Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản.
1.- Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nhật Bản
Hiện nay ở Giáo Hội Nhật Bản, số người Việt Nam Công giáo ít ỏi, có lẽ khoảng mấy trăm, qui tụ thành nhiều tiểu cộng đoàn Công giáo địa phương trong cơ cấu tố chức Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản. Có hai Liên Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam, Miền Ðông và Miền Tây Nước Nhật, làm thành Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nhật Bản, kết hợp gần hai mươi đơn vị Công giáo lớn nhỏ khác nhau, với khoảng 13 linh mục có một số nam nữ tu sĩ giúp đỡ phục vụ.
Quí hồ tinh, bất quí hồ đa. Tôi chú ý nhiều đến cộng đoàn Việt Nam nhỏ bé giữa một biển người bao la không tin theo Công giáo. Ðiều ấy chỉ cổ động tinh thần truyền giáo của anh chị em Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản nhiiều hơn, vì bất cứ lý do gì. Và cũng vì lý do ấy chúng ta khích lệ và nguyện cầu cho "cây cải nhỏ công đoàn Công giáo tro nên xum xuê cho có nhiều chim trời đến ẩn nấp".
2.- Tổ Chức Của Cộng Ðoàn
Như bất cứ xứ đạo Công giáo nào, mỗi đơn vị tùy theo hệ cấp đều có một Ban Ðại Diện hay Ban Chấp Hành đảm nhiệm việc chung của tập thể dưới sự điều hướng xa hay gần của các linh mục hay tín đồ hướng dẫn. Ban Ðại Diện thường gồm một Trưởng Ban, một Thư Ký, Một Thủ Quỹ và một ủy viên phụ trách nhiều nhóm khác nhau như Nhóm Phụng Vụ Lời Chúa, thực hiện một thông tin cho cộng đoàn. Các Ban như Thiếu Nhi, tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi, học giáo lý.
3.- Một Hình Ảnh Thoáng Qua Về Liên Cộng Ðoàn Miền Ðông ngày 5/5/2006 hồi 20:29:15
Vào ngày 05/05/2006, Liên Cộng Ðoàn Miền Ðông đã gặp gỡ nhau tại nhà thờ Meguro từ 10g00 sáng đến 3g00 chiều.
Có các thành viên tham dự:
Linh Mục: Nguyễn Hữu Hiến, Cao Sơn Thân và
Ðại diện của các cộng đoàn:
Tokyo (anh Long và cô Huệ),
Kamata (anh Dũng và anh Long),
Omori (anh Lâm),
Fujisawa (anh Kim),
Kawaguchi (anh Cường),
Kawagoe (anh Hậu),
Isesaki (anh Ðiền),
Nhóm CSLC (Tuyết Mai).
Linh Mục Hiến đã khai mạc buổi họp bằng lời cầu nguyện và mọi người cùng hát kinh Chúa Thánh Thần để xin ơn khôn ngoan tìm Thánh Ý Chúa, tiếp theo là phần giới thiệu Ban Ðại Diện của các cộng đoàn. Anh Hậu, Trưởng Ban Ðại Diện Liên Cộng Ðoàn Miền Ðông ngỏ lời cám ơn các Ban Ðại Diện đã hy sinh ngày nghỉ, đến tham dự buổi họp, đồng thời anh cũng xin lỗi các Ban Ðại Diện vì những thiếu sót trong việc điều hành trong suốt nhiệm kỳ 2 năm vừa qua.
Báo cáo tổng quát về sinh hoạt của một số cộng đoàn
Kế đến các Ban Ðại Diện trình bày sơ nét những sinh hoạt của Cộng Ðoàn mình.
- Cộng Ðoàn Kamata: Ðược thành lập năm 2003, số nhân sự khoảng trên 30 người, trong những tháng có Chúa Nhật tuần thứ 5, thì cộng đoàn được một linh mục Việt Nam đến dâng thánh lễ. Cộng đoàn Kamata và ngay cả giáo xứ Kamata cũng rất vui, vì đây là cơ hội giao lưu giữa người Nhật-Việt trong giáo xứ, qua những món ăn do anh chị em công giáo Việt Nam trong cộng đoàn khoản đãi.
- Cộng Ðoàn Fujisawa: Cộng Ðoàn Fujisawa là một cộng đoàn quy tụ đông đảo anh chị em công giáo Việt Nam tại tỉnh Kanagawa, danh sách anh chị em chính thức gia nhập cộng đoàn là hơn 300 người, mỗi tháng vào chiều Chúa Nhật tuần thứ nhất, có thánh lễ bằng tiếng Việt, vào dịp tháng 5, Cộng Ðoàn thường tổ chức dâng hoa kính Ðức Mẹ. Tháng 8, vào dịp lễ Ðức Mẹ lên trời, bổn mạng Cộng Ðoàn, Cộng Ðoàn tổ chức rước kiệu Ðức Mẹ trước thánh lễ, và tháng 12 tổ chức lễ Giáng Sinh. Ðược sự đồng ý của hội đồng giáo xứ Fujisawa, mỗi tháng một lần, Cộng Ðoàn được đọc thánh thư bằng tiếng Việt Nam trong thánh lễ ngày Chúa Nhật của giáo xứ. Bà con công giáo trong cộng đoàn rất tích cực tham gia những hoạt động của giáo xứ, vì vậy họ rất thương yêu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những sinh hoạt của cộng đoàn. Gần đây, giáo xứ đã thành lập một ngân qũy giúp cho người ngoại quốc khi gặp những hoàn cảnh cấp bách, khó khăn về tài chánh mà không xoay sở kịp.
- Cộng Ðoàn Isesaki: Anh chị em trong cộng đoàn thường xuyên gặp gỡ nhau trong thánh lễ 9g00 sáng mỗi ngày Chúa Nhật. Mỗi tháng vào lúc 8g00 tối ngày thứ hai của tuần thứ 3, Linh Mục Hiến đến thăm và dâng thánh lễ cho cộng đoàn. Nếu tháng nào có Chúa Nhật tuần thứ 5, thì Linh Mục Hiến đến dâng lễ bằng tiếng Việt cho cộng đoàn lúc 9g00 sáng. Ngoài ra giáo xứ cũng có tổ chức dạy giáo lý cho các em từ 9g00 sáng mỗi ngày Chúa Nhật.
