Nữ tu ngủ ngoài đường

 

Tản mạn Giáng Sinh: Nữ tu ngủ ngoài đường.

Saigòn, Việt Nam (19/12/2008) - Mấy năm trở lại đây cứ độ gần đến Giáng Sinh là trời Sài Gòn trở lạnh, cái lạnh se se thôi nhưng cũng đủ làm cho những người không đủ mặc phải khổ sở. Chẳng những thế, mấy hôm nay đài khí tượng còn nói thêm là miền Nam trở lạnh trong khi miền Bắc lại bớt lạnh đi, điều này cho thấy ảnh hưởng của vấn nạn môi trường bắt đầu ảnh hưởng thế nào.

Khủng hoảng kinh tế đang làm chính quyền Việt Nam lo ngại, mấy tuần nay, các tờ báo Sài Gòn phải kêu lên tiếng than về tình trạng giảm giá, khuyến mãi nhưng chẳng ai mua. Mà cũng đúng đông, với thu nhập người lao động bình quân trên dưới 2 triệu đồng thì nghĩ cách để sống qua ngày ở cái đất Sài Gòn mọi thứ đắt đỏ cũng đã là không dễ, huống hồ gì nghĩ đến cái chuyện mua sắm. Chính quyền trung ương cũng noi theo Hoa Kỳ và các nước ra tay kích cầu lên tới 6 tỷ Mỹ kim, nhưng nó sẽ rơi vào túi ai và ai sẽ được hưởng lợi thì hạ hồi phân giải.

Tiết trời lạnh lẽo là thế, thời buổi kinh tế khó khăn là thế, nhưng không khí đón chào Giáng Sinh hầu như vẫn rộn ràng đối với mọi người, lương cũng như giáo. Nhưng không phải ai cũng đón mừng kỷ niệm Thiên Chúa nhập thể làm người bằng tâm tình của con cái Chúa. Người ta nói đến Giáng Sinh là một dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, rượu bia "bốp chát". Ðối với giới kinh doanh, thì đó là dịp để kiếm tiền, tạo lợi nhuận. Ðối với các nhóm từ thiện là dịp để nghĩ đến việc chăm lo cho những người thiệt thòi trong xã hội. Ðối với Kitô hữu, thì mùa Vọng trước Giáng Sinh là lúc dọn lòng, tổng kết một năm sống đời Kitô hữu trong tâm tình con cái Chúa để mà canh tân tâm linh, tiếp tục sống giữa thế gian.

Ðón Giáng Sinh năm nay (2008), các nữ tu Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn lại có một nhiệm vụ mới ngoài lẽ thông thường: "giữ nhà", ngôi nhà đã được "mượn đỡ" hơn 30 năm nay, đã trở thành nhà "vắng chủ" để biến công năng sử dụng từ nhà trẻ cho trẻ mồ côi cơ nhỡ sang vũ trường rồi gì gì nữa thì chỉ có tương lai mới biết. Giữ nhà nhưng phải ngủ ngoài đường như những người vô gia cư. Theo các chị kể lại, từ đêm 17/12/2008 các chị đã ngủ ngoài hiên của tòa nhà vũ trường đang được lén lút phá dỡ xây dựng lại, cũng may là có người phát hiện nên các chị ra đây phản đối yêu cầu ngưng lại công việc.

Chiều ngày 17/12/2008 cũng đã có người của thanh tra xây dựng đến làm việc, kê bàn định lập biên bản, các chị vây quanh trông chờ, nhưng quanh đi quẩn lại các anh này cũng chỉ "vẽ hưu vẽ vượn" mà không viết gì, các chị hỏi sao không lập biên bản, các anh trả lời chờ lệnh cấp trên, các chị lại cật vấn đã đến đây rồi mà còn phải chờ lệnh cấp trên nữa à, các anh này cảm thấy khó trả lời nên thôi đành xách bàn chuồn mất. Thế đấy, cơ quan công quyền làm việc không phải vì thực tế công việc nhưng làm việc theo lệnh trên, một điển hình cho xã hội Việt Nam bây giờ, pháp luật chỉ là tờ giấy lộn không hơn không kém.

