Bản tường trình của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà

về phiên tòa Phúc Thẩm xử 8 Giáo Dân

 

Bản tường trình của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà về phiên tòa Phúc Thẩm xử 8 Giáo Dân.

Hà Nội, Việt Nam (28/03/2009) - Khoảng 10 nghìn người trực tiếp hiệp thông cầu nguyện và đưa đón 8 giáo dân ra toà. Hàng nghìn người đi bộ quãng đường hơn 7 km từ Hà Nội ra Hà Ðông. Hàng trăm cảnh sát được triển khai với những công cụ và máy móc hỗ trợ hoành tráng, nhưng cách đối xử có vẻ nhẹ nhàng, lịch sự. Các công tố viên luận tội thiếu cơ sở và bằng chứng. Các nhân chứng làm chứng gian! Các luật sư bào chữa đầy thuyết phục. Hội Ðồng Xét Xử (HÐXX) thiếu lôgíc và công bằng khi không cho các bị cáo và luật sư trình bày những lý lẽ và bằng chứng có lợi nhất cho các bị cáo. Kết cục Toà tuyên bố: Y án sơ thẩm. Tám giáo dân - bị cáo và cộng đoàn phản đối bản án bất công. Nhưng tất cả cùng về nhà thờ Hà Ðông cầu nguyện, tạ ơn Chúa và xin Chúa cho được kiên trì trên con đường làm chứng cho công lý và sự thật.

 

Kính gửi Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội

Ðồng kính gửi Cha Bề Trên Giám Tỉnh DCCT VN

Kính thưa Ðức Tổng Giám Mục và Kính thưa Cha Bề Trên Giám Tỉnh

Con xin tường trình cuộc ra toà của 8 anh chị em giáo dân liên quan đến việc làm chứng cho công lý và sự thật ở giáo xứ Thái Hà và ở Toà Khâm Sứ.

Buổi sáng 5 h thánh lễ đồng tế ở nhà thờ Thái Hà. Cha Bề trên Mátthêu Vũ Khởi Phụng nói vì hôm nay là một ngày dài nên ngài chỉ nói vài câu mời gọi cộng đoàn hiệp thông với 8 anh chị em để vác thập giá theo chân Chúa, làm chứng cho công lý và sự thật.

Cũng trong buổi sáng, vào lúc 6 giờ ở nhà thờ Hà Ðông bắt đầu có thánh lễ thứ nhất. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Hinh bị bệnh nên ngài nhờ các cha trong giáo phận về dâng lễ giúp. Cha Vinh Sơn Nguyễn Ðăng Xuyên chủ tế. Ðồng tế có một số cha DCCT đến từ nhà thờ Thái Hà. Ðông đảo giáo dân ở các nơi

Khoảng 6 h từ nhà thờ Thái Hà, đông đảo linh mục tu sĩ giáo dân bắt đầu đưa các anh chị em công lý ra hầu toà. Mọi người đi bộ, mặc đẹp, tay cấm cạnh vạn tuế, ngực đeo ảnh Ðức Mẹ Công Lý. Ði hàng hai, rất trật tự và đẹp đội hình. Trên đường đi, nhiều anh chị em khác cũng gia nhập.

Rất nhiều cảnh sát và nhân viên an ninh, dân phòng đứng ở ba ngã tư dọc hai bên đường Thái Hà - Hà Ðông. Một số khác đi theo làm nhiệm vụ chụp ảnh, quy phim đoàn rước và nhắc người đi đường không đứng lại xem đoàn rước kẻo tắc nghẽn giao thông.

Quãng đường Thái Hà - Hà Ðông, hơn 7 km, cộng đoàn đi hết 2 tiếng 15 phút. Nhiều người già vẫn hằng hái đi bộ chứ nhất đi không chịu đi xe.

Khoảng 8 h 15 đoàn Thái Hà gặp đoàn Hà Ðông, tại vườn hoa đầu đường Nguyễn Trãi, lối vào Toà Án. Các anh chị em đứng ở đây đón 8 nạn nhân vì công lý và các anh chị em đến từ Thái Hà bằng một cảnh tượng vô cùng cảm động.