- Cộng Ðoàn Kawaguchi: Có khoảng 80 người, cộng đoàn Việt Nam là cộng đoàn đông nhất so với các nhóm người ngoại quốc khác trong giáo xứ. Mỗi tháng, vào lúc 10g00 sáng Chúa Nhật tuần thứ 3, Linh Mục Hiến đến giải tội và dâng thánh lễ cho cộng đoàn, sau thánh lễ, cộng đoàn bán bánh mì để gây qũy giúp cho các trẻ em bất hạnh tại Việt Nam. Thánh lễ của Cộng Ðoàn càng ngày càng đông, vì càng ngày số người xin theo đạo và gia nhập vào cộng đoàn càng nhiều. Nhưng cũng có một vài vấn đề không hay xảy ra như vấn đề ly dị,v.v... Ðiểm đặc biệt là từ 10 năm nay, Cộng Ðoàn đã cộng tác với Giám Mục địa phận trong chương trình giúp trẻ em nghèo tại Việt Nam bằng cách bán bazaar, bánh mì, mỗi năm, cộng đoàn gởi cho các em, qua Giám Mục, chừng khoảng 3 đến 4 trăm ngàn Yen.
- Cộng Ðoàn Kawagoe: Cộng Ðoàn được thành lập đã lâu với hơn 10 gia đình, tổng cộng khoảng 50 nhân khẩu. Linh Mục Chính sở người Nhật rất thương người Việt Nam, ngài luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Cộng Ðoàn có thể giới thiệu văn hóa, thánh ca cho người bản xứ. Giáo xứ rất quan tâm, nâng đỡ người ngoại quốc. Qua những hoạt động chung với giáo xứ như thánh lễ quốc tế, trình diễn thánh ca Giáng Sinh, làm hang đá, bán bazaar, Cộng Ðoàn đã đưa văn hóa Việt Nam hội nhập vào giáo xứ địa phương và được sự đón nhận nhiệt tình của mọi người trong giáo xứ.
- Cộng Ðoàn Tokyo: Là một cộng đoàn được hình thành bởi anh chị em từ các cộng đoàn chung quanh Tokyo đến. Mỗi tháng, vào lúc 10g00 sáng Chúa Nhật tuần thứ nhất, có thánh lễ bằng tiếng Việt, quy tụ rất đông anh chị em. Sau thánh lễ, cộng đoàn có bán bánh mì để gây quỹ. Nhờ sự trợ giúp tài chánh của một hội từ thiện Nhật, cộng đoàn cũng có những lớp dạy tiếng Việt cho các em thiếu nhi, và được rất nhiều cha mẹ hưởng ứng bằng cách đưa con cái đến học, Cộng Ðoàn cũng có những lớp giáo lý cho các em do nữ tu Oanh, nữ tu Châu và một số các thỉnh sinh các dòng đảm trách.
- Cộng Ðoàn Omori: Cộng Ðoàn Omori là một cộng đoàn duy nhất có Linh Mục Chính sở là người Việt Nam, linh mục Ngô Quang Ðịnh. Từ khi về nhận nhiệm sở, ngài đã và đang cố gắng để giúp cho hai công đoàn Việt-Nhật thông cảm, hiểu biết và yêu thương nhau hơn hầu trở thành một giáo xứ hoàn hảo. Gần đây ngài có tổ chức lớp giáo lý bằng tiếng Việt cho các em do thầy Mạnh đảm trách. Với người lớn, ngài giảng dạy cho họ hiểu những trào lưu, suy nghĩ mới trong Giáo Hội, cũng như giải đáp những thắc mắc trong đời sống đức tin và hướng dẫn họ về đời sống xã hội Nhật. Ngài cũng kêu gọi người bản xứ giúp đỡ cho người Việt nam trong các lãnh vực giấy tờ hành chánh, để nhờ đó người Việt có thể hội nhập vào đời sống và xã hội Nhật bản một cách tốt đẹp hơn. Số nhân sự của cộng đoàn Việt Nam ở Omori khoảng 40 người.
Sau báo cáo của các cộng đoàn, Linh Mục Hiến đã giới thiệu sơ về các cộng đoàn vắng mặt như Cộng Ðoàn Hamamatsu và Nagoya.
Tiếp đến linh mục Thân cũng cho các Ban Ðại Diện biết về những sinh hoạt cũng như những khó khăn và những vấn đề nan giải mà anh chị em trong các cộng đoàn của Liên Cộng Ðoàn miền Tây và xin mọi người hiệp thông cầu nguyện.
Qua những trình bày của các Ban Ðại Diện, anh Hậu và anh Lâm có ý kiến đề nghị cộng đoàn Việt Nam nên cộng tác tích cực hơn với các giáo xứ nơi mình sinh sống hầu tạo được sự tin tưởng và thông cảm, để khi cộng đoàn có những nhu cầu cần thiết, họ sẽ giúp mình. Người Việt chúng ta đóng góp tiến bạc rất nhiều, nhưng lại ngại tham gia những sinh hoạt của giáo xứ vì trở ngại ngôn ngữ, phong tục tập quán và không hiểu nhiều về những tập quán, phong tục của người bản xứ.
Linh Mục Hiến cũng lưu ý các cộng đoàn nên báo cho ngài biết mỗi khi trong cộng đoàn có người đau ốm hoặc có những vấn đề, để ngài có thể đến thăm viếng, an ủi và chia sẻ.
Kế hoạch dự kiến của Liên Cộng Ðoàn
Sau đây là dự án những sinh hoạt tương lai của Liên Cộng đoàn.
1). Trại hè thiếu nhi: sẽ được tổ chức từ ngày 14-17/8/2006 tại Nojiriko, Nagano-Ken.
2). Từ ngày 28-30 tháng 4 năm 2007, sẽ tổ chức khóa Thăng Tiến Hôn Nhân cho các cặp vợ chồng do cha Chu Quang Minh (Hoa Kỳ) hướng dẫn.
3). Tháng 8 năm 2007 cha Nguyễn Trọng Tước (Hoa Kỳ) sẽ giúp một khóa Linh Thao 3 ngày cho anh chị em trong các cộng đoàn.
4). Buổi họp định kỳ của Liên Cộng Ðoàn mỗi năm một lần vào những ngày nghỉ của tháng 5.
5). Về vấn đề qũy của Liên Cộng Ðoàn, cho đến nay, Liên Cộng Ðoàn chưa có ngân quỹ, vì vậy các Cộng Ðoàn sẽ hổ trợ bằng cách gây quỹ nhất thời cho Liên Cộng Ðoàn mỗi khi cần tổ chức một việc gì đó trong tương lai. Ðể giúp cho Liên Cộng Ðoàn có số quỹ ban đầu, cha Hiến đã cho Liên Cộng Ðoàn một số sách lễ giáo dân theo nghi thức mới được bán với giá 200 yen/cuốn.
