Vài nét về Huynh đoàn thánh Pio X

và thảm cảnh ly giáo

 

Vài nét về Huynh đoàn thánh Pio X và thảm cảnh ly giáo.

(Internet Wikipedia; Avvenire 13+14-3-2009) - Ngày 21-1-2009 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã tha vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục thuộc Huynh đoàn thánh Pio X: đó là các Ðức Cha Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta. Cả 4 vị đã được Ðức Tổng Giám Mục Marcel Lefèvrre truyền chức ngày 30 tháng 6 năm 1988 mà không có phép của Ðức Giáo Hoàng. Quyết định này của Ðức Thánh Cha đã gây ra một số phản ứng tiêu cực từ phía một số Giám Mục và tín hữu công giáo. Ngày 12 tháng 3 năm 2009 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố bức thư Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gửi các Giám Mục công giáo toàn thế giới để giải thích ý nghĩa và ý hướng của cử chỉ bác ái này. Bốn Giám Mục của Huynh đoàn thánh Pio X đã được tha vạ vì thừa nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng, nhưng Huynh đoàn thánh Pio X vẫn chưa được Giáo Hội nhìn nhận là một tổ chức pháp lý, vì chưa chấp nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II và các giáo huấn tiếp theo của các Giáo Hoàng.

Huynh đoàn thánh Pio X đã do Ðức Tổng Giám Mục Marcel Lefèvre thành lập năm 1970 và năm 1988 đã trở thành phong trào ly giáo. Hiện nay nhóm theo Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre có 491 linh mục, 215 chủng sinh, 6 chủng viện, 117 tu huynh, 164 nữ tu và khoảng 500 ngàn tín hữu đó đây trên thế giới.

Ðức Tổng Giám Marcel Lefèvre sinh tại Tourcoing, bên Pháp, ngày 29-11-1905, và qua đời tại Martigny ngày 25-3-1991.

Từ năm 1738 dòng tộc Lefèvre đã cống hiến cho Giáo Hội khoảng 50 người con, trong đó có một Hồng Y, nhiều Giám Mục, Linh Mục và tu sĩ nam nữ, kể cả một chuyên viên phụng vụ nổi tiếng là Dom Gaspar Lefèvre, thuộc dòng Biển Ðức. Thân phụ của Ðức Cha, ông René Lefèvre, là một chủ nhân giầu của các kỹ nghệ dệt vải và là một người kháng chiến nhiệt thành. Bị Ðức Quốc Xã bắt năm 1941 ông bị giết trong trại tập trung Sonnenburg năm 1944. Thân mẫu là bà Gabrielle Watine. Hai ông bà có 8 người con: 2 trai và 6 gái. Cả hai anh em trai đều là linh mục và cũng có 2 người con gái là nữ tu.

Thầy Marcel Lefèvre gia nhập đại chủng viện tại Roma. Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự, thầy lấy bằng tiến sĩ Triết và Thần học tại đại học Giáo Hoàng Gregoriana và thụ phong linh mục năm 1929. Sau một thời gian làm cha phó một giáo xứ tại thành phố Lille cha Marcel gia nhập Dòng Chúa Thánh Thần, và năm 1932 đi truyền giáo bên Gabon. Ban đầu cha là giáo sư Tín Lý và Kinh Thánh tại đại chủng viện Libreville, là đại chủng viện vùng xích đạo Phi châu nói tiếng Pháp, và năm 1934 cha được chỉ định làm Giám Ðốc đại chủng viện này. Năm 1945 cha Marcel được gọi về Pháp làm giám đốc chủng viện của các cha dòng Chúa Thánh Thần.

Năm 1947 Ðức Giáo Hoàng Pio XII tấn phong cha làm Giám Mục và chỉ định Ðức Cha làm Giám Quản tông tòa Senegal. Năm sau đó Ðức Cha Lefèvre được chỉ định làm Khâm Sứ toàn vùng Phi châu nói tiếng Pháp, và đại điện cho Tòa Thánh tại 18 nước Phi châu bao gồm 45 giáo phận với 2 triệu tín hữu, 1,400 linh mục và 2,400 nữ tu. Năm 1955 Ðức Cha được chỉ định làm Tổng Giám Mục Dakar, thủ đô Senegal. Năm 1962 Ðức Cha được bầu làm Bề trên tổng quyền dòng Chúa Thánh Thần.

