Vĩnh Biệt Ðức Cố Hồng Y

Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng

 

Vĩnh Biệt Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng.

Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI Cử Ðặc Sứ Chủ Tọa Thánh lễ An Táng.

Hà Nội, Việt Nam (WHÐ 26.02.2009) - Sáng ngày 26 tháng 2 năm 2009, tại nhà thờ Chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội, đã diễn ra thánh lễ an táng và nghi thức tiễn biệt Ðức cố Hồng y Phaolô - Giuse Phạm Ðình Tụng, nguyên Tổng giám mục Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, nguyên Giám mục giáo phận Bắc Ninh, Hội viên danh dự Hội thừa sai nước ngoài Paris..., đã từ trần hồi 10g10 ngày Chúa nhật 22-02-2009 tại Hà Nội. Linh cữu Ðức cố Hồng y đã được quàn tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội từ sáng ngày thứ Hai 23-02-2009.


Ước tính có khoảng hơn 20 nghìn người tham dự thánh lễ, mọi người đứng hoặc ngồi kín khu vực Nhà thờ Chính Toà, Toà Giám Mục, quảng trường Nữ Vương Hoà Bình và gần kín 4 con phố Nhà Thờ, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, Ấu Triệu.


Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi điện chia buồn đến Ðức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và toàn thể Dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội (TGPHN).

Ðức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, các Ðức giám mục của các giáo phận trên cả nước, cha Jean-Baptiste Etcharren, Bề trên Tổng quyền Hội thừa sai nước ngoài Paris, đông đảo bề trên các dòng và linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân trong và ngoài nước đã gửi điện văn - điện hoa phúng viếng, dâng thánh lễ, đọc kinh cầu nguyên liên tục đến tận nửa đêm 25-02 rạng sáng 26-02-2009 bên linh cữu Ðức cố Hồng y.

Các phái đoàn ngoại giao tại Hà Nội, chính quyền thành phố Hà Nội, đông đảo đại diện các tôn giáo bạn cũng đã đến viếng Ðức cố Hồng y, phân ưu với Ðức Tổng giám mục Giuse và giáo phận Hà Nội của ngài.

Ban truyền thông Tổng Giáo Phận Hà Nội đã kịp thời và nhanh chóng đưa tin và hình ảnh về lễ tang Ðức cố Hồng y. Nhờ đó độc giả khắp nơi cảm nhận được tấm lòng trân trọng, quý mến và biết ơn của đông đảo mọi người trong Giáo Hội và xã hội đối với Ðức cố Hồng y vì những cống hiến của ngài cho Giáo Hội và con người theo tinh thần của đường lối của "Tình yêu Thiên Chúa" được ngài chọn làm châm ngôn cho sứ vụ giám mục của mình: "Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa".

WHÐ cũng đã cử đại diện đến đặt vòng hoa kính viếng Ðức cố Hồng y, chia buồn với Ðức Tổng giám mục Giuse của Hà Nội, đồng thời tham dự thánh lễ an táng Ðức cố Hồng y tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được Ðức Thánh Cha cử làm đặc sứ đại diện Tòa Thánh chủ tọa thánh lễ an táng.

Sáng sớm thứ Năm 26-02-2009, Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ cuối cùng bên linh cữu Ðức cố Hồng y được quàn giữa lòng nhà thờ.

Trong tinh mơ của bình minh Hà Nội, giáo dân từ các nơi đã tuôn về quảng trường nhà thờ, cùng với hàng trăm người đã qua đêm tại đây chờ tham dự lễ an táng, ngồi chật kín quảng trường.

Sau đó là nghi thức dập mạch lúc 7g30. Ðức Tổng giám mục Giuse và các giám mục xuất thân từ Tổng giáo phận Hà Nội cùng linh mục đoàn, thân quyến và giáo dân Hà Nội đã chiêm ngưỡng lần cuối gương mặt nhân từ, hiền hòa mà cương nghị, rất khả ái của Ðức cố Hồng y, trước khi linh cữu của Ngài vĩnh viễn đóng lại.

Ðúng 8g, linh cữu Ðức cố Hồng y được chuyển ra lễ đài tại quảng trường nhà thờ Chính tòa.