6). Liên Cộng Ðoàn sẽ thành lập một ban vũ thiếu nhi của Liên Cộng Ðoàn nhằm mục đích tạo sự liên kết giữa các Cộng Ðoàn với nhau, để cùng nhau làm việc phục vụ cho Cộng Ðoàn, Liên Cộng Ðoàn một cách hữu hiệu. Vào mỗi tháng 5, ban vũ sẽ đến dâng hoa cho Ðức Mẹ trong các thánh lễ tiếng Việt của các Cộng Ðoàn, hoặc mỗi khi các cộng đoàn tổ chức lễ bổn mạng hoặc các dịp đặc biệt, nếu muốn, Cộng Ðoàn có thể mời ban vũ đến tham dự. Do đó, xin các Ban Ðại Diện Cộng Ðoàn thông báo cho bà con trong Cộng Ðoàn và kêu gọi các em thiếu nhi tuổi từ 12 đến 18 tham gia ban vũ, những em nhỏ hơn, nếu muốn tham gia, cần phải có phụ huynh đưa các em đến địa điểm tập. Các bạn thanh niên nam nữ cũng được mời gọi tham gia ban vũ.
Thời gian tuyển sinh của ban vũ hạn chót là ngày 31/5/2006.
Ðúng 3g00 chiều, Linh Mục Hiến đã kết thúc buổi họp bằng kinh Sáng Danh, anh Hậu đã thay mặt Ban Ðại Diện cám ơn quý linh mục và mọi người. Buổi họp đã được diễn ra trong bầu khí thân tình, cởi mở, đầy ưu tư và nhiệt huyết của mọi người, và cũng đã được kết thúc trong bầu khí huynh đệ. Thánh Thần Chúa tiếp tục nâng đỡ Ban Ðại Diện Liên Cộng Ðoàn và giúp Liên Cộng Ðoàn hoàn tất tốt đẹp những gì đã được khởi sự trong buổi họp này. (Meguro ngày 05/5/2006)
4.- Sinh Hoạt của cộng đoàn
1). Phụng Vụ Lời Chúa
Chẳng hạn, bình thường cha Nguyễn Minh Lập vẫn phụ trách phục vụ việc phụng vụ Lời Chúa, làm phó tổng biên tập tờ Phụng Vụ Lời Chúa. Nhưng ngày 2006-04-29, cha đến dâng thánh Lễ tạ ơn cho nhóm thực hiện tờ Phụng Vụ Lời Chúa. Và đây cũng là ngày cha đến cùng anh em thực hiện tờ Phụng Vụ Lời Chúa sau cùng trước lúc đi xa. Trong việc dâng thánh lễ, đây là hoạt động có ý nghĩa nhất trong việc tạo điều kiện để cộng đoàn tham dự tích cực vào thánh lễ thờ phượng, cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa, biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân loại.
2). Thánh Lễ Quốc Tế 2006 tại nhà thờ chánh tòa Tokyo ngày 14/5/2006
Ngày 14-05-2006, địa phận Tokyo đã tổ chức thánh lễ Quốc tế 2006 lần thứ 16 tại nhà thờ chánh tòa Tokyo với chủ đề "Xin Ngài hãy sai con đi". Thánh lễ này tập trung hầu hết các cộng đoàn Công Giáo của các nước đang sinh hoạt tại Tokyo và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam mà đại diện là cộng đoàn Tokyo là một thành viên thường xuyên của thánh Lễ này. Cùng với bài Tin Mừng hôm nay, trong bài giảng của mình, Giám Mục địa phận Tokyo cũng kêu gọi các thành viên trong các cộng đoàn liên kết chặt chẽ với nhau hơn để sống xứng đáng là những cành nho trĩu quả.
Sau thánh Lễ một thầy người Nhật Bản và một thầy người Hàn Quốc đại diện cho quý tu sĩ lên chia sẽ chủ đề về cuộc sống tu trì của mình. Chúng ta cũng hãy cùng nhau cầu nguyện cho giới tu sĩ luôn vững bước theo con đường dã chọn.
Sau buổi lễ là chương trình ẩm thực giao lưu văn hóa của các quốc gia. Nhóm Chia sẽ Lời Chúa cũng đại diện cho cộng đoàn Việt Nam với những món đặc trưng của Việt Nam như Phở, Gỏi cuốn....
Trong cảnh thiên nhiên xinh đẹp này, các em đã học cầu nguyện với Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng vũ trụ tốt lành và đã ban cho con người được sử dụng. Nguyện cầu Chúa giữ gìn các em, tương lai của Giáo Hội và xã hội Việt Nam, và xin cho những bậc cha mẹ, biết hy sinh mọi sự để hướng dẫn con cái sống thánh thiện và hạnh phúc ơn gọi của các em.
3) Dâng hoa kính Mẹ ngày 15/08/2006
Những ngày trại hè của thanh thiếu niên vùng Kansai đã qua đi, những tất bật chuẫn bị đã lắng xuống, giờ đây còn đọng lại trong tâm trí nhiều người ấn tượng về một trại hè đầy vui tươi, sinh động, một sức trẻ Việt Nam, một văn hóa Việt Nam. Riêng cá nhân người thong tin, một dư âm khắc sâu trên hết mọi dư âm đó là bài dâng hoa của các em thiếu nhi Himeji trong thánh lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15 tháng 8 năm 2006.
Có thể nói sự thành công của 3 ngày trại (13, 14, 15/8) phần lớn là nhờ ở sự chuẩn bị chu đáo của các anh chị em trong ban tổ chức. Các bạn trẻ họp đi, họp lại, các chương trình được tẩy xóa, cuối cùng một thời khóa biểu đã được lên khuôn. Một đội ngũ trẻ trung nhất, mất nhiều công phu và thời gian luyện tập nhất, đó là đội dâng hoa của 10 nem xứ Nibuno, Himeji.
Người thông tin đến Himeji trong một ngày cuối tháng 6 để lên kế hoạch tập cho các em theo lời ngỏ ý của anh Ðệ, trưởng cộng đoàn. Ðối với Himeji, đây là đội hoa thứ hai, tiếp gót các bậc đàn chị cách đây 15, 16 năm trước.