Chúng con thấy rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu chào đón, ủng hộ các nạn nhân. Nội dung diễn tả khát vọng rất hiền hoà, chân thật và chính đáng như: "Vô tội", "Sự thật", "Chúa ở cùng anh chị em", "Gx Hàm Long ủng hộ các nạn nhân", "Chúng tôi ở cùng anh chị em", "Ước gì anh chị em được xét xử công bằng",v.v...

Số lượng giáo dân rất đông. Một số giáo dân nhiệt thành đã chuẩn bị 5 nghìn cành vạn tuế và 5 nghìn ảnh Ðức Mẹ Công Lý đã được phát hết trong buổi sáng mà vẫn không đủ, trong khi đó 8 nghìn bánh mì đã được chia hết trong buổi trưa. Nhiều người chỉ tham dự được nửa ngày. Ước tính tổng cộng có khảong 10 nghìn người tham dự. Họ đến từ nhiều giáo xứ, giáo phận, có người đến từ Sài Gòn, từ Rạch Giá mà đông nhất vẫn là đến từ các giáo xứ của Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Cũng có nhiều nam nữ tu sĩ của các dòng đến hiệp thông chia sẻ. Có những thày những xơ đến từ các tỉnh xung quanh Hà Nội. Nhưng con không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng nội số người mà con biết mặt đã khoảng 4 chục. Trong khi đó, sơ bộ con biết có tổng cộng có 25 cha đến từ Hà Nội, Sài Gòn, Hà Nam và Vĩnh Phúc.

Cha Nguyễn Chí Công, DCCT Thái Hà

Cha Ðinh Tiến Ðức, DCCT Thái Hà

Cha Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT Thái Hà

Cha Nguyễn Kim Phùng, DCCT Thái Hà

Cha Nguyễn Văn Phượng, DCCT Thái Hà

Cha Lưu Ngọc Quỳnh, DCCT Thái Hà

Cha Nguyễn Văn Khải, DCCT Thái Hà

Cha Hồ Quang Lâm, DCCT Thái Hà

Cha Nguyễn Văn Thật, DCCT Thái Hà

Cha Nguyễn Thể Hiện, DCCT Sài Gòn

Cha Nguyễn Gia Tước, DCCT Sài Gòn

Cha Ðinh Hữu Thọai, DCCT Sài Gòn

Cha Phan Văn Hà, Chính xứ Cát Thuế

Cha Nguyễn Ngọc Hinh, Chính xứ Phùng Khoang

Cha Nguyễn Mạnh Hùng, Phó xứ Thạch Bích

Cha Vũ Quang Hùng, Phó xứ Hà Hồi

Cha Nguyễn Văn Hy, Chính xứ Cổ Nhuế

Cha Nguyễn Văn Lý, Chính xứ Hàm Long

Cha Nguyễn Văn Quang, Phó xứ Phủ Lý

Cha Vũ Ngọc Ruẫn, Chính xứ Cửa Bắc

Cha Trần Bình Trọng, Chính xứ Bút Ðông

Cha Phạm Minh Triệu, Phó xứ Hàm Long,

Cha Nguyễn Ðăng Xuyên, Chính xứ Phú Ða

Cha Trần Công Ý, Chính xứ La Phù

Cha Nguyễn Huy Liệu, Chính xứ Dân Trù, GP Bắc Ninh

Có thể còn một số cha nào đó cũng hiện diện mà con không biết hết. Trong đó có một cha con biết mặt và mà không biết tên, thuộc giáo phận Bắc Ninh hay Hải Phòng gì đó; ngài đi bộ với chúng con từ Thái Hà ra Hà Ðông.

Chúng con rất cảm động khi thấy đông đảo quý cha về Hà Ðông hiệp thông cầu nguyện và theo dõi phiên toà. Cha Nguyễn Ngọc Hinh, dù mới phẫu thuật, đang phải nằm việiệt nam cũng đã vội vã trở về nhà để có thể phục vụ và đón tiếp mọi người tựu về Hà Ðông.

Cảnh sát án ngữ tất cả các con phố dẫn vào toà án. Có các cán bộ đứng chỉ đạo. Số thân nhân của các bị cáo và số các cha có thể vào dự phiên toà đông hơn lần trước. Các cán bộ cho 2 cha vào phòng xử án. Còn các cha khác, ai có yêu cầu đều có thể vào tham dự phiên xử qua phòng truyền hình trực tiếp.