Tại lễ đài, ban tổ chức đã treo bức châm ngôn hiệp thông ý nguyện lúc sinh thời của Ðức cố Hồng y: "Chúng con tin ở tình yêu Thiên Chúa". Khẩu hiệu giám mục của Ðức cố Hồng y "Tôi tin ở tình yêu Thiên Chúa" trở thành tâm niệm của cộng đồng Dân Chúa Hà Nội. Lời xác tín của một người đã được cả cộng đồng hiệp thông, đón nhận.

Linh cữu Ðức cố Hồng y đã được an vị.

Cả quảng trường rợp trắng khăn tang, nhòe trong nỗi buồn biệt ly nhưng vẫn ánh lên niềm xác tín vào cuộc đoàn tụ trong tình yêu vĩnh cửu.

Một linh mục đọc tiểu sử của Ðức cố Hồng y, nêu bật những di huấn từ cuộc đời của Ðức cố Hồng y.

Ðức Thánh Cha Bênêđictô đã nói về Ðức cố Hồng y: "Một vị mục tử xuất sắc, đã phục vụ Giáo Hội trong những hoàn cảnh khó khăn với lòng can đảm vô song và sự trung thành, hết sức quảng đại với Tòa thánh Phê-rô, đã xả thân không tính toán cho việc loan báo Tin Mừng".

Ðức Thánh Cha Bênêđictô đã ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đồng phụng vụ thánh lễ an táng và cử Ðức Hồng y Tổng giám mục GB Phạm Minh Mẫn của Tổng giáo phận TPHCM làm đặc sứ của Ðức Thánh Cha, chủ tọa thánh lễ an táng và ban phép lành Tòa Thánh.

Thánh lễ an táng

Ðúng 9g đoàn đồng tế gồm Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, (đặc sứ của Ðức Thánh Cha, chủ sự thánh lễ), Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Tổng Giáo Phận Hà Nội), Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Giáo Phận Ðà Lạt, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam) và các giám mục, linh mục đến từ 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước.

Tham dự thánh lễ là cả một rừng người chật kín các phố khu vực Nhà thờ Chính tòa như Nhà Thờ, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, sân trước Văn phòng giáo xứ Chính tòa, đường kiệu chung quanh nhà thờ... Ước tính phải đến hơn vạn người từ các giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Hà Nội và các giáo phận bạn tề tựu tại khu vực quảng trường Nhà thờ Chính tòa, lắng sâu vào nội tâm an bình, cầu nguyện cho linh hồn Phaolô - Giuse. Vì thế buổi lễ diễn ra trong trang nghiêm, thành kính, diễn đạt những chiều kích hiệp thông sâu xa của người Kitô hữu trong cuộc sống và trước cái chết.

Phố Nhà Thờ, từ ngã ba Hàng Trống đến quảng trường được dành làm lối đón tiếp các đoàn khách, tạo một tiền cảnh trang trọng và lắng đọng, đưa lòng người vào cuộc chuẩn bị cho việc dâng thánh lễ.

Bài giảng trong thánh lễ của Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (Giám Mục Nha Trang, nguyên Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam) đã đưa cộng đoàn phụng vụ vào suy ngẫm về căn tính cuộc sống của người Kitô hữu là sống công chính và làm việc bác ái:

"Muốn chết trong Chúa thì cũng phải sống trong Chúa: nghĩa là sống lương thiện, công bằng bác ái, tuân giữ các giới luật Chúa, thi hành các lệnh truyền của Chúa, làm các việc thiện. Chính các việc thiện này sẽ theo ta về đời sau".

