Một điều nguyện ước
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Một điều nguyện ước.
Hà Nội, Việt Nam (15/12/2008) - Hôm nay là ngày kỷ niệm chẵn một năm, ngày Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt công bố lá thư đề ngày 15 tháng 12 năm 2007 để kêu gọi các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và các giáo dân trong giáo phận hiệp thông cầu nguyện cho công lý và sự thật liên quan đến vụ chiếm đoạt đầy bất công và việc sử dụng mờ ám Tòa Khâm sứ và khuôn viên bao quanh của chính quyền Hà Nội. Thật trùng lặp với tâm tình của Mùa Vọng, trong đó người tín hữu được sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô mời gọi sửa soạn tâm hồn cho ngay chính để mừng kỷ niệm ngày Ðức Giêsu, vị Hoàng Tử của bình an và công lý giáng trần.
Ðáp lại lời kêu gọi này, trong suốt một năm qua các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các giáo dân trong giáo phận đã thắp lên một ngọn lửa công lý tại Toà Khâm sứ cũng như giáo xứ Thái Hà và kiên quyết gìn giữ ngọn lửa ấy cháy sáng để đẩy lui màn đêm của bất công, dối trá, quyền lực của ác thần. Mặc dù gặp phải rất nhiều thử thách về tiết trời lạnh giá, những đe dọa khủng bố từ phía chính quyền với đầy đủ các chiêu thức, hay là cả một chiến dịch truyền thông quốc doanh nhằm bôi nhọ và bóp méo sự thật, tất cả đều tỉnh thức cầu nguyện. Tinh thần cầu nguyện và hiệp thông cầu nguyện được duy trì liên lỉ, tạo ra một sức mạnh to lớn làm đánh động nhiều tâm hồn hoán cải và đẩy lui được nạn tham nhũng đang lộng hành trong xã hội trong đó sự thật và công bằng vốn đã vắng bóng từ rất lâu.
Lời kinh tiếng hát của họ là tiếng kêu của Gioan Tiền Hô trong thời đại ngày nay để truyền đi một sứ điệp bất hủ cho những ai yêu chuộng công lý và sự thật trên toàn quốc cũng như trên toàn thế giới. Hơn bao giờ hết, Thái Hà và Tòa Khâm sứ đã trở thành một biểu tượng trong phong trào đấu tranh cho công lý và sự thật, và đã phát huy được sự hiệp nhất cho tất cả các phần chi thể của Giáo Hội Việt nam từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc qua Trung đến Nam và vượt ra các cộng đồng Việt nam tại hải ngoại. Tinh thần của Thái Hà và Tòa Khâm sứ cũng chiếm được sự ngưỡng mộ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là nhận được sự hiệp thông chặt chẽ của các phần chi thể của Ðức Kitô trên khắp hoàn cầu.
Một sứ điệp cách đây hơn hai ngàn năm đã được các sứ giả tại giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ loan báo và làm chứng một cách hùng hồn, đặc biệt là qua tám gương mặt anh hùng trong vụ án xét xử vào ngày 8 tháng 12 năm 2008. Cũng phải nói đến cả bầu khí linh thiêng, oai phong và hoành tráng của hàng ngàn giáo dân bất chấp mọi hy sinh, nguy hiểm để trong tay, vai kề vai dõng dạc gióng lên hồi chuông công lý. Hình ảnh này đã tô đậm khuôn mặt của Vị Hoàng Tử đến để "biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác thành liềm thành hái" và khai mở một triều đại hòa bình mà các ngôn sứ loan báo nay được các giáo dân làm chứng giữa lòng thủ đô vốn còn rất nhiều dối trá, bất công, súng ống và vũ khí đủ loại.
Những người giáo dân tay cầm nhành thiên tuế, miệng hát vang những bài thánh ca, tâm hồn được trang bị bằng một đức tin son sắt không gì lay chuyển tập hợp chung quanh khu vực xử án của phiên tòa hôm đã trở thành những chiến sỹ của Triều Ðại Hòa Bình, Công Lý và Sự Thật. Những cành thiên tuế đã xóa nhòa hình ảnh lực lượng cảnh sát hùng hậu được trang bị hiện đại và đầy đủ đang bủa vây tứ bề trở thành những kẻ vô dụng. Những bài thánh ca vang dậy làm cho những lời sống sượng trên môi miệng của vị "quan tòa" đang diễn kịch trở nên kệch cỡm như một trò hề không hơn không kém. Một bầu khí tuyệt quá, một hình ảnh bất tử sao mà đẹp quá, thương lắm Thái Hà ơi.
Ðẹp lắm Thái Hà ơi vì đã có một ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đầy hồng phúc, và vì có một Mùa Vọng vang dậy tiếng kêu của công lý và sự thật. Ước mong mọi giáo dân trên khắp đất nước Việt Nam đều như giáo dân Thái Hà. Ước gì các dòng tu của Giáo Hội Việt Nam đều như các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Ước gì các giáo phận của Giáo Hội Việt Nam được như giáo phận Hà Nội. Ước gì các Giám mục của Hội Ðồng Giám mục Việt nam đều như Ðức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Ước gì được như vậy.
Nguyễn Công Dân