Con thấy có sự ứng xử lịch sự, thân thiện và rộng rãi hơn lần ra toà sơ thẩm. Một số cán bộ CA và một số cha còn đứng chụp hình với nhau ở đầu đường Nguyễn Trãi, lối vào Toà án.

Ngoại trừ một số cha và giáo dân được vào bên trong Toà Án, hàng nghìn người còn lại ngồi khu vực công viên Hà Ðông. Cộng đoàn hát thánh ca, cầu nguyện và trò chuyện ở đấy trong ôn hoà, bất bạo động. Chỉ có khi bắt đầu đến nơi và khi ra về có ảnh hưởng một tý đến việc giao thông tại ngã tư Hà Ðông, vì lượng người đông quá. Còn lại hoàn toàn không có sự gây cản trở và ách tắc giao thông nhưng một số tờ báo quy kết sáng nay 28/3/2009.

Cổng vào toà có đặt máy kiểm tra an ninh. Khu vực sân toà và các phòng ốc, hành lang của cơ sở II, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đầy các cán bộ và các nhân viên an ninh. Con chẳng biết cấp cao nhất bên dân sự là ai. Còn bên Công Aan con thấy có ông Trưởng phòng PA 38, Trưởng quận Ðống Ða và một ông về sau con được giới thiệu là ông Phó Giám Ðốc Công An Hà Nội.

Phòng xử án nằm ở ngay tầng 1, cạnh sân, giáp phố, khá ồn ào vì lượng người khá đông. Tới phòng xử ngay cái nhìn đầu tiên, con đã thấy có sự bất công nữa ngay nơi kiếm tìm công lý ấy là có rất nhiều phóng viên các báo đài có mặt quay phim, chụp hình trong khi các giáo dân và giáo xứ Thái Hà không ai được mang máy chụp hình quay phim vào Toà.

Có một số người ngoại quốc, không biết là nhân viên ngoại giao của nước nào và một số phóng viên quốc tế, người Việt lẫn người ngoại quốc, nhưng số này chỉ ở sân toà án và ngồi ở phòng gần nơi xét xử, theo dõi phiên toà qua truyền hình trực tiếp.

Trong khi đó chỉ có 1 cha và khoảng 2 chục giáo dân trong phòng xét xử thì có đến gấp 3 lần người tham dự phiên toà là người được chính quyền mời dự mà con không biết họ thuộc khối nào và họ có liên quan gì đến vụ án đang xét xử, tại sao họ có mặt ở đấy. Con hỏi một số và họ im lặng không trả lời.

Khoảng 8 h 45 khai mạc phiên toà, ngay câu đầu tiên, ông Nguyễn Quốc Hội, vị thẩm phán chủ toạ, tuyên bố "hôm nay ngày 29 tháng 3" làm cả phòng xử phiên toà ồ lên, có người nhắc "ngày 27" ông mới tuyên bố lại ngày giờ.

Phần điểm danh con thấy có 8 nhân chứng và các nhân chứng này toàn là những người của Nhà Văn hoá quận Hoàn Kiếm, Công ty May Chiến Thắng, một số người khác ở các phường Ô Chợ Dừa, Trung Tự. Các bị cáo thắc mắc: Những nhân chứng kia là của ai? Tại sao không mời những người đang cư trú ngay trước Linh Ðịa Ðức Bà? Những người ở xa làm sao biết vấn đề để có thể làm chứng xác thực?

Các bị cáo cũng thắc mắc tại sao luật sư Lê Trần Luật không có mặt, trong khi ông là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi của các bị cáo. Toà giải thích vòng vo và chứng minh cho có bằng những lý lẽ và bằng chứng thiếu thuyết phục.

Khi ấy, các luật sư cũng vào cuộc chất vấn và toà càng lúng túng hơn nên lấy quyền mà quyết rằng Hội đồng Xét xử đã đi đúng trình tự pháp lý và sự vắng mặt của Luật Sư Lê Trần Luật không ảnh hưởng tới thủ tục xét xử phiên toà hôm nay.

