Mừng kỷ niệm 80 năm thành lập

quốc gia thành phố Vaticăng

 

Mừng kỷ niệm 80 năm thành lập quốc gia thành phố Vaticăng.

Phỏng vấn Ðức Hồng Y Giovanni Lajolo, về việc mừng kỷ niệm 80 năm thành phố quốc gia Vaticăng

Vatican (Avvenire 16-12-2008) - Ngày 11 tháng 2 năm 2009 là lễ kỷ niệm 80 năm thành lập quốc gia thành phố Vaticăng. Ðể mừng biến cố này Phủ Thống Ðốc Vaticăng do Ðức Hồng Y Giovanni Lajolo làm chủ tịch, đang chuẩn bị một loạt các sinh hoạt kỷ niệm. Trước hết là đại hội lịch sử - pháp lý sẽ diễn ra tại Ðại học giáo hoàng Laterano trong các ngày 12-14 tháng 2 năm 2009. Ðại hội có đề tài là "Một lãnh thổ nhỏ cho một sứ mệnh lớn". Ðại hội sẽ diễn ra trong thính đường Hòa Giải của Ðại học Laterano, là nơi cách đây 80 năm ngày 11 tháng 2 năm 1929, hai phái đoàn của chính quyền Italia và Tòa Thánh đã ký kết các Hiệp Ðịnh Laterano. Ðây là các Hiệp Ðịnh hòa giải giữa hai bên, và đã khai sinh quốc gia thành phố Vaticăng.

Tiếp đến trong các ngày từ 11 tháng 2 đến 30 tháng 4 năm 2009 cũng có một cuộc triển lãm về các biến cố và các phát triển trong lịch sử của quốc gia thành phố Vaticăng từ năm 1929 tới ngày nay. Ủy ban cuộc triển lãm do Ðức Tổng Giám Mục Renato Boccardo, Tổng thư ký Phủ Thống Ðốc quốc gia thành phố Vaticăng làm chủ tịch, và do bà Barbara Jatta, phụ tá Thư Viện Vaticăng, phối hợp. Sau cùng ngày 12 tháng 2 năm 2009 cũng có một buổi hòa nhạc trình diễn tác phẩm "Messia" của nhạc sĩ Georg Friedrich Haendel, do ca đoàn nhà thờ chính tòa thủ đô Dublin và dàn nhạc của Ðài truyền hình Ailen đảm trách.

Vì là một quốc gia đúng nghĩa nên Ðức Giáo Hoàng là Quốc Trưởng quốc gia thành phố Vaticăng. Ðức Giáo Hoàng thi hành quyền bính tối cao của người qua trung gian các cơ quan của quốc gia thành phố Vaticăng gồm: Ủy ban đặc trách quốc gia thành phố Vaticăng có nhiệm vụ lập pháp; Phủ Thống Ðốc có nhiệm vụ hành pháp; và các Tòa Án. Ủy ban gồm các Hồng Y do Ðức Giáo Hoàng chỉ định và có một vị Chủ tịch, hiện nay là Ðức Hồng Y Giovannni Lajolo.

Riêng Phủ Thống Ðốc bao gồm nhiều cơ quan khác nhau: Ban Chủ Tịch gồm vị chủ tịch, tổng thư ký và phó thư ký; các Văn Phòng Trung Ương đặc trách các công việc khác nhau như: in ấn và phát hành Tem thư, đúc tiền Vaticăng, đặc trách pháp luật, nhân sự, tình trạng dân sự; các hệ thống thông tin gồm Phòng báo chí Tòa Thánh, báo Quan Sát Viên Roma, Ðài phát thanh và truyền hình Vaticăng;, Văn khố quốc gia, văn phòng đặc trách tín hữu hành hương và du lịch; các ban giám đốc tương đương với các bộ của chính quyền, từ việc di chuyển cho tới các công việc xây cất, từ việc y tế cho tới phòng vệ dân sự; các Ủy Ban. Ngoài ra còn có một cơ quan khoa học là đài thiên văn Vaticăng, có trụ sở tại Castel Gandolfo, là nơi tổ chức các khóa học mùa hè cho các sinh viên ngành thiên văn, nhưng trung tâm nghiên cứu được đặt tại Tucson bang Arizona Hoa Kỳ. Hệ thống tư pháp của quốc gia thành phố Vaticăng cũng bao gồm các cấp bậc khác nhau: thẩm phán duy nhất, tòa án, tòa kháng án, tòa hủy án để giải quyết các vụ dân sự cũng như hình sự.

