Một số nhận định về bức thư

ÐTC gửi các Giám Mục trên thế giới

 

Vụ tha vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục Huynh đoàn thánh Pio X.

Vatican (Avvenire 13-3-2009) - Một số nhận định của Ðức Hồng Y Georges Cottier, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng, về bức thư Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gửi các Giám Mục trên thế giới liên quan tới vụ tha vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục Huynh đoàn thánh Pio X.

Ngày 21-1-2009 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã tha vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục thuộc huynh đoàn thánh Pio X. Ðó là các Ðức Cha: Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta. Bốn Giám Mục này thuộc Huynh đoàn thánh Pio X đã được Ðức Tổng Giám Mục Marcel Lefèvre tấn phong bất hợp pháp cách đây 21 năm tại Ecône bên Thụy Sĩ.

Trong cùng ngày đài truyền hình Thụy Ðiển cho chiếu lại một bài phỏng vấn Ðức Cha Williamson ngày mùng 1 tháng 11 năm 2008, trong đó Ðức Cha Williamson chối bỏ cuộc diệt chủng Do thái và cho rằng đã chỉ có 200 tới 300 ngàn người Do thái bị chết trong các trại tập trung đức quốc xã hồi thế chiến thứ hai, và đã không có ai bị chết vì hơi ngạt. Biến cố này đã khiến cho thế giới Do thái phản đối mạnh mẽ cho rằng Tòa Thánh ủng hộ lập trường của Ðức Cha Williamson. Một vài Giám Mục cũng như một số giáo dân công giáo, đặc biệt tại Ðức, cũng bầy tỏ bất bình cho rằng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nhượng bộ Huynh đoàn thánh Pio X và chối bỏ tinh thần của Công Ðồng Chung Vaticăng II.

Ngày 12-3-2009 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố lá thư của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gửi các Giám Mục công giáo toàn thế giới để giải thích lý do việc giải vạ tuyệt thông cho cho 4 Giám Mục nói trên.

Trong buổi họp báo giới thiệu lá thư, linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết đây là một điều đặc biệt, không thông thường. Bức thư được viết với giọng văn của các cơ quan trung ương Tòa Thánh nhưng một cách cá nhân, với thái độ "khiêm tốn, thẳng thắn, nhận lấy trách nhiệm và với sự can đảm tinh thần".

Trong thư Ðức Thánh Cha dấn thân làm sáng tỏ bản chất và ý nghĩa ý hướng trong biện pháp tha vạ. Ngài giẳi thích rằng vạ tuyệt thông là một sự trừng phạt đối với những cá nhân đã phạm một hành vi gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo Hội qua việc không nhìn nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng. Vì thế giờ đây sau khi các đương sự bầy tỏ việc nhìn nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng, việc tha vạ là một lời mời gọi nồng nhiệt trở về với sự hiệp nhất.

Tuy nhiên Ðức Thánh Cha phân biệt rõ ràng việc tha vạ thuộc lãnh vực kỷ luật, với vấn đề nhìn nhận pháp lý Huynh đoàn thánh Pio X trong Giáo Hội. Việc nhìn nhận này tùy thuộc việc làm sáng tỏ một số vấn đề đạo lý quan trọng liên quan tới sự chấp nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II và các giáo huấn tiếp theo của các Vị Giáo Hoàng. Bao lâu chưa có sự nhìn nhận này, thì các vị hữu trách của Huynh đoàn thánh Pio X không thể thi hành hợp pháp một thừa tác vụ được nhìn nhận trong Giáo Hội. Sự thật như đã biết là Huynh đoàn thánh Pio X không thừa nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II và các huấn quyền của các Giáo Hoàng. Huynh đoàn đặc biệt chống lại các cải tổ phụng vụ, tinh thần đại kết và cuộc đối thoại liên tôn.

Ðiểm chính của lá thư đó là quyết định của Ðức Thánh Cha gắn liền Ủy ban "Ecclesia Dei" đặc trách các tín hữu công giáo thủ cựu với Bộ Giáo Lý Ðức Tin, vì bản chất chủ yếu của các vấn đề cần giải quyết. Các quyết định sẽ được thảo luận do các cơ quan có tính chất đoàn thể của Bộ, trong các cuộc hội họp, với sự tham dự của các vị Tổng trưởng các Bộ và các cơ quan khác cũng như của hàng Giám Mục.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc lại các ưu tiên hàng đầu triều đại giáo hoàng của ngài là: dẫn đưa con người trở về với Thiên Chúa được nói tới trong Kinh Thánh và tự tỏ hiện nơi Chúa Kitô; hiệp nhất các tín hữu kitô; đối thoại liên tôn kiếm tìm hòa bình; và làm chứng cho tình yêu thương của Thiên Chúa trong chiều kích xã hội. Do đó Tin Mừng yêu thương phải là tiêu chuẩn hướng dẫn mọi sự. Áp dụng vào trường hợp của Huynh đoàn thánh Pio X, mặc dù các đại diện của Huynh đoàn cho thấy các khuyết điểm trầm trọng như sự kiêu ngạo, tự phụ huyênh hoang, một chiều... Giáo Hội phải biết tỏ ra quảng đại bao dung, nhìn xa thấy rộng, có khả năng nhìn ra các khuyết điểm nơi chính mình, tìm cách phục hồi các thành phần của mình, và không dửng dưng để cho một cộng đoàn đông đảo như Huynh đoàn thánh Pio X trôi giạt xa lìa Giáo Hội.