Từ khi được thuyên chuyển về Osaka, người thông tin luôn luôn có thao thức giúp các em thiếu nhi Việt Nam sinh trưởng và lớn lên tại Nhật biết về tập quán, văn hóa, ngôn ngữ và nguồn gốc của tổ tiên mình. Nhiều lần được tiếp xúc với các em, có nhiều em không biết mình là người gì. Một sự thật hơi đau lòng! Dẫu cho các em sống ở Nhật, hội nhập với văn hóa Nhật, lấy quốc tịch Nhật, nhưng bản chất các em không phải là con cháu Thái Dương Thần Nữ, nhưng là dòng giống Lạc Hồng, con rồng cháu tiên. Làm sao để hướng dẫn các em về với nguồn cội của mình, biết gốc tích của mình. Theo người thong tin nghĩ, không gì dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn là tập cho các em múa, hát những vũ điệu, tổ chức cho các em những lễ hội mang tính dân tộc...
Riêng về lĩnh vực tôn giáo, thì việc dâng hoa kính Ðức Mẹ đã trở thành việc làm đạo đức rất gần gủi với người dân tại các giáo xứ Việt Nam, nhất là vào tháng 5, tháng hoa Ðức Mẹ. Trên xứ người, việc dâng hoa trong những giờ cử hành phụng vụ là một nét văn hóa đặc sắc của Giáo Hội Việt Nam, nó diễn tả lòng tin và niềm yêu mến một cách đặc biệt của những người con tha hương đối với Mẹ Maria của mình.
"Vạn sự khởi đầu nan", bắt đầu với muôn sự khó. Chỉ có khoảng một tháng rưỡi để tập, đối với các em không phải là chuyện dễ dàng. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong ngày Chúa Nhật. Sau thánh lễ đến lớp giáo lý, hết lớp giáo lý mới đến giờ tập. Tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai của các em. Các em vừa phải thuộc lời bài hát, thuộc động tác, thuộc đội hình... Lần đầu tiên các em mới làm quen với bộ môn nghệ thuật này, các em không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Ðể dễ tiếp thu, tôi thường vẽ đội hình lên một tờ giấy lớn, rồi hướng dẫn từng em đi theo vị trí của mình. May mắn thay, chỉ một lần hướng dẫn, các em thường nhớ ngay và chỉ sau 4, 5 tuần tập, các em nhớ hết toàn bộ bài múa.
Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Hầu hết nhà các em ở rất xa nhà thờ, phải mất 30 phút hay gần 1 tiếng lái xe là chuyện thường. Thường trong các buổi tập, các bậc phụ huynh phải ngồi đợi con em mình cho tới khi chấm dứt, những buổi cơm trưa thường bắt đầu từ 1 hay 2 giờ chiều.
Ðêm trước hôm dâng hoa, dì Ðộng cùng các bậc phụ huynh tất bật chuẫn bị "hành trang" cho các em. người thong tin không sao quên được không khí đầm ấm, êm đềm khi mọi người cùng làm việc bên nhau ấy. Những mệt nhọc dường như đã biến mất khi 20 chiếc giỏ hoa tươi với 5 sắc xanh, hồng, trắng, tím, vàng đã được hoàn tất. Những giỏ hoa dẫu không phải là những tác phẩm hoàn hảo nhưng rất hài hòa, trang nhã, nó thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của người mẹ đối với những đứa con của mình. Ðêm ấy hơn 10 giờ đêm mọi người mới chia tay và ra về.
Ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng là ngày cuối cùng của buổi trại. 9 giờ sáng, mọi người đã tụ họp đông đủ ở nguyện đường Nibuno để cùng Giám Mục Matsuura Goro, linh mục Seikawa và linh mục Thân hiệp dâng thánh lễ. Sau bài giảng của Giám Mục, đoàn 10 em trong tà áo dài trắng với những giỏ hoa trên tay, thành kính, tự tin bước lên bàn thờ. Cả nguyện đường lắng đọng dõi theo từng bước đi, từng cử điệu của các em. Giờ đây, các em thay mặt cho cả liên cộng đoàn để dâng lên Mẹ Maria lòng thành kính yêu thương, chúc mừng, tôn vinh Mẹ và xin Mẹ cho đoàn con được sống với các nhân đức tốt lành nơi Mẹ.
Bài dâng hoa vừa chấm dứt, một tràng pháo tay dài nổi lên như để cổ võ, chúc mừng và cám ơn sự cố gắng hết mình của các em. Sau thánh lễ, Ðức Cha Matsuura vui cười đến chúc mừng, cám ơn và chụp hình lưu niệm chung với các em.
Một anh đến bên người thong tin, nói rằng anh cảm động khi nhìn hình ảnh thánh thiện, thơ ngây của các em, khiến anh không kìm được những hàng nước mắt. Một em nghiên cứu sinh khác cũng chia sẻ với người thong tin rằng: suốt những tiếng đồng hồ ngồi trên xe điện về nhà, em cứ miên man nghĩ đến thánh lễ hôm ấy, bài dâng hoa hôm ấy, em cứ tưởng như mình đang sống trên quê hương, trên giáo hội Việt Nam vậy.
Xin cám ơn các em thiếu niên trong đội hoa Himeji, xin cám ơn cha Thân, cám ơn dì Ðộng đã cùng tôi chạy xuôi, chạy ngược để lo cho các em. Xin cám ơn tất cả các bậc phụ huynh và các chị đã hy sinh rất nhiều thời gian, công sức, tài chánh cho các em, cho liên cộng đoàn, để chúng ta có một buổi dâng hoa khá tốt đẹp. Chúa đã chúc phúc cho việc làm của chúng ta. Những xúc cảm, những hân hoan của những anh chị em tham dự đã dành cho chúng ta phần thưởng về sự hy sinh đó. Một hình ảnh đẹp đã đi vào lòng mọi người và chắc chắn Ðức Mẹ hôm ấy cũng đang mỉm cười hài lòng với đoàn chiên nhỏ của Mẹ.
Ước mong việc dâng hoa kính Ðức Mẹ sẽ trở thành một truyền thống trong các cộng đoàn có đông giáo dân Việt Nam. Dẫu biết rằng không dễ dàng để có một đội hoa như đội Himeji, nhưng anh chị em giáo dân muốn nổ lực cùng làm, Chúa sẽ hỗ trợ và chúc phúc cho chúng ta.
Ðối với đội hoa Himeji, Kobe và Osaka đã được hình thành, xin chúng ta hãy giữ gìn và cưu mang nó. Một nét văn hóa tôn giáo Việt Nam. Ước mong truyền thống này được tiếp nối, những sắc hoa vẫn được tiếp tục dâng lên Mẹ từ đoàn con Việt tha hương mỗi tháng hoa về trong lòng Giáo Hội Nhật.
