Chuỗi ngày thử thách

trong cuộc đời Ðức Hồng Y Phạm đình Tụng

 

Chuỗi ngày thử thách trong cuộc đời Ðức Hồng Y Phạm đình Tụng.


Các đoàn thể thay nhau đến kính viếng và/hoặc dâng lễ cầu nguyện cho Ðức Hồng Y.


Hà Nội, Việt Nam (24.02.2009 06:44) - Cuộc đời của ngài, từ sau khi thụ phong linh mục năm 1949 cho đến ngày lìa trần, đã trở thành một đời dâng hiến, tận tâm phục vụ Chúa và giáo dân được Chúa ủy thác cho ngài chăm sóc. Giai đoạn này đã được nhiều người nhắc đến và ca ngợi.

Trên nhiều trang mạng Công giáo, từ sau ngày Ðức Hồng Y tạ thế, đã có nhiều bài viết thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của ngài, ghi lại những đóng góp cho Giáo hội Công giáo Việt nam trong hơn một nửa thế kỷ vừa qua, những kỷ niệm thời sinh hoạt và khi gặp gỡ, cũng như bày tỏ những cảm tình thương tiếc một người thày, một người cha.

Cuộc đời của ngài, từ sau khi thụ phong linh mục năm 1949 cho đến ngày lìa trần, đã trở thành một đời dâng hiến, tận tâm phục vụ Chúa và giáo dân được Chúa ủy thác cho ngài chăm sóc. Giai đoạn này đã được nhiều người nhắc đến và ca ngợi. Tuy nhiên không ai đã đề cập đến thời gian thử thách ngài đã trải qua trong những năm tháng trước khi thụ phong linh mục, có lẽ vì bản tính rất mực khiêm tốn, ngài đã ít khi thổ lộ với ai về đoạn đời gian khó này. Ðó là thời gian trong khoảng từ năm 1946 đến 1948.

Như chúng ta đều biết, trong cuộc đời tu tập, ngài đã học triết học tại Ðại chủng viện Liễu Giai từ năm 1940, và năm 1942 ngài được Bề trên Ðịa phận cử đi giúp xứ Khoan Vĩ, thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nơi cha Phêrô Phạm Bá Trực nghĩa phụ của ngài đang làm Chính xứ.

Năm 1943, ngài trở về Ðại chủng viện Liễu Giai, tiếp tục học thần học. Giữa năm 1945, vì hoàn cảnh đất nước xáo trộn, Ðại chủng viện Liễu Giai phải ngưng hoạt động, các thầy chủng sinh phải tản mác mỗi người một nơi.

Tháng 9 năm 1946, Ðại chủng viện Liễu Giai mở cửa lại, ngài trở về tu học. Ba tháng sau, ngày 19-12-1946, chiến tranh bùng nổ, Ðại chủng viện bị tấn công và chiếm giữ, các chủng sinh lại một lần nữa bị phân tán. Việc học bị gián đoạn, ngài trở về sinh quán là họ Cầu Mễ, thuộc xã Bình Hào, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, cách Hà nội khoảng 40 cây số. Vùng này lúc đó nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, tiền thân của chính quyền Cộng sản ngày nay.

Tại đây, ngài sinh hoạt như một đại chủng sinh tu tại gia, sống cùng với ông bà cố và một người em nuôi cũng đang tu học tại giáo phận Phát diệm (sau này thụ phong linh mục, đó là cha Phêrô Nguyễn Văn Vọng). Cầu Mễ là một họ đạo thuộc xứ Quảng Nạp, giáo phận Phát Diệm. Hàng ngày ngài đi bộ từ nhà đến nhà thờ giáo xứ để xem lễ và tham dự các sinh hoạt trong xứ đạo, giúp đỡ linh mục chính xứ lúc đó là cha Phaolô Lê Nguyên Kỷ trong các các nhu cầu mục vụ. Trong thời gian rảnh rỗi, ngài cũng giúp đỡ các trẻ em trong xứ đạo học thêm giáo lý và đặc biệt là tập cho các em những bài hát ngài đem về từ Hà nội. Ðó là những bản thánh ca mới sáng tác của Nhạc đoàn Lê bảo Tịnh (gồm những nhạc sĩ nổi tiếng như Hùng Lân, Tâm Bảo, Người Khắc Xuyên...). Xứ đạo Quảng nạp này ở miền quê, xa thành thị, nên giáo dân chưa bao giờ được nghe đến những bài hát đạo mới mẻ như Sao Biển (Lạy Mẹ là ngôi sao sáng...) hoặc Dâng hồn xác (Con kính dâng Cha cùng bánh và rượu nho...)..

Trong thời gian này, ngài cũng đi lại thăm viếng nhiều gia đình trong giáo xứ, giúp đỡ những ai cần đến, nhất là những bệnh nhân sắp qua đời. Chính thân phụ chúng tôi, là em ruột của ông cố Phạm Văn Hiến của ngài, cũng đã được ngài giúp cho xưng tội, rước lễ trước khi qua đời vì căn bệnh ngặt nghèo.

