Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt

thăm đồng bào vùng lũ lụt ở Hà Nội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt thăm đồng bào vùng lũ lụt ở Hà Nội.

Hà Nội, Việt Nam (04/11/2008) -  Thủ Ðô Hà Nội bị ngập lụt qua ngày thứ 5 - Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến những vùng bị lũ lụt để thăm hỏi các đồng bào trong các vùng lũ lụt.

Ngày thứ 5 ngập lụt ở Thủ đô


Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm vùng lũ lụt ở Hà Nội, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân.


Ngày thứ 5 của trận lụt lịch sử ở Hà Nội, nước vẫn ngập và người dân vẫn khốn đốn. Mức nước có rút xuống vài chục phân, nhưng nạn ngập vẫn còn là nỗi đe dọa của nhiều vùng Hà Nội. Nhiều gia đình, cuộc sống bị đảo lộn nghiêm trọng. Nấu bữa ăn không xong thì còn nhờ hàng xóm, còn kê cao lên để đun phích nước sôi pha mỳ tôm mà ăn, nhưng khoản đầu ra thì không thể đi nhờ mãi được. Vì vậy, việc môi trường bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi.

Giá vẫn là mức trên trời, nhiều gia đình chật vật với những toan tính, lo lắng cho từng bữa ăn của đàn con, cho những sinh hoạt thường ngày đã vô cùng vất vả. Nhiều gia đình hai ông bà cụ già, cụ ông bị ốm, còn cụ bà thì đi sơ tán... Các cháu nhỏ vẫn phải nghỉ học, những khu vực dân cư gần như bị đảo lộn những sinh hoạt thường ngày, đường Giải phóng thành chợ, thành bến xe... Những chuyến xe tải chở đất, chở trâu bò nay dùng chở người, chở ô tô và xe máy qua những con sông mà đáy làm bằng bê tông átphan cũng kiếm bộn tiền với giá 80,000 đồng/lượt với vài trăm mét đường bộ. Cả đoạn đường đầy mùi xú uế của bến xe và chợ ngay đầu đường vào Giáp Bát, nhộn nhạo, hôi hám và rác rưởi.

Nhà cửa nhếch nhác, hôi hám bẩn thỉu. Rác rưởi, phế thải trôi đầy ngõ xóm, đường làng, vào tận phòng khách, phòng ngủ và bếp của nhiều gia đình. Chắc chắn việc khắc phục hậu quả của trận lụt này còn phải mất nhiều thời gian.

Ðời sống người dân khốn đốn, nhiều gia đình sống dở chết dở với nạn lụt. Người ta mong ngóng, người ta trông chờ những tấm lòng hào hiệp và hảo tâm của cộng đồng như những khi họ đã góp tiền bạc vật chất cho những nơi bị thiên tai. Nhất là họ đã ngóng chờ những động thái từ chính quyền và hàng loạt các cơ quan đoàn thể đang ngày đêm được nuôi nấng bằng những đồng tiền ngân sách quốc gia mà họ là người có nghĩa vụ đóng góp.

Nhưng, sự chờ đợi của họ thật hoài công và uổng phí. Họ đâu biết rằng, báo chí trước đây là công cụ đắc lực để kêu gọi những tấm lòng nhân ái, những bát cơm phiếu mẫu cho những nạn nhân thiên tai và nhân tai, thì nay đã bị cấm làm công tác cứu trợ nếu như không có "giấy phép"? Ðã có chỉ thị, chính sách quy định rõ ràng về việc cứu trợ phải tập trung tiền, hàng về Mặt trận Tổ Quốc. Và cũng từ đó, báo chí hết cả nỗ lực kêu gọi và cứu trợ như trước đây để cho Mặt trận Tổ quốc lo cái nhiệm vụ - hay quyền lợi đó.

Việc cứu trợ từ các ân nhân, từ các tổ chức không được rầm rộ và hiệu quả như trước cũng chẳng trách được ai. Người ta còn nhớ những vụ tham nhũng tiền cứu trợ xảy ra cách đây chưa lâu như những bài học nhãn tiền. Vụ cứu trợ lụt bão ở Nghệ An, ba tỷ đồng đã bị các đồng chí xén mất một tỷ, vụ Hà Tĩnh, 26 tỷ đồng cứu trợ bị xà xẻo mà báo chí đã đưa om sòm, sau thấy im hơi lặng tiếng theo đúng lề đường đã vạch mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

Còn gì dã man hơn lòng người khi cướp luôn cả miếng cơm khi đói của những nạn nhân được người khác chia sẻ? Những kẻ táng tận lương tâm đó đã để lại trong lòng người dân những nỗi chán chường và việc nhường cơm sẻ áo, có khi chỉ còn là chuyện của dĩ vãng về mối quan tâm mội người, một truyền thống đạo đức tốt đẹp.

