Huấn đức của Ðức Thánh Cha
trước giờ Kinh Truyền tin
trưa Chúa Nhựt 18/01/2009
Huấn đức của Ðức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhựt 18/01/2009.
Vatican (19/01/2009) - Chúa nhựt ngày 18/01/2009 thật là gồm nhiều biến cố và kỷ niệm để dâng ý chỉ cầu nguyện. Theo thông lệ từ 100 năm nay, ngày 18 tháng Giêng mở đầu Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất. Năm nay, đề tài được chọn là "Xin cho họ được nên một trong bàn tay của Chúa" (Ed 37,17), và các bài suy niệm được giao cho một nhóm Kitô hữu ở Ðại hàn sọan thảo. Tuần lễ kéo dài cho đến ngày 25 tháng Giêng năm 2009, lễ kính thánh Phaolô trở lại, và đức thánh cha sẽ ra đền thờ thánh Phaolô ngoại thành để chủ sự buổi hát kinh chiều. Ngoài ra, ngày 18 tháng Giêng năm 2009 còn trùng hợp với lễ bế mạc Ðại hội quốc tế các gia đình, diễn ra tại Mexicô. Ðức Bênêđictô XVI đã cử hồng y Tarcisio Bertone làm Ðặc sứ để chủ toạ thánh lễ bế mạc, nhưng ngài đã gửi một sứ điệp truyền hình vào tối thứ bảy sau buổi đọc kinh Mân côi, và vào cuối thánh lễ ngày chúa nhựt. Ngài cũng loan báo địa điểm tổ chức Ðại hội lần tới vào năm 2012 tại Milano.Chúng tôi sẽ tường thuật buổi lễ này trong buổi phát ngày mai. Bài huấn dụ trưa chúa nhựt hôm qua được dành cho một buổi cử hành khác, đó là ngày quốc tế dành cho những người di cư và tị nạn. Nhân năm kỷ niệm thánh Phaolô, Toà thánh đã đề cao vị tông đồ dân ngoại như một kẻ di dân để truyền bá Tin mừng, mà trọng tâm là ý định của Thiên Chúa là quy tụ muôn dân thành một gia đình. Sau cùng, đức Benêđictô XVI không quên nhắc đến tình trạng đau thương tại Gaza, và chia buồn với các nạn nhân, đa số là nhi đồng, các người bị thương cũng như gia đình của họ. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến
Hôm là ngày thế giới dành cho những người di cư và tị nạn. Bởi vì năm nay là năm thánh Phaolô, cho nên khi nghĩ đến thánh Phaolô, một tông đồ lưu động của Tin mừng, tôi đã chọn đề tài: "Thánh Phaolô di cư, tông đồ của muôn dân". Ông Saulô, - đây là tên gọi Do thái - sinh ra trong một gia đình Do thái, di cư sang Tarso, một thành phố quan trọng thuộc miền Cilicia, và lớn lên với ba nền văn hóa - do thái, hy lạp, la mã, với một não trạng mang chiều kích hoàn vũ. Từ chỗ là kẻ bách hại các Kitô hữu, ông trở lại làm tông đồ của Tin mừng, biến thành một "sứ giả" của Chúa Kitô phục sinh, để làm cho muôn dân được biết Người, bởi vì ông thâm tín rằng trong Ðức Kitô, tất cả mọi dân tộc được kêu gọi họp nên đại gia đình của những con cái Chúa.
Ðó cũng là sứ mạng của Hội thánh, nhất là vào thời đại toàn-cầu-hóa hôm nay. Là người Kitô hữu, chúng ta không thể không ý thức nhu cầu truyền thông sứ điệp yêu thương của Chúa Kitô cho những ai không biết Người, hoặc cho những ai đang lâm vào tình cảnh khó khăn cực khổ. Ngày hôm nay tôi nghĩ đến những người di cư. Thực trạng của họ rất là đa dạng: trong vài trường hợp, họ đã hội nhập được và sống bình an, tạ ơn Chúa. Tiếc thay, nhiều trường hợp khác thì thật là long đong và tang thương. Tôi muốn bảo đảm rằng cộng đoàn Kitô hữu nhìn mỗi người và mỗi gia đình với sự quan tâm, và cầu xin thánh Phaolô cho được sức mạnh để hăng say cỗ võ sự sống chung trên khắp thế giới giữa mọi người thuộc chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Thánh Tông đồ đã chỉ cho chúng ta bí quyết của cuộc đời của mình như thế này, khi viết cho các tín hữu Philipphê (3,12): "Cả chính tôi cũng đã được Chúa Kitô chinh phục", và ông nói thêm "Anh em hãy bắt chước tôi" (Pl 3,17). Ðúng thế, mỗi người chúng ta, tuỳ theo ơn gọi, và tại nơi mà mình sinh sống làm việc, được mời gọi làm chứng cho Tin mừng, với sự săn sóc đặc biệt dành cho những anh chị em vì những lý do khác nhau, từ nước khác đến sống với chúng ta. Như thế chúng ta đánh giá hiện tượng di cư như là cơ hội tiếp xúc giữa các nền văn minh. Chúng ta hãy cầu nguyện và hành động ngõ hầu điều này xảy đến một cách hoà bình và xây dựng, trong sự tôn trọng và đối thoại, ngăn chặn những mưu toan muốn gây hấn và đàn áp.
Tôi muốn thêm đôi lời dành cho những công nhân hàng hải và những người đánh cá, đang gặp nhiều điều phiền toái trong thời gian gần đây. Ngoài những khó khăn cố hữu, họ bị ngăn cản không được cập bến hoặc đón tiếp các cha tuyên uý, và phải đương đầu với nạn hải tặc và những thiệt hại do những cuộc đánh cá bất hợp pháp. Tôi xin bày tỏ sự gần gũi của tôi, và cầu chúc cho lòng quảng đại mà họ tỏ ra trong công tác cứu trợ trên mặt biển, sẽ được đánh giá cao. Sau cùng tôi nghĩ đến Ðại hội quốc tế các gia đình tại Mexicô bế mạc hôm nay, và tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất, bắt đầu từ hôm nay.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nài xin Ðức Maria chuyển cầu tất cả những ý chỉ ấy cho chúng ta.
Bình Hòa
(Radio Vatican)