Kỷ niệm 25 năm mối liên lạc ngoại giao

giữa Hoa kỳ và Tòa thánh

 

Kỷ niệm 25 năm mối liên lạc ngoại giao giữa Hoa kỳ và Tòa thánh.

Vatican City (CNS 14/01/2009) - Trung tuần tháng Giêng năm 2009, Tòa thánh Vatican và Hoa kỳ đã lặng lẽ mừng buổi lễ bạc đánh dấu 25 năm ngày thiết lập các quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên.

Nhân dịp này, Tòa Ðại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa thánh đã tổ chức một buổi hội thảo chuyên đề và bữa cơm tối. Trong bữa tiệc, khoảng 50 quan khách đã cùng nâng ly chúc mừng một chặng đường cam go, tuy ngày nay ai cũng cho là chuyện cần thiết, nhưng trước đây tưởng đã không thể thực hiện được.

Bà đại sứ Mary Ann Glendon của Hoa kỳ cạnh Vatican - người sáu hôm nữa sẽ rời nhiệm sở để trở về dạy học lại tại trường đại học Havard - đã làm cho cử tọa trong bữa tiệc bật cười khi bà đọc một đoạn trong lá thư viết năm 1865 mô tả nhiệm sở tại Roma là chức vụ hoàn toàn để nghe ngóng.

Vào thời gian đó, viên tổng thư ký tại công sứ quán Hoa kỳ cạnh Tòa thánh viết cho giới chức cấp trên tại Washington xin cho thêm tiền vào ngân sách để ông có thễ tổ chức "những buổi tiếp tân tuy nhỏ nhưng rất thường có" để khoản đãi các nhà ngoại giao khác cũng như các giám mục đứng đầu các phân bộ của Tòa thánh.

Ông ta viết: "Chính sách ngoại giao ở châu Âu được thực hiện trong các bữa tiệc tùng - chỉ ở đó mới lượm lặt được tin tức chứ không phải ở đâu khác."

Nhìn vào các thực khách, gồm các nhà ngoại giao và hàng giáo sĩ, người ta thấy họ gật đầu tán thành câu chuyện vừa kể.

Nhưng cái ý tưởng đặt một vị đại sứ thường trực tại Vatican dường như không phải là chuyện lúc nào cũng dễ làm. Năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan quyết định chuyển đổi vị thế một từ "một đại diện cá nhân" lúc có lúc không thành những mối quan hệ ngoại giao đầy đủ và thường trực với Tòa thánh. Quyết định đó ít nhất cũng đã gây ra bao nhiêu tranh cãi.

Những người theo đạo Baptist, Seventh-day Adventists và các tổ chức đạo Tin Lành chỉ trích bước tiến đó. Tổ chức Americans United for Separation of Church and State (Liên hiệp người Mỹ chủ trương tách rời Giáo hội và Nhà nước) và ngay cả National Council of Churches (Hội đồng Toàn quốc các Giáo hội) đã đưa ra những lời phản đối. Mục sư Jerry Falwell, nay đã quá vãng, lúc đó lãnh đạo Phong trào Ða số về Luân lý (Moral Majority movement), đã phản ứng gay gắt: ông đặt câu hỏi là còn bao lâu nữa thì sẽ có yêu cầu tương tự từ thánh địa Mecca của Hồi giáo xin đặt quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ.

Và dĩ nhiên đã có những đơn kiện lên tòa án, tuy tất cả sau đó bị bác bỏ.

Lý luận từ lâu thường được đưa ra để chống lại mối liên hệ ngoại giao giữa Hoa kỳ và Vatican, đó là, về phương diện kỹ thuật, "Tòa thánh" trước nhất và trên hết là một giáo hội, không phải là một quốc gia, và do đó không nên được hưởng ưu đãi bằng mối quan hệ ngoại giao.

Ngay trước Thế chiến II, Tổng thống Franklin Roosevelt đã chỉ định một vị đại diện đầu tiên đến Vatican. Nhưng đến năm 1951, khi Tổng thống Harry Truman cố gắng chỉ định một người kế nhiệm thì bị một làn sóng phản đối dữ dội khiến cho chiếc ghế này bị bỏ trống suốt gần 20 năm. Quyết định của Tổng thống Ronald Reagan nâng chức vụ này thành đại sứ được coi là một hành động can đảm và có thể có hại cho sự nghiệp chính trị của ông.