4) Trại hè thiếu nhi 2006 Hồ Norijiko, Nagano ngày 21/8/2006
Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 8 - 2006, 59 em thiếu nhi đã đến tham dự trại hè do cha Hiến tổ chức tại nhà nghỉ mát của dòng Don Bosco Salesio, bên bờ hồ Norijiko thơ mộng. Các em đã có cơ hội để làm bạn với nhau, sống chung và làm việc chung, cũng như có được những giây phút nghỉ ngơi, giải trí thật thoải mái, và được tung tăng bơi lội trong hồ nước thật trong giữa một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
5) Một buổi tập của Ban Vũ Emmanuel ngày 27/8/2006
Chúa Nhật ngày 27 tháng 8 năm 2006, một ngày trong lịch tập của ban vũ Emanuel, tại nhà thờ Kamata, từ lúc 13 giờ, các em trong ban vũ đã được các phụ huynh đưa đến đông đủ. Xa có gần có, vừa bước xuống xe với gương mặt còn ngái ngủ với giấc ngủ trưa, nhưng khi bước vào phòng tập các em trở nên nhanh nhẹn hơn khi có bạn có bè, những khuôn mặt quen thuộc trong những buổi tập trước.
Dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của chị Tuyết Mai, phụ trách ban vũ Emmanuel, các em cùng các phụ huynh đã có một lời kinh ngắn khi bắt đầu buổi tập. Buổi tập bắt đầu bằng cách ôn lại những động tác cơ bản và những đường di chuyển của bài múa. Kế tiếp là bài tập ráp với nhạc, chỉnh sửa thêm bớt những động tác để làm bài múa nhịp nhàng với điệu nhạc. Tưởng chừng bài tập sẽ là đơn giản, tuy nhiên cái khó của bài múa có thể quan sát được qua số lần lập đi lập lại các động tác di chuyển của bài múa với sự cần mẫn của cô giáo và học trò. Và đến khi mồ hôi đã bịn rịn trên trán của cô, trò thì bài múa cũng dần lộ nét uyển chuyển của nó.
Chị Tuyết Mai cho biết: "Do mọi người sống rải rác trong một vùng rộng lớn nên khó có thể tập trung được những em cùng lứa tuổi, cộng với sự ham chơi nghịch đùa của các em nên việc tập luyện cho các em cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên qua từng buổi tập, các em cũng đã cố gắng rất nhiều.
Ngoài ra không chỉ các em, mà cả phụ huynh của các em cũng hy sinh rất nhiều. Có người phải đi một đoạn đường dài để đưa đón các em, cũng có người túc trực suốt buổi tập để coi sóc các em.
Buổi tập kết thúc lúc 17 giờ, sau lời kinh thì các em đã quên hết mệt nhọc của buổi tập, lại hối hả với đứa chơi game đứa đọc truyện, các phụ huynh thì lại vội vả dọn dẹp và đưa đón các em. Dưới cái nóng của mùa hè trong một thành phố ồn ào náo nhiệt, một làm gió quê hương đang âm thầm cuộn thổi. Một làn gió làm mát cho chính mình và cho những người xung quanh mình. Xin mọi người chúng ta cầu nguyện nhiều cho ban vũ, để ban vũ có thể trình diễn những điệu múa hồn nhiên vui tươi trong những buổi liên hoan của cộng đoàn.
6) Lễ khấn dòng của nữ tu Nguyễn Thị Ngọc Châu tại nhà thờ Toyoshiki, Chiba ngày 9/9/2006
Tiếng Việt bình dân là lễ Khấn dòng lần đầu của nữ tu Châu thuộc dòng Hội Dòng Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu đã diễn ra tại nhà thờ thuộc giáo xứ Toyoshiki, ngày 9-9-2006. Ðến tham dự thánh Lễ hôm nay gồm đông đảo các nữ tu thuộc Hội Dòng Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu, các tín hữu thuộc xứ Toyoshiki, các tu sinh Việt Nam thuộc các dòng vùng Tokyo, ca đoàn Cecilia Tokyo và các người thuộc các cộng đoàn Công giáo Việt nam vùng Kanto. Ba Linh Mục người Nhật và ba Linh Mục người Việt Nam đã đến dâng Thánh lễ đồng tế cho nữ tu Châu trong dịp đặc biệt này.
Nghi thức khấn dòng bao gồm, phần bày tỏ nguyện vọng, phần tuyên hứa, phần nhắn nhủ của các Nữ Tu trong dòng, trao Thánh giá, phần tuyên hứa tuân thủ các quy tắc của dòng.
Hơn 10 năm về trước, Nữ Tu Châu từng là tu nghiệp sinh làm việc ở một vùng thuộc tỉnh Yamaguchi xa xôi. Ðược sự giới thiệu của Linh Mục Cao Sơn Thân, chị Châu đã có dịp làm quen với Dòng, và đến hôm nay Chị đã trở nên một thành viên của Dòng.
Sau buổi Lễ là tiệc trà nhỏ. Trong buỗi tiệc này, các nữ tu trong dòng, tín hữu xứ Toyoshiki, ca đoàn Cecilia Tokyo và những người Việt Nam đến tham dự Thánh lễ đã có những tiết mục văn nghệ nhỏ để chúc mừng nữ tu Châu. Riêng nhóm ca đoàn Cecilia Tokyo đã để lại ấn tượng trong lòng mọi người với các tiết mục trình diễn áo dân tộc các miền, áo dài, các điệu hát hò dân ca...
Sau buổi tiệc, mọi người lục tục ra về, người Việt Nam chúng ta không chỉ để lại một mình nữ tu Châu đang vẫy tay chào trước cổng nhà thờ, mà đã để lại trong tất cả mọi người trong dòng và nhà thờ Toyoshiki hình ảnh về một phần văn hóa Việt Nam. Xin mọi người chúng ta cầu nguyện nhiều cho nữ tu Châu xin Chúa luôn gìn giữ nữ tu Châu, để Nữ tu luôn chu toàn được sứ mệnh của mình như ngày hôm nay đã tuyên hứa.
7) Lễ chịu chức Linh mục của thầy Vincentê Nguyễn Bản Mạnh ngày 16/9/2006
"Hãy cùng tôi ngợi khen Ðức Chúa" Tv. 34-4. là câu suy niệm Lời Chúa mà thầy Vincentê Nguyễn Bản Mạnh đã chọn cho mình khi bước lên bàn thánh.