Bên mép nước, rỗi rãi vì không có việc gì làm, một cụ già đã hóm hỉnh nói: "Có gì lạ khi bị cắt xén, xà xẻo những đồng tiền cứu trợ nạn nhân đâu, đó là những thứ ăn được mà. Ở ta, cái gì mà chẳng cắt, chẳng xén? Có những thứ không ăn được còn bị cắt xén nữa là, câu nói của Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt có ăn được đâu mà vẫn cứ bị chúng nó cắt xén như thường đấy thôi" . Nhiều cụ khác cười xòa, một cụ ra chiều suy nghĩ: "Ðược chứ bác, câu nói đó không ăn được, nhưng cơ hội kiếm ăn từ sự cắt xén đó là không nhỏ đâu" . Ðến chịu các cụ, quả là nhàn cư vi... lắm chuyện.

Nạn lụt lội vẫn đang hoành hành và những hậu quả của nó không nhỏ. Những nạn nhân thì cứ vậy mà quằn quại và chấp nhận số phận mình, chẳng biết kêu ai. Thành phố Hà Nội đã đánh giá ngày hôm kia là thiệt hại 3,000 tỷ đồng và 18 người chết. Những thiệt hại về người đó là dân, những thiệt hại kinh tế thì người dân đang chịu trực tiếp, không biết nhà nước đã tính vào con số 3,000 tỷ đồng kia chưa?

Những thùng hàng cứu trợ cho... cán bộ chính quyền?

Từ khi nước ào ào đổ xuống dâng đầy đường phố và các ngõ xóm, nơi đâu thì không chứng kiến được vì không thể ra khỏi làng. Nhưng nơi tôi ở, cả mấy chục nhà xung quanh thậm chí khó có thể nấu một bữa cơm ăn, vì nhà cửa ngập hết, chăn chiếu ướt sũng, phải lánh nạn hoặc ngâm mình chịu trận... đến nay đã 5 ngày. Nhưng chưa thấy bất cứ một cán bộ "của dân, do dân, vì dân" nào từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất thăm hỏi xem ai còn sống và ai đã chết.


Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm vùng lũ lụt ở Hà Nội, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân.


Sáng nay, ngày 4/11/2008, sau một trận ngủ vùi vì rỗi rãi đến tận 8 giờ. Vừa bước ra ngõ đã thấy hàng xóm đang bàn luận, tranh cãi về chuyện cứu trợ ra chừng bức xúc, một chị hàng xóm nổi nóng. "Từ nay, đừng có nói chuyện cứu trợ lụt bão cái con mẹ gì nữa nhé, cứu trợ nạn nhân lụt lội hay cứu trợ cho cán bộ"? Một cụ già ấm ức "trách gì những vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa không bao giờ được chút cứu trợ cũng chẳng có gì lạ. Ngay giữa thủ đô này thôi, bây giờ hàng cứu trợ được cấp cho cán bộ chứ chẳng cần biết nạn nhân là ai". Nhà cụ cả mấy ngày nay cũng đang khốn khổ vì nạn ngập nhà.

Hỏi ra thì được biết: Sáng nay, khi thấy phường bên cạnh có được nhận mỳ tôm cứu trợ, chị hàng xóm nhà tôi mới gọi Tổ trưởng dân phố để hỏi. Sau khi đi ra Phường, tổ trưởng dân phố mang về hai thùng hàng cứu trợ nghe nói là của Thành Phố. Một thùng cho ông, còn một thùng nữa cho ông tổ phó dân phố. Khi những người ngập nhà đến hỏi, thì ông bảo đây là của cán bộ chính quyền cơ sở và gia đình chính sách mà thôi? Thế là cả ngõ xóm rộ lên những lời ấm ức tuyệt vọng.

Hỡi ôi, hàng cứu trợ bão lụt lại không căn cứ hậu quả bão lụt, chẳng cần biết ai là nạn nhân, lại phân chia theo kiểu "đường sữa từ trên phát xuống", ngay cả một ông có hai ngôi nhà năm tầng liền nhau và một ngôi nhà hai tầng cho thuê cao lừng lững không hề ngập lụt cũng được chia một thùng hàng cứu trợ. Còn người dân sống ngâm da mấy ngày nay chỉ đứng nhìn mà ấm ức thì họ không bất bình mới là chuyện lạ. Những lời qua, tiếng lại mát mẻ cứ thế được dịp bùng phát.

