Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ khai mạc
Khoá Họp Thông Thường lần XII của
Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới
vào sáng Chúa Nhật mùng 5 tháng 10 năm 2008
tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngọai Thành
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ khai mạc Khoá Họp Thông Thường lần XII của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới vào sáng Chúa Nhật mùng 5 tháng 10 năm 2008, tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngọai Thành.
Chư Huynh đáng kính trong hàng giám mục
Quý Anh em trong hàng linh mục,
Anh chị em thân mến!
Bài đọc thứ nhất, từ sách tiên tri Isaia, cũng như bài Phúc Âm theo thánh Mathêu, cả hai đều trình bày cho cộng đoàn phụng vụ chúng ta đây một hình ảnh ẩn dụ của Kinh Thánh: đó là hình ảnh vườn nho mà chúng ta cũng đã nghe nói đến trong những Chúa Nhật trước. Ðoạn khởi đầu của bài Phúc Âm nhắc đến "bài ca vườn nho" trong sách tiên tri Isaia. Ðây là bài ca được đặt trong khung cảnh mùa thu đi hái nho: một tiểu tuyệt tác của thi ca do thái, đã trở nên khá quen thuộc đối với các thính giả của Chúa Giêsu; từ bài ca này cũng như từ những lời khác nữa cùa các tiên tri (x. Os 10,1; Gier 2,21; Ez 17, 3-0; 19,10-14; TV 79, 9-17), người ta hiểu rõ rằng vườn nho đây là Dân Israel. Thiên Chúa dành cho vườn nho của Ngài, cho Dân được tuyển chọn những sự chăm sóc, giống như những sự chăm sóc mà vị hôn phu trung thành dành cho hôn thê của mình (x. Ez 16,1-14; Eph 5,25-33).
Hình ảnh vườn nho, cùng với hình ảnh tiệc cưới, mô tả chương trình Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi, và được hiểu như một ẩn dụ cảm động về giao ước của Thiên Chúa với Dân Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lấy lại bài ca của Isaia, nhưng thích ứng với các thính giả của ngài và với thời mới của lịch sử cứu rỗi. Chúa không nhấn mạnh nhiều về vườn nho, nhưng nhiều hơn về những người làm vườn nho, mà các "tôi tớ" của ông chủ đến nhân danh chủ, để đòi tiền mướn vườn nho. Tuy nhiên, các tôi tớ bị đối xử tệ và cả bị giết chết nữa. Làm sao không nghĩ đến những biến cố thăng trầm của Dân được tuyển chọn và đến số phận được dành cho những ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến? Cuối cùng, ông chủ vườn nho thực hiện giải pháp cuối cùng: Ông sai chính con mình đến, với xác tín rằng ít ra họ sẽ nghe lời người con này. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra: những người làm vườn nho ra tay giết chết người con đó, chỉ vì lý do đây là người con, nghĩa là kẻ thừa tự, vì họ xác tín làm như vậy họ có thể dễ dàng chiếm lấy vườn nho. Chúng ta chứng kiến một bước cao hơn trên bình diện tố cáo việc lỗi phạm công bằng xã hội, như được nổi bậc trong bài ca của Isaia. Ở đây chúng ta thấy rõ như thế nào việc khinh thị mệnh lệnh của chủ vườn nho được biến thành sự khinh thị đối với bản thân ông chủ: đây không phải là việc bất tuân thông thường đối với luật Chúa, mà là việc thật sự loại trừ Thiên Chúa: như thế xuất hiện mầu nhiệm Thập Giá.
