ÐTC Bênêđitô XVI nói về Bế Mạc

Khoá Họp Thượng Hội Ðồng

Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC Bênêđitô XVI nói về Bế Mạc Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa.

Radio Veritas Asia (1/11/2008) - Quý Vị và Các Bạn Thân mến. Trước khi xướng kinh Truyền Tin với các Tín Hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô, vào Trưa Chúa Nhật, 26 tháng 10 năm 2008, ÐTC Bênêđitô XVI, đã nói vài lời về biến cố bế mạc Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, như sau:

Anh chị em thân mến,

Với việc cử hành Thánh Thể vừa kết thúc trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về chủ đề : "Lời Chúa trong Ðời Sống và Sứ Mạng của Giáo Hội", được bế mạc. Mọi Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới đều là một kinh nghiệm sâu đậm về sự hiệp thông giáo hội; nhưng Khoá Họp vừa qua là một kinh nghiệm sâu đậm nhiều hơn, bởi vì điểm trung tâm chú ý của Khoá Họp là điều đang soi sáng và hướng dẫn Giáo Hội: tức Lời Chúa là chính Chúa Kitô. Và các nghị phụ chúng tôi đã sống từng ngày họp, trong tinh thần lắng nghe sốt sắng, vừa ý thức về tất cả ân sũng và nét đẹp của việc được trở nên những môn đệ và những kẻ phục vụ Lời Chúa. Theo ý nghĩa nguyên gốc của từ "Giáo Hội", chúng tôi đã cảm nghiệm được niềm vui, vì được Lời Chúa quy tụ lại, và nhất là trong khi cử hành Phụng Vụ, chúng tôi nhìn nhận mình đang đồng hành với nhau trong giáo hội, như trong miền Ðất hứa, một cuộc đồng hành làm cho chúng tôi được nếm trước về thực tại Nước Trời.

Một khía cạnh đã được suy nghĩ rất nhiều trong Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, là mối tương quan giữa Lời Chúa và những Lời Thánh, nghĩa là giữa Ngôi Lời Thiên Chúa và những Lời Kinh Thánh diễn tả Ngôi Lời. Theo như giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II trong hiến chế Dei Verbum, -- Lời Chúa, --- nơi số 12, một khoa chú giải kinh thánh tốt thì đòi buộc có hai yếu tố này: một là phương pháp phê bình lịch sử và yếu tố thứ hai là phương pháp thần học, bởi vì Thánh Kinh là Lời Chúa được diễn tả trong những lời của con người. Ðiều này đòi buộc rằng mọi đoạn văn kinh thánh cần được đọc và giải thích, trong khung cảnh ý thức về sự hiệp nhất của trọn cả Thánh Kinh, về Truyền thống sống động của Giáo Hội và ánh sáng Ðức Tin. Nếu quả thật Kinh Thánh cũng là một tác phẩm văn chương, và còn hơn thế nữa, một bộ sách vĩ đại của nền văn hoá phổ quát, thì cũng đúng thật là Kinh Thánh không nên bỏ mất yếu tố thần thiêng, nhưng cần được đọc trong cùng một Thánh Thần, mà trong đó Thánh Kinh đã được soạn ra. Việc Chú Giải Kinh Thánh một cách khoa học và việc đọc Lời Chúa (Lectio Divina), cả hai đều cần thiết và bổ túc cho nhau, để tìm hiểu , qua ý nghĩa văn từ, (tìm hiểu) ý nghĩa thần thiêng, mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta hôm nay.

Vào cuối Khoá Họp này, các Vị Giáo Chủ của các giáo hội Ðông Phương đã lên tiếng kêu gọi, --- và giờ đây tôi lên tiếng thêm ---, để kêu gọi sự chú ý của công đồng quốc tế, của những nhà lãnh đạo tôn giáo và của tất cả mọi người thiện chí nam nữ, về thảm kịch đang xảy ra tại vài Ðất Nước ở Ðông Phương, tại đó các người kitô phải là nạn nhân của những bất khoan dung và của những bạo hành; họ bị giết, bị hăm doạ và bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa mà đi tìm nơi nương tựa trú ẩn. Trong giây phút này, tôi nghĩ đến nhất là Iraq và Ấn Ðộ. Tôi chắc chắn rằng những dân tộc cổ kính và cao thượng tại những quốc gia này, đã học biết, trong bao thế kỷ chung sống trong tinh thần tôn trọng nhau, (học biết) đánh giá sự đóng góp mà những cộng đoàn kitô thiểu số, tuy nhỏ bé nhưng tích cực làm việc và có khả năng, góp vào cho việc tăng trưởng của quê hương chung. Những cộng đoàn kitô này không đòi những đặc ân, nhưng chỉ mong muốn được tiếp tục sinh sống tại Ðất nước mình và cùng chung với những công dân khác, như đã xảy ra như vậy từ lâu. Tôi yêu cầu những thẩm quyền dân sự và tôn giáo có liên hệ, hãy cố gắng hết sức làm sao ngõ hầu tính cách hợp pháp và sự chung sống dân sự được mau thiết lập lại và ngõ hầu những người dân chân thành chính trực được biết rõ mình có thể tin tưởng vào một sự bảo vệ tương xứng từ phía những cơ quan của Nhà Nước. Tôi cầu chúc sao cho những Vị Hữu Trách dân sự và tôn giáo của tất cả mọi quốc gia trên thế giới, --- với ý thức về vai trò của họ là những kẻ hướng dẫn và làm chuẩn mực cho dân, --- biết chu toàn những cử chỉ có ý nghĩa và minh bạch của tình bằng hữu và của sự quan tâm đối với các cộng đoàn thiểu số, theo kitô giáo hay những tôn giáo khác; và ước chi các vị cũng lấy danh dự mà cam kết bảo vệ những quyền lợi chính đáng của những nhóm thiểu số này.

Ngoài ta, Tôi vui mừng thông báo cho anh chị em, những người đang có mặt nơi đây, được biết điều mà tôi vừa loan báo trong Thánh Lễ: đó là vào tháng 10 năm tới (2009) sẽ diễn ra tại Roma này Khoá Họp Ðặc Biệt lần thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu. Trước biến cố này, và nếu Chúa muốn, thì vào tháng Ba, tôi có ý định đến thăm Phi Châu; trước hết là đến thăm quốc gia Camerun; tại đây, tôi sẽ trao cho các giám mục của Ðại Lục Phi Châu tập Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu; sau đó tôi đến thăm Angola, để mừng kỷ niệm 500 năm rao giảng Phúc Âm tại đất nước nầy. Tôi xin phó thác cho lời cầu bàu của Mẹ Maria rất thánh những đau khổ vừa được nhắc lại trên đây, và phó thác cho Mẹ những niềm hy vọng mà tất cả đang mang trong tâm hồn, một cách đặc biệt phó thác cho Mẹ những triển vọng dành cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu sắp đến.

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là những nhận định của ÐTC nhân dịp bế mạc Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page