Trở về Pháp, Ðức Cha Marcel được chỉ định trông coi giáo phận Tulle nhỏ bé trong một thời gian ngắn. Với tư cách là Bề Trên tổng quyền của dòng Chúa Thánh Thần Ðức Cha Marcel đã tham dự Công Ðồng Chung Vaticăng II và trước đó đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII chọn làm thành viên của Ủy ban chuẩn bị. Nhưng trong Công Ðồng Ðức Cha đã mạnh mẽ phê bình cuộc cải tổ phụng vụ, phong trào đại kết và tự do tôn giáo. Ðối với Ðức Cha tất cả những điều đó là những nhượng bộ khuynh hướng duy tân thời và tin lành mới sẽ tàn phá Giáo Hội.

Năm 1970 Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre thành lập Huynh đoàn thánh Pio X với sự đồng ý của Ðức Cha Francois Charrière Giám Mục Fribourg với một chủng viện tại Ecône, và được Tòa Thánh chấp thuận năm sau đó. Năm 1971 Ðức Cha Lefèvre tuyên bố với các chủng sinh là ngài không chấp nhận Sách Lễ Mới của Công Ðồng, vì lý do lương tâm.

Ngay từ năm 1972 các Giám Mục Pháp đã coi đại chủng viện Ecône như là "chủng viện rừng rú", và tìm cách đóng cửa đại chủng viện này vì việc đào tạo và tâm thức thù nghịch đối với Công Ðồng Chung Vaticăng II và vì một số điều bất hợp pháp trong việc truyền chức. Nhiều chủng sinh thuộc các giáo phận khác nhau gia nhập đại chủng viện Ecône mà không có sự chấp thuận của các Giám Mục bản quyền của mình.

Các bất đồng ý kiến bắt đầu nảy sinh từ năm 1975, khi Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre quyết định truyền chức linh mục cho các chủng sinh được đào tạo tại Ecône, mà không có sự đồng ý của Giám Mục sở tại.

Trước các phản đối của các Giám Mục Pháp và Thụy Sĩ năm 1975 Ðức Cha Lefèvre tuyên bố mình không tách rời khỏi Giáo Hội. Sau các cuộc điều tra dài và các thể thức tiến hành theo giáo luật Ðức Cha Pierre Mamie, Tổng Giám Mục Lausanne, Genève và Fribourg, đồng ý với Hội Ðồng Giám Mục Thụy Sĩ và với Tòa Thánh, rút giấy phép và ra lệnh đóng cửa đại chủng viện Ecône. Nhưng Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre từ chối thi hành lệnh này và vẫn tiếp tục truyền chức linh mục cho các chủng sinh và mở thêm các cơ sở khác. Ðức Cha Nestor Adam, Giám Mục giáo phận Sion, bang Vallese của Thụy Sĩ, đã chứng kiến cảnh một số lớn tín hữu giáo phận theo Ðức Cha Lefèvre.

Tuy Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã can thiệp bằng các thư riêng, nhưng Ðức Cha Lefèvre trả lời bằng cách gia tăng tranh luận với các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh, và không thi hành lệnh cấm phong chức linh mục cho các chủng sinh Ecône và mở các nhà mới. Thái độ bất tuân này khiến cho năm 1976 Tòa Thánh cấm Ðức Cha Lefèvre thi hành các chức vụ thánh và ban các bí tích.

Tháng 8 năm 1976 tuy bị cấm, Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre vẫn cử hành thánh lễ trước 10,000 tín hữu tại thành phố Lille bên Pháp. Tuy đã có cuộc gặp gỡ với Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI vào tháng 9, nhưng Ðức Cha Lefèvre vẫn khước từ vâng lời và viện cớ lý do lương tâm tiếp tục truyền chức linh mục và ban các bí tích. Mặc dù Huynh đoàn thánh Pio X ở trong tình trạng bất phục tùng Tòa Thánh và Ðức Giáo Hoàng, nhưng nó vẫn được nhiều tín hữu tại nhiều nước khác nhau ủng hộ.