Ðức cha Phaolô cũng đã nêu bật hành trình cuộc sống ơn được kêu gọi và được chọn làm tông đồ của Ðức cố Hồng y. Ðó là cả một hành trình lạ lùng. Ðức cha kể về buổi đầu của ơn Chúa kêu gọi Ðức cố Hồng y:

"Năm 1929, Tràng tập được thiết lập tại Hà nội, tọa lạc tại chính cơ sở của Ðại chúng viện ngày nay. Ðầu niên khóa 1931 - 1932, cũng như mọi năm, Tràng tập tổ chức thi tuyển để chọn học sinh vào lớp mới với con số tối đa khoảng trên 30 em. Lần đó, chú Phaolô Phạm Ðình Tụng bị lọt sổ, chỉ suýt nữa trúng tuyển, có nghĩa là bị trượt, bị rớt. Nhưng chú vui vẻ về lại xứ Khoan Vĩ với cha nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực. Bỗng mấy ngày sau, một tin vui đưa tới, chú lại nhận được giấy gọi từ cha Décréaux, Bề trên Tràng tập gửi về Khoan Vĩ, gọi chú Tụng lên Tràng tập nhập lớp mới, vì có một chú, tuy đã trúng tuyển nhưng bị bệnh không thể tiếp tục học được phải rút lui, nên chú Tụng được gọi lên lấp vào chỗ trống. Chú Tụng mừng quá chừng, khi được đậu vớt và đã rất chăm chỉ học tập".

Ðức cha kết luận:

"Có ai ngờ đâu, "phiến đá mà thợ xây loại bỏ" lại có thể được Thiên Chúa sử dụng làm nên cột trụ cho Giáo hội tại Giáo phận Bắc Ninh, Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo hội Việt Nam qua các chức vụ Linh mục, Giám mục, Tổng Giám mục, Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Hồng y. Hơn nữa, các chức vụ đều được thi hành trong những thời gian lâu dài. Việc Thiên Chúa làm thật lạ lùng kì diệu".

Trong nỗi đau buồn phải vĩnh biệt một con người đáng kính, cả một cộng đoàn đông đảo hàng vạn người đã trang nghiêm cử hành Bí tích Thánh Thể, bí tích của sự sống, để diễn đạt mạnh mẽ và đầy xác tín về Sự Sống Bất Diệt.

Cuối thánh lễ, Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã bày tỏ lòng tri ân sâu xa và chân thành lên Ðức Thánh Cha Bênêđictô đã chia buồn và nâng đỡ tinh thần của toàn thể Tổng giáo phận trong lúc đau buồn.

Ðức Tổng Giám mục Giuse cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Ðức Hồng y quốc vụ khanh, Ðức Hồng y đặc sứ và các Giám mục Việt Nam, Hội đồng giám mục Pháp, Hội Thừa sai nước ngoài Paris, cộng đoàn Công giáo Hàn Quốc, cộng đoàn Công giáo Hoa Kỳ#, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân Việt Nam trong và ngoài nước đã phân ưu và cầu nguyện.

Ngài cũng gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công An, Chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc VN, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo VN, các Tôn giáo bạn, Thành hội Phật giáo Hà Nội, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam...

Tiếp theo, vào lúc10g30, Ðức cha Phụ tá Laurensô Chu Văn Minh, đại diện cộng đoàn Dân Chúa Hà Nội nói lời từ biệt Ðức cố Hồng y kính yêu.

Trời bắt đầu mưa nhẹ. Có phải trời cũng hòa cùng lòng người lưu luyến Ðức cố Hồng y?

10g40, linh cữu Ðức cố Hồng y được đưa vào nhà thờ.

Chuông sầu thả từng giọt.

Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Nước mắt đấy chăng?

Ðức Hồng y đặc sứ và các Ðức giám mục đi theo linh cữu. Các vị sẽ đứng bên phần mộ của Ðức cố Hồng y ở bên phải bàn thờ. Từng vị sẽ gửi một cánh hoa xuống huyệt. Như một lời chia tay và cầu chúc Ðức cố Hồng y an nghỉ sau cuộc đời 90 năm nhọc nhằn vất vả.

Công đoàn chìm trong im lặng. Chỉ có tiếng chuông sầu ngân từng tiếng buồn bã, sầu thương.

Vậy là đã vĩnh biệt một con người.

Nhưng cuộc chia tay này càng củng cố niềm xác tín vào ý nghĩa và giá trị bất diệt của đời sống công chính và bác ái.

Và càng khơi lên niềm hy vọng không gì lay chuyển được về ơn Phục Sinh và Sự Sống Vĩnh Cửu./.

 

Gia Kỳ - NN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page