Các quái vật của xã hội tân tiến ngày nay

 

Các quái vật của xã hội tân tiến ngày nay.

Ba nhà văn Pháp nói "tiên tri" về các quái vật của xã hội tân tiến ngày nay. Phỏng vấn ông Jacques Julliard, chuyên viên khảo luận nổi tiếng người Pháp.

Vatican (Avvenire 13-12-2008) - Từ nhiều tháng qua thế giới đã rơi vào cơn lốc khủng hoảng tài chánh kinh tế chưa từng thấy kể từ 70 năm nay. Các ngân khoản khổng lồ hàng trăm tỷ mỹ kim hay Euros, do các chính quyền trích ra để cứu các ngân hàng khỏi phá sản, đã không ổn định được tình hình thị trường chứng khoán thế giới trồi sụt. Và mặc dù giá dầu xăng đã giảm, cuộc sống vẫn mắc mỏ khó khăn khiến cho hàng triệu gia đình phải lâm cảnh "thắt lưng buộc bụng" nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh đang lan sang các kãnh vực khác bắt đầu là kỹ nghệ sản xuất xe hơi. Sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chống chương trình yểm trợ ngân qũy cho các hãng sản xuất xe hơi, ngành sản xuất xe hơi tại Mỹ gặp khó khăn, bắt đầu hạn chế việc sản xuất và sa thải nhân viên, vì số xe bán ra giảm sút không đủ thu nhập để trả lương cho các nhân viên. Ảnh hưởng tiêu cực của vụ khủng hoảng kỹ nghệ chế tạo xa hơi Hoa Kỳ tạo ra phản ứng dây chuyền trên kỹ nghệ sản xuất xe hơi trên toàn thế giới, kể cả hãng Toyota của Nhật Bản.

Sự kiện một số ngân hàng khai phá sản đã phơi bầy những khía cạnh xấu xa và vô luân của hệ thống kinh tế tài chánh của xã hội tư bản. Nói một cách nôm na, chúng là hệ thống "biển thủ hay ăn cướp" tiền trong qũy tiết kiệm của hàng chục triệu người trên thế giới, mà không bị luật lệ trừng phạt.

Ngày 12 tháng 12 năm 2008 ông Bernard Madoff, nguyên giám đốc thị trường chứng khoán Nasdaq tại Wall Street trong nhiều thập niên, đã bị bắt và bị tố cáo là đã lừa đảo và biển thủ 50 tỷ mỹ kim trong chương trình làm ăn có tên gọi là "Lược đồ Ponzi". Ông Madoff đã là người thành lập tổ chức "Ðầu tư an Ninh" hồi thập niên 1960. Tổ chức cố vấn đầu tư này của ông phục vụ từ 11 đến 25 khách hàng với ngân khoản lên tới hơn 17 tỷ mỹ kim. Các khách hành này đến lượt họ cũng có các ngân qũy khác với hàng trăm khách đầu tư, và những người này cũng có các ngân qũy khác với nhiều khách hàng đầu tư theo đội hình kim tự tháp. Ông Madoff đã là giám đốc điều hành "Lược đồ Ponzi" này ít nhất từ năm 2005 tới nay. Hồi năm 2004 số tiền lời đầu tư là từ 7.3 tới 9%. Trong tuần đầu tháng 12 năm 2008 ông Madoff cho ủy ban điều hành biết khách hàng đầu tư đòi trả lại họ 7 tỹ mỹ kim, và ông đang lo chạy cho đủ số tiền để trả lại cho họ. Lý do là vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh khiến cho họ sợ bị mất vốn vì các công ty bị phá sản. Ông Madoff là thành viên của nhóm Công Ty Nasdaq OMX và hãng của ông là thị trường của 350 tổ chức đầu tư Nasdaq, bao gồm cả các hãng lớn như Apple, EBay và Dell. Ông bị bắt và bị tố cáo lừa đảo vì ngân qũy thiếu hụt 50 tỷ mỹ kim. Ðây là vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử đầu tư tại Hoa Kỳ, sau vụ hãng năng lượng khổng lồ Enron khai phá sản vì thiếu nợ 63.4 tỷ mỹ kim hồi năm 2001.