Tòa Thánh đã tìm nhiều cách để đối thoại và tháng 11 năm 1978 Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp riêng Ðức Cha Lefèvre. Sau đó các tương quan giữa Huynh đoàn thánh Pio X với Tòa Thánh xem ra tốt đẹp hơn. Nhưng vấn đề trở thành nghiêm trọng và rối rắm, vì năm 1981 Ðức Cha Antonio de Castro Mayer từ chức Giám Mục giáo phận Campos bên Brasil, để theo Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre và trở thành Giám đốc Hội linh mục thánh Gioan Maria Vianney.

Năm 1983 linh mục Franz Schmidberger thay thế Ðức Cha Lefèvre trong chức Bề trên tổng quyền Huynh đoàn thánh Pio X. Năm sau đó Tòa Thánh cho phép các linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ bằng tiếng latinh theo lễ nghi tiền công đồng chung Vaticăng II. Nhưng vì các khác biệt thần học năm 1985 một số linh mục rời bỏ Huynh đoàn và thành lập Học viện "Mater Boni Consilii". Một số linh mục khác trở về hiệp nhất với Giáo Hội công giáo và thành lập "Huynh đoàn linh mục thánh Phêrô".

Từ năm 1987 Tòa Thánh đã tìm nhiều cách để hòa giải và đưa Huynh đoàn thánh Pio X trở về hiệp nhất với Giáo Hội và yêu cầu Ðức Cha Lefèvre đừng tấn phong Giám Mục cho các linh mục của Huynh đoàn.

Một trong những cố gắng hòa giải quyết liệt nhất là chuyến viếng thăm tông tòa của Ðức Hồng Y Edouard Gagnon vào tháng 11-12 năm 1987. Sau đó vào tháng 4 năm 1988 Ðức Gioan Phaolô II đã gửi thư cho Ðức Hồng Y Ratzinger khi đó là Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, để vạch ra các đường nét cho phép Huynh đoàn thánh Pio X có chỗ đứng hợp với giáo luật trong Giáo Hội.

Sau nhiều lần làm việc Ủy ban hỗn hợp đã đi tới một thỏa thuận được Ðức Cha Lefèvre và Ðức Hồng Y Ratzinger ký nhận ngày mùng 5 tháng 5 năm 1988. Theo đó Huynh đoàn thánh Pio X được phép dùng các sách phụng vụ bằng tiếng Latinh chấp thuận năm 1962, việc biến Huynh đoàn thành Tu Hội tông đồ với các quyền lợi và bổn phận riêng và nếu được do một Giám Mục hướng dẫn. Tài liệu cũng gồm một lời tuyên bố liên quan tới giáo lý và dự án pháp lý cũng như các biện pháp nhằm bình thường hóa tình trạng giáo luật của Huynh đoàn thánh Pio X và các thành viên của Huynh đoàn. Tài liệu cũng dự trù thành lập một Ủy ban Vaticăng để phối hợp các liên hệ của Huynh đoàn với các Cơ quan trung ương của Tòa Thánh, và với các Giám Mục giáo phận, cũng như để giải quyết các vấn đề tương lai. Trong tài liệu đó Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre nhân danh mọi thành viên của Huynh đoàn hứa vâng lời Giáo Hội và Ðức Giáo Hoàng, tuyên bố không muốn tranh luận về Công Ðồng Chung Vaticăng II nữa, và chấp nhận số 25 của Hiến chế "Ánh Sáng Muôn Dân" về Giáo Hội, liên quan tới huấn quyền của Ðức Giáo Hoàng, và thừa nhận gía trị các lễ nghi mới của Thánh Lễ.

Tuy nhiên hôm sau đó, Ðức Tổng Giám Mục Marcel Lefèvre rút lại tất cả những gì đã ký nhận, và khẳng định rằng mình bị rơi vào bẫy và không hủy bỏ lễ tấn phong giám mục dự định vào ngày 30 tháng 6 năm 1988, để bảo đảm cho Huynh đoàn có người kế vị Ðức Cha.

