Tường thuật Khóa họp
Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu
kỳ II ngày 6/10/2009
Tường thuật Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II ngày 6/10/2009.
Vatican (Vat. 7/10/2009) - Thứ Ba mùng 6-10-2009 Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II đã bước sang ngày thứ 3. Vào ban sáng đã có buổi họp khoáng đại lần thứ 3 trong đó các nghị phụ bầu Ủy ban soạn thảo sứ điệp gửi dân Chúa. Ban chiều các nghị phụ đã bắt đầu cuộc thảo luận chung.
Trước hết xin tóm lược các sinh hoạt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục chiều thứ Hai mùng 5 tháng 10 năm 2009. Các nghị phụ đã nghe các bài tường trình của đại diện các châu lục về tương quan với Giáo Hội tại Phi châu.
- Trong bài phát biểu Ðức Cha Orlando Quevedo, Tổng Giám Mục Cotabato bên Phi Luật Tân, kiêm tổng thư ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á châu, đã nêu bật các tương đồng giữa Giáo Hội tại Á châu và Giáo Hội tại Phi châu. Vào thời các tông đồ Kitô giáo đã lan sang Ai Cập và Bắc Phi do công tác truyền giáo của thánh sử Marco, và tín hữu Ấn độ vẫn tự hào họ là con cái thiêng liêng của thánh tông đồ Tôma.
Rồi trong lịch sử hiện kim nhiều nước của cả hai châu lục đã biết tới Kitô giáo trong thời thuộc địa nhờ công tác truyền giáo của các thừa sai. Kitô giáo đã tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, hàng ngàn tiếng nói và truyền thống phong phú cũng như với Hồi giáo, tôn giáo cổ truyền và các tôn giáo khác. Và dân chúng của cả hai đại lục đều nghèo và trẻ.
Trong hai tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu năm 1995 và hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á châu năm 1998, Ðức Gioan Phaolô II cũng đưa ra nhiều suy tư giống nhau liên quan tới các thách đố mục vụ như: việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa địa phương, đối thoại với các tôn giáo khác, nền văn hóa toàn cầu duy tương đối và duy vật tương đối được các phương tiện truyền thông phổ biến, hệ lụy tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu trên người nghèo, sự suy đồi các giá trị luân lý trong cuộc sống xã hội kinh tế chính trị và các đe dọa chống lại bản chất của hôn nhân và gia đình, các bộ mặt khác nhau của bất công và bạo lực tàn phá sự hài hòa của các xã hội Phi châu và Á châu.
Trong bối cảnh này cả hai Giáo Hội đều đưa ra các câu hỏi liên quan tới bản chất cộng đoàn môn đệ, sự đáng tin cậy của việc làm chứng cho Chúa và Tin Mừng, các giải đáp cho các thách đố mục vụ kể trên và công tác loan báo Chúa Kitô là Ðấng cứu độ.
Tiếp tục bài phát biểu Ðức Cha đại diện Liên Hội Ðồng Giám Mục Á châu nói trong khi Giáo Hội tại Phi châu khai triển các đòi buộc thần học và mục vụ của Giáo Hội như là Gia đình của Thiên Chúa, thì Giáo Hội tại Á châu khám phá nền thần học Giáo Hội như sự hiệp thông và là tôi tớ khiêm nhường phục vụ Tin Mừng và các dân tộc Á châu. Cả hai hướng đi đều nhằm mục đích triệt để canh tân Giáo Hội. Trong 35 năm qua Liên Hội Ðồng Giám Mục Á châu đã dấn thân trong chiều hướng đào sâu nội tâm, đối thoại với các nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống triết lý khác cũng như đối thoại với các dân tộc Á châu đặc biệt là người nghèo, canh tân hàng ngũ giáo dân để họ lãnh đạo việc biến đổi xã hội, canh tân ý thức truyền giáo và coi gia đình như là điểm chính của việc loan báo Tin Mừng, sống Thánh Thể xác tín hơn trong các thực tại Á châu.
