Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng

Một Người Thầy, Một Người Cha

 

Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng: Một Người Thầy, Một Người Cha.


14h chiều ngày 22 tháng 2 năm 2009, linh cữu Ðức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng đã được quàn tại nhà nguyện Fatima của Tòa TGM Hà Nội để mọi thành phần dân Chúa kính viếng và cầu nguyện cho Ngài.


Hà Nội, Việt Nam (22.02.2009 15:21) - Ðể tưởng nhớ Ðức Cố Hồng Y vừa được Chúa gọi về, ban biên tập chúng tôi xin trích đăng lại bài viết của LM Phêrô Ðặng Xuân Thành về Ðức Cố Hồng Y trong dịp mừng thượng thọ của Ngài vừa qua. Xin quý vị cùng đọc lại...

Trong cái giá lạnh của miền Bắc, ai cũng muốn cuộn mình trong chăn mơ màng ngủ, xem phim hoặc đọc truyện. Thế mà ngay từ tờ mờ sáng, chẳng phải chỉ các chức sắc Giáo Hội mà cả các giáo dân tầm thường, chẳng phải lớp thanh niên trai tráng mà là các ông bà có tuổi, chẳng phải từ một góc phố nào đó trong thủ đô Hà Nội mà tận những xóm làng xa xôi thuộc các miền quê Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Ðịnh..., đã lục tục lên đường đi tới Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Ðiều gì mạnh đến nỗi đã lôi kéo được đông đảo tín hữu Công Giáo với đủ mọi tầng lớp rời giường chiếu và bếp lửa êm ấm, rời công ăn việc làm và người thân rất quan trọng để đến đây?

Giản dị chỉ vì lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị cha già của tổng giáo phận: đức hồng y Phaolô-Giuse Phạm Ðình Tụng, nhân kỉ niệm 90 ngày sinh, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục, 15 năm hồng y, đang nghỉ hưu và dưỡng bệnh tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Thật ra, nguyên những con số vừa kể cũng đáng làm cho nhiều người ngưỡng mộ và tò mò muốn biết về con người này. Bởi lẽ chẳng dễ dàng gì mà sống thọ đến 90 tuổi, nhất là khi phải sinh ra và lớn lên trong những thời kì nghèo nàn nhất của đất nước Việt Nam? Càng không dễ dàng gì khi làm linh mục (1949-2008), giám mục (1963-2008), hồng y (1994-2008) - nghĩa là nắm giữ những chức vị cao nhất tại một giáo hội địa phương - trong một thời gian dài như thế và trong bối cảnh chính trị - tôn giáo - xã hội phức tạp như vào những thập niên ấy?

Nhưng nếu tìm hiểu sâu xa hơn, người ta sẽ càng thêm ngưỡng mộ và tri ân con người ấy. Một con người vừa có thiên hướng vừa có thành tích đáng trân trọng trong hai lãnh vực rất được thiên hạ kính nể, đó là làm thầy và làm cha. Chính vì thế, nội dung câu chuyện và đề tài trao đổi của mọi người đến gặp ngài có thể khác nhau, nhưng cung cách và thái độ của ai ai đối với ngài cũng là cung cách và thái độ của những học trò và những người con.

Quả thật, ngài đã làm thầy và làm cha cách chập chững ngay từ khi thực tập mục vụ tại các giáo xứ Khoan Vĩ - Lý Nhân (Hà Nam). Làm thầy và làm cha cách nhiệt tình khi phục vụ trẻ mồ côi tại cô nhi viện Têrêxa (Hàng Bột - Hà Nội), phục vụ người nông dân nghèo từ quê ra thành thị làm ăn tại khu nhà bác ái xã hội Bạch Mai (Hà Nội), phục vụ giáo dân trong đời sống đức tin và bí tích tại giáo xứ Hàm Long (Hà Nội). Làm thầy và làm cha cách sâu sắc khi trở thành giám đốc tiểu chủng viện thánh Gioan (Hà Nội) - chịu trách nhiệm về đời sống nhân bản và đức tin của gần 200 chủng sinh từ các giáo phận miền Bắc. Làm thầy và làm cha cách sáng tạo khi được cắt cử trông coi giáo phận Bắc Ninh - một giáo phận vừa nghèo về mọi mặt vừa rộng về địa lí. Thông qua nhúm linh mục giàu lòng bác ái như ngài, thông qua hàng ngũ giáo dân tông đồ đông đảo được huấn luyện cách căn bản, ngài đã điều hành được giáo phận; trong số đó phải kể đến việc thành lập lớp nữ giáo dân độc thân phục vụ khắp nơi trong nhiều vai trò khác nhau, ban đầu gọi là Hội Tận Hiến, về sau trở thành Tu Hội Hiệp Nhất. Từ năm 1994, ngài chỉ chuyển địa bàn hoạt động, chứ không chuyển nghề tay phải của mình là làm thầy và làm cha tại tổng giáo phận Hà Nội. Ngài tiếp tục công tác giáo dục các chủng sinh của đại chủng viện và đào tạo giáo dân tông đồ. Năm 1996, vừa khôi phục vừa mở rộng Hội Thầy Giảng cũ của tổng giáo phận, ngài thành lập Tu Ðoàn Tông Ðồ Truyền Tin không chỉ cho nam giới (không chỉ làm linh mục mà còn làm linh mục giàu tinh thần truyền giáo, không chỉ làm linh mục mà còn làm giáo dân tận hiến trong mọi ngành nghề) và cả cho nữ giới. Và hiện nay, ngài vẫn tiếp tục nghề làm thầy và làm cha cách âm thầm và khiêm tốn trong những hi sinh và nguyện cầu cho những học trò và con cái của mình, đã trưởng thành và có thể không còn cần dạy dỗ nữa, nhưng vẫn cần ơn Chúa.

