Khước từ quyền sống của người khác
là phủ nhận quyền sống của chính mình
Khước từ quyền sống của người khác là phủ nhận quyền sống của chính mình.
Vatican (Vat 10/01/2009) - Từ ngày 27 tháng 12 năm 2008, không lực Israel đã liên tục dội bom và oanh kích các điểm trọng yếu của lực lượng Khamas, vì lực lượng này đã bắn hàng trăm hỏa tiễn Kassam vào các làng Ashqelon, Sderot và Netivot của Israel nằm gần biên giới dải Gaza. Các vụ dội bom và oanh kích của quân đội Israel đã khiến cho hơn 700 người Palestine thiệt mạng, trong đó có cũng hàng trăm trẻ em, và làm cho hơn 3,000 người khác bị thương. Từ đầu tuần qua hàng trăm xe tăng của Israel cũng đã vượt biên giới tấn công và bao vây thành phố Gaza. Mục đích của Israel là phá hủy đường hầm buôn khí giới với Ai Cập và triệt hạ các cứ điểm bắn hỏa tiễn Kassam của lực lượng Khamas. Có ba trường học do Liên Hiệp Quốc điều hành bị trúng bom, nặng nhất là trường học gần Jabalyia, khiến cho 42 người chết và 55 người bị thương, và hai trường học khác tại Khan Younes. Các vụ phong tỏa Gaza và hai tuần giao tranh vừa qua đã khiến cho cuộc sống của người Palestine vô cùng khốn khổ: không điện nước hơi đốt và thực phẩm. Các nhà thương không có đủ thuốc men và phương tiện săn sóc hàng ngàn người bị thương. Tổ chức Hồng Thập Tự Quốc Tế đã báo động tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong vùng Gaza. Tổ chức Liên Hiệp Quốc cho biết mặc dù được tiếp tế thực phẩm, nhưng 80% trên tổng số 1.4 triệu người Palestine sống tại Gaza không có khả năng sinh sống.
Kể từ khi lực lượng Khamas lên nắm quyền tại Gaza năm 2007, chính phủ Israel đã ra lệnh phong tỏa và đóng cửa mọi ngã thông thương với Gaza và chỉ cho phép các xe chở đồ cứu trợ được qua biên giới. Ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2009 Israel đã chấp thuận ngưng bắn 3 tiếng mỗi ngày và thủ tướng thủ tướng Ehud Olmert đã cho phép mở hành lang nhân đạo để cho các đoàn xe tiếp vận chở xăng dầu và ngũ cốc vào Gaza cũng như tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho dân chúng, nhưng thời gian qúa ngắn không đủ cho công tác cứu trợ.
Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh của 177 nước đến trao đổi các lời chúc mừng đầu năm mới sáng ngày mùng 8 tháng Giêng năm 2009, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã tái kêu gọi ngưng chiến tại Thánh Ðịa. Ngài cầu mong vùng này có các nhà lãnh đạo có khả năng đem lại hòa bình cho dân chúng. Trước đó trong buổi đọc kinh Truyền Tin với tín hữu trưa ngày lễ Hiển Linh Ðức Thánh Cha cũng đã kêu gọi hòa bình cho Thánh Ðịa. Ngài mạnh mẽ khẳng định rằng "Thù hận và khước từ đối thoại chỉ đưa tới chiến tranh". Ðức Thánh Cha khích lệ các sáng kiến và nỗ lực của tất cả những ai đang giúp đỡ người Israel và người Palestine chấp nhận ngồi vào bàn đối thoại hòa đàm với nhau.
Trước đó các Thượng Phụ, Giám Mục và giới lãnh đạo các Giáo Hôi Kitô Giêrusalem cũng đã ra thông cáo chung kêu gọi giới hữu trách của hai bên ngưng mọi hành động bạo lực chỉ gây tàn phá và chết chóc thương đau cho nhau, và tìm giải quyết vấn đề bằng các phương thế hòa bình. Các vị đặc biệt kêu gọi phía người Palestine chấm dứt các chia rẽ và xung khắc giữa các phe nhóm và để quyền lợi của người Palestine lên trên hết. Ngoài ra các vị cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế làm tất cả những gì có thể để giúp chấm dứt các cuộc tàn sát này.
Chương trình ngưng bắn và hòa đàm do tổng thống Ai Cập Mubarak và tổng thống Pháp Sarkozy đề nghị xem ra được các nước Âu châu, các nước A rập, người Palestine và người Israel chấp thuận. Nhưng lực lượng Khamas từ chối và thủ tướng Olmert của Israel tuyên bố Israel nhất quyết đạt mục đích cản ngăn các hoạt động khủng bố của Khamas chống lại Israel và việc buôn bán khí giới lậu với Ai Cập. Lực lượng Khamas không chấp nhận nghị quyết ngưng chiến tức khắc do Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp thuận. Về phía Israel các tướng lãnh quân đội đồng ý với cuộc thương thuyết hòa đàm, nhưng ngoại trưởng Tzipi Livni và thủ tướng Ehud Olmert thì nhất định tiếp tục chiến tranh để triệt hạ lực lượng Khamas. Lý do chính là vì Israel sẽ có các cuộc bầu cử vào ngày mùng 10 tháng 2 năm 2009. Trong khi chính quyền Palestine của tổng thống Abu Mazen cũng hết nhiệm kỳ trong tháng Giêng năm 2009.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vì sáng ngày mùng 8 tháng Giêng năm 2009 từ miền nam Libăng đã có nhiều hỏa tiễn Katyusha được bắn sang mạn đông Galilea gây ra nhiều thiệt hại, đặc biệt tại làng Nahariya. Lực lượng chủ mưu có lẽ không phải là nhóm Hezbollah, mà là Mặt trận giải phóng Palestina hoạt động ở miền nam Libăng. Dân chúng miền nam Libăng và vùng Galilea lo sợ chiến tranh tái bùng nổ như hồi năm 2006. Hồi đó quân Hezbollah đã bắn 4,000 hỏa tiễn Katyusha và Israel đã liên tục bỏ bom miền Nam Libăng. Chiến tranh đã khiến cho hơn 1,200 người Libăng đa số là thường dân bị chết, và 160 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Thật ra nút thắt của cuộc chiến là sự kiện cả hai phe không bên nào chịu chấp nhận ngưng bắn. Israel thì đòi Khamas phải ngưng bắn hỏa tiễn sang Israel và thôi mua khí giới và đưa du kích quân lậu vào từ Ai Cập, trong khi lực lượng Khamas thì đòi Israel thôi phong tỏa và oanh kích Gaza. Ngoài ra lực lượng Khamas được Iran và Siria yểm trợ vẫn duy trì lập trường xóa tên Israel khỏi bản đồ thế giới. Ðây là yêu sách không tưởng, vì tuy chỉ có hơn 4 triệu dân, trên bình diện quân sự Israel dư sức đương đầu với 100 triệu dân của các nước A rập bao quanh. Do đó chỉ có một nguyên tắc có giá trị thôi: đó là hãy sống và để cho người khác sống. Hãy chung sống hòa bình, vì khước từ quyền sống của người khác cũng có nghĩa là phủ nhận quyền sống của chính mình.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)