Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng
Mục tử nhân lành, người Cha kính yêu
Ðức
Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng - Mục tử nhân lành,
người Cha kính yêu.
14h chiều ngày 22 tháng 2 năm 2009, linh cữu Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng đã được quàn tại nhà nguyện Fatima của Tòa TGM Hà Nội để mọi thành phần dân Chúa kính viếng và cầu nguyện cho Ngài. |
Hà Nội, Việt Nam (22.02.2009 23:02) - Ai đã từng gặp Ðức Hồng Y Giuse Phaolô chỉ một lần, chắc không thể nào quên được hình ảnh người Cha già rất đỗi mỏng manh, yếu đuối, nhỏ bé về thể xác, nhưng đời sống của Người toát lên chân dung một mục tử nhân lành trong Tin Mừng Gioan - Người " biết các chiên " và " hy sinh vì đoàn chiên " (Ga 10,14).
Mắt tôi cay xè khi được tin Ðức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Ðình Tụng, người Cha kính yêu đã được Chúa gọi về. Cả chiều nay tôi nghĩ đến Người, rồi ngẫm thấy thật đúng - những ý tưởng trong một bài khóa tiếng Pháp mà tôi được học thuộc lòng thuở nào : " Là con cái, dù giầu hay nghèo, dù sang hay hèn, cha mẹ vẫn luôn là nơi nương tựa đáng tin tưởng và chắc chắn nhất trong cuộc đời. Dù người con còn là một đứa trẻ lên ba hay là một người đầu đã hai thứ tóc, răng đã rụng, người con đó vẫn luôn cần đến cha mẹ mình. Dù người con có là ai trong thiên hạ, thiết nghĩ rằng, người con đó vẫn nhỏ bé, vẫn mãi mãi chỉ là những đứa trẻ trước cha mẹ mình# ". Niềm cảm xúc thương nhớ vô hạn đã thôi thúc tôi mạo muội viết đôi dòng về Người, dù biết rằng, đối với Ðức Hồng Y Phaolô Phạm Ðình Tụng, người Cha già kính yêu của nhiều thế hệ người Công giáo Hà Nội, trước những tấm gương nhân đức và công ơn của Người với Dân Chúa, những lời nói về Người không bao giờ đủ.
Ai đã từng gặp Ðức Hồng Y Giuse Phaolô chỉ một lần, chắc không thể nào quên được hình ảnh người Cha già rất đỗi mỏng manh, yếu đuối, nhỏ bé về thể xác, nhưng đời sống của Người toát lên chân dung một mục tử nhân lành trong Tin Mừng Gioan - Người " biết các chiên " và " hy sinh vì đoàn chiên " (Ga 10,14).
Tôi vinh hạnh được biết Người từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên tại Hà Nội. Ngày ấy, một tháng một lần, một số sinh viên chúng tôi thường bố trí thời gian nghỉ cuối tuần về Bắc Ninh thăm và xin thụ huấn nơi Người. Ðiều làm tôi ấn tượng nhất về Người là dù bận trăm công nghìn việc, Người luôn dành một vị trí đặc biệt cho giáo dân. Qua việc Người tiếp xúc với các nhóm giáo dân cũng như với sinh viên chúng tôi, có thể nói rằng, Người đã luôn quan tâm đến từng phận người, từng cảnh sống, từng vấn đề không chỉ trong đời sống thiêng liêng, mà còn cả trong đời thường của con cái. Tôi còn nhớ rõ những ngày ấy, khi giáo dân từ các vùng xa xôi hẻo lánh Tuyên Quang, Thái Nguyên về Tòa Giám mục Bắc Ninh để lãnh nhận các Bí tích, Người không những lo lắng chỗ ăn chỗ ngủ cho họ, bố trí cho họ dùng cơm chung với Người, mà Người còn luôn dành thời gian để gặp gỡ họ, động viên, an ủi họ. Người thường nói với tôi rằng không tiếp xúc với dân, không sống với dân thì không thể hiểu hết được những khó khăn, những điều họ cần nơi người mục tử, không hiểu những gì họ phải chịu đựng giữa dòng đời. Hiểu giáo dân tức là hiểu được Chúa Giêsu của ngày hôm nay.
Từ những nhu cầu mục vụ trong hoàn cảnh khó khăn của Miền Bắc Việt Nam lúc đó, nhất là trong lúc thiếu linh mục trầm trọng, Ðức Hồng Y đã âm thầm đặc biệt chú trọng đến việc hun đúc tinh thần tông đồ, truyền giáo cho các tầng lớp giáo dân, các ban, các hội đoàn trong các xứ, họ ở Bắc Ninh cũng như cho tất cả những ai có dịp gặp Người. Ðối với Người, truyền giáo không chỉ là việc dậy kinh dạy bổn cho những người đồng đạo với mình, truyền giáo không phải chỉ là việc của các tu sĩ, giáo sĩ, nhưng là một sứ mạng mà tất cả những ai chịu Phép Rửa đều có nhiệm vụ thực hiện lời Chúa Giêsu : " Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, làm Phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần " (Mt 28,19). Người luôn dạy chúng tôi, muốn truyền giáo, muốn trở thành " ông nọ bà kia ", trước tiên phải có đời sống nhân bản, phải là một con người cho đúng nghĩa. Với ơn Chúa và đời sống nhân bản, truyền giáo chính là biến mỗi nơi chúng tôi đến thành những nơi tràn ngập đoàn kết, yêu thương, là để lại cho người mà chúng tôi gặp thấy một ấn tượng đẹp, một điều gì đó từ nơi Chúa, có thể chỉ là một cách bắt tay chân thành, một lời nói đẹp, một cái nhìn thông cảm. Khi một việc bình thường được làm với một ý thức, với một quả tim, với tinh thần của Chúa, sẽ vượt qua ý nghĩa thông thường của nhân bản và xã giao. Chính từ những thao thức truyền giáo đó mà Người đã cầu nguyện, tâm huyết, bỏ nhiều công sức để sáng lập Tu hội Con Ðức Mẹ Hiệp Nhất và Tu hội Nhà Chúa, tiền thân của Tu Ðoàn Tông Ðồ Truyền Tin Hà Nội hôm nay.