Ðể tránh việc Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre tạo ra cảnh ly giáo, ngày 24 tháng 5 năm 1988, Ðức Gioan Phaolô II đã cho phép Ðức Cha truyền chức cho một Giám Mục vào dịp lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời sắp tới, tức ngày 15 tháng 8 năm 1988. Nhưng Ðức Cha Lefèvre viết thư trả lời giữ nguyên ý định tấn phong Giám Mục như đã dự trù. Ðức Hồng Y Ratzinger trả lời rằng vì Ðức Cha tiếp tục thái độ không vâng lời nên Tòa Thánh rút lại phép cho truyền chức Giám Mục ngày 15 tháng 8 năm 1988.

Ðức Cha Lefèvre trở về Thụy Sĩ và nhấn mạnh rằng cần phải truyền chức Giám Mục cho 3 linh mục của Huynh đoàn nội trong ngày 30 tháng 6 năm 1988 và đòi phải có nhiều thành viên hơn trong Ủy ban Roma. Nhưng Tòa Thánh từ chối và chỉ chấp nhận cho Ðức Cha truyền chức cho một Giám Mục, đồng thời giữ nguyên con số thành viên quân bình đã thiết định trong thỏa hiệp cũng như lời mời gọi vâng phục các quyết định của Ðức Giáo Hoàng. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 1988 Ðức Cha Lefèvre viết thư nói rằng thời điểm cộng tác thẳng thắn và hữu hiệu chưa tới, và tuyên bố muốn tiến hành việc truyền chức Giám Mục, cả khi không có phép của Ðức Giáo Hoàng.

Linh Mục Emmanuel Du Chalard, hồi đó là cộng sự viên của Ðức Cha Lefèvre, cho biết Ðức Cha đã làm cho công việc kiên nhẫn của Ðức Hồng Y Ratzinger bị tan nát, vì không tin các bảo đảm của Ðức Hồng Y, đặc biệt liên quan tới việc truyền chức cho 1 Giám Mục kế vị. Lý đo là vì trong cuộc thanh tra đại chủng viện Ecône, Ðức Hồng Y Edouard Gagnon đã cho biết là không thấy linh mục nào tại Ecône có khả năng làm Giám Mục. Do đó Ðức Cha Lefèvre sợ Ðức Hồng Y Ratzinger hỏi ý kiến Ðức Hồng Y Gagnon, và như vây sẽ phải tìm một người ngoài Huynh đoàn lên kế vị. Thật ra việc Ðức Cha Lefèvre rút lại các ký kết là do ảnh hưởng và áp lực của cánh qúa khích trong Huynh đoàn, là cánh ngày nay do Ðức Cha Williamson cầm đầu.

Ngày mùng 9 tháng 6 năm 1988 Ðức Gioan Phaolô II lại yêu cầu Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre đừng tiến hành cử chỉ ly giáo đó. Nhưng ngày 15 tháng 6 năm 1988 Ðức Cha Lefèvre tổ chức một cuộc họp báo và công bố danh tánh các linh mục sẽ được truyền chức Giám Mục. Ðức Cha cho rằng Giáo Hội đang rất cần các Giám Mục như thế, để cho chức linh mục và Thánh Lễ truyền thống có thể sống còn.

Ngày 17 tháng 6 năm 1988 Ðức Hồng Y Bernardin Gantin, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, gửi cho Ðức Cha Lefèvre một lá thư yêu cầu Ðức Cha thôi quyết định tấn phong giám mục cho 4 linh mục của Huynh đoàn. Nhưng vẫn vô hiệu, vì ngày 30 tháng 6 năm 1988 Ðức Cha Lefèvre đã cùng Ðức Cha Antonio de Castro Mayer tấn phong 4 Giám Mục nói trên, bất chấp mọi khuyến cáo của Tòa Thánh. Theo khoản 751 của Giáo Luật, vì đã công khai từ chối vâng lời Ðức Giáo Hoàng và khước từ sự hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội, nên hai Giám Mục chủ phong và 4 tân Giám Mục đều tức khắc bị vạ tuyệt thông.

