Thánh Lễ An Táng Ðức Cố Hồng Y

Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng

 

 

Thánh Lễ An Táng Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng.

Hà Nội, Việt Nam (26/02/2009) - 8 giờ sáng ngày 26 tháng 2 năm 2009, ngày Ðại Lễ An táng Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, quảng trường Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội và khắp các con phố xung quanh đã chật cứng người tham dự.


Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - đặc sứ của Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI - chủ sự Thánh lễ An táng Ðức Cố Hồng Y Phạm Ðình Tụng.


9 giờ sáng ngày 26 tháng 2 năm 2009, tại quảng trường Nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã diễn ra thánh lễ an táng Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, do Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn - đặc sứ của Ðức Thánh Cha - chủ sự, cùng đồng tế có 20 vị Giám Mục và khoảng 350 linh mục cùng với đông đảo giáo dân.

Ðoàn đồng tế gồm Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, (đặc sứ của Ðức Thánh Cha, chủ sự thánh lễ), Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Tổng Giáo Phận Hà Nội), Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Giáo Phận Ðà Lạt, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam) và các giám mục, linh mục đến từ 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước.

Tham dự thánh lễ là cả một rừng người chật kín các phố khu vực Nhà thờ Chính tòa như Nhà Thờ, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, sân trước Văn phòng giáo xứ Chính tòa, đường kiệu chung quanh nhà thờ... Ước tính phải đến hơn vạn người từ các giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Hà Nội và các giáo phận bạn tề tựu tại khu vực quảng trường Nhà thờ Chính tòa, lắng sâu vào nội tâm an bình, cầu nguyện cho linh hồn Phaolô - Giuse. Vì thế buổi lễ diễn ra trong trang nghiêm, thành kính, diễn đạt những chiều kích hiệp thông sâu xa của người Kitô hữu trong cuộc sống và trước cái chết.

Sau Thánh Lễ An Táng, thi hài Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng đã được mai táng tại cung lòng Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Cộng đồng dân Chúa ngậm ngùi tiễn biệt thân xác Vị Mục Tử Kiên Trung về với lòng đất mẹ.

 

- Bài Giảng Của Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa Trong Thánh lễ An Táng Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng:

Chúng ta hãy noi gương Ðức Hồng Y Phaolô Giuse luôn nhận biết và tin tưởng vào ơn Chúa, chuẩn bị hành trang cho cuộc sống đời sau và thường xuyên làm việc thiện.

Chúng ta cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Hồng Y Phaolô Giuse.

Trong phần đầu thánh lễ, Chúa luôn luôn nuôi dưỡng chúng ta là những người đang sống bằng lời của Ngài.

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta biết cách sống ở trần gian thế nào để được hưởng hạnh phúc đời sau. Người ta thường gọi giờ phút kết thúc cuộc sống trần gian không phải chỉ bằng một từ chung là chết mà còn bằng nhiều cách nói khác có hàm chứa một niềm tin vào cuộc sống đời sau như: qua đời, từ trần, ra đi, sinh thì, về cõi vĩnh hằng, về với ông bà tổ tiên... Những kiểu nói này nêu lên một khía cạnh thật quan trọng của đức tin, đó là: sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Kinh nghiệm cho thấy những người từ giã cuộc đời trần gian để đi về đời sau có đủ hạng tuổi: người trẻ có và người cao tuổi cũng có.

Trong bài đọc thứ nhất, sách Khôn ngoan, chương 4, dạy rằng: người qua đời ở bất cứ tuổi nào, nếu họ đã sống lương thiện, sống công chính, sống đẹp lòng Chúa, không làm điều ác, thì dù họ còn trẻ, họ cũng được Thiên Chúa ban thưởng.

Nếu họ đã làm điều thiện, dù cuộc đời của họ có ngắn ngủi thì Chúa cũng kể như họ đã hoàn tất một sự nghiệp lâu dài. Tâm hồn họ đẹp lòng Chúa nên Chúa muốn mau đem họ ra khỏi nơi gian ác. Ðó là cách Thiên Chúa ban ơn cho những kẻ Chúa tuyển chọn.