Tất cả những gì bài Phúc Âm lên tiếng tố cáo, đều cảnh báo cách thức chúng ta suy nghĩ và hành động. Trang Phúc âm này không những chỉ nói về "giờ" của Chúa Kitô, về mầu nhiệm thập giá trong giây phút đó, nhưng về sự hiện diện của Thập giá trong tất cả mọi thời. Một cách đặt biệt, bài Phúc Âm cảnh tỉnh những dân tộc đã lãnh nhận việc rao giảng Tin Mừng. Nếu nhìn về lịch sử, chúng ta bị bắt buộc ghi nhận không những sự lạnh lùng và sự nổi loạn của những người kitô không sống phù hợp với đức tin. Hậu quả của những gì vừa nói là Thiên Chúa, dù không bao giờ thiếu sót trong lời hứa ban ơn cứu rỗi, lại đã phải dùng đến hình phạt. Trong khung cảnh này, tự nhiên chúng ta nghĩ đến việc rao giảng Phúc Âm lần đầu tiên, mà từ đó đã phát sinh những cộng đoàn kitô lúc đầu phồn thịnh, nhưng sau đó từ từ biến mất, và ngày nay chỉ còn được ghi lại trong các sách về lịch sử. Thử hỏi không xảy ra một điều như vậy, trong thời đại chúng ta đây hay sao? Các dân nước, một thời trước đây đã có đức tin phong phú và nhiều ơn gọi, nhưng giờ đây làm mất chính căn cước của mình, dưới ảnh hưởng xấu và tàn phá của một thứ văn hoá hiện đại. Có những người, sau khi quyết định rằng "Thiên Chúa đã chết", thì lại tuyên bố chính mình là "Thiên Chúa", vừa cho mình là kẻ duy nhất xây dựng vận mệnh của mình, là người chủ tuyệt đối của thế giới. Giải thoát chính mình ra khỏi Thiên Chúa và không chờ đợi ơn cứu rỗi từ Thiên Chúa, con người tưởng mình có thể làm bất cứ điều gì mình thích và có thể đặt mình làm mẩu mực duy nhất cho chính mình và cho chính hành động của mình. Nhưng khi con người loại Thiên Chúa ra khỏi chân trời của mình, khi con người tuyên bố Thiên Chúa đã chết, thì thử hỏi con người có hạnh phúc hơn không? Con người có trở thành tư do hơn không? Khi con người tuyên bố chính mình là ông chủ tuyệt đối của chính mình và là chủ duy nhất của tạo vật, thì thử hỏi con người có thể thật sự xây dựng một xã hội, mà trong đó có ngự trị sự tư do, công bằng và hoà bình hay không? Như bản tin hằng ngày chứng minh rõ ràng, người ta không nới rộng ra phạm vi quyết định của quyền hành, mở rộng thêm những lợi lộc ích kỷ, sự bất công và lạm dụng, bạo lực trong mọi hình thức hay sao? Cuối cùng, người ta đi đến việc con người cảm thấy mình cô đơn hơn, và xã hội trở thành chia rẻ hơn và lẩn lộn nhiều hơn.
Nhưng trong những lời của Chúa Giêsu, còn có lời hứa: vườn nho không bị huỷ diệt. Khi không bỏ mặc những người làm vườn nho cho số phận của họ, Ông chủ không bỏ rơi vườn nho của mình, nhưng trao vườn nho cho những kẻ khác, những tôi tớ trung thành của ông. Ðiều này cho thấy rằng nếu tại vài vùng đức tin bị suy yếu cho đến mức tàn lụn mất, thì vẫn luôn có những dân tộc khác sẵn sàng đón nhận Ðức Tin. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu, --- khi trích lại câu thánh vịnh 117 (118), câu 22, rằng: "Tảng đá mà những thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá góc tường" (v.22), --- bảo đảm rằng cái chết của Ngài không phài là cuộc thua trận của Thiên Chúa. Bị giết chết, Chúa Giêsu không ở lại mãi trong Mộ; nhưng ngược lại, chính điều xem ra như là một sự thất bại hoàn toàn, thì lại ghi dấu điểm khởi đầu của một chiến thắng vĩnh viển. Vinh quang Phục Sinh tiếp liền sau khổ nạn và cái chết trên Thập giá. Vườn nho sẽ tiếp tục sinh trái và sẽ được Ông Chủ đem cho những kẻ khác mướn; những người này sẽ trả huê lợi cho ông đúng lúc đúng mùa" (Mt 21,41).
Hình ảnh vườn nho, cùng với những hệ luận của nó trên bình diện luân lý, giáo lý và thiêng liêng, sẽ xuất hiện trở lại trong bài diễn văn của Bửa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu nói trong diễn văn từ giả các tông đồ rằng: Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào trong thầy mà không trổ sinh hoa trái, thì ngài chặt đi; và cành nào trổ sinh hoa trái, thì ngài cắt tỉa, để trổ sinh hoa trái nhiều hơn" (Gn 15,1-2). Từ biến cố Vượt Qua, lịch sử cứu rỗi sẽ được đổi chiều một cách quyết định, và những tác nhân chủ yếu sẽ là "những kẻ làm thuê khác", được gắn chặt vào Chúa Kitô, cây nho thật, như những ngành nho được tuyển chọn, sẽ trổ sinh nhiều hoa trái sự sống đời đời (x. Lời nguyện Thánh Lễ). Trong số "những người làm vườn nho" này, có chúng ta trong đó, được gắn chặt vào Chúa Kitô, Ðấng là cây nho thật. Chúng ta cầu xin Chúa, Ðấng trao ban cho chúng ta Máu Thánh Người, Ðấng ban cho chúng ta Chính Ngài trong Bí Tích Thánh Thể, (chúng ta cầu xin Chúa) giúp chúng ta trổ sinh hoa trái cho sự sống đời đời và cho thời đại chúng ta đây.