Việc canh tân đó là lời Thiên Chúa Tình Yêu mời gọi cống hiến hy vọng cứu rỗi và thúc đẩy yêu thương trong chân lý. Giáo Hội tại Á châu và Phi châu phải sống cùng các kinh nghiệm buồn thương như nhiều sức mạnh của nền văn hóa sự chết, cảnh nghèo đói và bị gạt ngoài lề xã hội gia tăng, các tấn kích chống lại hôn nhân và gia đình truyền thống, các bất công đối với phụ nữ và trẻ em, khuynh hướng thích mua sắm vũ khí tàn phá hơn là đầu tư cho sự phát triển toàn vẹn, thiếu khả năng chống lại trật tự kinh tế toàn cầu không được các luật lệ luân lý hướng dẫn, sự bất khoan nhượng tôn giáo thay vì đối thoại bằng lý trí và đức tin, luật gian tham thắng luật của cuộc sống công cộng, chia rẽ và xung đột thay vì tạo dựng hòa bình, và cảnh suy đồi môi sinh. Ngoài ra còn có nhiều tai ương thiên nhiên như bão lụt, hạn hán, động đất và sóng thần tsunami và khí hậu thay đổi. Tuy nhiên cũng có kinh nghiệm của niềm vui và hy vọng trong các phong trào công lý và hòa bình, người trẻ ý thức hơn đối với các vấn đề nghèo túng và biến đổi xã hội, cũng như các nhóm dân sự bảo vệ cuộc sống công cộng và môi sinh, liên đới giữa các tầng lớp xã hội và truyền thống tôn giáo trong việc tạo dựng một trật tự xã hội hòa bình và huynh đệ hơn. Ðức Cha Quevedo cũng đã không quên chuyển lời chào thăm của các Giám Mục toàn Á Châu tới các nghị phụ, và cám ơn Giáo Hội Phi châu đã tiếp nhận các thừa sai và công nhân Á châu sang làm việc tại Phi châu.
- Bài phát biểu thứ hai là của Ðức Cha William Ingham, Giám Mục Wollongon Australia, Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Ðại dương châu bao gồm Australia, Niu Dilen, Papua Tân Guinea, quần đảo Salomong và vùng Thái Bình Dương.
Cũng giống Giáo Hội tại Phi châu Giáo Hội Ðại dương châu nảy sinh trong thời thực dân của người Anh, Pháp và Bồ Ðào Nha. Nó hiện hữu nhờ công lao mồ hôi nước mắt của các thừa sai Ailen, Pháp, Ðức và Italia. Và đức tin đã làm nảy sinh ra nhiều bông hoa đẹp là các thánh nam nữ. Tuy nhiên cuộc sống của người dân Ðại dương châu cũng in đậm dấu vết nghèo túng, kỳ thị, hủy hoại sự sống và phẩm giá con người. Nhưng Giáo Hội địa phương cố gắng trợ giúp để thăng tiến các quyền con người qua hoạt động của Caritas Ðại dương châu và Caritas quốc gia. Tuy nghèo nhưng tín hữu đại lục này vẫn quảng đại đối với các quyên góp cho Bộ Truyền Giáo.
Có hai tệ nạn đang đè nặng trên cuộc sống của người dân đó là bệnh Sida, nhất là tại Papua Tân Guinea, và việc khai thác các quặng mỏ. Giáo Hội đã luôn luôn nắm giữ vai trò là cây cầu hòa giải công lý và hòa bình cũng như bênh vực những người không có tiếng nói. Chính trong bối cảnh ấy vai trò và sự đấn thân trao ban hy vọng của các Chủ chăn rất quan trọng.
Cũng giống nhiều vùng bên Phi châu, người dân Ðại dương châu phải gánh chịu nhiều tai ương thiên nhiên như hạn hán, mất mùa, lụt lội gây ra cảnh đói kém và di cư đi nơi khác sinh sống. Các tổ chức của Giáo Hội tìm trợ giúp các anh chị em xấu số này. Ðức Cha Ingham đã đặc biệt xin các nghị phụ cầu nguyện cho các nạn nhân động đất và sóng thần tại Samoa và Tonga.
Kỹ nghệ khai thác quặng mỏ tại Phi châu và Ðại dương châu cũng tạo ra thách đố lớn đối với Giáo Hội, vì nó là gốc rễ gây ra bất ổn và tranh chấp, khi quyền lợi của người dân không được tôn trọng. Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô có nhiệm vụ xây các cây cầu hòa giải và hòa bình. Ðây cũng là điều Giáo Hội tại Ðại dương châu có thể học hỏi từ kinh nghệm của Giáo Hội tại Phi châu.