Suốt hai năm trời sinh hoạt như thế, ngài cũng được an ủi vì đã giúp đỡ cho nhiều người, cho xứ đạo và duy trì được nếp sống tu hành của mình. Chính quyền cộng sản đã theo dõi ngài, tuy không công khai, nhưng cũng có lúc làm khó dễ, nhất là trong vấn đề đi lại, do đó ngài không đi đâu xa quá phạm vi giáo xứ. Nhưng thời gian cứ trôi và chiến tranh từ thủ đô phát khởi hồi tháng 12 năm 1946 tiếp tục lan rộng ra các địa phương chung quanh, và trong xứ đạo đã có những người từ các địa phương khác tản cư đến. Viễn ảnh về những ngày yên ổn thật xa vời. Ngài lo lắng không biết đời tu của mình sẽ còn được tiếp tục hay không hay sẽ bị ngưng vô thời hạn.

Sống mãi trong chờ đợi và lo âu như thế, đôi lúc ngài chán nản vì thấy cuộc đời trước mặt thật đen tối, không có nhiều hy vọng cho tương lai nếu tình trạng này cứ tiếp diễn. Cuối cùng ngài thấy phải liều một phen, bất chấp nguy hiểm, tìm về Hà nội để tiếp tục con đường tu trì hằng bao lâu ấp ủ. Lúc đó Hà nội nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Pháp và các sinh hoạt hầu như đã được mở lại, nhất là các trường học.

Con đường tìm về thủ đô thật gian nan, lúc đi bộ, lúc đi thuyền... Trong khi biết bao nhiêu người từ Hà nội rời đi tản cư để tránh những cuộc giao tranh, thì ngài lại mò mẫm tìm về. Giữa lúc chiến tranh, trong lúc rời bỏ xứ quê để về thành, ngài rất có thể là đối tượng để bắt giữ hoặc giết chết của cả hai phe: Pháp và Việt Minh. Nhưng Chúa đã gìn giữ một người con để sau này sẽ dìu dắt Giáo hội miền Bắc trong buổi gian nan, nên đã giúp ngài vượt qua bao nhiêu nguy hiểm và gian khổ để trở về được Hà nội vào năm 1948.

Ngay năm đó, ngài được giáo quyền gửi học thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế, và năm sau, ngày 6-6-2949, ngài thụ phong linh mục.

Một sự việc thương tâm mà ít người biết đến là ngài đã mất đi người mẹ thân yêu vào ngay thời gian trước khi làm linh mục. Khi nghe tin ngài sắp được thụ phong, bà xuống thuyền từ Phát Diệm ra Hà nội để sắm sửa áo lễ và chén thánh cho con. Thời gian đó, con đường ít vất vả nhất để giao thương giữa Phát diệm và Hà nội là bằng đường thủy, trên những chuyến ca nô, ngược xuôi trên các sông lạch bất chấp những nguy hiểm của chiến tranh. Thật bất hạnh cho chuyến đi này, vì bà đã bị trúng một phát đạn trong khi ca nô đang di chuyển trên sông tại khu vực gần Ðò Lèn. Bà tử nạn và xác cũng không được tìm thấy. Nỗi đau khổ vì mất mát lớn lao đó đã ám ảnh suốt cuộc đời ngài, nhưng ngài đã luôn luôn dâng hiến sự hy sinh của mẹ mình cho Chúa và lấy đó làm điều nhắc nhở về tấm lòng cao cả của người mẹ thân yêu trong suốt sứ vụ của mình.

Năm 1954, ngài làm chính xứ Hàm Long, một giáo xứ lớn ở Hà nội. Trong phong trào di cư lúc đó, rất nhiều linh mục trong giáo phận đã bỏ con chiên ở lại để di cư vào Nam. Ngài đã hai ba lần đi theo giáo dân xứ đạo của ngài vào Nam, lo liệu và giúp đỡ họ trong thời gian định cư, nhưng sau đó lại trở về phục vụ giáo dân tại Hàm Long. Ngài có nhiều điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi để ở lại miền Nam, nhưng đã quyết tâm trở về để phục vụ những người còn ở lại.

Ông cố Phạm Văn Hiến cũng theo đoàn người di cư vào Nam, định cư tại giáo xứ Gia Yên, vùng Gia Kiệm, trước kia thuộc tỉnh Long Khánh, nay là Ðồng Nai. Ông cụ sống rất thanh bần, cực khổ trong lúc tuổi già, và mất năm 1966 sau khi được tin con đã được thụ phong giám mục phụ trách giáo phận Bắc Ninh năm 1963. Từ ngày di cư cho đến ngày qua đời ông không hề liên lạc được với con.

Ðức Hồng Y mất đi còn để lại một người em trai là Phạm Văn Từ hiện cư ngụ tại Gia Yên. Một cháu gái của ngài, con thứ hai của ông Từ, là Phạm Bích Giang hiện đang tu học tại Dòng Con Ðức Bà Lên Trời ở Pháp.

 

(Một người em thúc bá của ÐHY)

Phạm Huy

(Theo Vietcatholic.net)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page