Công tâm mà xét, đối với những người có lý trí và hiểu biết luật pháp, bất luận là cán bộ hay luật sư, đều thấy tiến trình tố tụng liên quan đến "vụ án" Thái Hà và "vụ án" Toà Khâm Sứ còn có rất nhiều vấn đề cần xem lại chiếu theo với quy định của luật pháp.

Nội chuyện 8 cá nhân, có hành vi độc lập với nhau, không có ai cầm đầu ai, kích động ai, liên quan đến 2 "vụ" khác nhau, mà Toà xử chung thành 1 vụ trong một lần đã là một sự vi phạm nghiêm trọng luật tổ tụng.

Sự hiện diện của các chứng nhân "được tuyển chọn" và sự ngăn chặn luật sư Lê Trần Luật làm cho các bị cáo ngay tư đầu đã nhận thấy quyền lợi của mình không được tôn trọng, vì vậy, một bị cáo bức xúc, có những lời phản đối lớn tiếng và kiên quyết, khiến Toà phải đưa vào phòng cách ly một khoảng thời gian.

Khoảng 9 h 25 Toà công bố lại bản án sơ thẩm. Khoảng 9 h 45 Toà xét hỏi. Các bị cáo giữ nguyên lời khai và nói rằng hành vi của mình không có gì sai lỗi. Rồi Toà yêu cầu các chứng nhân lên làm chứng.

Có đến 7/8 chứng nhân trình bày cái hiện thực chung chung, phiến diện và bị bóp méo, chỉ có 1/8 chứng nhân chỉ một tả hiện tượng bằng một hai câu ngắn; Một điều rất lạ lùng là 7/8 chứng nhân không biết các bị cáo và không tận mắt nhìn thấy các bị cáo làm gì, với ai, ở đâu, hậu quả và ảnh hưởng thế nào. Không một bằng chứng cụ thể.

Có 1 chứng nhân tên là Ðinh Hồng Phong, quận uỷ viên quận Hoàn Kiếm, cán bộ Phòng Văn hoá quận Hoàn Kiếm, làm chứng thấy chị Nhi kích động và lôi kéo người khác phá tường rào Toà Khâm Sứ và giật các tấm panô của Nhà Văn hoá.

Con đã thấy và con có đủ bằng chứng để khẳng định rằng đấy là chứng gian. Trước đây, con đã trực tiếp nói với cán bộ này ít là hơn một lần về sự làm chứng gian của anh trên truyền hình cũng như trước toà án. Hôm nay ở hành lang phòng xử con nói lại với anh điều này một lần nữa. Anh tái mặt, tránh đi. Con thấy nam nhi, lại làm cán bộ lãnh đạo văn hoá mà như anh thì thật là đảo điên, hèn hạ và độc ác.

Tiếp đến phần luận tội, bào chữa và tranh luận. Con thấy nội dung cáo trạng và các ý kiến tranh luận của các công tố viên về cơ bản cũng như lần xét xử trước. Thậm chí nội dung còn ít tính thuyết phục hơn, nghe chẳng khác những gì báo Hà Nội Mới đã viết liên quan đến hai vụ Thái Hà - Toà Khâm Sứ. Nghe các công tố viên trình bày, người ta thấy như thể các vị đang đọc bản báo cáo, trình bày lập trường quan điểm, hơn là một bản cáo trạng.

Khi tranh luận, để bảo vệ quan điểm của mình, công tố viên lại viện dẫn đơn tố cáo chung chung của tổ dân phố, viện dẫn lời khai, mà thực sự là những lời chứng gian - của các nhân chứng để làm cơ sở luận tội mà không xem xét xem nội dung của chúng có đúng sự thật không! Nếu cứ có đơn, có lời khai của người này là đi kết tội người ta như thế, con chắc ai cũng có thể kết tội người khác nếu muốn và đất nước này mọi người sẽ vào tù.

Dường như lý lẽ và bằng chứng yếu quá, cho nên công tố viên phải dùng cả tay để luận tội cho thêm mạnh: Tay nữ công tố viên cứ chỉ vào mặt các bị cáo và nhắp nhắp như người cha độc đoán đang trừng phạt và răn dạy những đứa con ngỗ nghịch. Thật là kém văn hoá và lại còn vi phạm quy định của Toà! Luật sư Huỳnh Văn Ðông sau đó đã lên tiếng bảo vệ các thân chủ của mình trước hành vi trên đây của nữ công tố viên.

