Vài nét về Văn Kiện của Bộ Giáo Dục Công Giáo
nói về việc sử dụng những phương pháp tâm lý
trong việc thu nhận và huấn luyện
những ứng sinh chức linh mục
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Vài nét về Văn Kiện của Bộ Giáo Dục Công Giáo nói về việc sử dụng những phương pháp tâm lý trong việc thu nhận và huấn luyện những ứng sinh chức linh mục.
Radio Veritas Asia (1/11/2008) - Quý vị và các bạn thân mến. Trưa thứ Năm, ngày 30 tháng 10 năm 2008, Ðức Hồng Y Zenon Grocholewski, người BaLan, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục công giáo, đã mở cuộc họp báo, để giới thiệu văn kiện của Bộ trình bày những định hướng cho việc sử dụng những tri thức chuyên môn tâm lý học trong việc thu nhận và huấn luyện những ứng sinh chức linh mục. Cùng hiện diện và phát biểu trong cuộc họp báo, còn có Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Brugues, Tổng thư ký Bộ và Giáo Sư Carlo Bresciani, chuyên viên tâm lý học, cố vấn của Bộ Giáo Dục.
Văn kiện mới nhất này của bộ Giáo dục công giáo chỉ mới được phổ biến trong ấn bản bằng tiếng Ý. Hy vọng trong tương lai sẽ có sớm những ấn bản bằng các thứ tiếng khác nữa, để rộng đường tham khảo.
Tựa đề của văn kiện theo ấn bản tiếng Ý, là:
"Những Ðịnh Hướng Cho Việc Sử Dụng Những Tri Thức Chuyên Môn tâm Lý Học, Trong Việc Thu Nhận Và Huấn Luyện Những Ứng Sinh Chức Linh Mục"
Những ứng sinh chức linh mục ở đây được hiểu cho cả hai hàng linh mục: linh mục triều và linh mục dòng.
Mở đầu bài giới thiệu cùa mình, Ðức Hồng Y Bộ trưởng bộ giáo dục xác định rằng Văn Kiện không nhắm giải quyết vấn đề lý thuyết về tương quan giữa các bộ môn: tâm lý học, thần học và tu đức học, cũng không nhắm đào sâu thêm lãnh vực của các trường phái tâm lý học khác nhau, nhưng chỉ nhằm cống hiến những chỉ dẫn thực hành, giúp phân biệt tính cách đích thực của ơn gọi linh mục trước khi đương sự được thụ phong linh mục.
Văn Kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của sự việc các Giám Mục và các Vị có trách nhiệm Huấn Luyện, có thể hướng dẫn các ứng sinh đến một sự trưởng thành tâm lý và tình cảm, và đến một đời sống thiêng liêng có khả năng đương đầu với những đòi hỏi của ơn gọi linh mục, nhất là đối với những gì có liên hệ với đời độc thân.
Văn kiện có lập trường rằng ai cảm nhận mình có ơn gọi linh mục, thì ngoài việc sống thực hành những nhân đức kitô giáo, người đó cần có một nhân cách quân bình trên bình diện nhân bản và tâm lý, nhất là quân bình tình cảm, cho phép đương sự sống xứng hợp với sự trao ban chính mình một cách tự do, trong tương quan với các tín hữu trong nếp sống độc thân. Từ đó, văn kiện nhắc đến những đặc tính mà mọi linh mục cần có như sau: một ý thức tích cực và ổn định về căn cước nam tính của chính minh và khả năng sống tương quan trưởng thành với kẻ khác hay với nhữngnhóm người khác; một ý thức vững vàng mình thuộc về ai, nền tảng cho nếp sống hiệp thông trong tương lai với những anh em linh mục khác, cũng như cho sự cộng tác có tráchnhiệm với tác vụ của giám mục.
Theo Văn Kiện, ứng sinh chức linh mục có thể hiểu đúng về ý nghĩa của ơn gọi minh, nếu ơn gọi đó được vun trồng trong "bầu khí đức tin, trong sự cầu nguyện, trong suy niệm Lời Chúa, trong việc học hỏi thần học và trong đồi sống cộng đoàn.
Văn kiện cũng lưu ý rằng trong thời đại mới này, những bạn trẻ muốn vào chủng viện, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của những điều tiêu cực trong xã hội ngày nay, như chủ thuyết duy vật, hòan cảnh gia đình không ồn định, chủ thuyết tương đối luan lý, một quan niệm sai lầm về phái tính và ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện truyền thông xã hội.