Ngày mùng 1 tháng 7 năm 1988 Bộ Giám Mục chính thức ra vạ tuyệt thông cho các Giám Mục của Huynh đoàn. Và Ngày mùng 2 tháng 7 năm 1988 Ðức Gioan Phaolô II công bố tự sắc "Ecclesia Dei" giải thích rằng cuộc ly giáo này bắt nguồn từ một quan niệm không đầy đủ và mâu thuẫn về Truyền Thống, và có lý do thần học và giáo hội học. Ðồng thời Ðức Giáo Hoàng cũng thành lập Ủy ban "Ecclesia Dei" để tái lập sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội.

Năm 1991 Ðức Cha Lefèvre và Ðức Cha de Castro Mayer qua đời, các Giám Mục của Huynh đoàn tấn phong cha Licinio Rangel, Bề trên Hội linh mục thánh Gioan Maria Vianney, làm Giám Mục. Nhiều tín hữu bỏ phong trào Lefèvre để trở về hiệp nhất với Giáo Hội công giáo. Nhưng năm 1993 Ðức Cha Salvador Lazo y Lazo từ chức Giám Mục giáo phận San Fernando de La Union bên Phi Luật Tân, để gia nhập Huynh đoàn thánh Pio X.

Trong Năm Thánh 2000 Huynh đoàn thánh Pio X cũng đã được phép tổ chức hành hương Roma. Ngày 28 tháng 9 năm 2000 Ðức Cha Fellay thành lập Huynh đoàn thánh Giosaphát bên Ucraine, có trụ sở tại Leopoli, và theo lễ nghi Bisantin.

Năm 2002 Hội linh mục thánh Gioan Maria Vianney trở về hiệp nhất với Ðức Giáo Hoàng và Tòa Thánh cho thành lập Giám Quản tông tòa Campos bên Brasil cho các tín hữu thủ cựu.

Ngày 29 tháng 8 năm 2005 Ðức Cha Bernard Fellay và linh mục Franz Schmidberger đã gặp gỡ Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo. Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc gặp gữ đã diễn ra trong bầu khí yêu thương đối với Giáo Hội và ước mong hiệp thông trọn vẹn.

Ngày mùng 8 tháng 9 năm 2006 một nhóm linh mục rời bỏ Huynh đoàn thánh Pio và thành lập "Học Viện Chúa Chiên Lành" với sự đồng ý của Tòa Thánh và được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI thừa nhận. Tự sắc "Summorum Pontificum" và tài liệu của Bộ Giáo Lý Ðức tin "Trả lời cho các đòi buộc liên quan tới vài khía cạnh giáo lý về Giáo Hội" đều nằm trong chiều hướng đưa Huynh đoàn thánh Pio X trở về hiệp nhất với Giáo Hội và chấm dứt cuộc ly giáo này của thế kỷ XX.

Những người theo Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre xin Tòa Thánh thu hồi vạ tuyệt thông và dấn thân ký nhận nội trong ngày 28 tháng 6 năm 2008 tài liệu do Ðức Hồng Y Darío Castillon Hoyos, Chủ tịch Ủy ban giáo hoàng "Ecclesia Dei" trình bầy, nhân danh Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

Tài liệu gồm 5 điểm mà Huynh đoàn thánh Pio X phải làm sáng tỏ và ký nhận để có thể trở lại hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo. Nhưng nó đã không được Bề trên Huynh đoàn ký nhận.

Ngày 26 tháng 6 năm 2008 cộng đoàn tu viện Chúa Cứu Thế Pháp có trụ sở chính tại Papa Stronsay, một đảo nhỏ xứ Ecốt, quay trở về hiệp nhất với Giáo Hội Roma.

Sau khi 4 Giám Mục của Huynh đoàn bầy tỏ việc chấp nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng, ngày 21-1-2009 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã tha vạ tuyệt thông cho các vị. Vụ này đã gây ra căng thẳng trong lòng Giáo Hội khiến cho ngày 12-3-2009 Ðức Thánh Cha phải gửi thư cho các Giám Mục công giáo toàn thế giới để giải thích ý nghĩa và ý hướng của việc tha vạ này.

(Internet Wikipedia; Avvenire 13+14-3-2009)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page