Thư của Ðức Thánh Cha gửi các Giám Mục thế giới

về việc giải vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục

 

Thư của Ðức Thánh Cha gửi các Giám Mục thế giới về việc giải vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục.

Vatican (Vat. 12/03/2009) - Sáng 12-3-2009, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố lá thư của ÐTC gửi hàng Giám Mục trên thế giới liên quan đến những phản ứng sau quyết định của ngài tha vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục thụ phong bất hợp pháp cách đây 21 năm do Ðức Tổng Giám Mục Lefebvre truyền chức.

Trong phần dẫn nhập ÐTC cho biết sở dĩ ngài viết thư này như một lời làm sáng tỏ ý hướng của ngài và của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, là "để góp phần vào sự an bình trong Giáo Hội" sau "một cuộc tranh luận sôi nổi mà từ lâu không còn xảy ra trong Giáo Hội như vậy nữa". ÐTC cũng cho biết ngài bắt đầu viết thư này hồi giữa tháng hai (2/2009), như ngài đã ám chỉ tới trong cuộc viếng thăm Ðại chủng viện Roma ngày 20-2-2009 vừa qua, và hoàn thành trước khi bắt đầu tuần tĩnh tâm mùa chay 1-3-2009. Lá thư mang chữ ký của ngài ngày 10-3-2009.

Khi suy tư về những trục trặc đã ảnh hưởng tiêu cực với vụ giải vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục, ÐTC nhận thấy:

1. Vụ Giám Mục Williamson phủ nhận diệt chủng và sự mơ hồ làm cho con đường hòa giải giữa các tín hữu Kitô và Do thái bị phủ nhận với việc giải vạ tuyệt thông: ÐTC nhìn nhận có một sự thiếu sót trong việc thông tin và ngài cám ơn những người bạn Do thái đã giúp vượt thắng sự hiểu lầm và tái lập bầu không khí tín nhiệm lẫn nhau.

2. Tiếp đến là có sự không minh bạch đầy đủ trong việc trình bày ý nghĩa và những giới hạn của quyết định giải vạ tuyệt thông cho 4 giám mục, ký ngày 21-1-2009.

Ý nghĩa của biện pháp giải vạ này là:

1. Việc giải vạ liên hệ tới cá nhân con người, chứ không phải liên hệ tới tổ chức. Việc truyền chức Giám Mục không có phép của Tòa Thánh có nghĩa là một nguy cơ ly giáo. Vì thế, những người truyền chức hoặc chịu chức Giám Mục bị hình phạt nặng nhất là vạ tuyệt thông, để kêu gọi họ hãy trở lại với tình hiệp nhất. Sau khi đương sự bày tỏ trên nguyên tắc sự nhìn nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng, thì việc tha vạ lại nhắm cùng một mục tiêu, đó là mời gọi 4 Giám Mục trở về hiệp nhất.

2. Trái lại, tổ chức "Huynh đoàn thánh Piô 10" không có một qui chế theo giáo luật trong Giáo Hội vì những lý do đạo lý, và bao lâu những lý do này không được làm sáng tỏ, thì tình trạng của Huynh Ðoàn tiếp tục như cũ, và cả các thừa tác viên thuộc Huynh đoàn này không thi hành sứ vụ trong Giáo Hội một cách hợp pháp.

Về tương lai của Ủy ban "Ecclesia Dei", Giáo Hội của Thiên Chúa, và quan hệ với Huynh đoàn thánh Piô 10, ÐTC khẳng định rằng:

1. Xét vì những vấn đề cần làm sáng tỏ, chủ yếu là các vấn đề đạo lý, nên Ủy ban Giáo Hội của Thiên Chúa sẽ được gắn liền với Bộ giáo lý đức tin, và các quyết định sẽ được thảo luận do các cơ quan có tính chất tập đoàn của Bộ, trong các cuộc hội họp, với sự tham dự của các vị Tổng trưởng các bộ và cơ quan khác cũng như của hàng Giám Mục.

2. Về những vấn đề liên quan đặc biệt tới việc chấp nhận Công đồng chung Vatican 2 và huấn quyền của của các vị Giáo Hoàng sau Công đồng: Trong các cuộc thảo luận của các cơ quan nói trên cần để ý tới hai khía cạnh:

a. Liên quan tới Huynh đoàn thánh Piô 10: ÐTC nhắc nhở rằng "Không thể làm đông lạnh quyền giáo huấn của Giáo Hội vào năm 1962", nghĩa là trước công đồng chung Vatican 2;

b. Về những người tự coi mình là những người "hăng hái bảo vệ Công đồng chung Vatican 2": ÐTC cảnh giác rằng "Công đồng bao gồm toàn thể lịch sử đạo lý của Giáo Hội", và không thể cắt bỏ những gốc rễ nhờ đó thân cây đang sống.