Ðức Cha Renato Boccardo, Tổng thư ký Phủ Thống Ðốc, cho biết các cơ cấu của quốc gia thành phố Vaticăng nhiều chứ không phải chỉ liên quan tới các tem thư và viện bảo tàng như nhiều người tưởng nghĩ. Trong số các nhân viên có cả các thợ sửa ống nước, thợ mộc, thợ nề, thợ làm đường và chuyên viên trùng tu các dinh thự. Ngoài khoảng 70 linh mục các nhân viên Phủ Thống Ðốc đều là giáo dân. Và Phủ Thống Ðốc bảo đảm tất cả mọi công việc giúp quốc gia thành phố Vaticăng hoạt động đều hòa, từ các người đặc trách cắm hoa cho tới các người lo việc di chuyển. Ngoài ra còn có lực lượng cảnh sát Vaticăng nữa. Lực lượng này đã được tăng cường nhiều hơn vì các đe dọa của nạn khủng bố quốc tế. Và bắt đầu từ tháng 10 năm 2008 vừa qua lực lượng cảnh sát Vaticăng cũng gia nhập lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Giovanni Lajolo về việc mừng kỷ niệm 80 năm thành phố quốc gia Vaticăng. Ðức Hồng Y Lajolo là Chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách quốc gia thành phố Vaticăng, kiêm Chủ tịch Phủ Thống Ðốc quốc gia thành phố Vaticăng. Ngày 11 tháng 2 năm 2009 Ðức Hồng Y sẽ mừng thượng thọ 80 tuổi. Với diện tích 44 mẫu tây quốc gia thành phố Vaticăng là quốc gia nhỏ nhất thế giới, nhưng lại là quốc gia có tầm quan trọng nhất thế giới, vì uy tín tinh thần của nó.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Lajolo, tại sao với việc ký kết các Hiệp Ðịnh Laterano năm 1929, người ta cũng muốn thành lập quốc gia thành phố Vaticăng nữa?

Ðáp: Lý đo là để có một sự bảo đảm ổn định và không thể phản đối được trên bình diện quốc tế, liên quan tới sự độc lập của Ðức Giáo Hoàng đối với bất cứ quyền bính chính trị nào, và sự tự do hoàn toàn của Ðức Giáo Hoàng không bị áp lực ngoại tại nào điều kiện hóa trong việc hướng dẫn Giáo Hội. Ðây là điều đã không có được sau biến cố Cửa Pia đã bị phá vỡ trong cuộc tiến chiếm Roma, mặc dù Nhà Nước Italia đã tìm cách bảo đảm quyền tự do của Ðức Giáo Hoàng với luật Guarentigie, vì luật này hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của người làm luật Italia. Và đương nhiên trong một điều kiện như thế Tòa Thánh đã không cảm thấy an tâm. Như vậy việc bảo đảm trên bình diện quốc tế cho Vaticăng là một quốc gia - dù bé nhỏ nhưng thực sự có quyền tối thượng, và trong đó chỉ có quyền bính của Ðức Giáo Hoàng có giá trị thôi - là điều cần thiết.

Hỏi: Lý do này còn có giá trị hay không thưa Ðức Hồng Y? Trong 80 năm qua các lý do thành lập quốc gia thành phố Vaticăng có mất đi gía trị của chúng không hay đã có thêm các lý do mới nào nữa?

Ðáp: Lý do của quốc gia thành phố Vaticăng vẫn là lý do đó và nó đã không mất đi giá trị nào cả. Tầm quan trọng tôn giáo và nhân bản của vùng đất bé nhỏ này đã rất hiển nhiên trong thời thế chiến thứ II. Khi quân Ðức Quốc Xã chiếm đóng Roma, họ đã không dám vượt qua ranh giới của quốc gia thành phố Vaticăng. Và trong suốt các năm Roma bị chiếm đóng, Ðức Giáo Hoàng như là quốc trưởng của quốc gia thành phố Vaticăng độc lập, không tùy thuộc bất cứ quốc gia lâm chiến nào. Vì vậy người đã có thể liên lỉ hoạt động cho hòa bình và cho thiện ích của mọi dân nước, cũng như đã có thể hoạt động trợ giúp các binh sĩ tù nhân chiến tranh và những người bị thất lạc vì chiến cuộc. Ngoài ra cũng không nên quên những gì mà Tòa Thánh Vaticăng đã làm để cứu sống các anh chị em do thái. Sự hiện diện của quốc gia thành phố Vaticăng cũng đã hữu hiệu trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của thành phố Roma, mà quốc gia thành phố Vaticăng là một phần được sát nhập hoàn toàn vào thành phố. Nhưng mà trước tất cả mọi điều đó là sự độc lập lãnh thổ cho phép Ðức Giáo Hoàng tiếp tục, trong sự an ninh tương đối, chu toàn các dấn thân thường ngày trong cương vị chủ chăn của Giáo Hội hiện diện tại nhiêu nơi trên thế giới.

