Phiên họp thứ 8 và 9 của
Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 12
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phiên họp thứ 8 và 9 của Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 12.
Vatican (Vat 10/10/2008) - Ngày 10-10-2008, các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám Mục thứ 12 về Lời Chúa đã nhóm phiên họp toàn thể thứ 8 và thứ 9, để tiếp tục nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến.
ÐTC Biển Ðức 16 cũng hiện diện và đặc biệt ngài đã chuyển lại cho mỗi nghị phụ Bộ Kinh Thánh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau do Liên hiệp Kinh Thánh tại Ðức tặng cho ngài trong những ngày trước đây.
Trong phiên họp ban sáng, các bài phát biểu của các nghị phụ đề cập đến vấn đề đón nhận và hội nhập Kinh Thánh trong gia đình. Một số nghị phụ đề nghị làm sao để mỗi người trong gia đình có một cuốn Kinh Thánh riêng, cổ võ việc đọc Kinh Thánh trong gia đình. Một đề tài khác được nói tới là vấn đề rao giảng Tin Mừng tại Ðông Âu, Myanmar, Thánh Ðịa là những vùng vốn phải chịu bách hại, thiên tai và xung đột chiến tranh.
Cho đến nay đã có hằng trăm nghị phụ lên tiếng phát biểu, mỗi vị được nói tối đa 5 phút và nhiều khía cạnh của chủ đề Lời Chúa đã được đề cập đến. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung bài phát biểu của vài nghị phụ được giới báo chí đặc biệt chú ý:
Các Học Viện
Ðức Hồng Y Zenon Grocholewski , người Ba Lan, Tổng trưởng bộ giáo dục Công Giáo, nói về những hình thức giảng dạy tại các học viện cao đẳng của Giáo Hội, trong đó Lời Chúa phải làm căn bản cho kiến thức về mọi chân lý đức tin và nguồn mạch sự sống.
1. Trước tiên Ðức Hồng Y ghi nhận rằng ngày nay có nhiều học viện dành cho giáo dân và nữ tu được thành lập, nhưng đồng thời dường như sự dốt nát của giáo hữu về tôn giáo lại gia tăng. Cuộc nghiên cứu gần đây do Liên hiệp Kinh Thánh Công Giáo thế giới thực hiện tại 10 nước Âu Châu cho thấy có sự dốt nát kinh khủng của các tín hữu về những ý niệm sơ đẳng liên quan tới Kinh Thánh, chẳng hạn có nhiều người không biết trả lời những câu hỏi như: "Các sách Tin Mừng có phải là thành phần của Kinh Thánh hay không?", "có phải Chúa Giêsu đã viết ra Kinh Thánh hay không?", "Giữa Moisê và Phaolô, ai là nhân vật của Cựu Ước?", v.v. Sự dốt nát như thế là mảnh đất màu mỡ cho các giáo phái phát triển. Từ tình trạng đó, chúng ta phải cứu xét một vài sự kiện:
Chúng ta vất vả nhiều, nhưng có lẽ chúng ta không phân phối năng lực một cách hợp lý trong các thể thức và cấp độ giảng dạy. Sự gia tăng các học viện gây thiệt hại cho một nền giáo dục phổ thông hơn trong việc mục vụ thông thường. Số linh mục giảm sút, nhưng con số các linh mục cảm thấy mình được kêu gọi làm giáo sư lại gia tăng, và coi nhẹ việc mục vụ thông thường. Nhưng chính đây là điều mà Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám Mục này nói tới. Lời Chúa được gửi tới tất cả, nhắm sinh hoa kết quả nơi mọi người. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về việc phân phối năng lực đúng đắn trong việc giảng dạy, những năng lực mà chúng ta sở hữu, để làm cho toàn thể Thân Mình huyền nhiệm của Chúa Kitô được tăng trưởng và hoạt động.
Trong viễn tượng đó, nên tạo điều kiện và phổ biến những khóa học thích hợp về các khoa học thánh mà không cần phải cấp các bằng cấp, như thế quần chúng có thể tham dự các khóa học đó dễ dàng hơn.
