Sida tại Phi Châu chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng hơn mà thôi.
Tưởng cũng nên nhắc lại lời tuyên bố trên đây của Ðức thánh cha đã gây ra nhiều phản ứng sôi nổi trên thế giới, nhứt là tại Âu Châu. Tiêu biểu nhứt là phản ứng của Quốc hội Bĩ: quốc hội nước này đã đi đến chỗ thông qua một nghị quyết yêu cầu đoạn giao với Tòa Thánh.
Thật ra, Ðức thánh cha đã không đưa ra một lời tuyên bố có tính cách bột phát và tùy tiện, mà trái lại dựa vào thực tế vững chắc như được các vị chủ chăn Giáo hội tại Phi Châu cũng như các nhân viên mục vụ và y tế của Giáo hội tại lục địa này cung cấp.
Nhưng đáng chú ý nhứt là nhận định của giáo sư Edward Green, một nhà nghiên cứu lão thành tại trường đại học Harvard và đã từng bỏ ra trên 15 năm để nghiên cứu về việc xử dụng bao su để phòng ngừa bệnh Sida tại Phi châu. Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, giáo sư Green viết trên báo The Washington Post ngày 29 tháng 3 năm 2009 rằng Ðức thánh cha đã có lý khi lên án việc xử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh Sida tại Phi châu.
Giáo sư Green khẳng định rằng ông không phải là người chống lại việc xử dụng bao cao su. Tuy nhiên, theo ông, chỉ nên xử dụng bao cao su trong một quan hệ không chung thủy mà thôi. Ðây là điều đã được 150 nhà chuyên môn về Sida trên thế giới, kể cả đại diện của Liên hiệp quốc, tổ chức Y Tế Thế Giới cũng như Ngân Hàng Thế Giới nhìn nhận. Các chuyên gia này khẳng định rằng đối với những người trưởng thành đang tích cực trong hoạt động tính dục, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là cổ võ sự chung thủy. Hơn nữa ai cũng nhìn nhận rằng bao cao su không thể giúp đương đầu với những thách đố lớn tại Phi Châu như tình trạng thiếu bình đẳng phái tính, bạo hành trong gia đình, hãm hiếp và giao hợp cưỡng bách.
Chu Văn