Ngày thứ ba Ðức Thánh Cha viếng thăm

Angola, Phi Châu

 

Ngày thứ ba Ðức Thánh Cha viếng thăm Angola, Phi Châu.

Luanda, Angola (Vat. 21/03/2009) - Thứ bẩy 21-3-2009 là ngày thứ ba Ðức Thánh Cha viếng thăm mục vụ tại Angola. Ðức Thánh Cha đã chỉ có hai hoạt động chính: ban sáng ngài chủ sự thánh lễ đồng tế với các Giám Mục và các Linh Mục tại nhà thờ Sao Paolo với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên và đại diện các phong trào và hiệp hội công giáo; và ban chiều ngài gặp gỡ giới trẻ tại vận động trường Dos Coqueiros trong thủ đô Luanda.


Quân đội Angola dàn chào ÐTC phía trước Dinh Tổng Thống tại Luanda để chào mừng ÐTC đến viếng thăm Tổng Thống Angola, ông Santos.


Lúc 9 giờ 15 phút sáng Ðức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần để đến nhà thờ thánh Phaolô cách đó 5 cây số. Hai bên đường, đặc biệt là khu vực gần nhà thờ Sao Paolo, đã có rất đông tín hữu vẫy cờ chào đón Ðức Thánh Cha.

Nhà thờ Sao Paolo do các cha thừa sai dòng Capucino xây năm 1935 và đã được các thừa sai Salesien nâng cao lên vào năm 1982. Công tác tu sửa và tô vôi đã hoàn tất mới đây nhân chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Nhà thờ có thể chứa được 1.500 người.

Cha sở nhà thờ đã ra trước cửa tiếp đón Ðức Thánh Cha và ÐC Damiao Franklin, Tổng Giám Mục Luanda, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Angola và Sao Tome. Ðức Thánh Cha đã cùng mọi người đã tiến lên lối giữa nhà thờ giữa tiếng vỗ tay của mọi người hiện diện. Ðức Thánh Cha đã qùy chầu Mình Thánh Chúa và cầu nguyện ít phút trước khi vào phòng thánh.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Bồ Ðào Nha. Sau lời chào phụng vụ của Ðức Thánh Cha, Ðức Cha Gabriel Mbilingi, Giám Mục Phó giáo phận Lubango, kiêm Phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Angola và Sao Tome đã chào mừng Ðức Thánh Cha.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói về lòng từ bi thương xót của Chúa đã biến đổi hoàn toàn cuộc sống của thánh Phaolô, từ một kẻ bách hại thành một tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, và Ðức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu cũng hãy dấn thân thông truyền Tin Mừng cứu độ cho bao người chưa biết Chúa.

Sau khi quảng diễn bài Tin Mừng về người biệt phái và thu thế lên đền thờ cầu nguyện, người thu thuế cầu xin lòng thương xót của Chúa và được ơn tha thứ, Ðức Thánh Cha nói:

Thánh Phaolô nói với chúng ta về vị Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót ấy, từ kinh nghiệm bản thân của mình, thánh nhân là bổn mạng của thành phố Luanda và của thánh đường huy hoàng này, được xây cất cách đây 50 năm.. Chứng từ thánh Phaolô để lại cho chúng ta là: "Ðây là một lời chắc chắn, đáng được đón nhận không chút dè dặt: đó là Chúa Kitô đã đến trong trần thế để cứu vớt người tội lỗi; và tôi là người đầu tiên, tôi là người tội lỗi, nhưng sở dĩ Chúa Giêsu Kitô tha thứ cho tôi, là để tôi là người đầu tiên trong đó toàn thể lòng quảng đại của Chúa được biểu lộ; tôi phải là thí dụ đầu tiên về những người tin nơi Chúa để được sống đời đời" (1 Tm 1,15-16). Qua dòng thời gian, số người được ơn thánh Chúa đánh động không ngừng gia tăng.

