Ðức Thánh Cha bắt đầu lên đường

viếng thăm Phi châu

 

Ðức Thánh Cha bắt đầu lên đường viếng thăm Phi châu.

Vatican (Vat. 18/03/2009) - Sáng 17-3-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã lên đường viếng thăm Phi châu trong vòng 1 tuần lễ, với hai trạm dừng là Yaoundé thủ đô Camerun và Luanda, thủ đô Angola.


Dân chúng Camerun đứng bên các vệ đường vẫy tay chào mừng ÐTC Beneđitô XVI đến viếng thăm.


Cao điểm trong các hoạt động của ngài tại Camerun là thánh lễ lúc 10 giờ sáng ngày 19-3-2009, với các đại diện của lối 50 Hội Ðồng Giám Mục Phi châu tại sân vận động Amadou Ahidjo, và trong dịp này ngài sẽ trao cho các vị Tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 sẽ nhóm tại Roma từ ngày 4 đến 25-10 năm năm 2009 về chủ đề: "Giáo Hội phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình. Các con là muối đất.. là ánh sáng thế gian".

Sau Camerun, ÐTC sẽ viếng thăm Angola trong vòng 3 ngày rưỡi nhân dịp kỷ niệm 500 năm truyền giáo tại nước này.

Trên chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Alitalia, ÐTC đã gặp gỡ giới báo chí và trả lời 6 câu hỏi của các ký giả trong khoảng nửa giờ. Ngài đề cập đến nhiều điểm trọng yếu, chẳng hạn cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng tới các nước nghèo và tầm quan trọng của luân lý đạo đức để có một trật tự ngay chính trong kinh tế thế giới, Giáo Hội Phi châu, sức sinh động và các vấn đề của Giáo Hội này. Ðức Giáo Hoàng cũng nói về bệnh Aids và lập trường của Kitô giáo về tình yêu và về tính dục. Ngài nhấn mạnh rằng nạn dịch Aids không thể khắc phục bằng tiền bạc, hoặc bằng cách phân phát các túi cao su, trái lại nó càng làm gia tăng vấn đề. Cần có một thái độ nhân bản hợp luân lý và đúng đắn và đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhân".

Ðầu buổi gặp gỡ, Ðức Giáo Hoàng mỉm cười và trả lời một câu hỏi về điều mà nhiều báo chí gọi là sự cô đơn của ngài. Ðức Giáo Hoàng nhắc đến bao nhiêu tiếp xúc hằng ngày của ngài với các cộng sự viên và bao nhiêu người khác, mà ngài tiếp kiến.

Ðón tiếp tại Camerun

Sau gần 6 giờ bay, vượt qua hơn 4,200 cây số, máy bay chở ÐTC, đoàn tùy tùng gồm 30 vị và 70 ký giả quốc tế đã tới phi trường Yaoundé lúc gần 4 giờ chiều. Tại đây đã diễn ra nghi thức đón tiếp với đông đảo quan khách đạo đời, và 31 Giám Mục địa phương.

Tổng thống Paul Biya cùng với phu nhân với Ðức Tổng Giám Mục sở tại và Ðức Hồng Y Tumi và các vị lãnh đạo trong chính quyền đón tiếp ÐTC tận chân thang máy bay.

Trong bài đáp từ, sau khi chào thăm và cám ơn tổng thống, chính quyền và giáo quyền, ÐTC cho biết ngài đến thăm Camerun như một mục tử, "củng cố các anh chị em tôi trong đức tin". ÐTC nói thêm rằng: "Chính tại Yaoundé này vào năm 1995, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã công bố Tông Huấn hậu thượng Hội Ðồng Giám Mục, "Giáo Hội tại Phi châu", thành quả Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ I, diễn ra tại Roma năm 1994 trước đó. Dịp kỷ niệm 10 năm biến cố ấy đã được cử hành trọng thể tại thành phố này. Nay tôi đến đây để trình bày Tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 sẽ tiến hành tại Roma vào tháng 10 năm 2009. Các nghị phụ sẽ cùng nhau suy tư về đề tài: "Giáo Hội tại Phi châu phục vụ hòa giải, công bình và xã hội.. Các con là muối đất.. Các con là ánh sáng thế gian" (Mt 5,13-14). Sau gần 10 năm của Ngàn năm mới này, thời điểm ân phúc này là lời kêu gọi tất cả các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và giáo dân của Phi châu hãy tái hiến thân cho sứ mạng của Giáo Hội mang lại hy vọng cho tâm hồn dân chúng tại Phi châu, và qua đó cho các dân tộc toàn thế giới."