Sứ điệp đầy an ủi mà chúng ta tiếp nhận từ những đoạn Kinh Thánh là sự chắc chắn rằng sự dữ và cái chết không nói lời cuối cùng, nhưng Chúa Kitô mới là kẻ chiến thắng cuối cùng. Ngài luôn luôn là kẻ chiến thắng! Giáo Hội không mệt mõi tuyên bố Tin Mừng, như đang diễn ra hôm nay, tại Vương Cung Thánh Ðường đã được dâng hiến cho vị Tông Ðổ của các dân tộc. Thánh nhân là kẻ đầu tiên đã phổ biến Phúc Âm trong những vùng rộng lớn của Tiểu Á và của Âu Châu. Một cách có ý nghĩa, chúng ta hãy lặp lại lời loan báo này trong suốt khoá họp lần thứ XII của Khoá Họp Thông Thường Thượng Hội Ðồng Giám Mục, về chủ đề: "Lời Chúa trong đời sống và trong sứ mạng của Giáo Hội.
Thưa các nghị phụ đáng kính, và thưa tất cà những ai tham dự vào cuộc gặp gỡ này trong tư cách là chuyên viên, dự thính viên và khách mời đặc biệt, tôi xin chào tất cả với tâm tình mộ mến. Ngoài ra, Tôi vui mừng được tiếp đón những Phái Ðoàn Anh em của những Giáo Hội và những Cộng Ðoàn Giáo Hội khác. Tôi xin cám ơn tất cả những ai thuộc về Văn Phòng Tổng Thư Ký của Thượng Hội Ðồng Giám Mục và những công tác viên của Văn Phòng này, vì sự dấn thân làm việc trong những tháng qua, vừa đồng thời khích lệ họ vì những cực nhọc đang chờ đợi trong những tuần lễ sắp đến.
Khi Thiên Chúa nói, thì Ngài luôn muốn được đáp lại; hành động cứu rỗi của ngài đòi hỏi sự cộng tác của con người; tình yêu của ngài chờ được phúc đáp. Anh chị em thân mến, ước chi đừng bao giờ xảy ra điều mà bản văn kinh thánh nói về vườn nho: "Ông chủ chờ đợi chùm nho ngon, nhưng nó lại trổ sinh những trái chua" (Is 5,2), Chỉ Lời Chúa mới có thể thay đổi tận cỏi thâm sâu tâm hồn con người; và điều quan trọng là mỗi tín hữu và các cộng đòan bước vào trong mối tương quan càng ngày càng thân tình hơn với Lời Chúa. Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ chú ý đến chân lý căn bản này cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa, là trách vụ đầu tiên và căn bản của Giáo Hội. Thật vậy, nếu việc rao giảng Phúc âm là lý do hiện hữu và là sứ mạng của Giáo Hội, thì điều cần thiết là Giáo Hội biết rõ và sống điều mình rao giảng, ngõ hầu công việc rao giảng của mình được đáng tin, mặc cho những yếu đuối và những nghèo hèn của những con người kết thành giáo hội. Hơn nữa, chúng ta biết rằng việc rao giảng Lời Chúa, nơi trường học của Chúa Kitô, có nội dung của nó là Nuớc Thiên Chúa (x. Mc 1, 14-15), mà Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu, Ðấng cống hiến ơn cứu rỗi cho con người mọi thời đại, bằng lời nói và hành động của Người. Về vấn đề này thì nhận định của Thánh Giêrônimô rất có ý nghĩa như sau: "Ai không biết Kinh Thánh, thì người đó không biết quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Không biết Kinh Thánh có nghĩa là không biết Chúa Kitô." (Prologo al commento del profeta Isaia: PL 24,17).