Gợi lại kinh nghiệm của thánh Phaolô, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng: "Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường tiến về thành Damasco, là điều hết sức quan trọng trong cuộc đời của thánh Phaolô: Chúa Kitô xuất hiện như một luồng ánh sáng chói lòa, Chúa nói và chinh phục tâm hồn của Phaolô. Thánh Tông Ðồ đã thấy Chúa Giêsu phục sinh, nghĩa là con người trong trạng thái hoàn toàn. Chính lúc ấy đã xảy ra nơi Phaolô một cuộc đảo lộn quan niệm và thánh nhân bắt đầu nhìn mọi sự từ tình trạng của con người trong Chúa Giêsu Kitô: điều mà trước kia thánh nhân coi là hệ trọng và cơ bản, từ nay chỉ là 'rơm rác' đối với ngài; đó không còn là một mối lợi nữa, nhưng là một sự mất mát, vì từ nay, chỉ có cuộc sống trong Chúa Kitô là đáng kể (Xc Ph 3,7-8). Ðây không phải chỉ là một sự trưởng thành của cái "tôi" của Phaolô, nhưng là một sự chết cho chính mình và sống lại trong Chúa Kitô: nơi Chúa, một hình thức cuộc sống chết đi, nhưng với Chúa Giêsu phục sinh, một hình thức mới nảy sinh".

Vì thế, Ðức Thánh Cha nói: "Anh chị em và các bạn thân mến, chúng ta hãy cố gắng biết Chúa Phục Sinh. Chúa đến với mỗi người chúng ta qua đức tin và bí tích rửa tội, bí tích này là một sự chết đi và sống lại, một sự biến đổi thành một đời sống mới, đến độ người chịu phép rửa có thể quả quyết với thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).

Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nhắc đến lịch sử 5 thế kỷ truyền giáo tại Angola, với bao nhiêu vị thánh và sứ giả anh hùng của Chúa. Ngài nêu bật sứ mạng truyền giáo của các tín hữu ngày nay và nói rằng:

Anh chị em, ngày nay, theo vết các thánh và các sứ giả anh hùng của Chúa, đến lượt anh chị em giới thiệu Chúa Kitô phục sinh cho đồng bào của anh chị em. Rất nhiều người trong số họ đang sống trong sự sợ hãi các thần minh, những quyền lực đen tối mà họ tin là đang đe dọa họ; mất định hướng, họ đi tới độ lên án các trẻ em bụi đời và cả những người già vì, họ nói, đó là những phù thủy. Ai sẽ đi tới gặp họ để nói với họ rằng chính Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và mọi quyền lực tăm tối (Cx Ep 1,19-23; 6,10-12)? Có người sẽ nêu vấn nạn rằng: "Tại sao chúng ta không để cho họ được yên hàn? Họ có chân lý của họ, chúng ta có chân lý của chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng sống an bình và để cho mỗi người yên ổn như hiện nay, để họ thực hiện căn tính của họ một cách hoàn hảo nhất". Nhưng chúng ta xác tín và đã cảm nghiệm rằng nếu không có Chúa Kitô, thì cuộc sống không được viên mãn, vì thiếu một thực tại cơ bản. Chúng ta cũng phải xác tín về sự kiện chúng ta không gây bất công cho ai, nếu chúng ta giới thiệu cho họ Chúa Kitô và mang lại cho họ cơ hội không những tìm được sự chân chính đích thực của họ, nhưng cả niềm vui tìm được sự sống nữa. Hơn nữa, chúng ta có nghĩa vụ phải làm như vậy, đó là nghĩa vụ mang lại cho mọi người cơ hội này, vì cuộc sống vĩnh cửu của họ tùy thuộc điều ấy".


Tổng Thống Angola, ông Santos, tiếp đón ÐTC.