Tiếp đến, có nhiều học viện cao đẳng thường cung cấp những môn học biệt lập, và lại coi nhẹ những kiến thức căn bản về Kinh Thánh, tín lý, luân lý. Người ta thơ ngây tưởng rằng những kiến thức đó các sinh viên đã có rồi, nhưng thực tế không phải như vậy, và vì thế việc huấn luyện trí thức, về phương diện tôn giáo, không có tính cách hệ thống, thống nhất và không mang lại kết quả, do đó không chuẩn bị thực thi điều cần có về phương diện mục vụ Kinh Thánh. Cần phải đề cao tầm quan trọng của các chân lý cơ bản về đức tin, liên kết với Lời Chúa, vì các chân lý này xác định đời sống Kitô của chúng ta, quan hệ của chúng ta với Chúa, và niềm vui Kitô của chúng ta.
Kinh Thánh Và Giáo Hội
Ðức Hồng Y William Levada , người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, trong bài phát biểu, đã đề cập đến một điều đã được ÐTC Biển Ðức 16 nhiều lần nhắc tới, đó là quan hệ giữa Kinh Thánh và Giáo Hội. Ngài nói:
- Nhận xét đầu tiên của tôi là cần làm sáng tỏ quan hệ giữa Kinh Thánh và Giáo Hội. Chính trong niềm tin của Giáo Hội mà người ta hiểu đúng đắn về Sách Thánh và việc yêu mến đọc và sử dụng Sách Thách không thể không thăng tiến một cảm thức về niềm tin của Giáo Hội.
- Nhận xét thứ hai liên quan đến việc giải thích Kinh Thánh: đây không phải chỉ là một cố gắng của mỗi người về mặt khoa học, nhưng phải luôn luôn đối chiếu, tháp nhập và kiểm chứng bằng truyền thống sinh động của Giáo Hội. Tuy việc giải thách các văn bản Kinh Thánh phải luôn để ý tới kho tàng nghiên cứu khoa học của các nhà chú giải, nhưng việc giải thích ấy cũng cần một sự chú giải được phát triển trong liên hệ chặt chẽ giữa Lời Chúa và niềm tin của Giáo Hội, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính và được biểu lộ qua các thế kỷ trong giáo huấn đạo lý của Huấn Quyền Hội Thánh.
Nhận xét thứ ba về quan hệ chặt chẽ giữa Kinh Thánh và đại kết Kitô. Ðức Hồng Y Levada nói: "Người ta nhận thấy Kinh Thánh thực là một môi trường hiệp nhất, nhưng đồng thời chúng ta không thể làm ngơ sự kiện lịch sử, theo đó nơi căn cội những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô có sự giải thích đối nghịch nhau về những văn bản Kinh Thánh nòng cốt. Chỉ cần nghĩ đến cuộc khủng hoảng bè rối Ario thời thượng cổ và cuộc cải cách của Tin Lành thời Trung Cổ. Thượng Hội đồng Giám Mục này phải để ý tới khía cạnh đại kết đó, vì sự chú ý tới Lời Chúa được viết ra, chắc chắn là một liên hệ chặt chẽ làm cho Giáo Hội Công Giáo xích lại gần các hệ phái Kitô khác trong sự tìm kiếm chung.
Sau cùng, "nhận xét thứ tư của tôi muốn nói về quan hệ giữa Kinh Thánh và Phụng vụ. Nên nhớ rằng trong phụng vụ trình thuật Kinh Thánh trở thành biến cố cứu độ trong hiện tại.
Giải Thích Kinh Thánh
Cha Julián Carrón, người Tây Ban Nha, Chủ tịch Phong trào Hiệp thông và Giải Phóng và là một trong hai Linh Mục được ÐTC Bổ nhiệm làm thành viên của Thượng Hội đồng Giám Mục hiện nay. Trong bài phát biểu, cha cũng đề cập đến vấn đề giải thích Kinh Thánh và nói rằng:
"Việc giải thích Kinh Thánh là một trong những mối quan tâm được cảm nghiệm thấy nhiều nhất trong Giáo Hội ngày nay. Ðức Hồng Y Ratzinger đã nêu bật nòng cốt thách đố do việc giải thích Kinh Thánh ngày nay gây ra, khi ngài viết: "Làm thế nào tôi có thể đạt tới một sự hiểu biết không dựa trên phán đoán của những điều tôi giả thiết, một sự hiểu biết giúp tôi thực sự lãnh hội được sứ điệp của văn bản Kinh Thánh, trả lại cho tôi cái gì đó không đến từ chính tôi?"