Lừa đảo trong các vụ đầu tư làm ăn bằng cách khai phá sản là một trong các trang đen đủi bẩn thỉu và là một thứ quái vật của xã hội tư bản. Hồi tiền bán thế kỷ XX đã có ba văn sĩ công giáo Pháp từng lên tiếng "ngôn sứ" mạnh mẽ phê bình các con quái vật của xã hội tân tiến hiện đại, trong đó có hệ thống tài chánh kinh tế. Ðó là văn sĩ Charles Péguy sinh năm 1873 qua đời năm 1914, thi sĩ Paul Claudel sinh năm 1868 qua đời năm 1955, và văn sĩ Georges Bernanos sinh năm 1888 qua đời năm 1948.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Jacques Julliard, chuyên viên viết khảo luận kiêm sử gia và nhà xuất bản. Ông đã cho ấn hành cuốn sách tựa đề "Tiền, Thiên Chúa và Ma Qủy. Péguy, Bernanos và Claudel đối diện với thế giới tân tiến".

Hỏi: Thưa ông Julliard, tương quan của ông với ba văn sĩ công giáo Pháp Péguy, Bernanos và Claudel đã nảy sinh như thế nào?

Ðáp: Ðây là ba khuôn mặt đã nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc đào tạo trí thức của tôi. Ðã từ lâu tôi chú ý tới thái độ của các nhà trí thức đối với xã hội tân tiến ngày nay. Và tôi thấy thái độ đó thường bị giản lược vào một việc phê bình chỉ trích khá quy ước. Trái lại ba văn sĩ công giáo Pháp của chúng ta là Péguy, Bernanos và Claudel phê bình chỉ trích xã hội tân tiến hiện đại nhân danh bản vị con người và vị thế mà con người có trong vũ trụ này. Ðây không phải là các phê bình chỉ trích mỹ thuật hay chống giới trung lưu, mà là loại phê bình chỉ trích nhân chủng học và tôn giáo. Ðôi khi tôi không tán đồng các tư tưởng chính trị hay tôn giáo của ba văn sĩ Pháp, nhưng tôi luôn nhận thấy nơi họ một sự đích thực khiến cho họ nếu không là bậc thầy của tôi, thì cũng luôn luôn có các châm chích thường hằng đối với xã hội tân tiến hiện đại. Tôi công nhận rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể giúp chúng ta hiểu sứ điệp của ba văn sĩ Pháp nhiều hơn. Trong các tháng qua chúng ta cảm nhận được vai trò của tiền bạc như là yếu tố tàn phá xã hội.

Hỏi: Ðâu là các lý do khiến ông khuyên người ta nên đọc lại các tác phẩm của ba văn sĩ công giáo Pháp Charles Peguy, Georges Bernanos và Paul Claudel?

Ðáp: Hai nhà văn Peguy và Bernanos xem ra là những người nuối tiếc chế độ cũ. Thi sĩ Claudel thì ít nuối tiếc hơn. Dầu sao đi nữa thái độ của họ là thái độ giữ khoảng cách phê phán đối với thế giới hiện đại. Nhưng mà thái độ này thay vì đưa họ ngược về qúa khứ lại dự phóng họ tới tương lai. Rất nhiều lời phê bình chỉ trích của họ đối với thế giới, một cách mâu thuẫn, lại được tìm thấy trong các phong trào duy tân thời. Có người đã khám phá ra Péguy vào năm 1968 là năm người trẻ nổi loạn đập phá chống lại các quyền bính và cơ cấu trong xã hội tân tiến ngày nay. Hay có người trích các tư tưởng của họ để tố cáo thế giới ngày nay đã bị biến thành một sự trao đổi hàng hóa thuần túy.

Hỏi: Ba nhà văn nói trên của Pháp đã coi thế giới hiện đại như thế nào thưa ông?

Ðáp: Họ cho rằng thế giới ngày nay là một thế giới, trong đó mọi sự đều được quy hướng về tiền bạc. Trong các xã hội cổ điển, lãnh vực tiền bạc có các giới hạn của nó. Chúng ta hãy nghĩ tới triết gia Pascal là người phân biệt thế giới vật chất hay thế giới của thân xác và của sức mạnh với thế giới tinh thần. Nhà văn Péguy nhận ra sự gẫy đổ của ranh giới này, và đó là điểm mà ông phê bình trong chế độ tư bản tân tiến. Nhưng mà nói cho cùng cả Adam Smith là lý thuyết gia của thuyết tự do cũng đã ý thức được rằng một thế giới thuần túy thương mại thì thế nào cũng sẽ tan rã. Trong các xã hội thượng lưu, đặt ra ranh giới cho tiền bạc thương mại được coi như là một danh dự. Ðối với Kitô giáo đó là bổn phận của lòng bác ái. Trong chế độ xã hội thì có sự đòi buộc của tình liên đới.