Ðêm 17/12/2008, rạng 18/12/2008 đã có hơn 30 nữ tu phải ngủ ngoài trời, nói theo cách các chị là chăn êm nệm ấm không chịu mà chịu ra ngoài này vất vưởng. Thế là sáng ra có một nữ giáo dân đến thăm các chị khi hay tin các chị ngủ ngoài sương gió đã khóc nức nở vì xúc động. Những người phải giữ nhà nhọc nhằn đau khổ nhưng lại có niềm an ủi, dù hiếm hoi, từ những anh chị em đến hiệp thông. Các chị cho hay, phải vừa làm việc hoặc đi nhưng các chị cũng luôn sẵn sàng thay phiên nhau ra giữ nhà, dù khó khăn là thế nhưng khi tiếp những giáo dân đến đây các chị đều tỏ ra vui vẻ niềm nở đón tiếp trong tư cách của người nữ tu hiền lành "ngơ ngáo" (nói theo cách của một vị giáo dân lớn tuổi đến thăm các chị).

Trong hai ngày qua, động thái duy nhất của chính quyền khi sự việc xảy ra là động tác vờ lập biên bản và cho công an chìm thay phiên theo dõi từ phía bên kia đường của tòa nhà. Khi giải quyết các vụ việc, dường như từ "minh bạch" không tồn tại trong các cấp chính quyền. Từ vụ Tòa Khâm Sứ đến Thái Hà, khởi đầu luôn là bóng tối, ở đây cũng vậy, cái cổng phía sau tòa nhà vốn xưa nay không tồn tại nhưng để tiến hành làm công trình này, nhà thầu phải lén lút làm cái cổng ở phía sau và đi lại từ phía nhà trẻ bên cạnh. Cũng trong ngày 17/12/2008, cũng đã có ông cán bộ Tôn giáo quận ba đến đưa quyết định "quốc lập hóa" khu đất này được ký từ ngày 08/9/1979, được sao y bằng cách thức gõ lại ngày 21/7/1999. Cũng may, tờ "hiến đất" ở Thái Hà bị phát hiện là chính quyền dùng Microsoft Word từ những năm 50, chứ nếu không lại có thêm một công văn trước thời Bill Gate vào năm 1979. Ðúng là bằng chứng của chính quyền đưa ra thật giả khó lường.

Công cuộc đấu tranh này chỉ mới bắt đầu thôi, nhưng thật trùng hợp lại nổ ra vào đúng dịp trước Giáng Sinh, giống như năm ngoái, khi các chị ra đây yêu cầu lập biên bản để lại nguyên trạng chờ các cấp chính quyền giải quyết. Ðã hai đêm các chị phải ngủ ngoài đường để chờ tiếng trả lời chính thức của chính quyền. Nhưng hỡi ôi, họ còn phải họp bàn để ra công văn giải quyết theo cái lý của kẻ mạnh. Liệu rằng sẽ có thêm cái công viên thứ tư ở Việt Nam từ đất đai cướp của Giáo Hội Công Giáo không nhỉ? Liệu rằng cái nghị quyết 23, cướp trước 1991 thì "không có cơ sở giải quyết" có được áp dụng nữa chăng? Nhưng nghị quyết này không khắc nghiệt như người ta nghĩ, vì nó được áp dụng "linh hoạt" như vụ việc nhà 309 Hai Bà Trưng, chẳng lẽ bây giờ mách các chị quyên góp 200 cây vàng chung cho cán bộ để "xin" lại nhà trẻ. Ðau xót thay, vấn nạn tham nhũng!

Cuối cùng, các chị không biết sẽ ngủ ngoài đường đến bao giờ vì công bằng và công lý không được thực thi và cứ hy vọng là chưa được thực thi, biết đâu chính quyền suy nghĩ lại, dự định trả nhà? Giáng Sinh đến, Chúa Cứu Thế nhập thể làm người, con cái Chúa cũng có quyền suy nghĩ và hy vọng cho một tương lai xã hội tốt đẹp hơn. "Ðức tin mà không có hành động là đức tin chết" (Gc 2,26), vì thế các chị phải ngủ ngoài đường trong mùa Giáng Sinh này trông chờ công lý thực thi!

Kính tặng các chị nữ tu Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, những cư dân hè phố bất đắc dĩ, trong tình hiệp thông của những người con cái Chúa khi Giáng Sinh cận kề.

 

Sài Gòn, ngày 19/12/2008.

Trung Thiên

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page