"Dù giữa những đau khổ lớn lao, sứ điệp Kitô vẫn luôn mang theo hy vọng. Cuộc sống của thánh nữ Josephine Bakhita là một tấm gương sáng ngời về sự biến đổi mà cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống có thể mang lại trong một tình trạng rất đau khổ và bất công. Ðứng trước đau đớn và bạo lực, nghèo đói, tham nhũng và lạm dụng quyền thế, tín hữu Kitô không bao giờ có thể ngồi im trong yên lặng. Sứ điệp cứu độ của Tin Mừng đòi phải được mạnh mẽ công bố rõ ràng, để ánh sáng của Chúa Kitô có thể chiếu sáng trong tăm tối của đời sống con người. Tại Phi châu này cũng như tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới, vô số người đang khao khát được nghe một lời hy vọng và an ủi. Những cuộc xung đột địa phương làm cho hàng ngàn người vô gia cư và túng thiếu, trẻ mồ côi và góa phụ. Tại một đại lục, trong quá khứ đã thấy bao nhiêu người dân của mình bị bắt cóc tàn bạo và đưa ra hải ngoại để làm việc như nô lệ, nạn buôn bán người, nhất là các phụ nữ và trẻ em vô phương tự tệ, nay đã trở thành một hình thức nô lệ mới. Trong một thời đại thiếu lương thực trên thế giới, xáo trộn về tài chánh, và khí hậu bị chao đảo, Phi châu đang phải chịu đau khổ thái quá: càng ngày càng có nhiều người dân đại lục này lâm vào nạn nghèo đói, bệnh tật. Họ đang lớn tiếng kêu cầu hòa giải, công lý và hòa bình, và đây chính là điều mà Giáo Hội mang lại cho họ. Không phải là những hình thức mới của sự áp bức kinh tế hoặc chính trị nhưng là tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa (cf Rm 8,21). Không phải là sự áp đặt những kiểu mẫu văn hóa không đếm xỉa gì tới sự sống của những thai nhi chưa sinh ra, nhưng là nước tinh tuyền cứu độ của Tin Mừng sự sống. Không ưa thích sự cạnh tranh giữa các chủng tộc hoặc tôn giáo, nhưng là sự ngay chính, hòa bình và niềm vui của Nước Thiên Chúa được Ðức Phaolô 6 mô tả một cách rất thích hợp là "nền văn minh tình thương" (Xc Sứ điệp buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 1970).

ÐTC ghi nhận rằng: "Camerun thực là miền đất hy vọng đối với nhiều người tại Trung Phi. Hàng ngàn người tị nạn từ các nước bị chiến tranh tàn phá đã được tiếp đón tại đây. Ðó là một miền đất sống, với một chính phủ tuyên bố rõ ràng bênh vực quyền của các hài nhi chưa sinh ra. Ðó là một miền đất hòa bình: khi giải quyết bằng đối thoại cuộc tranh chấp tại bán đảo Bakassi, Camerun và Nigeria đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng một nền ngoại giao kiên nhẫn có thể mang lại thành quả. Ðây cũng là miền đất của người trẻ, được chúc phúc nhờ dân chúng trẻ trung đầy sức sống và nóng lòng muốn xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Ðất nước này được mô tả là "Phi châu thu hẹp", là quê hương của hơn 200 nhóm chủng tộc sống hòa hợp với nhau".

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ÐTC đã về tòa Sứ thần Tòa Thánh ở trung tâm thủ đô, cách đó gần 30 cây số. Dọc đường có đông đảo tín hữu và dân chúng tiếp đón.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page