Chừng như thấy ngại cho chính sách cứu trợ của chính quyền, vì tổ phó dân phố đâu có ngập nhà, đâu có túng đói, nên ông sang bàn với tổ trưởng đem chia đều hai thùng mỳ tôm cho mọi nhà. Thấy câu chuyện vừa buồn cười vừa bực mình, tôi hỏi: "Ai bảo bác là chia đều mỗi nhà một gói mỳ tôm vậy?" ông bảo "tôi quyết định". Tôi nói "Người dân không phải chỉ trông chờ vào gói mỳ tôm hay ít vật chất nào, nhưng cái họ chờ là sự quan tâm của những người là cán bộ của dân cơ ông ạ. Chưa thấy một cán bộ nào đến hỏi thăm dân đã chết hay còn sống, nên họ bức xúc thôi, ông đừng chia, họ không nhận những gói mỳ tôm kiểu đó, họ cần những tấm lòng hơn". Ông bảo "họ bận, ông cán bộ mặt trận có đến nhà tôi rồi". Nhiều người bức xúc "Họ bận gì, cán bộ hàng lớp từ thành phố đến quận, phường... ăn lương của dân mà những khi này không đến hỏi thăm một lời, thì họ bận việc gì? Thử bắt đầu làm cái nhà xem, có khi nào thoát được mấy ông cán bộ của dân đến hỏi thăm ngay không? Thử xem các khoản đóng góp tiền xem, có khi nào ông cán bộ bỏ sót nhà dân nào không?" Quả là đến chịu. Mấy gói mỳ cứu trợ cho cán bộ, không khéo lại nảy sinh những ấm ức khác trong lòng người dân. Ðúng thật, không chỉ "một miếng khi đói bằng một gói khi no", mà "lời chào còn cao hơn mâm cỗ" là những câu nói người xưa đã đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ðến chiều thì câu chuyện cứu trợ lụt bão càng thêm nhiều chuyện hài hước. Một chị ngập nhà đã mấy ngày, khi nhận được 3 gói mỳ tôm đã thắc mắc: "Bên phường cạnh, mỗi nhà được một thùng mỳ tôm, ở đây nhà cháu có 4 người, được 3 gói mỳ tôm ai ăn ai nhịn hả ông?" thì được cán bộ trả lời: "Thêm rau muống vào cho đủ mà chia nhau" .

Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm hỏi nạn nhân lụt lội

Chiều nay, Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến Làng Tám, thuộc phường Giáp Bát để thăm các nạn nhân sau khi Ngài đã đi qua thăm trường Bế Văn Ðàn, nơi có một học sinh đã chết đuối ngay giữa lòng Thủ đô.


Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm vùng lũ lụt ở Hà Nội, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân.


Nghe tin Ðức Tổng về Làng Tám, giáo dân nô nức đón Ðức Tổng ngay từ đầu làng. Sau những trận đòn hội chợ của truyền thông lăng mạ và kết tội. Sau những đêm kinh hoàng với những nhóm "quần chúng yêu nước" hò hét kêu gọi giết chết Ðức Tổng một cách khát máu. Ngài ít khi ra ngoài, xung quanh nhà Ngài ở đã có hệ thống camera theo dõi cẩn thận (Sau này, nghe nói hình như thấy hình ảnh quá nhiều và quá lộ liễu một việc làm vi phạm pháp luật ngang nhiên, người ta đã thu gọn lại một vài chỗ kín đáo hơn). Những tháng ngày qua, Ngài như "tự quản chế" ngay giữa lòng Thủ đô. Những cuộc lễ đã có chương trình trước như Thêm Sức cho trẻ em ở các giáo xứ, đều đã bị bãi bỏ. Chỉ có những việc chẳng đặng đừng như việc tấn phong Giám mục Ngài không thể không đi thì Ngài mới ra ngoài.

Mọi người đều biết, chẳng phải Ngài sợ hãi gì cho bản thân khi Ngài đã quyết hiến cho Chúa trái tim dũng cảm. Nhưng Ngài không muốn cho những kẻ bất chấp lẽ phải có cơ hội tạo thêm nhiều rắc rối, căng thẳng làm mâu thuẫn tôn giáo ngày càng tăng trong xã hội.

Nhưng những việc tang, việc thăm hỏi các nạn nhân, bao giờ Ngài cũng không từ nan, dù biết có nhiều nguy hiểm cho bản thân. Vài tuần trước, Ngài đã đi viếng và làm lễ an táng một cụ cố ở Hà Nam khi người về với Chúa.