Phải đợi một thời gian dài những lời chỉ trích mới nhạt dần đi. Một lý do chính là vì dưới thời Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Người chỉ trích mạnh mẽ chế độ Cộng sản ở Ðông Âu, thì quyền lợi của Hoa kỳ và Vatican được người ta coi là trùng hợp nhau.

Ðó không chỉ là vấn đề hỗ trợ về luân lý đạo đức mà còn là chia sẻ với nhau những tin tức nữa. Vào một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử, chỉ vài giờ sau khi Ðức giáo hoàng tiếp kiến Tổng thống Liên sô Mikhail Gorbachev năm 1989, trong một bản định giá mật, Vatican cho Hoa kỳ hay rằng Gorbachev có thể được tin cậy như là một nhà cải cách chân chính.

Thế giá của Ðức cố giáo hoàng, được coi là một người bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm, cùng với nhiều chuyến tông du tới Hoa kỳ của ngài, cũng làm cho Vatican được coi như là một đồng minh tự nhiên hơn là một hành tinh xa lạ.

Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Vatican đã ủng hộ phản ứng của quân sự Mỹ vào Afghanistan bằng cách phát cho nhân viên tòa đại sứ huy hiệu gắn trên áo có hình cờ Hoa kỳ và Tòa thánh.

Hiện nay Hoa kỳ có một trong những tòa đại sứ lớn nhất và hoạt động nhất cạnh Tòa thánh, và đã đưa ra những dự án hợp tác chung với Vatican trong các lãnh vực như tệ nạn buôn người, và tự do tôn giáo.

Tuy vậy cũng đã có những điểm gay go, hầu hết trong lãnh vực quốc tế.

Trong lúc đang tham dự thánh lễ nửa đêm Giáng sinh năm 1989 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma, đại sứ Hoa kỳ Thomas Melady được các viên phụ tá mời ra bên ngoài nhà thờ để thông báo rằng nhà độc tài nước Panama là Manuel Noriega đã trốn thoát sự canh giữ của quân đội Mỹ và đang trốn trong tòa khâm sứ Tòa thánh ở Panama City. Còn đang trong thánh lễ, Melady liền chuyển đến Ðức Hồng y Agostino Casaroli lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa thánh, một lời thông báo viết tay, mở đầu cho những vòng đàm phán tế nhị lâu đến 10 ngày và chấm dứt bằng hành động ra đầu hàng của Noriega.

Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã đụng độ với Tòa thánh trên các chính sách quốc tế về kiểm soát dân số và phá thai - đó là một sự rạn nứt mà đại sứ Hoa kỳ lúc đó, ông Raymond Flynn, một người Công giáo, đã không thể hàn gắn được.

Việc tung ra hai cuộc chiến tranh tại Iraq, năm 1991 và 2003, có lẽ là những thử thách gay go nhất trong mối liên lạc ngoại giao giữa Hoa kỳ và Tòa thánh. Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô cực lực chống lại những cuộc can thiệp quân sự trong cả hai trường hợp. Năm 2003, ngài gửi một đặc sứ là Ðức Hồng y Pio Laghi đến Mỹ nhằm thuyết phục Tổng thống George W. Bush tránh đi cuộc chiến tranh này.

Ðức Hồng y Pio Laghi gặp Tổng thống Bush và thấy rằng ông Bush đã quyết định xâm lăng Iraq rồi. Ðức hồng y cực lực chỉ trích quyết định của Mỹ khởi động cuộc chiến này và nhiều năm sau ngài đã không hối tiếc vì đã phát biểu như thế.

Tuy vậy, Ðức Hồng y Pio Laghi, vị sứ thần đầu tiên của Tòa thánh tại Hoa kỳ trong thập niên 1980, vẫn tự coi là một người bạn thân của Mỹ. Bằng cách này hay cách khác, Ngài là dấu hiệu tượng trưng những thời điểm tốt đẹp cũng như thời kỳ khó khăn trong mối liên lạc ngoại giao giữa Hoa kỳ và Tòa thánh. Ngài mới qua đời hôm 10 tháng giêng, thọ 86 tuổi, đúng vào lúc mà 25 năm trước đây Hoa kỳ và Vatican tuyên bố thiết lập các liên lạc ngoại giao.

Trước bữa tiệc mừng kỷ niệm 25 năm ngoại giao tại toà đại sứ Hoa kỳ, các vị chủ khách đã tưởng nhớ ngài bằng một lời kinh thầm lặng.

 

Phụng Nghi

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page