Sau cùng Giáo Hội Ðại dương châu sẵn sàng tiếp đón nhiều anh chị em Phi châu di cư tới đây vì chạy trốn các xung khắc bộ tộc, bạo lực và đàn áp của các thể chế độc tài. Họ đến từ Sudan, vùng sừng Phi châu và các nước vùng Ðại Hồ. Nhiều người khác là các sinh viên và có một số tới làm việc như giáo sĩ và tu sĩ. Chính giáo phận của Ðức Cha cũng nhận các chủng sinh gốc Phi châu. Xã hội Ðại dương châu là một xã hội đa văn hóa vì bao gồm 60% tổng số dân là người di cư tị nạn và con cháu họ. Hàng năm vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng 8 Giáo Hội vẫn cử hành Ngày Di Cư Tị Nạn với mục đích khích lệ việc tiếp đón và hội nhập người di cư tị nạn vào cộng đoàn địa phương.
Sáng thứ Ba 6-10-2009 các nghị phụ đã nhóm phiên họp khoáng đại thứ 3. Trong số các vị phát biểu có Ðức Thượng Phụ Paulos của Giáo Hội Chính Thống Etiopia. Ðức Thượng Phụ Abuna Paulos Gebre Yohannes sinh năm 1935 tại Adoua miền bắc Etiopia, và từ ngày mùng 5 tháng 7 năm 1992 là Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Etiopia, một trong những cộng đoàn Kitô cổ kính nhất thế giới vì đã nảy sinh vào năm 35 sau công nguyên. Sau mười năm bị bách hại và ngồi tù dưới thời nhà độc tài Menghistu, năm 1983 Ðức Cha Paulos tị nan sang Hoa Kỳ cho tới khi được bầu làm Thượng Phụ năm 1992. Ðức Thượng Phụ rất tin tưởng nơi cuộc đối thoại đại kết và là người dấn thân hòa giải các nước trong vùng Sừng Phi châu. Từ năm 2006 người cũng thuộc ban chủ tịch của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô. Ngày nay Giáo Hội Chính Thống Etiopia đang phát triển mạnh. Với hơn 50,000 nhà thờ và 1,500 tu viện Giáo Hội chính thống Etiopia là giáo đoàn vững vàng nhất trong số các giáo đoàn tiền Calcedonia và là một loại ốc đảo Kitô giữa đất hồi giáo.
- Mở đầu bài phát biểu Ðức Thượng Phụ Paulos đã cám ơn Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI mời ngài tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu như dấu chỉ tình yêu thương Ðức Thánh Cha dành cho Phi châu. Trong phần đầu của bài phát biểu Ðức Thượng Phụ đề cao thế đứng và vai trò của Phi châu trong lịch sử đạo đời của thế giới. Phi châu và Etiopia là chiếc nôi của nhân loại ghi dấu chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lịch sử các dân tộc Phi châu xa xưa được khắc trên các bút tháp Axum, các kim tự tháp Ai Cập, các đền đài và các tài liệu. Kinh Thánh cho thấy Phi châu đã là vùng đất nơi các dân tộc khác tìm tới trú ẩn trong các thời kỳ hạn hán mất mùa đói kém. Chúa Giêsu và Thánh Gia cũng di cư sang Ai Cập tránh cuộc bách hại của vua Hếrốt. Hoàng hậu Saba đã học được từ dân Israel và dậy Kinh Thánh Cựu Ước cho người Etiopi. Con bà là vua Menelik I đã tìm đưa Hòm Bia Thánh sang thành phố Axum của Etiopia. Dân Etiopi tuân giữ luật Moshê hơn người Do thái.
Một trong ba vua tìm đến thờ lậy Chúa Hài Nhi là người Etiopi. Ông Simeon người thành Cyrene vác đỡ thánh giá Chúa là ngươi Libia. Viên hoạn quan được Philiphê rửa tội đã truyền bá Kitô giáo cho các người đồng hương và Etiopia trở thành quốc gia thứ hai tin vào Chúa Giêsu, và Giáo Hội Etiopia là Giáo Hội đầu tiên tại Phi châu.
Kinh Thánh tiếng Hy Lap đã được dịch tại Alessandria bên Ai Cập và danh sách các tác phẩm Kinh Thánh cũng đã được xác định lần đầu tiên bên Phi châu. Phi châu cũng là quê hương của các thánh giáo phụ nổi tiếng như Agostino, Tertulliano, Cipriano, Athanasio và Kerlo. Bắc phi cũng là nơi các Kitô hữu chịu tử đạo và nhiều Kitô hữu bị bách hại và truy nã tại nhiều nơi trên thế giới đã tìm đến Phi châu đặc biệt là Etiopia để sinh sống.