Huynh đoàn thánh Pio X được Ðức Tổng Giám Mục Marcel Lefèvre thành lập năm 1970 với sự đồng ý của Ðức Cha Francois Charrière Giám Mục Fribourg với một chủng viện tại Ecône, và được Tòa Thánh chấp thuận năm sau đó. Các bất đồng ý kiến bắt đầu từ năm 1975, khi Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre quyết định truyền chức linh mục cho các chủng sinh được đào tạo tại Ecône, mà không có sự đồng ý của Giám Mục sở tại.

Trước khuynh hướng bảo thủ và lập trường chống Công Ðồng Chung Vaticăng II của Huynh đoàn, Tòa Thánh rút giấy thừa nhận và yêu cầu đóng cửa đại chủng viện Ecône. Nhưng Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre từ chối thi hành lệnh này. Từ đó trở đi Huynh đoàn ngày càng xa rời Giáo Hội và trở thành một tổ chức ly giáo, sau khi Ðức Cha Lefèvre bất chấp mọi can gián của Tòa Thánh tấn phong Giám Mục cho 4 linh mục nói trên ngày 30-6-1988. Ngày mùng 1 tháng 7 năm 1988 Bộ Giám Mục công bố vạ tuyệt thông cho các Giám Mục thuộc Huynh đoàn thánh Pio X.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Georges Cottier, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng, về bức thư Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gửi các Giám Mục trên thế giới.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y nghĩ gì về bức thư Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã viết cho các Giám Mục để giải thích lý do tha vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục thuộc Huynh đoàn Pio X?

Ðáp: Bức thư của Ðức Thánh Cha đã đem lại cho tôi một niềm vui lớn. Nó đã đánh động tôi vì vén mở cho thấy sự khiêm tốn, nhã nhặn và cao thượng lớn của Ðức Thánh Cha. Và nó đã đánh tan đi nỗi lo âu đè nặng trên chúng tôi vì bầu khí đã xảy ra sau khi tha vạ tuyệt thông cho các Giám Mục theo Ðức Cha Lefevre. Một lần nữa Ðức Thánh Cha cho thấy quyền bính tinh thần của người chứ không phải quyền bính của con người.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, sự kiện Ðức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục là một cử chỉ bất thường và chưa từng có. Tại sao Ðức Thánh Cha lại hướng tới các Giám Muc chứ không hướng tới tất cả mọi tín hữu công giáo?

Ðáp: Vâng, đây là cử chỉ bất thường và chưa từng có. Nhưng Ðức Thánh Cha phải tự do lựa chọn các phương tiện thích hợp nhất trong việc phục vụ Giáo Hội. Trung thành với tinh thần của Công Ðồng Chung Vaticăng II Ðức Thánh Cha đã muốn nêu bật tầm quan trọng của tính cách giám mục đoàn. Việc tha vạ tuyêt thông đã khiến cho nhiều Giám Mục kinh ngạc: một vài vị đã phản ứng rất thẳng thẳn, nhưng không phải với tinh thần nổi loạn. Ðức Thánh Cha đã muốn tái xác định rằng ngài không muốn làm gì mà không có các Giám Mục của ngài. Việc liên lụy của chính Bộ Giáo Lý Ðức Tin không chỉ nói rằng vấn đề cần đối phó giờ đây có bản chất giáo lý chứ không phải chỉ là chuyện kỷ luật, và cũng càng ngày càng liên lụy đến tính cách giám mục đoàn.

Hỏi: Và đây là một trong các nút thắt của bức thư nói trên, có phải thế không thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Trong thư Ðức Thánh Cha giải thích rõ ràng sự phân biệt giữa vạ tuyệt thông như hành động kỷ luật và khía cạnh giáo lý của việc chấp nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II và huấn quyền của các Giáo Hoàng.

Vạ tuyệt thông là một hành động nhắm mục đích sư phạm, trong nghĩa giúp lộ trình hoán cải. Như thế giải vạ tuyệt thông là một cử chỉ nhằm tái sát nhập vào Giáo Hội các Giám Mục đã được Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre tấn phong không có phép của Ðức Giáo Hoàng. Nhưng như là các thành viên của Huynh đoàn Thánh Pio X các vị phải chấp nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II. Công Ðồng Chung là một hành động tối cao của tính cách Giám Mục Ðoàn dưới sự hướng dẫn của Ðức Giáo Hoàng. Vì thế khước từ chấp nhận sự kiện này như Huynh đoàn thánh Pio X đã làm là điều rất trầm trọng. Cho tới khi nào chưa giải thích rõ ràng các khía cạnh giáo lý, thì Huynh đoàn sẽ không có quy chế giáo luật nào trong Giáo Hội, và các thành viên sẽ không thể thi hành chức thừa tác một cách hợp pháp trong Giáo Hội. Có lẽ nên giải thích các khác biệt này trước cho dân chúng hiểu.

