Ý Nghĩa Huy Hiệu Giám Mục

của Ðức Tân Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hà Nội

Lôrensô Chu Văn Minh

 

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ý Nghĩa Huy Hiệu Giám Mục của Ðức Tân Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hà Nội Lôrensô Chu Văn Minh.

1. Trái Tim

Nhìn thấy trái tim, ta nghĩ ngay đến tình yêu.

Sống ở đời ai không muốn được yêu và ai không muốn yêu? Nhưng tình yêu của người đời thường nhuốm mầu vị kỷ, ở đây ta đề cập đến tình yêu Kitô được biểu hiện bằng thánh giá ở trung tâm trái tim.

- Chính bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu

Một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi vị, một cộng đồng mật thiết, Ba Ngôi đó yêu nhau cách tuyệt đối hoàn hảo.

Victor Hugo đã kêu lên:

Nếu không có tình yêu

Thiên Chúa cũng cô liêu!

Và vòm sao lấp lánh

Giống khăn liệm trời chiều!

- Lịch sử thế giới là tình yêu

Chính vì yêu mà Thiên Chúa đã sáng tạo ra vũ trụ và nhân loại để thông ban những phẩm giá cao quý, những nét đẹp của Ngài cho các thụ tạo.

- Lịch sử cứu độ là tình yêu

Chính vì yêu mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận người tôi tớ nơi Ðức Giêsu Kitô và tự nguyện phục vụ nhân loại nhằm đưa nhân loại vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa

- Lịch sử Giáo hội là lịch sử tình yêu

Thánh Thần tình yêu là hồn sống của Giáo hội nhằm đem nhân loại tháp nhập vào Tình yêu của Thiên Chúa.

Ðạo Kitô là đạo yêu thương, mọi giới luật quy về một luật duy nhất, đó là yêu Chúa và yêu người, do đó Giáo hội là một cộng đồng yêu thương, các chức vụ, các tác vụ trong Giáo hội là để thực thi yêu thương.

- Ðời người là một trường học yêu thương.

Yêu là muốn và làm điều tốt cho người mình yêu. Ðức ái nơi chúng ta được thể hiện bằng sự đồng cảm theo gương Ðức Giêsu, Ðấng đã biết đồng cảm với những vui buồn, thành công, thất bại với những nỗi yếu hèn của nhân loại, với tất cảnhững ai cần được ủi an và nâng đỡ, nhưng đức ái không phải chỉ là tình cảm xuông, đức ái mà không có việc làm là đức ái chết, đức ái phải thể hiện bằng những hành động yêu thương cụ thể.

2. Bàn Tay

Hình ảnh bàn tay tượng trưng cho hành động, việc làm.

Tình yêu được diễn tả qua những cử chỉ, hành vi thực tế.

- Ðó là bàn tay sáng tạo mạnh mẽ và uy quyền của Thiên Chúa, như trong Thánh vịnh ca tụng:

Nắm trong tay bao vực sâu lòng đất,

Giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.

Ðại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa,

Lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc vê Người.

- Ðó là bàn tay của Ðức Giêsu Kitô:

Bàn tay của Người ôm lấy các trẻ thơ và chúc lành cho chúng.

Bàn tay Người đặt trên bà mẹ vợ ốm yếu của Phêrô để chữa bệnh.

Bàn tay Người chữa lành những kẻ tật nguyền què quặt, đui mù.

Bàn tay Người làm sạch những kẻ phong cùi.

Bàn tay Người cầm tay bé gái con ông trưởng hội đường, bàn tay Người chạm vào người thanh niên ở Naim, bàn tay Người giơ cao gọi Lazarô, đã làm cho tất cả những người chết đó sống lại.

Bàn tay nắm lấy Phêrô kéo ông khỏi chìm đắm trong tình trạng kém tin.

Ban tay Người giơ cao để xua trừ ma quỷ khỏi anh thanh niên bị ám.

Bàn tay Người giơ lên ban ơn tha thứ cho tội nhân.

Và cuối cùng bàn tay Chúa đã phải đóng đinh trên thập giá, dâng hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại.

Ðó là bàn tay nhân ái thực hiện những hành vi yêu thương.