Sau khi từ giã mọi người Ðức Thánh Cha đã lên xe bọc kính trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghi ngơi chốc lát trước khi đến vận động trường Dos Coqueiros để gặp gỡ giới trẻ.

Vào lúc 16 giờ chiều Ðức Thánh Cha đã đi xe đến vận động trường Dos Coqueiros của thủ đô Luanda cách đó 5 cây số để gặp gỡ giới trẻ. Vận động trường Dos Coqueiros được xây năm 2004 là nơi thường tổ chức các cuộc đấu bóng đá, cũng như nhiều bộ môn thể thao khác.

Xe chở Ðức Thánh Cha đã đi một vòng quanh sân vận động để Ðức Thánh Cha chào các bạn trẻ giữa tiếng hoan hô và tiếng hát tươi vui của mấy chục ngàn bạn trẻ hiện diện. Cùng tham dự buổi gặp gỡ cũng có đại diện của các bạn trẻ mồ côi và tàn tật, nạn nhân của chiến tranh.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra dưới hình thức phụng vụ Lời Chúa và có đề tài là "Này đây Ta đổi mới mọi sự", là câu 5 trích từ chương 21 sách Khải huyền nói về trời mới đất mới. Mở đầu Ðức Cha Almeida Kanda, Giám Mục giáo phận Ndalatando, đặc trách mục vụ giới trẻ đã chào mừng Ðức Thánh Cha. Ðức Cha Kanda nói sự hiện diện của Ðức Thánh Cha khiến cho con tim của người trẻ tràn ngập niềm vui, và giới trẻ Angola muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu thương và sự chú ý Ðức Thánh Cha dành cho giới trẻ toàn thế giới. Người trẻ Angola sẵn sàng noi gương Chúa Giêsu can đảm và táo bạo loan báo Tin Mừng. Họ muốn học hỏi nơi thánh Phaolô lòng hăng say truyền giáo. Họ muốn khẳng định sự nhậy cảm của họ đối với sự căng thăng giữa điều thiện và điều ác trên thế giới và trong xã hội Angola. Từ tận cùng thẳm tâm lòng, người trẻ khổ đau khi chứng kiến cái chiến thắng của sự gian dối, của tham ô hối lộ, bất công và nạn phá thai. Họ khổ đau vì cảm thấy bất lực không làm cho chân lý, sự liêm chính, công bằng xã hội và tôn trọng sự sống chiến thắng. Nhưng vì là người trẻ họ có các đức tính cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng: đó là lòng hăng say, sự tươi vui, niềm hy vọng, sự trong sáng, lòng chân thành, tính táo bạo và óc sáng tạo. Và giờ đây họ muốn rộng mở con tim để lằng nghe sứ điệp của Ðức Thánh Cha.

Tiếp đến là hai bạn trẻ đại diện người trẻ toàn nước Angola chào mừng Ðức Thánh Cha.

Ngỏ lời với giới trẻ Ðức Thánh Cha đã nói lên mục đích cuộc gặp gỡ này: "Các bạn đến đây để gặp gỡ Người Kế Vị Thánh Phêrô, và cùng với tôi loan báo trước tất cả mọi người niềm vui được tin nơi Chúa Giêsu Kitô, và canh tân dấn thân là các môn đệ của Người trong thời đại này". Ngày mùng 7 tháng 6 năm 1992 cũng đã có một cuộc gặp gỡ tương tự tại nơi đây với Ðức Gioan Phaolô II. Với các nét khác biệt nhưng cùng tình yêu thương trong con tim, này đây người kế vị thánh Phêrô hiện nay đang đứng trước mặt các bạn và mở rộng đôi tay ôm các bạn vào lòng trong Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng luôn luôn vẫn thế, hôm qua hôm nay và cho đến muốn đời" (Dt 13,8).