Về khó khăn này, gần đây Huấn quyền của Giáo Hội đã mang lại cho chúng ta một số yếu tố giúp ra khỏi mọi thái độ thu hẹp Lời Chúa.
Kinh Mân Côi Và Kinh Thánh
Ðức Cha Tomash Peta, Tổng Giám Mục giáo phận Ðức Maria Chí Thánh ở thủ đô Astana, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Kazakstan, đã đề cao vai trò của Mẹ Maria trong việc đón nhận Lời Chúa, như một mẫu gương đối với các tín hữu: Cuộc đời của Mẹ Maria là chìa khóa để hiểu Kinh Thánh. Dưới ánh sáng cuộc sống của Mẹ Maria, chúng ta có thể đọc trọn Kinh Thánh và hiểu rõ hơn các mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, cũng như toàn thể chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Ðức Cha ghi nhận Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám Mục đã đề cao Kinh Mân Côi như một hình thức đơn sơ và phổ quát để lắng nghe Lời Chúa trong sự cầu nguyện. Ðức Tổng Giám Mục nói: "Tôi xác tín rằng điều quan trọng đối với thời đại chúng ta đang sống là nhắc nhớ và cổ võ việc đọc kinh Mân Côi, vì đó là con đường đến với Mẹ Maria, Mẹ đã hiểu và kết hiệp với Lời Chúa hơn ai hết".
Ðức Tổng Giám Mục Peta nhắc lại sự kiện tại Kazakstan, có rất nhiều tín hữu Công Giáo bị cộng sản Liên xô lưu đày tới đây, trong mấy chục năm trời, họ không có Linh Mục, thánh đường, Kinh Thánh, các bí tích, ngoại trừ phép rửa tội cho trẻ em mà họ tự làm cho con cái mình. Nhưng chính nhờ kinh Mân Côi mà các tín hữu lưu đày ấy bảo tồn được đức tin, hiểu các chân lý căn bản của Công Giáo, nhân phẩm của họ và hy vọng một thời kỳ tươi sáng hơn.
Và Ðức cha Peta kết luận rằng: "Ðề tài thượng Hội đồng Giám Mục chúng ta, 'Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội' không thể được suy niệm sâu xa mà không có Mẹ Maria. Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, dạy chúng ta lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, sống phù hợp với Lời Chúa, và can đảm công bố Lời Chúa một cách trọn vẹn, không thỏa hiệp với thế gian".
Cải Tiến Bài Giảng
Vấn đề cải tiến bài giảng, cũng được nhiều nghị phụ đề cập đến. Ðặc biệt Ðức Cha Vincent Lý Bỉnh Hạo (Ri Pyung Ho), 67 tuổi, Giám Mục giáo phận Kim Châu (Jeonju), đã cổ võ việc học thuộc lòng các bản văn Kinh Thánh trong thánh lễ hằng ngày. Trong bài tham luận sáng ngày 9-10-2008, ngài nói:
"Ðề tài tôi chọn cho bài phát biểu này là việc giảng thuyết. Trước hết tôi muốn trưng dẫn lời cha Lucien Legrand thuộc hội thừa sai Paris, cha đã viết một bài trong tạp chí "Dei Verbum" (n.70/71, pp.9-15) về "Trào lưu thủ cựu và Kinh Thánh". Cha viết: "Như người ta thường nói, người Tin Lành đọc Kinh Thánh, còn các tín hữu Công Giáo thì nói về Kinh Thánh. Người Tin Lành học nhớ thuộc lòng phần lớn Kinh Thánh; còn chúng ta không thể trưng dẫn một câu Kinh Thánh chính xác... (Dĩ nhiên có nhiều khía cạnh gây vấn đề trong việc giảng thuyết của Tin Lành). Nhưng ít nhất Lời Chúa là thành phần được trang bị trong tâm trí của họ để đương đầu với các vấn đề của cuộc sống... Dầu sao đi nữa, phải chăng chúng ta không nên tháp nhập một số đoạn Kinh Thánh cần học thuộc lòng trong