Còn người cao tuổi, họ thật đáng kính trọng, không phải vì họ đã sống lâu, nhưng cũng vì họ đã sống công chính, không tì ố và đẹp lòng Chúa.

Lời Chúa trong Sách Khải huyền lại dạy chúng ta về một khía cạnh khác liên quan tới sự chết:

Những ai chết trong Chúa thì được chúc phúc vì các việc họ làm đều theo họ về đời sau.

Muốn chết trong Chúa thì cũng phải sống trong Chúa: nghĩa là sống lương thiện, công bằng bác ái, tuân giữ các giới luật Chúa, thi hành các lệnh truyền của Chúa, làm các việc thiện. Chính các việc thiện này sẽ theo ta về đời sau.


Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa Chia Sẻ Phúc Âm Trong Thánh lễ An Táng Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng.


Mỗi lần làm việc thiện thì như gửi một món tiền thiêng liêng vào ngân hàng đời sau. Ngân hàng này không bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chánh, không bị vỡ nợ, mối mọt không gặm nhấm được, trộm cướp không lấy mất được. Gửi bao nhiêu, tiền vẫn còn nguyên đó, cộng với tiền lời. Chúa bảo đảm điều đó thật vững chắc.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra: phải làm việc thiện lúc nào? Có người đã tính toán khôn khéo rằng: khi nào gần chết, ta sẽ làm việc thiện, và như vậy là cũng được chết trong Chúa và sẽ được Chúa chúc phúc.

Tính toán như vậy là rất phiêu lưu và nguy hiểm, vì có mấy ai biết được lúc nào mình chết. Hằng ngày, ta thấy nhiều người chết rất bất ưng, làm sao mà dọn mình cho kịp. Trong bài Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 12, Chúa đưa ra hai dụ ngôn để khuyên ta lúc nào cũng phải sẵn sàng để gặp Chúa. người giữ cửa cầm đèn đợi chủ về, lúc nào cũng phải tỉnh thức, phòng khi chủ về lúc bất ngờ. Người canh trộm cũng vậy, vì chỉ cần sơ ý một chút là mất của.

Qua hai dụ ngôn này, Chúa có ý dạy ta phải tỉnh thức, phải ở trong tư thế sẵn sàng gặp Chúa, nghĩa là không những phải làm điều thiện mà còn phải thường xuyên làm điều thiện. Như thế, vừa bảo đảm một cuộc gặp gỡ tốt đẹp, vừa thu tích nhiều của cải thiêng liêng, là những của cải sẽ theo chúng ta về đời sau.

Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, hưởng thọ 90 tuổi, thật đáng kính trọng không phải vì ngài đã sống lâu cho bằng ngài đã sống công chính, đẹp lòng Chúa.

Tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến giai đoạn khởi đầu cuộc sống "đi tu" của ngài.

Năm 1929, Tràng tập được thiết lập tại Hà nội, tọa lạc tại chính cơ sở của Ðại chúng viện ngày nay. Ðầu niên khóa 1931 - 1932, cũng như mọi năm, Tràng tập tổ chức thi tuyển để chọn học sinh vào lớp mới với con số tối đa khoảng trên 30 em. Lần đó, chú Phaolô Phạm Ðình Tụng bị lọt sổ, chỉ suýt nữa trúng tuyển, có nghĩa là bị trượt, bị rớt. Nhưng chú vui vẻ về lại xứ Khoan Vĩ với cha nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực. Bỗng mấy ngày sau, một tin vui đưa tới, chú lại nhận được giấy gọi từ cha Décréaux, Bề trên Tràng tập gửi về Khoan Vĩ, gọi chú Tụng lên Tràng tập nhập lớp mới, vì có một chú, tuy đã trúng tuyển nhưng bị bệnh không thể tiếp tục học được phải rút lui, nên chú Tụng được gọi lên lấp vào chỗ trống. Chú Tụng mừng quá chừng, khi được đậu vớt và đã rất chăm chỉ học tập.

Có ai ngờ đâu, "phiến đá mà thợ xây loại bỏ" lại có thể được Thiên Chúa sử dụng làm nên cột trụ cho Giáo hội tại Giáo phận Bắc ninh, Tổng Giáo phận Hà nội và Giáo hội Việt Nam qua các chức vụ Linh mục, Giám mục, Tổng Giám mục, Chủ tịch hội đồng Giám mục và Hồng Y. Hơn nữa, các chức vụ đều được thi hành trong những thời gian lâu dài. Việc Thiên Chúa làm thật lạ lùng kì diệu.

Hết lòng tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa ngay từ khởi đầu cuộc dâng hiến của mình, Ðức Hồng Y luôn vững lòng cậy trông và thường xuyên trung tín trong suốt các chặng đường tiếp theo của ngài. Ðó chính là bí quyết lý giải các ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội qua bàn tay và nhiệt tâm của Hồng Y Phaolô Giuse.

Chúng ta hãy noi gương Ðức Hồng Y Phaolô Giuse luôn nhận biết và tin tưởng vào ơn Chúa, chuẩn bị hành trang cho cuộc sống đời sau và thường xuyên làm việc thiện.

Thiên Chúa có cách làm việc riêng của Ngài, và đã làm những việc thật lạ lùng kỳ diệu. Ðứng trước hồng ân của Thiên Chúa, chúng ta chỉ biết cúi đầu cảm tạ và suy tôn.

Hà nội ngày 26 tháng 2 năm 2009

+ Gm.Nguyễn Văn Hòa

 

- Lời Cộng Ðồng Dân Chúa Hà Nội tiễn biệt Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng:

Trọng kính Ðức cố Hồng Y Phaolô Giuse, ai sinh ra mà không chết. Ðành rằng đó là quy luật cuộc sống, nhưng những lúc sinh ly tử biệt, tránh sao lòng khỏi quặn đau, mắt không ứa lệ. Ðối với người đời thì chết là hết, nhưng đối với người tín hữu Kitô, thì chết không phải là chấm hết, nhưng là cánh cửa khép lại cuộc sống trần gian và mở ra cuộc sống thiên quốc. Quãng đời gian khổ thử thách dương thế chỉ là giai đoạn chuẩn bị để bước vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.

Rền rĩ chuông buông hồi thảm thiết

Am vang rung động cả không gian

Người cha nhân ái rời trần thế

Ðau xót thương người, lệ chứa chan.

Nguyện cầu Chúa cả sai thiên sứ

Rước đón hồn Người hưởng vinh quang

Bên tòa Thiên Chúa xin bầu cử

Giáo hội Việt Nam mãi hiên ngang.

Trọng kính Ðức cố Hồng Y Phaolô Giuse, ai sinh ra mà không chết. Ðành rằng đó là quy luật cuộc sống, nhưng những lúc sinh ly tử biệt, tránh sao lòng khỏi quặn đau, mắt không ứa lệ.

Ðối với người đời thì chết là hết, nhưng đối với người tín hữu Kitô, thì chết không phải là chấm hết, nhưng là cánh cửa khép lại cuộc sống trần gian và mở ra cuộc sống thiên quốc. Quãng đời gian khổ thử thách dương thế chỉ là giai đoạn chuẩn bị để bước vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.


Các linh mục đồng tế Thánh lễ An táng Ðức Cố Hồng Y Phạm Ðình Tụng.


Từ năm 1954 đến nay, suốt nửa thế kỷ, cha đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, Giám đốc Liên Chủng viện thánh Gioan của 8 Giáo phận miền Bắc, Giám mục Bắc Ninh, Giám đốc Ðại Chủng viện thánh Giuse, Tổng Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội, Hồng Y, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Thành viên Hội Cor Unum của Giáo Hoàng, cha đã đào tạo cho Giáo Tỉnh miền Bắc một hàng giáo phẩm, tu sĩ ưu tú, đầy khả năng, với bao linh mục, giám mục, để xây dựng, bảo tồn và phát triển một Giáo hội Việt Nam kiên cường trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và nồng nàn trong đức mến.

