ÐTC Biển Ðức 16

chủ sự Thánh lễ chúa nhựt lễ Lá

 

ÐTC Biển Ðức 16 chủ sự Thánh lễ chúa nhựt lễ Lá.

Vatican (5/04/2009) - Theo truyền thống, chúa nhật lễ lá mở đầu Tuần thánh, cũng gọi là mùa Thương khó, với bài trình thuật về cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu. Thoạt tiên bầu khí xem ra ảm đạm. Tuy nhiên, phụng vụ của chúa nhựt lễ lá cũng mang một sắc thái khác, đó là cuộc kiệu tưng bừng của các thiếu nhi đón rước đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất kế hoạch cứu độ nhân loại. Ðó là lý do mà ngày này được chọn làm ngày thế giới các bạn trẻ. Thực ra hai khía cạnh vừa rồi liên kết mật thiết với nhau. Các bạn trẻ được mời tham gia cuộc rước kiệu để tôn vinh Chúa Giêsu, không phải như một người hùng hay một vĩ nhân, nhưng như là Ðấng Cứu chuộc nhân loại nhờ thập giá. Hàng năm ngày thế giới bạn trẻ được cử hành tại tất cả các giáo phân, còn đại hội quốc tế thì được tổ chức 2-3 năm một lần. Ðại hội quốc tế lần chót đã diễn ra năm 2008 tại Sydney và lần tới sẽ đưọc tổ chức vào năm 2011 tại Madrid. Vào cuối thánh lễ do đức thánh cha chủ sự vào hồi 9 giờ rưỡi sáng hôm qua, đã có cuộc chuyển giao cây thánh giá cao 3 thước từ đại biểu giáo phận Sydney cho đại biểu giáo phận Madrid. Thực vậy, các buổi đại hội giới trẻ được đặt dưới cây thánh giá, biểu tượng của tình yêu phục vụ trao hiến. Vương quyền của Thiên Chúa được thiết lập nhờ thập giá chứ không nhờ quyền lực. Các bạn trẻ cũng như các Kitô hữu được mời gọi đi theo con đường ấy.

Bài giảng của đức thánh cha dựa trên đoạn Tin mừng theo thánh Gioan chương 12 (câu 20-34) đã được công bố vào chúa nhựt tuần trước, để giải thích về bản chất vương quyền của Chúa Giêsu. Vào lúc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, người ta đã tung hô Người như là Con Vua Ðavit, kẻ khôi phục vương triều (xc Mc 11,9). Khi bị điệu trước toà tổng trấn Philatô, đức Giêsu cũng bị tố cáo vì tội nổi loạn vì tự xưng làm vua. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp ấy, người ta đã quan niệm vương quyền theo nghĩa chính trị trần tục. Vương quyền của đức Giêsu thì khác. Khác ở chỗ nào? Ðức thánh cha nói:

Chúng ta có thể nhận thấy hai đặc trưng căn bản của vương quyền này. Thứ nhất, vưong quyền này trải qua thập giá. Bởi vì Chúa Giêsu đã trao ban mình hoàn toàn, ngày nay khi sống lại Người thuộc về tất cả mọi người và hiện diện với mọi người. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận kết quả của hạt lúa mì đã chết, tức là sự tăng gia những tấm bánh tiếp diễn cho đến tận thế và ở khắp nơi. Ðặc trưng thứ hai của vương quyền này là tính cách phổ thế, bao hàm hết mọi dân tộc. Ðiều này đã có thể xảy ra bởi vì đây không phải là vương quyền của quyền lực chính trị, nhưng thuần tuý dựa trên sự gắn bó bằng tình yêu, một tình yêu đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu đã ban mình cho hết mọi người. Chúng ta cần phải học hỏi nhiều về hai đặc trưng vừa nói, cách riêng là tính phổ thế. Ðiều này có nghĩa là không ai có thể đặt như là tuyệt đối bản thân mình, văn hóa của mình, thời đại của mình, thế giới của mình. Ðiều này đòi hỏi rằng tất cả chúng ta cần phải đón nhận lẫn nhau, biết khước từ một chút gì riêng tư của mình. Tính phổ quát bao gồm mầu nhiệm thập giá, sự vượt thắng chính mình, sự tuân phục lời của Chúa dành cho Giáo hội. Tính phổ quát và thập giá đi đôi với nhau. Có như vậy thì mới có hoà bình.