Ngày 16-09-2006, thánh lễ truyền chức Linh mục cho thầy Vincentê Nguyễn Bản Mạnh và thầy Phêrô Mishima đã được Giám Mục Kouda, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Tokyo chủ tế cử hành tại nhà thờ Shimoigusa, Tokyo. Hơn 60 Linh Mục thuộc giáo phận Tokyo và các Linh Mục khách đã cùng hiệp dâng thánh lễ đồng tế và nghi thức đặt tay chúc lành cho hai Tân linh mục.
Các Linh Mục người Việt đang phục vụ tại vùng Tokyo, hai Linh Mục nhân dịp ghé thăm Tokyo (cha Bình, đang phục vụ ở Hàn Quốc; cha Sang, đang phục vụ ở Úc) và hai Linh Mục thuộc giáo phận Bùi Chu, Việt Nam cũng tham gia đồng tế trong thánh Lễ này.
Nghi thức truyền chức gồm có, nghi thức tuyên thệ, nghi thức sấp mình hiến thân, nghi thức đặt tay, nghi thức nhận áo lễ, nghi thức xức dầu thánh và nghi thức trao chén thánh.
Rất nhiều người Việt Nam, các đại diện của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Nhật, các người ở những vùng xa xôi, các anh chị em trong gia đình Tu sĩ tại Nhật cũng đã đến tham dự thánh Lễ, cầu nguyện và chúc mừng cho Tân Linh mục trong ngày hôm nay. Ðặc biệt là ca đoàn Cecile Tokyo góp phần cho buổi Lễ thêm không khí nghiêm trang bằng lời ca tiếng hát của mình. Sự có mặt của rất nhiều người Việt Nam trong ngày hôm nay cũng làm vơi đi được nỗi buồn của cha Mạnh khi thiếu những nguời thân trong ngày trọng đại hôm nay.
Sau thánh lễ là một tiệc trà nhỏ để mọi người chào đón hai Tân linh mục. Trong buổi tiệc trà này, mọi người đã lần lượt nhận ơn chúc lành từ Tân linh mục, chụp hình kỷ niệm với Tân linh mục.
8) Trại Hè Nojiriko, ngày 26/9/2006 hồi 22:14:09
Sinh hoạt trại thường do Cha Hiến tổ chức vào tháng 8 mỗi năm, cha chú trọng nuôi dưỡng các mầm non và cảm nhận cái đáng yêu của trẻ con, vì "muốn vào nước thiên đàng thì tâm hồn chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ".
Nojiriko là nơi thắng cảnh, du lịch nên thức ăn rất là đắt đỏ, 3 năm về trước, cha cũng đã tổ chức tại đây 1 lần rồi, nên rút kinh nghiệm lần này các cô mua hầu hết từ trên Tokyo mang xuống, như ăn phở gà, rồi vui chơi Học Giáo Lý. Người cha hơi thấp, nhưng tấm lòng cha cao cả, lúc nào cũng lo và quan tâm đến cộng đoàn và nhất là các con em của cộng đoàn
Dù mệt mà vui, với nụ cười thắm trên môi, như Chúa phán: ai cho em bé một ly nước lã là cho ta. Các em không khát nước, nhưng các em đang khát tình thương và đức tin. Chính vì thế mà mọi người, nhất là các cô chú thanh niên, đã giúp cho các em tận tình bằng chính những mồ hôi cố gắng của mình.
Cộng đoàn lo sợ nếu Chúa gọi cha về thì trại hè hàng năm cho các em có còn hay không, nhưng vẫn một long tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa
Mọi người luôn cầu xin Chúa thương ban sức khỏe, thánh thiện nhiều hơn cho cha, để vị mục tử già người như giàu tình thương và sáng suốt trong mọi công việc của ngài. Họ không quên cám ơn các nam nữ tu sĩ, các anh chị huynh trưởng đã tận tụy lo lắng cho các em từ sang cho đến tối, các cô, các anh trong ban ầm thực. Cộng đoàn cố gắn thể hiện giá trị đích thực của con người Việt Nam: nhiệt tâm, can cường và vui vẻ.
9) Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi ngày 1/10/2006
Chiều Chúa Nhật 01/10/2006, sau thánh lễ đầu tháng của cộng đoàn Fujisawa, hơn 100 em thiếu nhi Việt Nam cùng với các phụ huynh, không phân biệt tôn giáo, đã tu tập về trong khuôn viên trường tiểu học Yamato, để mừng tết trung thu. Thật là một ngày hội của các em. Các em đến với những khuôn mặt rạng rỡ, với những tà áo dài thuần túy Việt Nam, có em được mẹ khoác cho bộ áo kimono thật xinh, như búp bê Nhật Bản. Dù chưa đến ngày tết Trung Thu, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn ở nơi xứ người, nên các em phải mừng têt Trung Thu trước một tuần, do đó, Trung Thu có bánh, có đèn, có lân, có pháo, có chị Hằng Nga, có con thỏ, nhưng lại không có... trăng!
Nhờ sự liên lạc và giúp đỡ của Ban Ðại Diện và anh chị em trong các cộng đoàn Fujisawa và Yamato, ban hiệu trưởng của trường đã cho các em sử dụng nhà hội và sân chơi của trường để mừng tết trung thu. Ban Ðại Diện của 2 Cộng Ðoàn Fujisawa và Yamato cũng đã chuẩn bị 160 phần cơm tối, đèn trung thu và quà cho các em. Ðúng 6g00 chiều, các em được tập trung để nhận phần cơm ăn tối, đèn và quà. Các em đã ăn vội vã phần cơm của mình để có nhiều giờ chơi trung thu.
6g30, sơ Chúc và anh Nghĩa đã cho các em sinh hoạt để mừng trung thu. Các em được chia đội để chơi trò viết chữ, trang điểm làm thằng cuội và chị Hằng Nga, rồi chơi Loto xổ số trung thu. Tuy không biết tiếng Việt nhiều, nhưng các em đã cố gắng để viết và trang trí một khẩu hiệu: "Mừng Trung Thu 2006" thật đẹp.
Ðúng 7g15, đội múa lân đã bắt đầu chương trình rước đèn trung thu với những điệu trống thúc lân thật sôi động, làm cho Lân đang ngủ ngon cũng phải giật mình thức dậy biểu diễn những điếu múa thật độc đáo và ngoạn mục. Các em đã say sưa xem múa lân, và khi lân đã mệt, các em đốt đèn trung thu và rước đèn trung thu trong khuôn viên nhà trường. Tạ ơn Chúa. Trời mưa rã rich suốt cả ngày, nhưng đến khi các em rước đèn, thì trời hết mưa, các em sung sướng rước đèn dạo quanh sân trường. Những chiếc đèn xanh đỏ, lung linh trong đêm, làm sáng tỏa một khung trời thơ mộng. Lồng đèn trong tay, Các em nhơn nhơ lượn qua lượn lại trong màn đêm đang xuống,.như những con đôm đốm nhấp nháy làm sống động một bầu trời.