Trong các năm gần đây hơn, chúng ta tất cả đều là chứng nhân của phần đóng góp mà tổ chức của quốc gia thành phố Vaticăng đã cống hiến cho Giáo Hội, chẳng hạn như việc triệu tập và tổ chức diễn tiến của Công Ðồng Chung Vaticăng II, các Thượng Hội Ðồng Giám Mục, các Năm Thánh và sau cùng là Ðại Năm Thánh 2000.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Quốc gia thành phố Vaticăng phục vụ sứ mệnh của Tòa Thánh như thế nào và trong mức độ nào?

Ðáp: Ngày nay cũng như trong qúa khứ - tôi xin lỗi về hình ảnh tôi dùng - quốc gia thành phố Vaticăng chỉ là một bệ để chân của Toà Thánh, trong khi hoạt động của Tòa Thánh đều hướng ngoại. Có hai khía cạnh chính trong nhiệm vụ của quốc gia thành phố Vaticăng. Nhiệm vụ thứ nhất: đó là đối với nhiều quốc gia các liên lạc chính thức với Tòa Thánh, chỉ có thể có, nếu chúng không được coi như là các liên lạc tôn giáo, nhưng chỉ được coi như các liên lạc trên bình diện quốc gia. Ở đây là với quốc gia thành phố Vaticăng giống như với các quốc gia khác, ngay cả khi thật ra đó không phải là các vấn đề quốc gia mà họ chú ý, nhưng là hoạt động của Giáo Hội trên thế giới, điều mà người ta gọi là "chính trị Vaticăng". Khía cạnh thứ hai khiêm tốn hơn, nhưng đòi hỏi nhiều dấn thấn hơn : đó là bảo đảm cho khả năng hoạt động của các cơ sở, các phương tiện tryuền thông và sự độc lập hoàn toàn của chúng, các phương tiện sinh sống cũng như các dụng cụ và điều kiện làm việc của Ðức Giáo Hoàng và các Cơ Quan Trung Ương của Tòa Thánh. Tóm lại, tất cả những gì cần phải có cho một sinh hoạt dân sự có trật tự trong một nước.

Hỏi: Trong qúa khứ người ta đã ghi nhận sự khác biệt giữa các luật lệ tân tiến và luật lệ lạc hậu của quốc gia thành phố Vaticăng, chẳng hạn như quyền lao động, đến độ Ðức Wojtila đã muốn duyệt xét toàn bộ vấn đề một cách sâu rộng. Ngày nay Ðức Hồng Y có tin rằng các khác biệt đó đã được vượt thắng hay không?

Ðáp: Tôi thích miễn được đưa ra nhận định liên quan tới tính cách tân tiến của các cơ quan. Ðiều quan trọng trước hết là phẩm chất phục vụ cao và sự hài lòng của các nhân viên và các công nhân. Qua các tiếp xúc với các nhân viên quốc gia thành phố Vaticăng - là những người luôn luôn có thể tự do đến văn phòng gặp tôi - tôi có thể làm chứng rằng không có các than phiền đích thật nào. Chỉ có lương bổng của các nhân viên giám đốc chính ngạch của quốc gia thành phố Vaticăng và của Tòa Thánh là không tương đương với lương bổng thông thường của Italia mà thôi. Ðây không phải là điều xấu. Trái lại là đàng khác! Liên quan tới các luật lệ mới, thì mới đây Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách quốc gia thành phố Vaticăng đã ban hành một luật liên quan tới sự an ninh tại những nơi làm việc, và cách đây khoảng một tháng luật này đã được phê chuẩn. Hiện nay chúng tôi đang kiểm thực các điều kiện và việc thực thi các điều lệ. Bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2009 một luật lệ về các nguồn gốc của quyền lợi mang chữ ký của Ðức Thánh Cha cập nhật luật ban hành ngày mùng 7 tháng 6 năm 1929.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page