Tôi xin chào tất cả các bạn trẻ, công giáo cũng như không công giáo, đang kiếm tìm một câu trả lời cho các vấn để của mình... Người trẻ đôi khi có biết bao nhiêu là khó khăn, nhưng họ mang theo mình niềm hy vọng, biết bao hăng say và muốn bắt đầu trở lại. Các bạn hãy giữ gìn trong mình năng động của tương lai. Tôi mời gọi các bạn nhìn tương lai với đôi mắt của tông đồ Gioan: "Rồi tôi thấy trời mới đất mới... và cả thành thánh là Giêrusalem mới từ trời mà xuống, từ nơi Thiên Chúa, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ ngai có tiếng hô to: "Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại" (Kh 21,1-3). Các bạn trẻ thân mến, sự hiện diện của Thiên Chúa khiến cho mọi sự đều khác. Ðây là điều đã xảy ra với cặp vợ chồng đầu tiên trong vườn Eden, rồi trong Lều Hội Ngộ thời dân Israel băng qua sa mạc, cho tới biến cố Con Thiên Chúa nhập thể nơi con người Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu Kitô cũng đi qua con đường sa mạc nhân lọại, qua cái chết và sự phục sinh và kéo theo toàn nhân loại về với Thiên Chúa. Giờ đây Chúa Giêsu không còn bị hạn hẹp trong một nơi chốn, trong một đền thờ xác định, nhưng Thần Khí của Người, Chúa Thánh Thần, xuất phát từ Người và bước vào trong con tim của chúng ta, và như thế kết hiệp chúng ta với chính Chúa Giêsu và cùng Người với Thiên Chúa Cha - với một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa canh tân chúng ta. :"Này đây Ta đổi mới mọi sự" (Kh 21,5). Còn thánh Phaolô thì viết: "Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới; cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Ðấng đã nhờ Ðức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người" (2 Cr 5,17-18).

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Tương lai của nhân loại mới là Thiên Chúa; và Giáo Hội là một sự khởi đầu của tương lai đó. Khi có thể, các bạn hãy chú ý đọc lịch sử, thì sẽ nhận thấy rằng Giáo Hội, trong dòng thời gian không già cỗi, trái lại luôn trở thành tươi trẻ hơn, vì tiến tới gặp Chúa, càng ngày càng tiến tới gần suối nguốn duy nhất, tới nơi phát xuất ra sự trẻ trung, sự tái sinh và sức mạnh của sự sống.

Tôi trông thấy nơi đây hàng ngàn bạn trẻ Angola bị tàn tật vì chiến tranh và mìn, tôi nghĩ tới biết bao nhiêu nước mắt mà bao người trong các bạn đã đổ ra vì mất đi gia đình và người thân. Các bóng mây đen che mờ những giấc mộng đẹp nất của các bạn... Tôi đọc thấy trên gương mặt của các bạn một nghi vấn: thực tại cuộc sống của chúng con là thế, chúng con tin lời Chúa hứa và lời cha nói, nhưng khi nào Thiên Chúa mới canh tân mọi sự?. Chúa Giêsu không để cho chúng ta không có câu trả lời. Ngài nói với chung ta một cách rõ ràng rằng: sự canh tân bắt đầu từ bên trong; các con sẽ nhận lấy sức mạnh từ Trên Cao. Sức mạnh sinh động của tương lai ở bên trong các bạn. Nó giống như sự sống ở trong hạt giống, như Chúa Giêsu đã giải thích vào một lúc nào đó trong đời thừa tác của Người. Ðời thừa tác của Chúa đã bắt đầu với lòng hăng say lớn, vì dân chúng thấy Chúa chữa lành các các bệnh nhân, xua trừ qủy dữ, loan báo Tin Mừng; nhưng thế giới vẫn tiếp tục như trước: người Roma vẫn đô hộ; cuộc sống mỗi ngày vẫn khó khăn, mặc dù có các dấu chỉ, là các lời hay đẹp. Và lòng hăng say dần dần tắt lịm cho tới độ nhiều môn đệ đã bỏ Thầy (Ga 6,66), là người rao giảng nhưng đã không thay đổi được thế giới... Chúa Giêsu cũng nói tới một người gieo giống trong cánh đồng thế giới, và giải thích rằng hạt giống là Lời Người (Mc 4,3-20), đó là các vụ được lành bệnh: thật qúa ít ỏi so với các nhu cầu mệnh mông và các khó khăn của thực tại thường ngày. Nhưng tương lai hiện diện bên trong hạt giống. Xem ra nó không là gì cả, nhưng nó là sự hiện diện của tương lai, lời hứa đã hiện diện hôm nay. Khi hạt giống rơi vào đất tốt, thì nó sinh hoa trái gấp ba mươi, sáu mươi và có khi một trăm lần.

Ðức Thánh Cha nói thêm với người trẻ Angola: Các bạn là một hạt giống được Thiên Chúa ném vào lòng đất; con đường duy nhất có thể là hiến dâng sự sống vì yêu, là chết vì yêu. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (ga 13,24-25). Và Chúa Giêsu đã sống như vậy: cuộc đóng đinh Người xem ra là một thất bại hoàn toàn, nhưng không phải thế! Ðược linh hoạt bởi sức mạnh của "một Thần Khí vĩnh cửu", Chúa Giêsu tự dâng hiến mình cho Thiên Chúa như lễ vật tinh tuyền (Dt 9,14). Ngài hiến mình cho chúng ta và chúng ta đáp trả lại bằng cách tự hiến cho người khác vì tình yêu Chúa. Ðó là con đường sự sống, nhưng chỉ có thể bước đi với điều kiện duy nhất là liên lỉ đối thoại với Chúa, và đối thoại đích thật giữa chúng ta với nhau. Nền văn hóa thống trị không giúp các bạn sống Lời Chúa Giêsu và tận hiến mình theo chương trình của Thiên Chúa Cha và như Chúa mời gọi. Sức mạnh ở trong các bạn, vì thế đừng sợ hãi có các quyết định vĩnh viễn trước sự liều lĩnh dấn thân toàn cuộc sống mình. Trong ơn gọi hôn nhân cũng như trong cuộc đời thánh hiến các bạn cảm thấy sợ hãi và tự hỏi: thế giới luôn thay đổi và cuộc sống có đầy các khả thể. Làm sao tôi lại có thể định đoạt lúc này cho toàn cuộc đời, khi tôi không biết các bất ngờ nó dành cho tôi? Với một quyết định vĩnh viễn tôi lại không hủy bỏ sự tự do và trói tay mình lại hay sao?. Ðó là các nghi hoặc đang tấn công các bạn, và nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và hưởng lạc ngày nay khiến cho các tấn kích đó càng mạnh mẽ hơn. Nhưng khi người trẻ không tự quyết định, thì có nguy cơ sẽ luôn mãi là một đứa bé.

Các bạn hãy dám có các quyết định vĩnh viễn, vì thật ra đó là những quyết định duy nhất không phá hủy điều lớn lao trong cuộc đời. Và như thế sẽ có các ốc đảo và các khu vực lớn của nền văn hóa kitô được tạo ra, trong đó sẽ hiển hiện thành Thánh từ trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, sằn sàng như tân nương trang điểm đế đón tân lang". Ðây là cuộc đời đáng sống, mà tôi thành câm cầu chúc cho các bạn. Hoan hô giới trẻ Angola!

Diễn văn của Ðức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay và và tiếng la hét vui mừng của mấy chục ngàn bạn trẻ hiện diện bên trong sân vận động và cả bên ngoài nữa.

Sau khi đi một vòng chào tạm biệt giới trẻ Ðức Thánh Cha đã trở về Tòa Sứ Thần để dùng bữa tối và nghỉ ngơi kết thúc ngày thứ 3 viếng thăm Angola.

 

Linh Tiến Khải

Trần Phúc Nhạc

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page