Kết hiệp với Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội

Kitô hữu không sợ hãi quyền lực nguy hiểm nào

 

Kết hiệp với Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội, Kitô hữu không sợ hãi quyền lực nguy hiểm nào.

Vatican (Vat 14/01/2009) - "Khi sống kết hiệp với Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội, kitô hữu không sợ hãi các quyền lực hiểm nguy nào". Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 6,000 tín hữu năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ Tư 14-1-2008.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã khai triển một vài đề tài thần học chung của hai thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê và Êphêxô. Hai thư có các từ và kiểu trình bầy độc đáo không tìm thấy trong các thư khác. Hơn một phần ba các từ của thư gửi tín hữu Côlôxê cũng tìm thấy trong thư gửi tín hữu Êphêxô. Chẳng hạn như lời khuyên tín hữu hãy dùng các bài thánh vịnh, thánh ca và thánh thi mà chúc tụng Chúa và đối đáp với nhau. Ngài viết cho tín hữu Côlôxê: "Ðể tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng" (Cl 3,16). Rồi thánh nhân khuyên nhủ tín hữu Êphêxô: "Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa" (Ep 5,19). Ðó là truyền thống cầu nguyện của Giáo Hội thời Cựu Ước và thời Tân Ước.

Ngoài ra trong cả hai thư chúng ta có thể tìm thấy "bộ luật gia đình" chứa đựng các lời nhắn nhủ các người sống đời chồng vợ, con cái, và tương quan giữa cha mẹ con cái và giữa chủ tớ (x. Cl 3,18-4,1; Ep 5,22-6,9), không có trong các thư khác. Ðề cập tới điểm thần học chung thứ nhất giữa hai thư Ðức Thánh Cha nói:

Quan trọng hơn nữa là nhận thấy chỉ trong hai thư này tước hiệu "Ðầu - Thủ Lãnh" kefalé, được gán cho Chúa Giêsu Kitô. Và tước hiệu này được dùng trong hai nghĩa. Trong nghĩa thứ nhất Chúa Kitô được coi như là đầu của Giáo Hội (x. Cl 2,18-19; Ep 4,15-16).. Nó ám chỉ hai điều: trước hết Ngài là người chỉ huy, hướng dẫn có trách nhiệm dẫn dắt cộng đoàn Kitô trong cương vị là thủ lãnh và là Chúa: "Ngài là đầu của thân mình, nghĩa là Giáo Hội" (x. Cl 1,18); nghĩa thứ hai Ngài là đầu "làm cho toàn thân được dưỡng nuôi, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng" (x. Cl 2,19). Nghĩa là Chúa Giêsu Kitô không chỉ là vị chỉ huy, mà cũng là đấng gắn liến với chúng ta như một cơ phận, từ đó phát xuất ra sức mạnh giúp hoạt động một cách đúng đắn.

Trong cả hai trường hợp Giáo Hội vâng phục Chúa Kitô, tuân theo các mệnh lệnh của Ngài cũng như tiếp nhận các luồng lực phát xuất từ Ngài. Các điều luật của Ngài không chỉ là lời, là các lệnh truyền mà còn là sức mạnh sống động trợ giúp chúng ta nữa.

Ý niệm này đặc biệt được khai triển trong thư gửi tín hữu Ephêxô, trong đó cả các chức thừa tác của Giáo Hội cũng được quy hướng về Chúa Thánh Thần. (1 Cr 12). "Chính Chúa Kitô phục sinh ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dậy dỗ" (Ep 4,11). "Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái" (Ep 4,16). Thật vậy Chúa Kitô hoàn toàn hướng tới chỗ làm cho Giáo Hội được "xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền" (Ep 5,27). Qua đó thánh Phaolô muốn nói với chúng ta rằng sức mạnh Chúa Kitô dùng để xây dựng, hướng dẫn và chỉ đường cho Giáo Hội là chính tình yêu của Người. Thế rồi Chúa Kitô không chỉ là đầu của Giáo Hội mà cũng là thủ lãnh của mọi quyền lực thiên quốc và của toàn vũ trụ nữa. "Chúa Kitô đã truất phế các quyền lực thần thiêng, công khai bêu xấu chúng và điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người" (Cl 2,15).

Cũng tương tự như thế thư gửi tín hữu Êphêxô khẳng định rằng với sự phục sinh của Người, Thiên Chúa "đã đặt Ðức Kitô trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai nữa" (Ep 1,21).

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: sứ điệp mà cả hai thư nhắn gửi chúng ta qua các khẳng định nói trên đó là Chúa Kitô không sợ hãi ai cạnh tranh cả, bởi vì Ngài cao vượt trên mọi quyền lực hạ nhục con người. Chỉ có Ngài là "đã yêu thương chúng ta và hiến mình cho chúng ta" (Ep 5,2). Vì thế nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô, thì chúng ta không phải sợ hãi địch thủ và chướng ngại nào cả, nhưng với điều kiện là chúng ta phải bám chặt vào Người, mà không được buông ra.

