Ðức Thánh Cha cử hành
lễ Kính Mẹ Thiên Chúa
và Ngày Hòa Bình Thế Giới
Ðức Thánh Cha cử hành lễ Kính Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa Bình Thế Giới.
Vatican (Vat. 1/01/2009) - ÐTC Biển Ðức 16 đã cử hành trọng thể lễ trọng kính Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 42. Ngài đặc biệt tái kêu gọi chấm dứt bạo lực tại miền Gaza.
Ðồng tế với ÐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng ngày 1-1-2009 tại Ðền thờ Thánh Phêrô, có 5 vị trong đó có Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Ðức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 hồng y Phó tế tháp tùng ÐTC là Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Ðức Hồng Y Javier Lozano Barragán, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế.
Trong số gần 10 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, 22 Hồng Y và 26 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 5 ca đoàn khác, gồm ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma với 100 ca viên, Ca đoàn Ðức Mẹ Vô Nhiễm thuộc giáo phận Hartford Hoa Kỳ gồm 30 người, ca đoàn Reggio Emilia ở Italia với 65 ca viên và sau cùng là Ca đoàn Liban gồm 16 người. 70 Linh Mục phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.
Bài giảng của ÐTC
Trong bài giảng, ÐTC nhắc đến lời cầu chúc như được trình bày trong bài đọc thứ I trích từ sách Dân Số (6,22-27). Các vị tư tế của Israel chúc lành cho dân bằng cách "kêu cầu Danh Chúa ở trên họ": Thánh Danh Chúa được kêu cầu 3 lần trên các tín hữu như lời cầu chúc ân sủng và bình an. Thói quen cổ kính này dẫn chúng ta đến một thực tại thiết yếu, đó là để có thể tiến bước trên con đường hòa bình, mọi người và các dân tộc cần được nhan thánh Chúa soi sáng và được Danh Chúa chúc phúc. Ðiều này xảy ra chung cục với mầu nhiệm Nhập Thể: Con Thiên Chúa đến trong xác thể như chúng ta và trong lịch sử đã mang lại một phúc lành không thể rút lại, một ánh sáng không còn tắt lịm nữa, và mang lại cho các tín hữu cũng như những người thiện chí khả năng xây dựng nền văn minh tình thương và hòa bình".
ÐTC nói: "Các bạn thân mến, đó là con đường Tin Mừng dẫn đến hòa bình, con đường mà Giám Mục Roma được kêu gọi kiên trì tái đề nghị mỗi lần trình bày Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới."
Nhắc đến chủ đề Ngày Thế Giới hòa bình năm nay là "Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình", ÐTC nói: "đề tài này có 2 bình diện cần cứu xét, mà giờ đây tôi chỉ có thể nhắc đến một cách vắn tắt. Một đàng là sự thanh bần được Chúa Giêsu chọn và đề nghị, và đàng khác là thứ nghèo đói cần phải bài trừ để thế giới trở nên công bằng và liên đới hơn." "Khía cạnh thứ I tìm được bối cảnh lý tưởng trong những ngày này, trong mùa giáng sinh. Sự giáng trần của Chúa Giêsu tại Bethlehem tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn thanh bần cho bản thân ngài khi đến giữa chúng ta. Cảnh tượng mà các người chăn đoàn vật thấy trước tiên.. là một chuồng súc vật tại đó Ðức Maria và Thánh Giuse trú ẩn, và tiếp đến là máng cỏ trong đó Ðức Trinh Nữ đã đặt Hài Nhi mới sinh bọc trong tã (cf Lc 2,7.12.16). Thiên Chúa đã chọn sự nghèo khó ấy. Ngài đã muốn sinh ra như vậy, nhưng chúng ta có thể nói thêm rằng Chúa đã muốn sống và muốn chết khó nghèo như vậy. Tại sao? Câu trả lời là: chính tình yêu đối với chúng ta đã thúc đẩy Chúa không những làm người, nhưng còn trở nên nghèo. Trong đường hướng này, chúng ta có thể trích dẫn lời thánh Phaolô trong thư thứ 2 gửi các tín hữu thành Corinto: "Thực vậy, anh em biết ơn của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: vốn giàu sang Ngài đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài" (8,9).
