Huấn đức của ÐTC Beneđictô XVI
trước giờ Kinh Truyền tin
trưa Chúa Nhựt 4-1-2009
Huấn đức của ÐTC Beneđictô XVI trước giờ Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhựt 4-1-2009.
Vatican (Vat. 5/01/2009) - Tại Việt Nam và những nơi mà ngày 6 tháng giêng không phải là lễ nghỉ dân sự, thì lễ Chúa Hiển linh được dời lên chúa nhựt hôm qua (4/1/2009). Nhưng ở Vatican và Italia, lễ Hiển linh sẽ được mừng vào ngày thứ Ba (6/01/2009). Theo quan niệm bình dân, lễ Giáng sinh mừng Chúa ra đời, còn lễ Hiển linh mừng Chúa tỏ mình cho dân ngoại, tượng trưng nơi các đạo sĩ Ðông phương. Tuy nhiên, xét theo lịch sử thì không phải như vậy: cả hai đều là lễ mừng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, dựa theo hai truyền thống Tây phương và Ðông phương. Từ thế kỷ IV, bên Tây phương, lễ Chúa Giáng sinh được mừng vào ngày 25 tháng chạp, để thay thế cho lễ thờ Mặt Trời ở Rôma: Ðức Kitô là mặt trời công chính chiếu soi nhân loại. Cũng vào thế kỷ IV, bên Ðông phương, cụ thể là tại Ai cập, các Kitô hữu mừng lễ Thiên Chúa tỏ mình, để thay thế vào lễ kính thần Eôn: việc tỏ mình không phải ở Belem nhưng là tại sông Giorđanô. Vào thời Trung cổ, phụng vụ đã ghép lại hai lễ với nhau, và mừng lễ Chúa Giáng sinh ngày 25 tháng chạp, còn ngày 6 tháng giêng là lễ tỏ mình: tỏ mình cho các đạo sĩ tại Belem, tỏ mình tại sông Hòa giang, và tỏ mình tại Cana. Bởi vì tại Italia và Vatican, lễ Hiển linh được mừng vào ngày 6 tháng giêng, nên hôm qua (4/01/2009) là Chúa Nhựt thứ hai sau lễ Giáng sinh, với bài đọc Phúc âm là Tự ngôn của thánh Gioan. Dựa theo đoạn văn này, đức thánh cha đã hướng dẫn cuộc suy niệm về mầu nhiệm Lời Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta: Ðức Kitô là Lời Thiên Chúa, Người đến để mặc khải Thiên Chúa nhân lành, yêu thương chúng ta, không bỏ rơi chúng ta. Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức Beneđictô XVI đã hợp ý với các thượng phụ và giáo chủ bên Thánh địa để cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại đây. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ chúa nhựt hôm nay dẫn chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng được đọc hôm lễ Giáng sinh, tức là Tự ngôn của thánh Gioan. Sau những ngày nhộn nhịp đi mua sắm quá cáp, hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hãy thinh lặng chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Kitô giáng sinh, để nắm bắt ý nghĩa sâu sắc của nó và tầm quan trọng đối với cuộc đời chúng ta. Ðây là một bản văn tuyệt vời, cống hiến một tóm lược chóp đỉnh của đức tin Kitô giáo. Ðoạn văn mở đầu từ chốn cao vời: "Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở bên cạnh Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1), và rồi đi đến chuyện mới lạ vô tiền khoáng hậu mà chúng ta không thể hiểu nổi: "Ngôi Lời trở nên xác phàm và đến cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14a). Ðây không phải là một lối nói diễn thuyết, nhưng là một cảm nghiệm sống động. Người kể lại là ông Gioan, một chứng nhân mắt thấy tai nghe: "Chúng tôi đã chiêm ngưỡng vinh quang của Người, vinh quang như là của Người Con Một đến từ Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Ga 1,14b). Ðây không phải là giọng nói thông thái của một rabbi Do thái, hay của một luật sĩ, nhưng là chứng từ say mê của một bác thuyền chài chất phác, khi còn trẻ đã được thu hút bởi Chúa Giêsu Nadaret, và đã cảm nghiệm tình yêu của Chúa, cùng với những bạn hữu khác đã chia sẻ cuộc sống với Người, đến nỗi đã tự giới thiệu như là "người môn đệ được Chúa yêu dấu", một kẻ đã thấy Người chết trên thập giá và đã hiện ra sau khi sống lại, và rồi cùng với các môn đệ khác đã lãnh nhận Thánh Linh của Người. Ông Gioan đã nghiền ngẫm trong lòng tất cả những kinh nghiệm ấy và rút ra một niềm xác tín: Ðức Giêsu là Ðấng Cao Minh của Thiên Chúa giáng trần, là Lời của Thiên Chúa trở thành con người phàm trần.
Ðối với một tín đồ Do thái hiểu biết Kinh thánh, điều này không phải là chuyện nghịch lý, nhưng là sự kiện toàn của toàn bộ Giao ước cũ: nơi đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm một Thiên Chúa nói với con người như với bạn hữu, Ðấng đã mặc khải cho ông Mose trong Lề Luật, cho các hiền nhân và cho các ngôn sứ, nay đã tới lúc tột đỉnh. Khi nhận biết đức Giêsu, khi sống với Người, khi lắng nghe lời giảng của Người và chứng kiến những dấu lạ mà Người thực hiện, các môn đệ đã nhìn nhận rằng nơi Người tất cả Kinh thánh đã được diễn tả trọn vẹn. Như một tác giả Kitô giáo thế kỷ XII (đan sĩ Hugues de Saint Victor) đã viết: "Tất cả Sách Thánh đều cấu thành một quyển sách, và quyển sách duy nhất này là Ðức Kitô, nói về Ðức Kitô và được thành toàn nơi Ðức Kitô. Mỗi một người đều cần tìm gặp ý nghĩa sâu xa của đời mình. Vì thế các sách vở không đủ, và kể cả Sách thánh cũng không đủ. Hài nhi Bê-lem mặc khải và thông đạt cho chúng ta khuôn mặt của Thiên Chúa nhân hậu và trung tín, Ðấng yêu thương chúng ta và không bỏ rơi chúng ta kể cả vào lúc chết. Bài tự ngôn của thánh Gioan kết luận: "Chưa một ai từng được thấy Thiên Chúa; Người Con Một, là Thiên Chúa và trong cung lòng Thiên Chúa, Người ấy đã mặc khải Thiên Chúa" (Ga 1,18).
Ðức Maria, thân mẫu của đức Giêsu là kẻ đầu tiên đã mở cửa lòng và chiêm ngắm "Ngôi Lời trở nên xác phàm" . Cô thôn nữ xứ Galilê đã trờ thành ngai tòa của Ðấng Cao Minh. Giống như tông đồ Gioan, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy "đón nhận đức Maria về tư gia" (Ga 19,27), để hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu và cảm nhận tình thương chung thủy và bất tận của Người. Anh chị em thân mến, đây là lời cầu chúc của tôi vào lúc bắt đầu một năm mới.
Bình Hòa
(Radio Vatican)