Thật vậy, bao nhiêu lần gặp Người là bấy nhiêu lần chúng tôi thấy Người lo lắng, trăn trở, thao thức với Giáo Hội, với những vấn đề của mà Giáo Hội đang gặp phải như vấn đề các giáo phận Miền Bắc thiếu linh mục trầm trọng, như làm sao trong hoàn cảnh thiếu và vắng bóng chủ chăn, giáo dân, nhất là giới trẻ, có thể sống đạo tốt giữ vững đức tin. Trong thời kỳ có nhiều ơn kêu gọi linh mục, nhưng chính quyền hạn chế một cách khắt khe số lượng chủng sinh vào chủng viện, nên ai được vào chủng viện được coi như trúng số độc đắc, Ðức Hồng Y thực sự muốn có những người dâng mình cho Chúa trưởng thành về lý tưởng tu trì, không tìm danh lợi trong chức vụ, phẩm trật, nhưng tìm ý Chúa và nhất là lý tưởng hiến thân để phục vụ Chúa nơi mọi người. Người thường dạy chúng tôi : Ði tu không phải để tiến thân, mà là để hiến thân.
Theo Ðức Hồng Y, những người dâng hiến giữa đời trước tiên phải là những người Công giáo tốt, những người công dân tốt. Họ cần có mặt trong mọi môi trường sống để làm chứng cho Chúa. Họ có thể là những công nhân, những kĩ sư trong các xí nghiệp, là những sinh viên trong các trường đại học, là các giáo viên trên giảng đường, là các y, bác sĩ, y tá trong các bệnh viện#Vì linh mục và các nhà truyền giáo không có điều kiện vào được những môi trường xã hội ấy để giảng đạo, nên chính những người dâng hiến đó phải là Ðèn là Men, là Muối cho môi trường sống của mình. Người nhắc nhiều đến gương Cha Charles de Foucauld, một linh mục người Pháp đã tự nguyện sống trong sa mạc ở Algérie để chia sẻ những buồn vui với dân vùng đó vì cha thấy chính Chúa Giêsu nơi họ. Theo gương Cha Charles de Foucauld, người dâng hiến Việt Nam có thể có mặt trong mọi môi trường để làm những việc mà các linh mục và các nhà truyền giáo chưa có điều kiện làm được, đến những nơi mà các vị ấy chưa có cơ hội đến được, gặp những người mà các ngài khó có dịp gặp được. Ðó là chân dung của anh chị em muốn dâng mình cho Chúa nhưng không có điều kiện thuận lợi để vào chủng viện, vào tu viện, và cũng là chân dung của thành viên tu hội đời - những người chọn lối sống không phải vì không vào được chủng viện hay tu viện, mà là những người sẵn sàng sống giữa đời để yêu thương và phục vụ.
Những lời dạy dỗ ân cần của người hôm nào như vẫn còn vẳng bên tai tôi, sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời. Tôi không muốn tin rằng Người ra đi là sự thật, nhưng Người ra đi thật rồi ! Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài Trôi của cố nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao:
Tôi thả con thuyền giấy
Thuyền giấy trôi,
Tôi thả chiếc lá
Chiếc lá trôi,
Tôi thả bông hoa,
Bông hoa trôi
Vâng, tất cả sẽ trôi, sẽ trôi vào quên lãng, trôi vào hư vô : những chiếc lá, những bông hoa, thời gian, không gian, cả những niềm vui, nỗi buồn. Ðọc Gương Chúa Giêsu, phần 1 đoạn 3, tôi gặp câu: "Phù hoa nối tiếp phù hoa, của đời tất cả chỉ là phù hoa, chỉ trừ việc kính mến Thiên Chúa và phụng sự một mình Ngài". (Vanitas vanitatum, et omnia vanitas. Proeter amare Deum, et Illi soli servire). Như vậy, con người cũng đang trôi. Mọi sự trôi, con người trôi, và thiết nghĩ, chỉ những gì vì Chúa, cho Chúa, trong Chúa, là mãi mãi còn. Cũng thế, lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội Chúa Kitô, tấm gương hy sinh của Ðức Hồng Y Phaolô Phạm Ðình Tụng, người chiến sĩ Phúc Âm không biết mệt mỏi, sẽ mãi mãi còn lại trong tim con cái người, trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Ðường hướng của Ðức Hồng Y thánh thiện là thế, ý tưởng của người cao quý và sâu sắc như thế, nhưng việc thực hiện đường hướng đó, ý tưởng đó của người quả còn là một quãng đường dài, đòi hỏi con cái của người một sự kiên trì, tinh thần vâng phục, khiêm nhường, quên mình thực sự vì Chúa.
Hôm nay, con cái của người, dù là ai, dù sống đấng bậc nào, dù ở Hà Nội, Phát Diệm, Bắc Ninh hay ở một phương trời xa xôi nào đó, xin nguyện với lòng mình sẽ sống xứng đáng là ÐÈN, là MEN và MUỐI theo tinh thần của Chúa - điều mà Người hằng dậy dỗ và mong ước.
Xin cầu cho Người được an nghỉ muôn đời trong vòng tay yêu thương của Ðấng mà Người suốt đời tin yêu, phó thác.
Vũ Văn Ðược
(Theo dcctvn.net)