Trái ngược với hình ảnh thường thấy của những quan chức nhà nước đến thăm nạn nhân bão lụt với hàng đoàn ô tô, ghe xuồng đưa đón, người cầm ô, kẻ đưa rước. Thậm chí có những cuộc cứu trợ đã được nói đến là tốn phí cho việc quan chức đi thăm còn gấp mấy số tiền được đưa đi cứu trợ.

Chiều nay, Ngài đã xuống đến Làng Tám, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân. Có những chỗ nước sâu ngập hết cả hai ống quần với làn nước dày đặc bèo, rác và muôn vàn thứ bẩn thỉu và hôi hám.

Ngài đã không ngại ngần mưa gió, ướt át và bẩn thỉu đến thăm những người dân này đã mấy ngày nay không bước chân ra khỏi nhà vì nước ngập, vì ốm đau. Ngài đến thăm "chú bé" đã hơn 20 tuổi vẫn nằm nguyên một chỗ với ông bà nội, nay mưa lũ phải di chuyển sang ở nhờ nhà khác. Ngài đến thăm những gia đình cô đơn, giả cả, yếu đau bệnh tật... Tất cả thể hiện tấm lòng yêu thương của Ngài, nêu cao tấm lòng tận tụy vì nhân dân, vì tha nhân.

Cuộc viếng thăm của Ngài chiều nay, là thể hiện một sự hi sinh hết mình với tinh thần "Ta đến để phục vụ mà không phải là để được phục vụ" đúng như khẩu hiệu của Ngài đã nói lên tất cả "Chạnh lòng thương".

Ðến gia đình Cụ Hoàng đã trọng tuổi, cụ ông vẫn nằm trên bệnh viện, cụ bà tuổi đã cao, dù nước đã rút được hơn ba chục cm, vẫn còn ngập sâu quá đầu gối mới vào được nhà. Ðến thăm một gia đình ở giữa đường Giáp Bát, khi nước ngập quá sâu giáo dân thấy ái ngại cho Ngài, đã dùng mảng bằng xốp mời Ngài lên, nhưng khi các giáo dân đi theo không thể cùng lên, Ngài đã xuống cùng lội bộ cả quãng đường dài khắp xóm.

Thật cảm động khi người đứng đầu một Tổng Giáo phận đã không quản ngại vất vả, khó khăn và cả nguy hiểm để đến với những con chiên bé mọn của mình. Có những người dân khi được Ðức Tổng đến thăm, đã không cầm được nước mắt vì xúc động. Có những bà cụ già cứ cầm tay mãi không muốn rời. Tất cả đều được coi là một hồng phúc, một hồng ân xuống cho gia đình mình khi được Ðức Tổng đến thăm.

Không chỉ những giáo dân, khi chứng kiến Ðức Tổng lội nước đến thăm các nạn nhân, những người ở tôn giáo bạn và bà con lương dân, đã không khỏi xuýt xoa khi chứng kiến cảnh này. Có cụ già nói lớn với những người xung quanh: "Nhìn ông Tổng Giám mục lội nước đến thăm dân, tôi mới hiểu vì sao khi ông cất lên một tiếng nói, đã có hàng vạn người đứng lên đáp lời với cả tấm lòng mình. Ông ấy chính là hiện thân của sự hi sinh cho dân chúng và cộng đồng".

Chiều nay, khi Ðức Tổng đã lên xe ra về, những tiếng nói, những nụ cười cảm động của những nạn nhân vẫn còn phảng phất, họ thấy mình thật sự hạnh phúc khi có một người cha chung đã không quản gian nguy, vất vả đến với những con chiên bé mọn như mình những khi nguy nan.

Thiết nghĩ rằng không cần nói nhiều, chính những hình ảnh đó đã khẳng định Ngài với trái tim yêu thương, nhân hậu và tinh thần xả thân phục vụ. Chính những hình ảnh, nụ cười, sự hân hoan của giáo dân, sự kính phục của cộng đồng nhân dân mà tôi được chứng kiến chiều nay đã khẳng định uy tín của Ngài được nâng cao hơn bao giờ hết.

Sự tín nhiệm người dân, cộng đồng đặt vào nơi Ngài không phải không có cơ sở. Sự hi sinh, hiến thân và tình yêu thương của Ngài, chính là cơ cở bảo đảm, khẳng định niềm tin yêu của cộng đồng dân chúng giành cho Ngài đã đặt không nhầm chỗ.

Ở Ngài không có những lời hoa mỹ, không có những hành động phô diễn hình thức, cũng không có sự giả tạo và nhất là sự vô cảm thường thấy hiện nay trước nỗi đau nhân quần mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày.

 

Hà Nội, Ngày 4 tháng 11 năm 2008. Ngày thứ 5

 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page