Ðức Thánh Cha giải thích về Tam Nhật Thánh

 

Ðức Thánh Cha giải thích về Tam Nhật Thánh.

Vatican (Vat. 8/04/2009) - Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư tuần thành, 8-4-2009, tại Vatican, ÐTC đã giải thích về ý nghĩa Tam Nhật Thánh và mời gọi các tín hữu sống trọn vẹn những ngày Thánh này.

Trong số các tín hữu hiện diện có 4,300 sinh thuộc thuộc nhiều đại học trên thế giới về Roma tham dự Hội nghị quốc tế đại học Univ 2009 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức hằng năm vào dịp Tuần Thánh và Phục Sinh.

Sau bài đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê về việc Chúa Kitô, tuy là đồng hàng với Thiên Chúa, đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ, chịu khổ hình và chịu chết, ÐTC nói về ý nghĩa tam nhật thánh:

"Anh chị em thân mến, trong tam nhật vượt qua, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn, các chết và sự sống lại của Chúa. Các nghi thức trong lễ dầu cử hành sáng thứ năm tuần thánh, biểu lộ sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô cũng như sự hiệp thông Giáo Hội phải linh hoạt cộng đồng dân Chúa tụ họp để cử hành hy tế Thánh Thể và được sinh động hóa trong tình hiệp nhất nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Trong thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh, Giáo Hội kính nhớ việc lập phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác và giới răn mới về đức bác ái Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Ngài. Việc cử hành này mời gọi chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Thể, hồng ân mà chúng ta phải cung kính đón nhận và thờ lạy trong đức tin. Khi chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đau buồn, nhưng đồng thời là thời điểm thuận tiện để khơi dậy niềm tin của chúng ta, để củng cố niềm hy vọng và lòng can đảm của chúng ta trong việc khiêm tốn và tin tưởng vác thập giá của chúng ta, xác tín chắc chắn về sự nông đỡ của Chúa và chiến thắng của Ngài. Trong sự thinh lặng sâu xa của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến buổi Canh Thức vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm đó, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa.

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý

Trước các bài tóm lược bằng 4 thứ tiếng, ÐTC đã diễn giải bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn về tam nhật thánh.. Ngài nói:

"Ðối với các tín hữu Kitô chúng ta, Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong năm, tuần này mang lại cho chúng ta cơ hội đi sâu vào trong các biến cố trọng yếu của công trình cứu độ, sống lại mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm cao cả của đức tin. Từ chiều thứ năm Tuần Thánh, với thánh lễ Chúa lập phép Thánh Thể, các lễ nghi phụng vụ trọng thể giúp chúng ta suy niệm một cách sống động về cuộc thương khó, sự chết và sống lại của Chúa trong tam nhật Vượt Qua, là nòng cốt của năm phụng vụ. Ước gì ơn Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để hiểu hồng ân khôn lường là ơn cứu độ mà sự hy sinh của Chúa Kitô đạt được cho chúng ta. Hồng ân vô biên này, chúng ta thấy được mô tả một cách tuyệt vời trong bài ca nổi tiếng trình bày trong thư gửi tín hữu Philiphê (2,6-11), mà chúng ta suy niệm nhiều lần trong mùa chay này. Thánh Tông đồ gợi lại một cách xúc tích và hữu hiệu toàn thể mầu nhiệm lịch sử cứu độ, ngài nhắc đến tội kiêu ngạo của Adam, là người tuy không phải là Thiên Chúa mà lại muốn như Thiên Chúa. Và đối nghịch với sự kiêu ngạo của con người đầu tiên ấy, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy phần nào trong con người của chúng ta, là sự khiêm hạ của Người Con đích thực của Thiên Chúa, khi làm người, Ngài đã không ngại nhận lấy tất cả những yếu đuối của thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi, và ngài đi tới mức độ sâu thẳm của cái chết. Tiếp theo sự hạ mình trong chiều sâu tột cùng của cuộc khổ nạn và cái chết, là sự tôn vinh, vinh quang đích thực, vinh quang của tình yêu thương cho đến tột độ. Vì thế, như thánh Phaolô đã nói, 'Khi nghe danh Chúa Giêsu mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, mọi gối phải bái quì và mọi miệng lưỡi phải tôn vinh: Ðức Giêsu Kitô là Chúa!" (2,10-11). Qua những lời ấy Thánh Phaolô nhắc đến lời ngôn sứ của Israel trong đó Chúa nói: Ta là Chúa, mọi đầu gối đều phải gập xuống trước mặt Ta trên trời và dưới đất (xc Is 45,23). Thánh Phaolô khẳng định rằng điều này được áp dụng cho Chúa GIêsu Kitô. Trong sự khiêm tốn của ngài có sự cao cả đích thực của tình yêu của ngài, ngài thực là Chúa tể của trần gian và mọi gối phải bái quì thực sự trước mặt Ngài".

ÐTC nói thêm rằng: Thật là tuyệt vời và lạ lùng dường nào, mầu nhiệm ấy. Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm cho đủ về thực tại này. Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, đã không muốn coi những đặc quyền thần linh của ngài như một điều sở hữu tuyệt đối, ngài không muốn dùng bản tính Thiên Chúa, phẩm giá vinh quang và quyền năng của Ngài như một phương thế chiến thắng và như một dấu hiệu xa cách chúng ta. Trái lại, Ngài đã tự hủy mình, nhận lấy thân phận lầm than yếu đuối của con người. Về điểm này, thánh Phaolô dùng một động từ Hy Lạp để chỉ sự "kénosis", sự hạ cố của Chúa Giêsu. Hình thái thần linh tiềm ẩn trong Chúa Kitô dưới hình người, hoặc dưới thực tại của chúng ta, ghi đậm đau khổ, nghèo đói, và những giới hạn của con người, cũng như chết chóc. Sự chia sẻ tột cùng bản tính loài người của chúng, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi, đã đưa Chúa Giêsu đến biên giới dấu hiệu sự hạn hữu của chúng ta, tức là cái chết. Nhưng tất cả những điều ấy không phải là kết quả của một động cơ tăm tối hoặc định mệnh mù quáng, đúng hơn đó lạ sự tự do chọn lựa của Chúa, là sự quảng đại gắn bó với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói thêm rằng cái chết mà Chúa Giêsu chấp nhận chính là cái chết trên thập giá, là cái chết ô nhục nhất người ta có thể tưởng tượng được. Tất cả những điều ấy vị Chúa tể vũ trụ đã chấp nhận vì yêu thương chúng ta: vì yêu thương ngài đã tự hủy mình, trở nên người anh chúng ta, vì yêu thương ngài chia sẻ thân phận của chúng ta, thân phận của mỗi người. Một đại chứng nhân của truyền thống đông phương, là Teodoro Ciro đã viết: "Tuy là Thiên Chúa và có bản tính Thiên Chúa, đồng hàng với thiên Chúa, Ngài không giữ lại cho mình điều gì cao cả, như những người đã nhận được vài vinh dự cao hơn huân công của họ, trái lại Chúa dấu đi những công phúc của Ngài, đã chọn sự khiêm hạ sâu thẳm nhất, và mặc lấy hình dạng một người" (Commento all'epistola ai Filippesi, 2,6-7).

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page