Có một điều mà người thầy và người cha này không bao giờ để mất hẳn hay để nhòa đi trong công tác giáo dục và đào tạo của mình, đó là chú ý đến một lớp nhà đào tạo gồm các linh mục không chỉ giỏi nghiệp vụ mà quan trọng hơn, gần gũi với giáo dân, đồng thời chú ý đến hàng ngũ giáo dân được đào tạo để dấn thân trong trần thế. Nên nhớ đây là những trục tư tưởng chính trong công đồng Vatican II (1963-1965 - đặc biệt qua sắc lệnh "Chức vụ và đời sống linh mục", hai hiến chế về Giáo Hội và Giáo Hội trong thế giới ngày nay). Tuy không tham dự công đồng - thậm chí có thể không nắm bắt tình hình thời sự của công đồng tại Vatican trong những năm Việt Nam đóng cửa - nhưng dường như ngài đã có những trực giác ấy của công đồng. Người ta có thể giải thích đó là do hoàn cảnh thực tế của các giáo phận bắt buộc ngài suy nghĩ thế, nhưng tại sao chúng ta không được phép nghĩ đó là kết quả thu lượm được từ những suy nghĩ và cầu nguyện sâu xa của ngài về Ðức Giê-su mục tử, hay từ tấm lòng nhân ái và bao dung của một người cha và một người thầy? Ðó có lẽ cũng là điểm lôi kéo nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân từ miền Nam tìm gặp ngài sau ngày đất nước thống nhất: tại Bắc Ninh, người ta không chỉ nghe mà còn chứng kiến thấy sự gần gũi của ngài với giáo dân, cũng như sự trân trọng và tin tưởng ngài dành cho các tông đồ giáo dân - nhất là những giáo dân tận hiến trọn đời cho Chúa và cho Giáo Hội; hay tại Hà Nội, người ta cũng tiếp tục được nghe ngài chia sẻ ước nguyện và thao thức của mình muốn thấy một hàng ngũ linh mục đạo đức ở chỗ có trái tim mục tử như của Ðức Giê-su, và một lớp giáo dân say sưa sống đạo và truyền đạo ngay giữa lòng đời. Ðến cả ngày hôm nay, khi tuổi già sức yếu, khi lực đã bất tòng tâm, ngài vẫn không để tắt ngọn lửa khao khát ấy. Thỉnh thoảng gặp lại một vài người đã từng chia sẻ với ngài trước đây về hình ảnh một Giáo Hội nhập cuộc sâu xa và âm thầm trong lòng người và lòng đời như thế, mắt ngài vẫn bất chợt sáng lên, miệng ngài vẫn bất ngờ mỉm cười#, dù sau đó mắt cúi xuống, miệng khép lại như thầm thỉ nguyện cầu và phó dâng cho Chúa. Phải, đến lúc này ngài đã thấm thía rằng chỉ có Chúa - bậc Thầy và người Cha trên hết - mới có thể biến mọi giấc mơ thành hiện thực, đổi mọi ý nguyện thành cuộc sống và chuyển mọi mầu nhiệm thành ngôn ngữ ! Bổn phận chúng ta có thể chỉ là nuôi dưỡng và truyền lại cho người khác giấc mơ ấy, ý nguyện ấy và mầu nhiệm ấy, từng đó cũng khá lắm rồi!

 

Lm. Ðặng Xuân Thành

(tgphanoi.net)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page