Trước khi kết thúc đêm trung thu, các em còn được đốt pháo mừng trung thu và xua đuổi tà ma ra khỏi cuộc đời thơ ngây của các em. Màn đốt pháo đã kết thúc đêm trung thu. Chắc chắn đêm nay trong giấc ngủ, các em sẽ mơ thấy chú cuội ngồi gốc cây đa chiêm ngưởng chị Hằng trên vầng trăng sáng vằng vặc, và các em mơ ước cuộc đời của các em cũng sẽ trong sáng, không vướng bận ưu phiền, đau khổ, tội lỗi như mặt trăng đêm rằm.
Xin hết lòng cám ơn Ban Ðại Diện và các anh chị em trong 2 Cộng Ðoàn Fujisawa và Yamato, đã hy sinh hết mình để tổ chức cho các em được mừng tết trung thu. Xin cám ơn các chị em đã chịu khó nấu ăn và làm bento cơm tối cho các em. Xin cám ơn thầy Nghĩa lớp tiếng Việt và nữ tu Chúc đã hướng dẫn chương trình để các em có được một đêm trung thu vui tươi và dễ thương. Xin cám ơn tất cả mọi người đã cộng tác, giúp đỡ tiền bạc cũng như tinh thần, nhưng không muốn được nếu danh, để các em có được một đêm trung thu ngay trên đất khách quê người. Không có những tấm lòng vàng này, các em Việt Nam tại Nhật sẽ không bao giờ biết được rằng: trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, có một lễ được gọi là trung thu, tết của các em thiếu nhi và thế nào là tết trung thu. Tạ ơn Chúa vì ở đâu đi nữa, cũng vẫn còn có những tâm hồn muốn trở nên như con trẻ, điều kiện để vào Nước Trời, vẫn còn có những con người luôn quan tâm đến trẻ em, tương lai và là sự phong phú, cũng như là hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam cũng như cho thế giới.
Ngày nay, thế giới ngày càng lão hóa, xã hội Nhật cũng vậy, ngày càng mất bóng trẻ em, nhưng Giáo Hội và xã hội Việt Nam vẫn còn rất nhiều trẻ em, đây là hồng ân Chúa ban cho chúng con, xin cho chúng con biết trân qúy, gìn giữ và giáo dục, để tương lai của Giáo Hội và xã hội Việt Nam được tươi đẹp.
10) Truyền thống Tháng "Xá Tội Vong Nhân" nhân ngày 1/11/2006
Ở Việt Nam, nhiều nơi còn giữ được nhiều truyền thống đạo đức tốt đẹp như vào đầu tháng 11, mọi tín hữu cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong luyện ngục, bắt đầu từ ngày mồng 1 tới mồng 5, các giáo xứ tổ chức đi viếng nghĩa địa để lãnh ơn toàn xá với ý nguyện cầu cho các linh hồn, Các linh hồn đang được thanh luyện nơi luyện ngục thì cũng trông chờ vào những người thân để cầu nguyện cho họ, bởi mỗi năm chỉ có một dịp đặc biệt như thế. Ðây thực sự là một sự hiệp thông tuyệt vời trong mầu nhiệm các thánh thông công, và mỗi người chúng ta suy nghĩ về chính thân phận con người nay còn mai mất của mình.
Cộng đoàn đang nối tiếp tinh thần truyền thống "Xá Tội Vong Nhân" vào rằm tháng Bảy Âm Lịch mỗi năm của các tín hữu Phật gíao
Mỗi khi có dịp về thăm nhà, nhiều người không quên theo mẹ ra nghĩa địa để thăm và cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên cũng như những người than đã khuất. Sau khi cầu nguyện, người ta đi xem, đọc tên những ngôi mộ mới. Có nhiều khi giật mình! Nhiều tên tuổi với những khuôn mặt còn rất trẻ, bây giờ đã nằm yên nghỉ nơi này. Người thì chết vì tai nạn, người thì chết vì bệnh đột xuất... Có tên và khuân mặt chỉ mới hiện diện trên cõi đời vài ba ngày hay chỉ dăm ba tháng tuổi... Nhìn đấy, người ta cám cảnh, chỉ biết thở dài, chấp nhận một sự thật: ôi đời là thế!
Bài thánh ca Kim Long thường hát lên trong những lễ tang rằng:
"Nếu con nhớ than con là cát bụi, nghĩa cuộc đời vĩnh quyết chìm sâu, còn gì đâu ngoài dăm ba tấc đất với tháng ngày thêm một nắm cỏ khô. Nếu con nhớ trăm năm còn có gì, nghĩa địa buồn lạnh lẽo tiếng trùng ca. Trời về khuya tuồng vui khi mãn lớp, nuối tiếc hoài danh vọng cũng vượt xa, thì con ơi hãy lo phụng sự lẽ thật mà tìm ra chân đích của Kiếp Người".
Vâng, đúng như thế! Theo niềm tin Công giáo, làm nhiều điều thiện, sống đời bác ái chân chính thẳng ngay, là một Kitô hữu tốt, nói theo kiểu "tốt đạo, đẹp đời", thì chắc chắn sẽ khỏi lo lắng gì khi thân xác họ trở về với lòng đất. Hồn thiêng thì ra trình diện trước Thiên Chúa chí công, Thiên Chúa sẽ nói với họ: "Hãy đến đây, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dọn sẵn cho các con từ thủa tạo thiên lập địa, vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống... Các con cũng đã tuyên xưng Ta trước vua quan, trước mặt người đời, thì bây giờ Ta cũng tuyên dương các con trước mặt Cha Ta." (Mt 25, 34; 10, 32).
Thánh Phêrô cũng nhắc cho chúng ta: "ngày của Thiên Chúa đến như kẻ trộm" (Pr 3, 10); kiếp sống này cũng chỉ là những khách bộ hành, còn quê hương thật thì ở trên trời. Người chết dậy tôi rằng: chỉ còn công đức làm ở trần gian thôi. Những người chết nhắn nhủ tôi: "Hãy kiên nhẫn làm điều lành đi! Hãy thu tích những thứ không bị mối mọt gậm nhấm, là những thời gian dành để phụng sự Thiên Chúa, là những đồng tiền dành chia sẻ cho người nghèo khó, là những đấu tranh cho công bằng xã hội, là những mồ hôi khó nhọc lao động để kiếm của nuôi than, là những chịu đựng trong bao dung và tha thứ...