Chúa Giêsu nói tiếp: "Ai yêu chuộng mạng sống của mình thì sẽ mất nó; ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ bảo toàn nó đến muôn đời" (Ga 12,25). Ai muốn dành hết mọi sự cho mình, chỉ biết sống cho mình, thì sẽ mất. Cuộc sống ích kỷ của họ sẽ trở nên nhàm chán và trống rỗng. Chỉ khi biết từ bỏ mình, chỉ trong sự trao hiến mình cho người khác, chỉ khi đáp lại tiếng "Xin vâng" cho cuộc sống cao cả hơn, tức là Thiên Chúa, thì cuộc sống chúng ta mới trở nên bao la vĩ đại. Ðó là ý nghĩa của nguyên lý tình yêu mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ. Thực vậy, yêu thương có nghĩa là từ bỏ mình, trao ban mình, không muốn chiếm hữu mình, không khép kín trong cái tôi, nhưng biết nhìn đến người khác. Nguyên lý tình yêu cũng trùng hợp với mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, Chúa đòi hỏi chúng ta hãy trả lời "xin vâng", từ bỏ bản thân, hy sinh cái tôi của mình. Sự cao cả của cuộc sống nằm ở chỗ dám đáp lại tiếng "Xin vâng" như vậy: nếu không có sự hy sinh thì không mong gì sẽ cuộc đời sẽ thành công.

Tiếp tục suy niệm về đoạn Tin mừng, đức thánh cha ghi nhận rằng khi nghĩ đến cái chết, nghĩ đến hạt lúa mì phải tan rã, Chúa Giêsu cũng tỏ ra bồi hồi xúc động. Người cũng chia sẻ nỗi lo âu như chúng ta. Và rồi thánh Gioan ghi thêm hai câu nói của Chúa: "Tôi biết nói gì đây: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này"? (Ga 12,27) Ðứng trước đau khổ, chúng ta cũng có thể kể lể than thở với Thiên Chúa, trình bày cho ngài những lo lắng của chúng ta, những khó khăn của chúng ta. Chúng ta đừng ngần ngại sống thành thực với ngài. Nhưng liền sau đó, thánh sử ghi thêm một câu nói nữa: "Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Cha" (Ga 12,28); những lời này cũng tương tự như Phúc âm nhất lãm: "Xin đừng theo ý con nhưng xin theo ý Cha (Lc 22, 42). Ðây là điểm then chốt của việc cầu nguyện: biết rằng vinh quang của Thiên Chúa, chương trình của Thiên Chúa thì lớn hơn tư tưởng và ước muốn của ta. Cầu nguyện có nghĩa tin tưởng rằng đường lối của Chúa thì đúng, ý định của Chúa là chân lý và tình thương, cuộc đời của ta sẽ tốt đẹp nếu biết hoà hợp với kế hoạch của Chúa.

Trong phần kết luận, ÐTC đã nhắn nhủ các bạn trẻ: mỗi khi chúng ta chạm đến thập giá Chúa Kitô, chúng ta chạm đến mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Người Con yêu quý cho chúng ta. Thập giá nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Ðồng thời nó cũng nói lên ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không biết đáp lại tiếng gọi của thập giá bằng tiếng Xin vâng, thì chúng ta không mong gì kết hiệp với Chúa Kitô.

Vào cuối thánh lễ, như đã nói ở đầu, đã có nghi thức chuyển giao thập giá từ phái đoàn giáo phận Sydney cho phái đoàn giáo phận Madrid. Trước khi xướng kinh Truyền tin và ban phép lành kết thúc, ÐTC cũng thêm lời kêu gọi các quốc gia hãy ký kết thoả ước ngăn cấm việc sử dụng mìn giết người, cũng như kêu gọi cộng đoàn quốc tế hãy quan tâm trước thảm cảnh của nhiều thuyền nhân bị thiệt mạng đang diễn ra trong những ngày này ở miền Nam Italia.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page