Các chuyên viên thần học và giáo luật thì không cần đến giải thích này, nhưng giáo dân có thể lẫn lộn và bị chao đảo. Chúng ta phải nghĩ tới biến cố này như một tai nạn thông tin. Ðức Thánh Cha đã thừa nhận nó với tất cả sự liêm chính. Cũng như liên quan tới vụ Ðức Cha Williamson phủ nhận nạn diệt chủng Do thái, mà Tòa Thánh không biết, Ðức Thánh Cha đã khẳng định rằng: tại Vaticăng chúng ta phải học sử dụng liên mạng một cách tốt đẹp hơn...

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Thánh Cha đã cám ơn anh em Do thái vì đã giúp đánh tan mọi hiểu lầm. Ðức Hồng Y có ngạc nhiên không?

Ðáp: Không, tôi không ngạc nhiên. Vì anh em Do thái đã hiểu - có lẽ họ hiểu rõ hơn là một số tín hữu công giáo - họ đã hiểu rõ rằng Ðức Giáo Hoàng đã không được thông báo về lập trường chối bỏ cuộc diệt chủng Do thái của Ðức Cha Williamson. Các lời của Ðức Thánh Cha đã minh giải rằng liên quan tới cuộc diệt chủng Do thái Giáo Hội không quay trở lại đàng sau.

Hỏi: Có người nói rằng Giáo Hội có những điều quan trọng cần phải lo hơn là chuyện của nhóm Lefèvre. Ðức Hồng Y nghĩ sao?

Ðáp: Cả trong bức thư này nữa Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI cũng nhắc rằng nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội là tái trao ban cho con người ý thức về Thiên Chúa: đó là điều Ðức Gioan Phaolô II gọi là tái truyền giảng Tin Mừng. Vì thế chúng ta được mời gọi loan báo và làm chứng cho lòng tin. Và bằng các việc làm phải chứng minh cho thấy Giáo Hội thực sự là cộng đoàn hiệp thông bác ái. Từ đó nảy sinh ra sự cần thiết của phong trào đại kết, là phong trào bị những người theo Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre phản đối. Nhưng kể cả những người thuộc nhóm Lefèvre cũng không bị loại trừ khỏi nỗ lực đại kết này. Vì thế Ðức Thánh Cha ghi dấu nhu cầu đó của kẻ thù, của con dê đền tội, đôi khi cũng xuất hiện giữa hàng ngũ công giáo.

Hỏi: Ðây là một bức thư đã được Ðức Thánh Cha suy tư và đau khổ, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Ðúng vậy. Nó là một bức thư có kết cấu, được suy niệm và đau khổ. Ðức Thánh Cha chứng minh cho thấy ngài đã nhận được các tin tức liên quan tới các phản ứng đối với việc tha vạ tuyệt thông. Tôi tin là ngài đã sống những lúc rất cô đơn. Và thật là điều hay đẹp, khi mới đây ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài và cho sứ mệnh là người canh giữ và bảo đảm cho sự hiệp nhất và tình hiệp thông trong Giám Mục Ðoàn và trong toàn Giáo Hội. Ðó là nhiệm vụ mà ngài đã cảm thấy và sống ngay từ khi bắt đầu triều đại của ngài. Trong trường hợp này sự đớn đau đã rất sâu đậm, bởi vì với cử chỉ của ngài thay vì đưa tới hiệp nhất, thì xem ra nó mở rộng cho sự chia rẽ và hỗn loạn. Tôi tin là Ðức Thánh Cha đã sống một thảm cảnh tinh thần rất lớn. Khi ngài mời gọi chúng ta cầu nguyện cho ngài, Ðức Thánh Cha canh tân cái nhìn của chúng ta đối với Giáo Hội: trước khi là một thực tại xã hội học hay cơ cấu, Giáo Hội là một mầu nhiệm của lòng tin, một nơi thánh hóa, là "nhà của Chúa Thánh Thần". Vì thế Giáo Hội không thể chỉ được cai quản với các phương thế nhân loại, mà cần có lời cầu nguyện nữa. Cần tín thác nơi Chúa Thánh Thần. Và tôi tin rằng biến cố này sẽ đem lại các hoa trái thiêng liêng.

Hỏi: Sau cùng Ðức Thánh Cha cũng đã trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, đớn đau vì cảnh tín hữu "cắn xé nhau", ngày nay vẫn còn tồn tại trong lòng Giáo Hội.

Ðáp: Vâng. Chúng ta được mời gọi tránh cảnh độc thoại cũng như sự xâu xé xung khắc nhau. Ðức Hồng Y Journet, thầy dậy thần học của tôi đã từng nói rằng biên giới của Giáo Hội đi ngang qua con tim của chúng ta. Chính trong cái luận lý của tình bác ái, như các vị đại thánh đã dậy, mà sự tự do cũng như các khác biệt và đặc thù của chúng ta xây dựng sự hiệp thông.

(Avvenire 13-3-2009)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page