Cám ơn những người đã khuất, cám ơn linh hồn các tổ tiên đã gầy dựng nên lịch sử, lịch sử quê hương dân tộc, lịch sử Giáo Hội và vun trồng cho con cháu chúng ta những kho tàng đức tin kiên vững, cho nơi ở vững chắc, vĩnh cửa trên trời. Cám ơn tổ tiên, cám ơn các linh hồn đã khơi dậy nhều bài học vô giá về lẽ sống.
10) Ðại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Liên Cộng Ðoàn Miền Ðông - Hiệp Nhất ngày 10/12/2006
Trong dịp hân hoan này, Ðại Hội đã qui tụ nhiều cộng đoàn tham gia:
Ban vũ Emmanuel
Ca đoàn Cecilia, cộng đoàn Tokyo
Cộng đoàn Kamata
Cộng đoàn Kawagoe
Cộng đoàn Fujisawa
Cộng đoàn Kawaguchi
Cô Thanh Thúy và chị Tuyết Mai
Cộng đoàn Yamato
Cộng đoàn Mizonoguchi
Cộng đoàn Omori
Nhóm múa Cecilia, Tokyo
Từ ngày 1/11/2006, Thông báo về Thánh Lễ của Liên Cộng Ðoàn Miền Ðông này đã được phổ biến:
"Ðược sự đồng ý và cộng tác của Ban Ðại Diện các cộng đoàn trong Liên Cộng Ðoàn Miền Ðông, Ban Ðại Diện Liên Cộng Ðoàn sẽ tổ chức một ngày họp mặt các cộng đoàn trong Liên Cộng Ðoàn, để cùng nhau dọn mình xưng tội chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, cùng hát thánh ca giáng sinh với nhau và nhất là cùng hiệp nhau dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho mọi người, mọi cộng đoàn trong liên cộng đoàn.
Thời Gian: Ngày Chúa Nhật 10 tháng 12 năm 2006
Ðịa Ðiểm: Nhà thờ Kamata, 1-13-12 Shinkamata, Ota-Ku, Tokyo 144-0054, Tel. 03-3738.0844 (xin tham khảo thêm bản đồ đường đi ở mục Cộng Ðoàn Kamata)
Chương Trình: từ 11g00 đến 17g00: xưng tội, hát thánh ca Giáng Sinh và thánh lễ tạ ơn. Chương trình chi tiết sẽ được đăng trên Phụng Vụ Lời Chúa tháng 12."
11) Nhưng thông báo linh tinh khác
Nhưng trong tất cả những dịp tang chế khác, Giáo Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật, Liên Cộng Ðoàn Công Giáo Miền Ðông (Hamamatsu, Tokyo, Fujisawa) và Giáo Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật Liên Cộng Ðoàn Công Giáo Miền Tây (Takatori) cùng với Gia đình Bà Maria Trần Thị Hoan chân thành cảm tạ quý linh mục chánh sở nhà thờ Takatori, Hyogo, Linh mục Cao Son Thân, quý nữ tu Việt Nam và Nhật Bản, Ban Ðại Diện LCÐ Miền Tây, bà con Việt Nhật của Giáo Xứ Takatori, anh chị em trong các cộng đoàn Osaka và Himeji, Ca Ðoàn Kobe đã giúp đỡ, đến thăm viếng, chia buồn, phúng điếu và dâng thánh lễ cầu nguyện cũng như tiển đưa.
Có những sự kiện khác cũng được thông báo như
- Trong tháng 9/2006, dưới sự chủ tọa của cha Cao Sơn Thân, anh chị em trong cộng đoàn Himeji đã bầu lại Ban Ðại Diện cho nhiêm kỳ 2006-2008 với các thành viên sau đây:
Trưởng Ban Ðại Diện: Anh Nguyễn Hữu Ðệ
Phó Ban Ðại Diện: Anh Nguyễn Ðức Tiến
Phó Ban Ðại Diện: Anh Nguyễn Anh Thi
Thủ Qũy: Anh Khổng Minh Trung
Thư Ký: Chị Trịnh thị Chiên
Ban Thánh Ca: Anh Lê Huy Khang và chị Nguyễn thị Bích Nga.
Cộng đoàn cũng xin thông báo cùng qúy ông bà và anh chị em được biết: Cộng Ðoàn đã mời cha Nguyễn Hữu Hiến về dâng Thánh Lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy của cộng đoàn, sẽ được tổ chức vào lúc 8g00 tối thứ bảy 02/12/2006. Xin kính mời qúy ông bà và anh chị em đến tham dự thánh lễ mừng kính thánh Phanxicô Xavie và cầu nguyện cho cộng đoàn. Sau thánh lễ, sẽ có tiệc mừng thánh bổn mạng.
- Tin nhóm chia sẽ lời Chúa 12-2006
Trong tháng 11-2006, Nhóm đã nhận được những đóng góp quảng đại để chia sẻ với các em bất hạnh tại Việt Nam của các Cộng Ðoàn. Tổng kết (từ ngày 01/06/94 đến 25/11/06) được = 31.293.369 yen
- Quỹ giúp nạn nhân bão lụt Miền Trung 12/2006: Chiến dịch quyên góp này kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2006. Mọi đóng góp được gởi về cho Ủy Ban Xã Hôi của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Tổng Cộng Từ trước tới nay (08/10/06-23/11/06 838.250 yen).
Một Nhận Ðịnh Thay Cho Kết Luận
Công đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật còn mới mẻ và nhỏ bé cần được khích lệ trong một nước Nhật có tỷ lệ dân số Công Giáo rất thấp. Biết đâu chính công đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật sẽ là hạt nhân tích cực đem Tin Mừng đến với dân tộc Nhật cùng với nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo Nhật vốn đã nhỏ bé ở châu Á. Trong khi Nhật Bản được nổi tiềng thế giới về những tiến bộ kinh tế, nhưng Nhật Bản chưa góp phần hình thành một tín niệm nhân bản phổ quát thâm sâu cho châu Á và thế giới.
Oakland, CA, Ðỗ Hữu Nhiên sơ cứu tổng hợp ngày 06/02/2007
Ðỗ Hữu Nhiên
Tham Khảo
Bài viết về trại hè của Hoa Lục Bình
Các website: webmaster@vietchurchjp.net;
pvlc@vietchurchjp.net
Phạm Nhân Hậu, Trưởng Ban Ðại Diện Liên Cộng Ðoàn Công Giáo Miền Ðông.
VietCatholic.net