Ðức Giêsu là Chúa và là Thầy đã đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và thí mạng sống mình vì đoàn chiên.

- Ðó cũng là bàn tay của chúng ta, sau khi chịu phép Thánh Tẩy, những người tín hữu, đặc biệt là Giám mục, phải là cánh tay nối dài của Ðức Kitô, tiếp tục thực hiện tác vụ bác ái trên đường đời .

3. Mũ Và Dây Tua

Mũ và dây tua là biểu tượng của chức Giám mục.

Giám mục qua bí tích truyền chức thánh, đón nhận nơi tâm hồn mình đức ái mục tử của Ðức Kitô.

Như các tông đồ xưa, Giám mục được kêu gọi và sai đi loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Thánh Augustinô định nghĩa toàn bộ thừa tác vụ Giám mục như là tác vụ tình yêu. Ngài còn nói: "Cứ yêu đi, rồi làm gì hãy làm."

Ðức ái như đá thử vàng, Ðức ái thánh hóa và biến mọi việc bình thường trở nên cao quý.

Thừa tác phục vụ đòi hỏi nơi Giám mục lòng nhân từ và nhẫn nại, biết cảm thông và chạnh thương trước những khổ đau tâm hồn và thể xác của con người; có tinh thần bao dung và tha thứ để diễn tả trọn vẹn khuôn mặt gương mẫu của Ðức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành.

Ðức ái Kitô giáo tuy cao quý, nhưng chỉ có thể chinh phục được người đời khi nó được thực thi bằng những nghĩa cử yêu thương hàng ngày. Thời nay, người ta không cần những người nói hay nói tốt, nhưng cần những chứng nhân và những chứng tá của tình yêu. Như xưa Tôma muốn lấy ngón tay đặt vào vết đinh, đưa bàn tay xỏ vào cạnh sườn, chạm vào trái tim Chúa Giêsu, vì đó là dấu hiệu của tình yêu chân thực thì ông mới tin. Người thời nay ưa thực tế, họ muốn được cảm thấy, nhìn thấy, nắm lấy tình yêu.

4. Mầu Sắc

Ba mầu xanh, nâu, đỏ tượng trưng cho Thiên - Ðịa - Nhân.

Hai gam màu nóng lạnh, tuy tương phản nhưng lại tạo nên một tổng thể hài hòa. Cũng vậy, tinh thần Phục Vụ Trong Ðức Ái sẽ nối kết những khác biệt, đối nghịch, cải hóa và canh tân toàn thể xã hội, khiến con người tràn trề sức sống, an bình, tươi vui, hạnh phúc.

Giữa tối lạnh mênh mang

Trái tim hồng bừng cháy

Chiếu soi, sưởi ấm đời.

5. Thánh Giá

Cây Thánh Giá kép được kết bằng cây tre, cành trúc, biểu hiện tính cách Việt Nam đơn sơ, mộc mạc, thẳng thắn, trung thực, nghĩa tình. Cây Thánh Giá nhỏ biểu hiện thân phận nhỏ bé của con người nương dưới bóng cây Thánh Giá lớn của Ðức Giêsu Kitô, như ngành kết liền với thân, tượng trưng: tuy ta nhỏ bé nhưng kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, ta sẽ trở nên hùng mạnh, vì ơn Chúa đủ cho ta.

Như thế, Giám mục là thừa tác viên được Chúa Giêsu sai đi để rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng phụng sự tha nhân, nhất là những người cùng khổ thiếu thốn. Những chứng tá bác ái và công việc từ nhân đó được thể hiện bằng sự thánh thiện, khiêm tốn và vui vẻ trong cuộc sống hàng ngày. Ðời chỉ "đẹp" khi nó được cho đi theo gương Chúa Giêsu Kitô, Người Mục Tử Nhân Lành.

Tay nhỏ bé nâng bầu tim đỏ

Giữa thinh không soi tỏ trần gian

Ðó là ước mong tốt đẹp của đời tôi, nguyện Thiên Chúa chúc lành, Ðức Maria phù trợ và xin mọi người hiệp ý giúp tôi thực hành.

 

Hà nội 07-11-2008

Lôrensô Chu Văn Minh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page