Cha đã giáo dục và sản sinh cho xã hội bao người con ưu tú, thuộc mọi chức vụ, thành phần: công nhân, viên chức, giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, doanh nhân, giám đốc xí nghiệp, có cả anh hùng lao động nữa, đó là những người công dân tốt góp phần xây dựng đất nước giầu mạnh. Trên quê hương đất nước, cha như cây đa, cây đề gần gũi, rễ ăn sâu vào lòng dân tộc, vươn cành, xoè lá tỏa bóng mát cho đời.

Ðối với Giáo hội hoàn vũ, cha như cây tùng, cây bách vươn cao trên núi Libăng; Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phao lô II mến thương cha như người hiền đệ khả ái; Ðức Giáo hoàng Bênêđictô ca ngợi cha là một mục tử ưu việt luôn can đảm và trung thành phụng sự Giáo hội trong những thời kỳ gian khó; các Giám mục Việt Nam coi cha như bậc huynh trưởng đáng kính, các tín hữu mến mộ cha như người ông nhân hiền.

Cha đã đi qua một quãng đường dài với 90 năm tuổi đời, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng Y, dù trong hoàn cảnh nào, ở cương vị nào cha cũng hoàn thành cách trọn hảo, cha luôn là một con người chân chính, một mục tử nhân hiền, một người thầy gương mẫu, một nhà lãnh đạo đức tin kiên cường, một chứng nhân Tin mừng của thời đại.

Cha đã ra đi , song hình ảnh của cha còn ghi khắc trong trái tim mỗi người chúng con, tinh thần của cha còn sống động trong tâm trí chúng con, lý tưởng của cha còn hướng dẫn đời sống đức tin của chúng con. Lịch sử kiên cường bảo vệ đức tin của Giáo Hội miền Bắc hơn nửa thế kỷ qua đã ghi đậm ấn dấu của cha và ảnh hưởng đó còn tồn tại đến những thế hệ tương lai.

Bây giờ, cha đang nằm lặng lẽ nơi đây, nhưng những lời thánh Phaolô lại vọng lên từ tâm khảm chúng con, từng lời, từng lời rành rọt như chính lời cha đang nhắn nhủ chúng con:

" Còn tôi, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã thi đấu trong cuộc thi cao đẹp, đã chạy hết quãng đường dài. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa sẽ trao phần thưởng đó cho tôi, và không phải chỉ cho tôi, nhưng cho tất cả những ai mong đợi Người" (2Tm 4,6-8).

Trọng kính Ðức cố Hồng Y Phaolô Giuse, là môn đệ Ðức Kitô, là những người kế thừa truyền thống đức tin anh dũng của các thánh tử đạo Việt Nam, là học trò của Ðức cố Hồng Y, mỗi người chúng con sẽ gắng là Người Công Giáo Việt Nam anh hùng.

Tại nơi thiêng thánh này có sự hiện diện của vị đặc sứ Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Gioan Baotixita, đại diện cho Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, các Tổng Giám mục, Giám mục, Viện phụ, Bề trên dòng tu, Ðức ông, Tổng đại diện, linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh, thân nhân họ hàng của Ðức cố Hồng Y, cộng đồng dân Chúa, cả biển người, rừng khăn tang, đại diện cho toàn thể Giáo hội Việt Nam trong nước và ngoài nước, có thể nói đây là Giáo hội Việt Nam thu nhỏ đang thành kính nghiêng mình, cúi chào tiễn biệt Ðức cố Hồng Y đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong giờ phút linh thiêng, chúng con xin mẹ Ðịa cầu hãy mở rộng vòng tay đón thi hài Ðức cố Hồng Y vào lòng đất, thân cát bụi trở về cát bụi.

Chúng con xin Chúa Kitô là sự sống lại và là sự sống hãy sai binh đoàn thiên thần đón hồn thiêng Ðức cố Hồng Y Phaolô Giuse và phó thác cho Thiên Chúa Cha là nguồn sống hạnh phúc vĩnh hằng, để thầy ở đâu thì môn đệ cũng ở đó. Ðúng như khẩu hiệu của Ðức cố Hồng Y: "Chúng tôi tin ở tình yêu Thiên Chúa".

Amen

+ Lôrensô Chu Văn Minh

Giám mục phụ tá Hà Nội

 

TGP Hà Nội

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page