Ngay khi nghe các công tố viên trình bày và tranh luận, con có nói với 1 cán bộ ngồi cạnh con trong Toà rằng: Công tố viên cứ thực thi vai trò luận tội và kết án các bị cáo. Nhưng làm sao để cho người ta thấy hợp lý, chứ luận tội chung chung, thiếu cơ sở, thiếu bằng chứng, lại chỉ dựa trên những đơn thư và lời chứng gián tiếp mà đi kết tội cụ thể cho những con người cụ thể thế này thì trình độ chuyên môn kém quá! Thật là lối luận tội và kết án bất công, như thế thì phỉ nhổ vào chính nền khoa học pháp lý mà mình đang đeo đuổi!

Trái ngược với các công tố viên. Hai luật sư Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Ðông đã tham gia bào chữa, tranh luận hết sức khoa học. Hai luật sư có những câu hỏi đơn giản, rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, những câu hỏi mà đối với người đang theo dõi phiên toà, có lý trí bình thường, ai cũng quan tâm. Tiếc rằng các chứng nhân và các công tố viên không trả lời được hoặc trả lời cho qua chuyện khiến người có năng lực nhận thức bình thường khó có thể chấp nhận, chứ đừng nói là người am hiểu pháp lý.

Hai luật sư biện hộ cho 7 bị cáo bằng những lý lẽ rõ ràng dựa trên các cơ sở pháp lý chắc chắn và bằng những bằng chứng xác thực dựa trên chính các sự kiện diễn ra. Còn phải nói thêm là hai luật sư trình bày rất tự nhiên, rất hùng biện, dường như chẳng phụ thuộc vào bài bào chữa viết sẵn, cung giọng và cử chỉ rất chừng mực, nhưng rất hùng biện, đề cập đến các vấn đề tinh tế xung quanh vụ án một cách khéo léo, thẳng thắn, khó có thể khiến ai mất lòng!

Những người trong cuộc biết, hay những người am hiểu vấn đề thừa biết bản chất của "vụ án" Thái Hà gắn liền với tính pháp lý của khu đất tranh chấp. Nếu chứng minh được khu đất thuộc nhà thờ, thì các bị cáo vô tội. Nếu chứng minh được khu đất thuộc Công ty May Chiến Thắng thì các bị cáo có tội.

Trước Toà, trong khi các công tố viên được thoải mái, vô tư trưng dẫn các văn bản liên quan đến tính pháp lý của khu đất để chứng minh rằng khu đất ấy thuộc quyền quản lý hợp pháp của Công ty May Chiến Thắng, thì các luật sư lại bị Hội Ðồng Xét Xử yêu cầu ngưng lại, tức là bị "bịt miệng" khi chứng minh khu đất thuộc quyền quản lý hợp pháp của nhà thờ Thái Hà.

Trong khi các công tố viên và hội đồng xét xử tự do trình bày cách hành xử "đúng đắn", chính đáng, hợp pháp của nhà nước và những người liên quan trong các quyết định liên quan đến khu đất, thì các luật sư không được nói gì đế những điều này, dù là để phản bác lại chính những nội dung mà công tố viên vừa trình bày, hay thẩm phán vừa khẳng định.

Chẳng hạn công tố viên và Hội Ðồng Xét Xử khẳng định năm 1961 cha Vũ Ngọc Bích, nguời quản lý nhà thờ Thái Hà, đã làm giấy "bàn giao" "toàn bộ" khu đất cho nhà nước quản lý. Trong khi ấy, các luật sư cũng không được đưa ra bằng chứng ngược lại phủ nhận việc "bàn giao" (nếu có) này.

Vị thẩm phán chủ toạ luôn luôn yêu cầu các luật sư và các bị cáo không đựơc bàn đến vấn đề nguồn gốc đất đai ở phiên toà. Trường hợp là bị cáo đang được xét hỏi hay trình bày thì vị thẩm phán mời về chỗ. Trong mọi lúc tương tự, vị thẩm phán luôn buông một câu rằng nếu cần thì vấn đề ấy phải được xét xử ở trong một vụ khác.