Ðối với thế giới ngoại giáo tin vào một thế giới đầy thần linh nguy hiểm cần phái chống trả, thì việc loan báo Chúa Kitô là mặt trời chiến thắng và sống với Chúa thì không phải sợ hãi ai, qủa là một cuộc giải phóng đích thật. Ðiều đó cũng có giá trị đối với khuynh hướng ngoại giáo ngày nay, vì các tín đồ của các ý thức hệ cũng coi thế giới này đầy các quyến lực hiểm nguy. Phải loan báo Chúa Kitô chiến thắng cho họ, để họ biết rằng ai kết hiệp với Chúa Kitô thì không phải sợ hãi bất cứ sự gì và bất cứ ai.

Cả vũ trụ đều phải quy phục Chúa Kitô và hướng về Người như là thủ lãnh. Vì chương trình của Thiên Chúa là "quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô" (Ep 1,10). Thư gửi tín hữu Côlôxê thì khẳng định: "Vì trong Người muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người" (Cl 1,16).

Như vậy không có sự phân rẽ giữa thế giới vật chất to lớn và thực tại của lịch sử trái đất, thế giới của con người, mà tất cả đều là một trong Chúa Kitô. Ðây là một quan niệm đại đồng chỉ có Giáo Hôi mới có được, trong nghĩa Giáo Hôi thừa nhận quyền là Chúa của Ðức Kitô trải dài ra trên cả vũ hoàn chứ không chỉ hạn hẹp trong Giáo Hội, nhưng chỉ có Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô chứ không phải vũ hoàn.

Ngoài ra trong hai thư còn có ý niệm về "mầu nhiệm nữa": "mầu nhiệm thánh ý của Thiên Chúa" (Ep 1,9); "mầu chiệm của Chúa Kitô" (Ep 3,4; Cl 4,3); "mầu nhiệm của Thiên Chúa là Ðức Kitô, trong đó dấu ẩn mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Ep 3,2-3). Và Ðức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của từ mầu nhiệm như sau:

Nó ám chỉ chương trình không thể dò thấu được của Thiên Chúa đối với số phận của con người, của các dân tộc và thế giới. Với thứ ngôn ngữ này hai thư muốn nói với chúng ta rằng mầu nhiệm đó thành toàn nơi Chúa Kitô. Nếu chúng ta ở với Chúa Kitô, cả khi chúng ta không hiểu biết hết mọi sự với trí khôn mình, chúng ta biết là mình ở trong trung tâm của "mầu nhiệm" và đang ở trên con đường sự thật. Chính Người trong sự toàn vẹn của Người, Ðức Kitô chứa đựng tất cả chương trình cứu độ khôn dò đó của Thiên Chúa, chứ không phải trong một khía cạnh hay một lúc nào đó của cuộc đời Người... Người là hiện thân sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Ep 3,10) và tất cả sự viên mãn của thần tính ở trong Người một cách cụ thể (Cl2,9).

Ðiểm cuối cùng của ý niệm này liên quan tới sự kiện Giáo Hội như là hiền thê của Chúa Kitô. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô nhắc cho tín hữu biết ngài đã đính hôn họ với Ðức Kitô, để tiến dâng họ cho Chúa như một trinh nữ thanh khiết (2 Cr 11,2). Thư gửi tín hữu Ephêxô khai triển đề tài này và khẳng định rằng Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô.

Chúa Kitô đã hiến mình vì Hội Thánh (Ep 5,25). Thánh Phaolô lo lắng cho vẻ xinh đẹp của Giáo Hội đã có được nhờ bí tích Rửa Tội, vẻ đẹp mà Giáo Hội phải cố gắng duy trì mỗi ngày để không vết nhăn không tì ố, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (Ep 5,26-27). Từ đó thánh Phaolô bước sang kinh nghiệm của hôn nhân Kitô. Và thánh nhân giúp chúng ta học biết hôn nhân là gì dưới ánh sáng sự hiệp thông của Chúa Kitô và Giáo Hội; và chúng ta học biết Chúa Kitô kết hiệp với chúng ta như thế nào khi nghĩ tới hôn nhân. Thư thánh Phaolô nằm ở giữa lộ trình của ngôn sứ Hosea, là người dùng từ ngữ hôn nhân để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với dân Do thái (Hs 2,4.16.21), và Người Thị Kiến của sách Khải Huyền cho thấy cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hội và Chiên Con như trong đám cưới tươi vui không hề phai nhòa (Kh 19,7-9; 21,9).

Thư thánh Phaolô chứa đựng giáo lý giúp chúng ta sống đời Kitô một cách tốt lành. Và nếu biết rằng vũ trụ mang dấu vết của Chúa Kitô, chúng ta sẽ học biết có tương quan đúng đắn hơn với vũ hoàn, nhìn nó với lý trí, với tình yêu thương, lòng khiêm tốn và sự tôn trọng và cố gắng duy trì bảo vệ nó. Nếu chúng ta biết rằng Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô và Chúa Kitô đã hiến mạng sống Ngài cho Giáo Hội, thì chúng ta sẽ học biết sống tình yêu thương với Chúa Kitô, tình yêu thương kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và làm cho chúng ta thấy nơi tha nhân hình ảnh của Chúa Kitô và chính Chúa Kitô.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thành cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page