Sang đến khía cạnh thứ hai, "đó là sự nghèo đói bần cùng, mà Thiên Chúa không hề muốn và cần phải bài trừ, như chủ đề Ngày Thế Giới hòa bình hôm nay đã nói; đó là thứ nghèo đói ngăn cản không cho con người và các gia đình sống theo phẩm giá của họ; một thứ nghèo đói làm thương tổn công lý và sự bình đẳng, và qua đó, nó đe dọa cuộc sống chung hòa bình. Theo nghĩa tiêu cực này, cũng có những hình thức nghèo đói không phải về phương diện vật chất và nó cũng hiện hữu trong các xã hội sung túc và tiến bộ, đó là tình trạng bị gạt ra ngoài lề, thiếu thốn về quan hệ, về luân lý và tinh thần (Sứ điệp, số 2).
"Trong sứ điệp hòa bình, theo vết các vị Tiền Nhiệm của tôi, tôi muốn đặc biệt cứu xét hiện tượng phức tạp là sự hoàn cầu hóa, để thẩm định tương quan của nó với sự nghèo đói ở mức độ rộng lớn. Ðứng trước những tai ương lan rộng như các bệnh truyền nhiễm khắp nơi (5), tình trạng nghèo đói của các trẻ em (5), cuộc khủng hoảng lương thực (7), rất tiếc là tôi phải tái lên tiếng tố giác sự gia tăng chạy đua võ trang không thể chấp nhận được. Một đàng người ta cử hành kỷ niệm Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền, và đàng khác người ta lại gia tăng các chi phí quân sự, vi phạm chính Hiến chương LHQ vốn đòi phải giảm tới mức tối thiểu các chi phí ấy (điều 26). Ngoài ra, sự hoàn cầu hóa loại bỏ một số hàng rào (8), vì thế cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia cần luôn cảnh giác, không bao giờ được giảm bớt sự cảnh giác đối với những nguy cơ xung đột, trái lại cần dấn thân để giữ cho tình liên đới luôn ở cao độ. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên thế giới cần được nhìn theo chiều hướng đó và coi đó là một cuộc trắc nghiệm: phải chăng chúng ta có sẵn sàng coi cuộc khủng hoảng này, trong các khía cạnh phức tạp của nó, như một thách đố đối với tương lai hay không, chứ không phải như một sự khẩn cấp cần phải đưa ra những câu trả lời ngắn hạn mà thôi? Chúng ta có sẵn sàng cùng nhau duyệt lại một cách sâu xa về kiểu mẫu phát triển đang thịnh hành để sửa chữa nó một cách có phối hợp và sáng suốt hay không? Ngoài những khó khăn tài chánh hiện nay, cả tình trạng môi sinh của trái đất, và nhất là cuộc khủng hoảng văn hóa và luân lý, với những triệu chứng hiển nhiên ở các nơi trên trái đất càng đòi phải xét lại sâu rộng."
Trong phần kết luận bài giảng, ÐTC mời gọi mọi người phó thác cho Mẹ Maria, Mẹ của Con Thiên Chúa, những ước vọng hòa bình: "Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ ước muốn sâu xa được sống trong hòa bình, ước muốn xuất phát từ con tim của đại đa số dân Israel và Palestine, một lần nữa họ đang gặp nguy hiểm trầm trọng vì bạo lực ồ ạt tại miền Gaza trả đũa lại một bạo lực khác. Cả bạo lực, cả oán thù và nghi kỵ cũng là những hình thức nghèo đói cần phải bài trừ, và những thứ nghèo đói này kinh khủng hơn. Ước gì những hình thức nghèo đói này không trổi vượt! Theo nghĩa đó, các vị chủ chăn của các Giáo Hội tại Thánh Ðịa, trong những ngày đau buồn này đã lên tiếng. Cùng với các vị và các tín hữu rất quí mến của các vị, đặc biệt là các tín hữu thuộc giáo xứ nhỏ bé nhưng rất nhiệt thành tại Gaza, chúng ta hãy đặt dưới chân Mẹ Maria những lo âu của chúng ta đối với hiện tại và những lo sợ về tương lai, và cả niềm hy vọng chắc chắn rằng người ta không thể không lắng nghe, đáp ứng và mang lại những câu trả lời cụ thể cho khát vọng chung được sống trong hòa bình, an ninh và phẩm giá, nhờ sự đóng góp khôn ngoan và sáng suốt của mọi người.
Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ 45 và đúng 12 giờ trưa, ÐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô dưới trời mưa để đọc kinh Truyền Tin.
Kinh truyền tin
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ÐTC gửi lời chúc mừng đầu năm mới được bình an và mọi điều tốt lành tới tất cả các tín hữu hiện diện và những người theo dõi buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông. Ngài nói:
"Những cầu chúc ấy được đức tin Kitô làm cho trở nên đáng tin cậy, khi đặt chúng trên căn bản biến cố mà chúng ta cử hành trong những ngày này là sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria. Thực vậy, với ơn Chúa và chỉ với ơn Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hy vọng rằng tương lai tốt đẹp hơn quá khứ. Ðây không phải là tín thác nơi một vận mệnh thuận lợi hơn, hoặc nơi những cơ cấu phức tạp của thị trường hoặc tài chánh, nhưng là chính chúng ta cố gắng để trở nên tốt lành và có tinh thần trách nhiệm hơn, để có thể cậy dựa vào lòng từ nhân của Chúa. Ðó là điều luôn luôn có thể vì Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Con của Ngài (Dt 1,2), và tiếp tục nói với chúng ta qua lời giảng Tin Mừng và qua tiếng nói của lương tâm chúng ta. Trong Chúa Giêsu Kitô, con đường cứu độ đã được tỏ cho tất cả mọi người, ơn cứu độ này trước tiên là sự cứu chuộc tinh thần, nhưng bao trùm toàn thể con người, kể cả chiều kích xã hội và lịch sử nữa".
ÐTC cũng quảng diễn vắn tắt về chủ đề Ngày Thế giới hòa bình năm nay "Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình", và ngài nói thêm rằng: "Vào đầu năm mới, mục đích chính của tôi là mời gọi tất cả mọi người, các chính quyền và thường dân, không nản chí trước những khó khăn và thất bại, nhưng tái canh tân dấn thân. Phần hai trong năm 2008 đã làm nảy sinh cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng. Cần đọc cuộc khủng hoảng này trong chiều sâu, như một triệu chứng trầm trọng đòi phải can thiệp tận gốc rễ. Như Chúa Giêsu đã nói, không nên vá miếng vải mới vào chiếc áo cũ (Mc 2,21). Ðặt người nghèo ở chỗ thứ nhất có nghĩa là quyết liệt tiến tới tình liên đới hoàn vũ như Ðức Gioan Phaolô 2 đã nêu bật sự cần thiết, phối hợp các tiềm năng thị trường với những tiềm năng của xã hội dân sự (Sứ điệp, số 12) trong sự liên lỉ tôn trọng luật pháp và luôn để ý tới công ích".
"Chúa Giêsu Kitô không tổ chức những chiến dịch chống nghèo đói, nhưng ngài loan báo Tin Mừng cho người nghèo, để giải thoát toàn diện khỏi lầm than về tinh thần và vật chất. Giáo Hội cũng làm như vậy, qua công tác không ngừng rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người. Chúng ta hãy cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, phù giúp mọi người cùng nhau tiến bước trên con đường hòa bình".
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ÐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng ca ngợi, khuyến khích và liên đới với các sáng kiến của các cộng đoàn Giáo Hội ở mọi đại lục nhân Ngày Hòa Bình Thế giới. Ngài chào thăm đông đảo các tham dự viên cuộc tuần hành "Hòa bình ở các nơi trên mặt đất" do Cộng đồng thánh Egidio khởi xướng ở Roma và nhiều thành phố tại 70 nước trên thế giới. ÐTC cũng nhắc đến các thành viên Phong trào tình yêu gia đình đã canh thức đêm giao thừa vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các gia đình cũng như cho Ðại gia đình Giáo Hội. Với tất cả mọi người, ngài cầu chúc dồi dào an bình và những điều thiện hảo trong năm mới.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)