Về vai trò của những vị có trách nhiệm huấn luyện các linh mục tương lai, Văn Kiện nhấn mạnh đến việc vị có trách nhiệm huấn luyện cần phải là những người có hiểu biết về thân phận con người, về những giai đọan phát triển tâm lý, về những khả thể cũng như những yếu đuối của con người, về cách thức conngười sống tương quan với Thiên Chúa.
Vị có trách nhiệm huấn luyện nên biết về lịch sử cuộc đời của ứng sinh; nhưng đây không phải là tiêu chuẩn duy nhất có tính cách quyết định; nhà huấn luyện cần biết nhìn về con người ứng sinh "trong tính cách tòan bộ và phát triển từ từ của nó", để có thể tránh những ai lầm trong phán đoán phân biệt về ơn gọi của đương sự, trong thời gian chuẩn bị lãnh nhận chức linh mục.
Vị huấn luyện có bồn phận biết rõ ràng về nhân cách của ứng sinh, về những khả năng, những sự sẳn sàng, những nghị lực, và những yếu tố có thể gây thương tích nơi nhân cách của đương sự.
Về sự trợ giúp của khoa tâm lý học, Văn Kiện quả quyết rằng trong một số trường hợp đặc biệt khó giải quyết, thì việc nhờ đến nhà tâm lý học, có thể giúp cho đương sự vượt qua những vết thương tâm lý, đạt đến thái độ sống càng ngày càng ổn định và có chiều sâu theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Ðấng chăn chiên nhân lành. Trong trường hợp này, khi phải làm trắc nghiệm tâm lý hay phỏng vấn đương sự, thì phải nói rõ ràng cho đương sự biết và đồng ý. Văn kiện dành cho đương sự quyền được tự do chọn nhà tâm lý học thích hợp với nhu cầu của minh. Văn kiện cũng lưu ý thêm rằng người ta không thể thay thế việc linh hướng bằng những hình thức phân tích tâm lý.
Từ phía nhà tâm lý học được nhờ giúp cho các ứng sinh, thì văn kiện muốn vị này phải là người trưởng thành trên bình diện nhân bản và thiêng liêng, theo đúng lập trường kitô về con người, về phái tính, về ơn gọi linh mục và về đời sống độc thân.
Một chi tiết đáng lưu ý trong Văn Kiện của Bộ Giáo Dục công giáo về vấn đề này, đó là "nhà tâm lý học", tuy được nhờ giúp trong việc huấn luyện các ứng sinh chức linh mục, nhưng không được làm thành viên của ban huấn luyện các ứng sinh chức linh mục.
Về điểm này, Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Bruguès, Tổng thư ký của Bộ Giáo Dục Công giáo, trong bài thuyết trình của mình, đã nhấn mạnh đến ba điểm liên quan như sau:
1. Không ai có quyền, -- kể cả Bề Trên Giáo Phận, hay Bề Trên Dòng Tu, -- ( không ai có quyền) đi vào trong cõi nội vi tâm lý hay luân lý của một người khác, nếu không có sự đồng ý trước, rõ ràng và tự do của người đó.
2. Nhà tâm lý học không bị buộc phải nói ra cho người thứ ba, -- dù người thứ ba này có quyền như thế nào đi nữa, --- quyền tinh thần cũng như quyền chính trị --- những điều mình biết về đời sống nội tâm của đương sự qua những áp dụng tâm lý học được thực hiện, nếu không có sự tự do ưng thuận của đương sự.
3. Ðương sự được trợ giúp tâm lý cũng bị buộc phải tuân giữ những nguyên tắc luân lý liên quan đến những điều phải giữ kín (bí mật tư nhiên, bí mật nghề nghiệp, và bí mật được phó thác cho).
Ngoài ra, Ðức Tổng Thư Ký của Bộ Giáo Dục Công Giáo còn cho biết thêm rằng trong Phiên Họp Khoáng Ðại của Bộ vào tháng Giêng năm 2008, các thành viên đã bỏ phiếu chấp thuận Văn Kiện này, với kết quả như sau: 23 vị đồng ý (placet), một vị không đồng ý (non placet), và 5 vị đồng ý cách chung (placet juxta modum).
Và trong lần tiếp kiến riêng Ðức Hồng Y Tổng trưởng bộ Giáo Dục, ngày 13 tháng 6 năm 2008, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chấp thuận Văn Kiện và truyền cho công bố.
Ðó là vài điểm chính về Văn Kiện Bộ Giáo Dục vừa công bố hơm thứ Năm 30 tháng 10 năm 2008, về việc sử dụng tâm lý học để thu nhận và huấn luyện các ứng sinh chức linh mục. Hy vọng sẽ còn dịp nói thêm về Văn Kiện này trong các buổi phát trong tương lai. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)