Về câu hỏi: việc giải vạ cho 4 Giám Mục ký ngày 21-1-2009, có thực sự cần thiết hay không, ÐTC trả lời qua hai giai đoạn:

** Trước tiên, những ưu tiên đích thực và lớn nhất của triều đại Giáo Hoàng này đã được ngài làm nổi bật ngay từ đầu, đó là:

1. Dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa, vị Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh và tỏ mình ra trong Chúa Kitô

2. tiếp đến là sự hiệp nhất của các tín hữu trong Chúa Kitô, tức là phong trào đại kết

3. Ðối thoại liên tôn giữa các tín hữu tin nơi Thiên Chúa, trong sự tìm kiếm hòa bình

4. Làm chứng về tình yêu thương trong chiều kích xã hội của đức tin Kitô, Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương.

Và ÐTC viết thêm rằng: Nếu sự dấn thân vất vả cho đức tin, cậy, mến là ưu tiên thực sự, thì "sự hòa giải cỡ nhỏ và trung bình" cũng thuộc vào số ưu tiên ấy, như sự hòa giải liên quan tới Huynh đoàn thánh Piô 10.

** ÐTC ghi nhận rằng "sự kiện giơ tay ra tỏ thiện chí đã gây ra một sự ồn ào lớn lao, và tạo nên một công hiệu ngược lại, trái ngược với sự hòa giải", điều ấy đưa đến một loạt các câu hỏi để suy tư về sự kiện ấy theo các tiêu chuẩn của Tin Mừng:

1. Phải chăng trong trường hợp này, sự tìm cách hòa giải với "người anh em đã xúc phạm đến mình" như Tin Mừng trong Bài giảng trên núi yêu cầu, có phải là một sự sai lầm hay không?

2. Xã hội dân sự chẳng phải tìm cách vượt thắng những thái độ cực đoan và phục hồi các thành phần của mình sao? Ðã có những kinh nghiệm tích cực trong việc phục hồi các cộng đoàn tách rời khỏi Tòa Thánh.

3. Phải chăng chúng ta có thể dửng dưng và để cho một cộng đoàn đông đảo như Huynh đoàn thánh Piô 10 trôi dạt xa lìa Giáo Hội sao? Nơi nhiều Linh Mục thuộc huynh đoàn này chắc chắn có những chiều kích yêu mến Chúa Kitô và mong ước rao giảng Chúa.

4. Mặc dù những khuyết điểm trầm trọng do các đại diện của Huynh đoàn bày tỏ (kiêu ngạo và tự phụ huyênh hoang, một chiều..), cũng cần phải nhìn nhận sự sẵn sàng của họ; và "đại Giáo Hội" không phải biết tỏ ra quảng đại, đại lượng, nhìn xa trông rộng trong đức tin và có khả năng nhìn nhận cả những khuyết điểm nơi mình sao?

Sau cùng, câu nói mạnh mẽ nhất, một thách đố thực sự thúc giục hãy xét mình, kể cả những người phê bình cay cú nhất, trong và ngoài Giáo Hội, về cử chỉ của Ðức Giáo Hoàng và các ý hướng của ngài, đó là câu ngài viết: "Nhiều khi người ta có cảm tưởng rằng xã hội chúng ta đang cần ít là một nhóm người mà người ta có thể điềm nhiên đổ dồn sự oán ghét. Và nếu ai dám đến gần nhóm ấy, như Ðức Giáo Hoàng trong trường hợp này, thì ngài cũng bị mất quyền được bao dung, và ngài cũng có thể bị oán ghét không chút dè dặt hay sợ hãi".

Thư của ÐTC kết luận với một suy tư tha thiết về lời của Thánh Phaolô nói về tình yêu thương như một sự sung mãn của lề luật và cần đề phòng chống lại cám dỗ "cắn xé lẫn nhau" (Gal 5,13-15), như một thứ tự do được hiểu sai lầm. ÐTC nói: cám dỗ này ngày nay vẫn còn và chúng ta không nên ngạc nhiên, nhưng cần chống lại cám dỗ ấy bằng cách luôn học lại sự ưu tiên tuyệt đối của tình yêu. "Xin Chúa bảo vệ tất cả chúng ta và dẫn đưa chúng ta trên con đường an bình".