Hẳn là vị thẩm phán đủ trình độ để nhận thấy sự thiếu nhất quán khi áp dụng tiêu chuẩn kép đối với các bên liên quan trong cùng một vấn đề. Ðấy là cái bất lợi cho các luật sư và các bị cáo. Ðấy cũng là cái bất công lớn nhất của phiên toà xét xử sơ thẩm lần trước cũng như phúc thẩm lần này. Luật sư Huỳnh Văn Ðông tại toà đã nói lên sự đối xử không công bằng đó của Hội Ðồng Xét Xử.

Mặc dù vậy, chỉ với những gì được phép trình bày, thì hai luật sư cũng đã cho mọi người thấy được sự vô tội của các bị cáo. Chẳng hạn, luật sư Sang hỏi: Cha Vũ Ngọc Bích chỉ là người quản lý khu đất, vậy mà việc người quản lý bàn giao tài sản cho người khác có hợp pháp không? Toà im lặng không trả lời.

Luật sư Ðông cho mọi người hiện diện thấy các bị cáo không gây náo loạn, không làm ở nơi công cộng, không gây hậu quả nào nghiêm trọng. Vì thế việc đưa các bị cáo ra xét xử là oan sai. Việc các bị cáo cầu nguyện cho các nhà chức trách biết hành xử theo pháp luật, theo đạo lý đã bị xuyên tạc thành hành động "gây rối". Sai lầm là ở chỗ các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước trước đây xử lý không đến nơi đến chốn vấn đề.

Luật sư Sang cho thấy bị cáo không có ý phá họai tài sản. Mấy mét tường các bị cáo dỡ bỏ để lấy lối vào cầu nguyện cũng không còn giá trị là tài sản là bao nhiêu. Việc xác định giá trị tài sản của mấy mét tường bị dỡ bỏ là không xác thực, quyết định 76 của Sở Tài nguyên-Môi trường-Nhà đất không chứng minh được nhà nước đang sở hữu và quản lý hợp pháp diện tích đất đai đang tranh chấp, v.v...

Khi nghe các luật sư trình bày, dù có ghét bỏ các bị cáo đi nữa, nếu là người logíc với các nguyên tắc và cơ sở pháp lý, nếu là người lo gíc với chính mình, có can đảm tuân theo sự nhận thức và hướng dẫn của lý trí, thì phải nhận rằng các bị cáo vô tội.

Ðã đành là sự thật tự nó có sự thuyết phục, song vẫn còn vấn đề là anh có chỉ ra cho người ta thấy được sự thật hay không. Khi bào chữa hai luật sư đã làm được điều này bằng trình độ chuyên môn chắc chắn và có lương tâm chức nghiệp của mình.

Khoảng 13 h 20, các bị cáo được nói lời cuối cùng. Cả 8 anh chị em giáo dân trong ghế bị cáo đều cho rằng mình vô tội và bản án sơ thẩm cũng như bản cáo trạng của Viện Kiểm sát là bất công. Một số bị cáo đề nghị toà xét xử đúng pháp luật và đúng lương tâm. Bà Nguyễn Thị Việt thì nói nếu Toà tìm được bằng chứng cho thấy bà kích động người khác, hoặc kêu gọi người khác đến Thái Hà cầu nguyện, bà sẵn sàng ngồi tù.

Khoảng 14 h kém 15 Toà tuyên án. Con nghe nội dung chẳng khác bản án đã tuyên trong lần sơ thẩm. Có khác chăng chỉ là thời gian ngày tháng. Có điều buồn cười là không thấy xét các linh mục từ đấu chí cuối, nhưng đến phần tuyên án thì lại "xử" "linh mục Vũ Khởi Phụng và một số giáo sĩ nhà thờ Thái Hà" có những hành vi "phạm tội" nghiêm trọng và Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã ra công văn cảnh cáo.

Toà cũng tuyên bố giữ nguyên tội trạng và hình phạt của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo. Các chứng cứ và lý lẽ biện hộ thuyết phục của các luật sư không thay đổi được kết quả là một bản án bất công dành cho các bị cáo. Vì thế, ngay khi tuyên bố kết thúc phiên toà, các bị cáo đã lớn tiếng phản đối trong phòng xét xử.