việc huấn giáo của chúng ta?. Cha Legrand viết tiếp: "Người Tin Lành trưng dẫn Kinh Thánh, người Công Giáo thì rút ra những đề tài trừu tượng được coi là thuộc về Kinh Thánh. Một thí dụ điển hình về xu hướng này là thu hẹp sứ điệp Kinh Thánh vào những đoạn có thể thấy trong một vài loại bài giảng, quá thường xuyên. Trong việc dọn bài giảng của Công Giáo, vị giảng thuyết đọc đoạn Kinh Thánh ngày chúa nhật, rút gọn vào một đề tài nào đó và tiếp tục khai triển đề tài này mà không tham chiếu thêm văn bản Kinh Thánh... Chúa Giêsu là nhà kể chuyện rất tài, nhưng trong các bài giảng ngài bị biến thành người nói chuyện với một giọng nhạt nhẽo dạy luân lý một cách tầm thường hoặc lý luận không có sự sống.. Làm như thế tức là chúng ta biến sức mạnh của Lời Chúa thành một thứ số học trừu tượng.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm bản thân của tôi: từ khi tôi bắt đầu sứ vụ giám mục hồi năm 1990, tôi cố gắng học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh của thánh lễ hằng ngày. Và phần lớn trong các bài giảng của tôi, chỉ cần để cho Lời Chúa tự phát biểu. Vì thế, các giáo dân của tôi hiểu rất rõ và họ vui mừng được nghe trực tiếp Lời Chúa và chính Lời Chúa cứu vớt dân chúng. Như tôi được biết, đó là cách Chúa Giêsu giảng Lời Chúa. Và khi chúng ta học thuộc lòng, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Mẹ Maria là mẫu gương trong việc nghe Lời Chúa. Văn bản Kinh Thánh, "Mẹ Maria giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19), làm cho chúng ta ý thức rằng trước khi suy nghĩ đắn đo về Lời Chúa, Mẹ Maria đã học thuộc lòng, và suy tư đắn đo có nghĩa là Mẹ lập đi lập lại Lời Chúa trong tâm hồn trong một thời gian lâu dài cho đến khi Lời Chúa trở nên rõ ràng. Theo nghĩa đó, Mẹ biến tâm hồn Mẹ thành một thư viện Lời Chúa. Và như thế, giúp tháp nhập qua việc học thuộc lòng một số lượng Kinh Thánh vào trong chương trình đào tạo LM hiện tại và tương lai, đó chẳng phải là điều quan trọng sao? Tiếp đến, nên thiết lập cho các chủng sinh, LM một cuốn chỉ nam cụ thể về việc giảng thuyết Kinh Thánh. Nếu làm như thế, có nghĩa là các vị mục tử mặc lấy áo giáp của Chúa, đặc biệt là khí giới tấn công duy nhất trong số 6 khí giới mà thánh Phaolô đã nói đến trong thư gửi các tín hữu Ephêsô (6,10-18), là gươm của Thánh Linh, tức là Lời Chúa. Như vậy, chắc chắn Giáo Hội sẽ có một mùa xuân mới.
Thứ Bẩy 11-10-2008, Thượng Hội đồng Giám Mục Thế giới kỳ thứ 12 về Lời Chúa tiến hành được 1 phần 3 chương trình và tiếp tục ở trong giai đoạn lắng nghe ý kiến của các nghị phụ và các tham dự viên khác. Giai đoạn này còn kéo dài cho đến hết ngày thứ Tư, 15-10-2008, rồi Công nghị Giám Mục thế giới sẽ bước sang giai đoạn thứ 2 với các cuộc thảo luận đào sâu vấn đề trong 12 nhóm nhỏ theo ngôn ngữ: tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, mỗi thứ tiếng có 3 nhóm, tiếp đến là 2 nhóm tiếng Ý và 1 nhóm tiếng Ðức. Khác với các Thượng Hội đồng Giám Mục trước đây, lần này không có nhóm nghị phụ nào nói tiếng la tinh.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)