Bình luận của Giám Ðốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh

Trên đây là tóm lược thư của ÐTC gửi các Giám Mục trên thế giới. Trong bài bình luận công bố sáng 12-3-2009, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, và cũng là Tổng giám đốc đài Vatican, nhận định rằng:

Thư của ÐTC trên đây thực là một điều khác thường và rất đáng chú ý tối đa. Chưa bao giờ trong triều đại của ÐTC Biển Ðức 16, như trong vụ này, ngài bày tỏ một cách đích thân và nồng nhiệt về một đề tài tranh luận. Chắc chắn rằng lá thư này, từ đầu tới cuối, đều là những lời của ngài.

ÐTC đã theo dõi và sống vụ tha vạ này và những phản ứng theo đó trong đau khổ. Ngài nói đó là một cuộc tranh luận mãnh liệt mà từ lâu trong Giáo Hội không còn xảy ra nữa, và ngài cảm thấy cần phải can thiệp để góp phần vào an bình trong Giáo Hội bị xáo trộn.

Với một sự sáng suốt và khiêm tốn như thường lệ, ÐTC nhìn nhận những giới hạn và lầm lẫn đã ảnh hưởng tiêu cực tới vụ này, và với tâm hồn cao thượng, ngài không qui gán trách nhiệm cho người khác, trái lại ngài liên đới với các cộng sự viên. Ngài nói về sự thông tin không đủ về vụ Williamson và thiếu rõ ràng trong việc trình bày biện pháp tha vạ và ý nghĩa của việc làm này. Nhưng đây không phải là khía cạnh ý nghĩa nhất trong các suy tư của ÐTC.

Cả vấn đề Giám Mục Williamson, bị người ta nhìn một cách sai lầm như một sự phủ nhận con đường hòa giải giữa các tín hữu Kitô và Do thái, cũng được khắc phục một cách may mắn, cũng là dịp để ÐTC hãnh diện nhắc lại rằng sự chia sẻ và thăng tiến mọi bước tiến đã thực hiện trong chiều hướng đó để tiến tới hòa giải, từ Công đồng đến nay, ngay từ đầu đã là một mục tiêu trong hoạt động nghiên cứu thần học của ngài, ÐTC cám ơn những người bạn Do thái vì sự đóng góp của họ để mau lẹ tái lập bầu không khí tín nhiệm, trong khi những tấn công từ phía các tín hữu Công Giáo về vấn đề này vẫn là lý do làm cho ngài đau buồn.

ÐTC dấn thân làm sáng tỏ bản chất và ý nghĩa, ý hướng trong biện pháp tha vạ, ngài giải thích rằng vạ tuyệt thông là một sự trừng phạt dành cho những cá nhân đã phạm một hành vi gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo Hội qua việc không nhìn nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng, vì thế, giờ đây, sau khi các đương sự bày tỏ sự nhìn nhận quyền bính của Ðức Giáo Hoàng, việc tha vạ là một lời mời gọi nồng nhiệt hãy trở về với sự hiệp nhất.

Nhưng ÐTC phân biệt rõ ràng vấn đề nhìn nhận pháp lý Huynh đoàn thánh Piô 10 trong Giáo Hội, việc nhìn nhận này tùy thuộc việc làm sáng tỏ một số vấn đề đạo lý quan trọng liên quan tới sự chấp nhận Công đồng chung Vatican 2 và giáo huấn tiếp theo đó của các vị Giáo Hoàng. Bao lâu chưa có sự nhìn nhận này, thì các vị hữu trách của huynh đoàn không thể thi hành hợp pháp một thừa tác vụ được nhìn nhận trong Giáo Hội.

Ðiểm trung tâm lá thư của Ðức Giáo Hoàng là ngài quyết định gắn liền Ủy ban Ecclesia Dei, đặc trách các tín hữu Công Giáo thủ cựu, với Bộ giáo lý đức tin, vì bản chất chủ yếu của các vấn đề cần giải quyết thuộc lãnh vực đạo lý. Quyết định này làm cho hoạt động và các quyết định của Ủy ban Ecclesia Dei có tính cách đoàn thể. Qua sự đổi mới việc tổ chức của Giáo triều này, Ðức Giáo Hoàng trả lời cho những vấn nạn liên quan tới việc chuẩn bị biện pháp giải vạ mới đây, vấn nạn này do các Hội Ðồng Giám Mục trực tiếp liên hệ đưa ra.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi do nhiều người đưa ra, dưới ánh sáng những căng thẳng gần đây, đó là biện pháp tha vạ cho 4 Giám Mục có thực sự cần thiết hay không? Trong Giáo Hội không có vấn đề nào quan trọng và cấp thiết hơn phải làm hay sao?