Hỏi: Thế thì trong quan điểm của ba văn sĩ Pháp nói trên, tiền bạc có luôn luôn duy trì được quyền lực của nó nuốt trửng mọi sự và tàn phá mọi sự hay không?

Ðáp: Không. Paul Claudel cũng rất là nhậy cảm đối với một hình thức tái phục hồi tiền bạc, vì nó là một dụng cụ giúp giải phóng hơn là một dụng cụ nô lệ hóa con người. Như là một yếu tố phổ quát tiền bạc cho phép con người có được các tự do mà họ đã không có được dưới chế độ phong kiến.

Hỏi: Thưa ông, suy tư về tiền bạc và suy tư về các bất đồng ý kiến luân lý có liên hệ gì với nhau không?

Ðáp: Có, đặc biệt trong các tiểu thuyết văn sĩ Bernanos là các sáng tác thường tập trung nơi cuộc chiến đấu cá nhân chống lại sự dữ. Ðồng thời sự dữ được diễn tả bằng tiền bạc và một loại tinh thần suy tư không nội dung. Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng tựa đề "Ông Ouine" Bernanos miêu tả chân dung của một nhà trí thức luôn luôn bị treo lơ lửng giữa cái có và cái không, khiến cho ông ta đắn đo suy tính và sau cùng khước từ mọi hình thức dấn thân. Sự suy tư qúa đáng biến thành một hình thức của sự gian ác. Ðối với nhà văn Bernanos André Gide đã là biểu tượng sống động của một nhà trí thức như thế.

Hỏi: Thưa ông, trong trường hợp của văn sĩ Péguy, ông nhấn mạnh cả trên quan niệm về các biến cố như trường dậy trí thức vá dân sự, có đúng thế không?

Ðáp: Nhà văn Péguy có một loại khiêm tốn trước biến cố. Như là người trí thức ông ta đã không bao giờ tìm cách choàng lên trên thực tại một quan điểm trừu tượng được chế tạo ra ở một nơi khác. Và theo tôi đây là thái độ rất có tinh thần kitô. Ðó là khả năng tiếp nhận người và vật trong tình trạng đang nảy sinh. Có tinh thần sẵn sàng, nhưng điều này không có nghĩa là để cho mình bị các biến cố đè bẹp. Nó trái ngược với chủ trương vụ tín điều.

Hỏi: Charles Péguy, Georges Bernanos và Paul Claudel là ba văn sĩ và ba nhà trí thức tự do hơn các người khác của thời đại đầy đảo lộn hồi đó, có đúng thế không thưa ông?

Ðáp: Theo tôi họ thuộc nhóm thiểu số các văn sĩ và nhà trí thức tự do. Và như là các nhà văn công giáo họ đã là nạn nhân của một kiểu khai trừ khỏi xã hội văn hóa. Và họ biến sự khai trừ này trở thành một kiểu cố ý rút lui, trở thành một thái độ tự do. Kiểu viết văn và các nhận xét của họ luôn luôn có sắc thái phê bình, tranh luận và chiến đấu: từ các bài thơ của Péguy cho tới các vở kịch của Claudel rồi xuyên qua các tiểu thuyết của Bernanos. Ðặc biệt là văn sĩ Bernanos, đôi khi đã rất là cứng rắn chống lại cả khuynh hướng công giáo thủ cựu và các giàn xếp của nó nữa.

Hỏi: Ông cho rằng ba nhà văn nói trên trước sau gì cũng sẽ được thừa nhận như là các nhà văn hậu tân tiến. Tại sao vậy?

Ðáp: Tôi tin rằng thời đại của chúng ta đã trở thành thời đại của Péguy hay của Bernanos. Trong các điều được hai người trình bầy trước hay trong các lời tiên tri của họ, chúng ta tìm thấy rất nhiều điều quái đản của thế giới hiện đại. Ðối với tôi các tác phẩm của họ xem ra thời sự hơn là cách đây 30, 40 năm rất nhiều.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page