Etiopia cũng giữ một mảnh gỗ thánh giá của Chúa Giêsu. Và tín hữu cũng đã phải vác thánh giá vì các cuộc bách hại: chẳng hạn Ðức Petros đã bị giết trong thời người Italia chiếm đóng Etiopia. Dưới chế độ độc tài cộng sản đã có nhiều tín hữu tử đạo trong đó có Ðức Thượng Phụ Theophilos. Chính Ðức Thượng Phụ Paulos khi là Giám Mục cũng đã ngồi tù nhiều năm trước khi bị đầy sang Hoa Kỳ.
Tiếp tục bài phát biểu Ðức Thượng Phụ Paulos khẳng định Phi châu là đại lục giầu tài nguyên thiên nhiên và nhiều quặng mỏ. Trong quá khứ các tài nguyên này đã bị thực dân xâm chiếm và khai thác. Ngày nay chúng trở thành mục tiêu của sự thèm muốn, và người ta chỉ nhớ tới Phi châu khi cần tài nguyên của nó, nhưng đã không trợ giúp đại lục này chiến đấu cho sự phát triển. Ngoài ra Phi châu còn bị tệ nạn nợ nần nước ngoài đè nặng trên các thế hệ hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh đó còn có mức sống thấp và nền giáo dục thiếu thốn khiến cho người trẻ không có các cơ may tiến thân giúp đại lục này phát triển và thịnh vượng. Bệnh dịch Sida cũng là một vết thương trầm trọng khác của Phi châu. Cần phải làm sao để người dân Phi châu cũng được săn sóc thuốc men như các bệnh nhân Âu châu. Ngoài ra còn có các hỗn loạn do các nhóm tín hữu cuồng tín gây ra. Giới lãnh đạo Kitô và các tôn giáo khác cần sát cánh với nhau để bài trừ tệ nạn này.
Tại nhiều nước Phi châu vẫn còn thiếu các nhu cầu tối thiểu như nước uống trong lành, nhà ở, thực phẩm và các cơ cấu hạ tầng cần thiết. Thời thực dân dã hết nhưng Phi châu vẫn tùy thuộc các nước giầu Tây âu. Nền nông nghiệp vẫn theo lối canh tác còn truyền thống và chưa máy móc hóa đủ nên chưa có an ninh thực phẩm. Nạn di cư ra nước ngoài cũng khiến cho Phi châu mất chất xám. Sau cùng là nạn trẻ em chiến binh. Ðây là sự vi phạm quyền con người trắng trợn. Vì thế Ðức Thượng Phụ Paulos hy vọng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II này có thể đề ra các hướng dẫn giúp tìm ra các giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng của đại lục này.
- Sau bài phát biểu của Ðức Thượng Phụ Paulos Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI cám ơn Ðức Thượng Phụ đã nhận lời mời tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II. Sự hiện diện của Ðức Thượng Phụ làm chứng hùng hồn cho sự kỳ cựu và truyền thống của Giáo Hội tại Phi châu. Giáo Hội Etiopia tiếp tục làm chứng cho Tin Mừng và sự tuân phục luật lệ yêu thương của Chúa, mặc dù có các bách hại và hy sinh của các vị tử đạo. Ðức Thánh Cha khẳng định rằng việc loan báo Tin Mừng không thể tách rời khỏi dấn thân xây dựng một xã hội phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và bảo vệ phẩm giá và sự vô tội của các trẻ em... Trong Chúa Kitô chúng ta biết rằng hòa giải là điều có thể, công lý có thể thắng thế và hòa bình có thể lâu bền. Ðức Thánh Cha cầu mong mọi người hoạt động để cho người dân Phi châu được phát triển toàn diện, củng cố gia đình, giáo dục người trẻ và góp phần xây dựng một xã hội liêm chính, toàn vẹn và liên đới hơn.
Các phát biểu của sáng thứ Ba 6/10/2009 cũng tập trung vào đề tài giáo dục. Giáo Hội tại Phi châu có tới 56,000 trường học với 19 triệu học sinh và 23 đại học công giáo. Tiếp đến là đề tài đối thoại với Hồi giáo đây là kinh nghiệm tích cực trong vùng Bắc Phi nơi có đa số dân theo Hồi giáo. Các vị tử đạo Phi châu cũng là một đề tài khác được nhắc tới: đó là các nạn nhân của nhiều chế độ độc tài trong nhiều cường độ khác nhau.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)