Câu trả lời cho vấn nạn này chiếm hơn 1 nửa toàn lá thư của ÐTC. Giọng văn của ngài ngày càng khẩn trương hơn. ÐTC Biển Ðức 16 cảm thấy bị gọi hỏi sâu xa trong trách nhiệm mục tử Giáo Hội hoàn vũ của ngài và thấy rằng cần phải minh giải một cách chắc chắn cho các anh em ngài trong hàng Giám Mục, là những vị đồng trách nhiệm về thiện ích của Giáo Hội, đâu là những ưu tiên và với tinh thần nào ngài đang thi hành công tác phục vụ của ngài.

Nói một cách tổng hợp, ÐTC tái khẳng định những ưu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài đã được bày tỏ ngay từ ngày đầu tiên: đó là dẫn đưa mọi người về cùng Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đã tự mạc khải trong Kinh Thánh và trong Chúa Kitô; tiếp đến là sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, đối thoại giữa các tín hữu cùng tin nơi thiên Chúa để phục vụ hòa bình; làm chứng tá bác ái trong chiều kích xã hội của đời sống Kitô.

Nhưng rồi Ðức Giáo Hoàng tiếp tục suy tư mời gọi những người đối thoại đi vào một cuộc suy tư bản thân và Giáo Hội, có tích cách dấn thân hơn. Một điều nghịch lý là từ một cử chỉ từ bi và hòa giải, như việc tha vạ, lại biến thành một tình trạng căng thẳng cam go, bó buộc mọi người phải phân định xem đâu là thái độ tinh thần đã được biểu lộ và hành động trong vụ này.

Tiêu chuẩn đầu tiên theo đó ÐTC kêu gọi suy tư, đó là giới răn hòa giải với người anh em có điều gì xúc phạm đến mình, mà Chúa đã dạy trong bài giảng Trên Núi.

Câu hỏi của ÐTC càng có tính chất cấp bách hơn, do mối quan tâm nồng nhiệt đối với sự hiệp nhất của Giáo Hội. Các câu hỏi ấy không mất ý nghĩa thực tiễn, vì chúng nhắc nhớ cả những khuyết điểm nặng nề của những người thủ cựu, và ngài cũng nhắc nhở tương tự cho những người trong Giáo Hội và xã hội phê bình ngài, họ như quyết liệt và ngoan cố chống lại mọi mọi cố gắng hòa giải và không muốn nhìn nhận những yếu tố tích cực nơi người khác. Tính chất thực tiễn về tinh thần này đạt tới tột đỉnh qua lời nhắc nhở câu nói của thánh Phaolô tông đồ gửi các tín hữu thành Galát, trong đó thánh nhân cảnh giác họ đừng cắn xé lẫn nhau.

Suy tư của ÐTC kết thúc với lời tái mời gọi tha thiết hãy chọn tình yêu làm ưu tiên tuyệt đối đối với các tín hữu Kitô và ngài tha thiết cầu mong có hòa bình cho cộng đoàn Giáo Hội.

Ngoài những sai lầm hoặc phiêu lưu vốn là những điều cần phải nhìn nhận và khắc phục bao nhiêu có thể, ngoài sự khôn ngoan thận trọng của con người, cố tránh đụng chạm đến những điểm tế nhị, ÐTC đưa chúng ta một cách quyết liệt và can đảm trở về với Tin Mừng như tiêu chuẩn cơ bản và tối hậu, không những của đời sống Kitô và Giáo Hội, nhưng của việc cai quản Giáo Hội nữa. Vì chỉ khi nào cùng nhau trở về với tin Mừng, chúng ta mới có thể vượt thắng những chia rẽ, cũng như hiểu được sự đồng qui sâu xa giữa Truyền thống và Công Ðồng.

Sau cùng, chúng ta hiểu rằng ÐTC khi dấn thân hàng đầu trong những tình trạng khủng hoảng, ngài hướng dẫn chúng ta tìm được điểm thiết yếu, sâu xa và căn bản, để từ đó chúng ta tái tiến bước.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page