Cha Trần Bình Trọng, cha G.B Nguyễn Văn Quang, con cùng các luật sư và các thân nhân của các giáo dân-bị cáo, dẫn 8 anh em chị em giáo dân là nạn nhân của công lý ra khỏi Toà Án. Các cha ở bên ngoài báo cho chúng con đưa anh chị em giáo dân về nhà thờ Hà Ðông tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, giáo dân ùa tới đông quá khiến chúng con không đi không nổi và cảnh sát cơ động cũng không thể giữ được trật tự nữa.

Con có mượn một cái loa lớn của cảnh sát cơ động để mời các giáo dân về nhà thờ Hà Ðông dự lễ, đồng thời thông báo ngay kết quả phiên toà và tuyên bố không đồng ý với kết cục là bản án bất công kia. Lập tức, chỉ mươi phút sau là đoàn người di chuyển khỏi khu vực đầu đường Nguyễn Trãi, các anh chị em giáo dân đến tặng được hoa cho các luật sư và các bị cáo, trong khi đó các cảnh sát cơ động có thể thu dọn phương tiện làm việc.

Ðoàn người trở về nhà thờ Hà Ðông. Con đường phân cách nhà thờ với Ủy Ban Nhân Dân thành phố đầy chật người. Khu nhà Ủy Ban Nhân Dân này vốn là nhà xứ Hà Ðông mà ông Hoàng Tươi, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị xã Hà Ðông đã mượn vào năm 1977. Những năm qua cha xứ và giáo dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền trả lại khu vực này cho giáo xứ. Các cán bộ hữu trách hứa khi nào xây xong trụ sở mới thì sẽ trả lại. Vì thế, cha xứ xin chúng con hiệp ý cầu nguyện cho quý vị đại diện chính quyền sớm thực hiện lời hứa.

Tới nhà thờ Hà Ðông, trước thánh lễ, cha Chính xứ mời con chia sẻ tóm tắt về diễn tiến phiên toà và thông báo bản án chung cuộc cho cộng đoàn biết. Ngài cũng mời cha Nguyễn Văn Thật Dòng Chúa Cứu Thế chủ tế, vì ngài vừa phẫu thuật xong, còn đang rất yếu. Có một số cha đống tế, trong đó có cha Nguyễn Huy Liệu đến từ giáo phận Bắc Ninh. Có một số cha khác hiện diện, nhưng không đồng tế, vì các ngài thánh lễ cử hành lúc 12 h trưa ở Hà đông vừa đồng tế trong thánh lễ trước đó như cha Nguyễn Văn Lý, cha Phạm Minh Triệu, etc...

Kết thúc thánh lễ, cha Nguyễn Ngọc Hinh đã cám ơn cộng đoàn đã cầu nguyện cho giáo xứ Hà Ðông và thông cảm cho sự thiếu thốn của giáo xứ, vì hoàn cảnh chật hẹp. Thay mặt 8 giáo dân, đại diện cho cha Bề trên Chính xứ Thái Hà, cha Nguyễn Văn Thật đã cám ơn cha xứ Hà Ðông, cám ơn cha quản hạt Hà Nội, quý cha quý thầy, quý soeurs và quý ông bà anh chị em giáo dân đã đồng hành với 8 giáo dân ra toà, đã can đảm làm chứng cho công lý và sự thật, đã nhiệt tâm ủng hộ và cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà và các bị cáo của giáo xứ, rồi mọi người chia tay nhau, kết thúc một ngày và cũng là một giai đoạn làm chứng cho công lý và sự thật trong trật tự, bình an.

Trên đây là một số diễn biến mà con biết được. Thực ra khó có thể biết tường tận các sự kiện diễn ra trong ngày xét xử. Vì con hiện diện trong phòng xét xử và nếu ở bên ngoài cũng vẫn không biết hết được vì không thể đồng thời có mặt được ở các điểm khác nhau trên các con đường xung quanh toà án và khu vực nhà thờ Hà Ðông.

Con xin kính chào Ðức Tổng Giám Mục và Cha Bề Trên Giám Tỉnh. Kính xin các ngài cầu nguyện và chúc lành cho con.

 

Người tường trình

LM Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page