Trong Năm dành cho thánh Phaolô, chúng ta sẽ nghe vang lên với sự khẩn thiết đặc biệt, (nghe vang lên) tiếng nói của vị Tông Ðồ các dân tộc như sau: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1 Co 9,16); tiếng nói này đối với từng người kitô trở thành lời mời gọi khẩn thiết hãy dấn thân phục vụ Chúa Kitô. "Lúa chín đầy đồng" (Mt 9,37), ngày hôm nay, Thầy chúng ta vẫn còn lặp lại: biết bao người chưa gặp được Ngài và còn đang chờ lời rao giảng Phúc âm đầu tiên; những người khác, dù đã nhận được nền giáo dục kitô, nhưng không còn hăng say nữa và chỉ còn giữ một tương quan bề ngoài với Lời Chúa; và những người khác nữa thì rời xa việc thực hành đức tin và đang cần một công cuộc rao giảng Phúc âm mới. Tuy nhiên cũng không thiếu những con người có cảm nhận đúng đang đặt ra những câu hỏi thiết yếu về ý nghĩa sự sống và cái chết, những câu hỏi mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể cung cấp những câu trả lời thõa đáng. Bấy giờ điều cần thiết cho những người kitô thuộc mọi đại lục biết sẵn sàng trả lời cho những ai muốn biết về niềm hy vọng nơi họ" (x. 1 Phêrô 3,15), vừa vui mừng rao giảng Lời Chúa và sống Phúc Âm mà không thõa hiệp.
Thưa chư huynh thân mến và đáng kính, nguyện xin Chúa trợ giúp chúng ta, để cùng nhau tự vấn mình, trong những tuần lễ họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp đến, về cách thức làm sao cho việc rao giảng Phúc Âm trở nên mỗi ngày một hữu hiệu hơn trong thời đại chúng ta đây. Tất cả chúng ta đều ý thức sự cần thiết phải đặt Lời Chúa vào trung tâm cuộc sống chúng ta, cần tiếp nhận Chúa Kitô như là Ðấng cứu chuộc duy nhất của chúng ta, như là đích thân Nước Thiên Chúa, đề làm sao ánh sáng của Ngài chiếu soi mọi lãnh vực cuộc sống nhân lọai: từ gia đình đến học đường, đến lãnh vực văn hóa, lao động, thời giờ nhàn rỗi và những lãnh vực khác nữa của sinh họat xã hội cũng như của đời sống chúng ta. Khi tham dự vào việc cử hành thánh thể, chúng ta luôn ý thức về mối tương quan chặt chẽ giữa việc rao giảng Lời Chúa và Hy tế Thánh Thể: đây là cùng một Mầu nhiệm được đưa ra cho chúng ta chiêm niệm. Ðó là lý do tại sao "giáo hội - như Công Ðông Vaticanô II nhấn mạnh - đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như tôn kính chính Thân Thể Chúa, vừa không bao giờ thiếu sót, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, trong việc nuôi sống chính mình bằng Bánh Hằng Sống nơi bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô và trao ban tiệc này cho các tín hữu." Công Ðồng đã kết luận đúng như sau: "Cũng như từ việc tham dự thường xuyên vào mầu nhiệm Thánh Thể mà đời sống của Giáo Hội được gia tăng, thì cũng thế người ta có thể hy vọng vào một sức thúc đẩy mới cho đời sống thiêng liêng từ việc tôn kính mỗi ngày một hơn đối với Lời Chúa, Lời "luôn luôn tồn tại" (Dei Verbum, số 21.26).
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được đến với hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa Kitô với đức tin. Nguyện xin Mẹ Maria rất thánh cầu cùng Chúa ban cho chúng ta ơn này. Mẹ là Ðấng "lưu giữ tất cả những điều đó và thường suy niệm trong lòng" (Lc 2, 19). Nguyện xin Mẹ dạy chúng ta biết lắng nghe Kinh Thánh và suy niệm Kinh Thánh, trong một diễn biến nội tâm tiến đến sự trưởng thành hơn, một diễn tiến không bao giờ tách biệt trí khôn ra khỏi con tim. Nguyện xin các Thánh đến trợ giúp chúng ta, nhất là Thánh tông đồ Phaolô, mà trong năm nay chúng ta muốn khám phá mỗi ngày một hơn ngài luôn trung kiên là chứng nhân và là anh hùng của Lời Chúa. Amen.
Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng