Phiên họp khoáng đại thứ II của

Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XII

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phiên họp khoáng đại thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XII.

Vatican (Vat 7/10/2008) - Tường thuật phiên họp khoáng đại thứ II của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XII về Lời Chúa trong cuộc Giáo Hội.

Thứ Tư 7-10-2008 Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới đã bước sang ngày thứ ba. Sau đây là ý chính của một vài bài phát biểu trong phiên nhóm khoáng đại lần thứ II chiều mùng 6 tháng 10 năm 2008. Ðã có 5 Nghị Phụ đại diện cho Phi châu, Á châu, châu Mỹ Latinh, Âu châu, Úc và Ðại Dương châu trình bầy về tình hình Lời Chúa trong cuộc sống của các Giáo Hội liên hệ. Tiếp đến là bài phát biểu của Rabbi Cohen, Trưởng cộng đoàn Do thái giáo ở Haifa, Israel và sau cùng là bài phát biểu của Ðức Hồng Y Albert Vanhoye, dòng Tên.

Trước hết là bài phát biểu của Ðức Cha John Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja Nigeria, trình bày về tình hình Lời Chúa bên Phi châu. Ðức Cha đã nêu bật chỗ đứng của Phi châu trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước. Ai Cập có dính líu tới lịch sử các tổ phụ của dân Do thái và cuộc Xuất Hành. Trong Tân Ước Ai Cập là nơi Thánh Gia sang lánh nạn (Mt 2,13-15). Ông Simon thành Cirene vác đỡ thánh giá Chúa là người phi châu (Mt 15,21). Vào ngày lễ Ngũ Tuần nhiều tín hữu hành hương Giêrusalem đến từ Phi châu, từ Ai Cập và vùng Libia gần Cirene (Cv 2,10). Viên hoạn quan người Etiopi (Cv 8,26-39) là một trong những người đã đem sứ điệp kitô vào lòng Phi châu. Do đó cũng không nên ngạc nhiên khi một số cộng đoàn kitô tiên khởi bên Phi châu như Alessandria, Cartagine và Ippona, đã công hiến cho Giáo Hội các thần học gia, các thánh tử đạo và các vị tuyên tín. Vì thế Phi châu là đất của Kinh Thánh.

Ðức Cha Onaiyekan nói tiếp: Lời Chúa là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và toàn nhân loại, với con người thuộc mọi lứa tuổi, sống tại bất cứ đâu trên thế giới này. Vì các bất toàn của mình con người có các hình ảnh và tư tưởng hay suy tư hỗn độn về Thiên Chúa. Nhưng có một sự thật nền tảng: đó là Ðấng Tối Cao, Ðấng tạo dựng đất trời đã được Tôn giáo cổ truyền Phi châu tôn thờ và cầu khẩn. Tuy bất toàn nhưng các luật lệ luân lý nền tảng của các tôn giáo phi châu phản chiếu các tia sáng của "Ánh Sáng chiếu soi mọi người" (Ga 1,9). Và đây là một chuẩn bị rất tốt cho việc đón nhận sứ điệp tin mừng, đồng thời là mảnh đất phì nhiêu cho việc loan báo Lời Chúa. Ðó là lý do giải thích tại sao Kitô giáo lại được phổ biến mau chóng tại Phi châu như vậy. Ðức Cha nhắc lại lời của thân phụ ngài theo Kitô giáo năm 1920, nói rằng không cần phải tin theo một Thiên Chúa mới, vì đó cũng chính là Olorun, Ðấng Tối Cao Yoruba của người Nigeria.

Ðức Cha Onaiyekan cũng đề cập đến một số thách đố như việc phổ biến Kinh Thánh tại Phi châu bị giới hạn vì tín hữu nghèo, không có tiền mua sách Kinh Thánh. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo cũng cộng tác với các anh em Tin Lành trong nỗ lực, dịch thuật, in ấn và phố biến Kinh Thánh. Tuy tại phi châu sỐ người mù chữ rất cao, nhưng khi có sách cũng có thể trông cậy vào nền văn hóa truyền khẩu phi châu, qua đó việc lắng nghe Lời Chúa được đề cao. Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar có Ủy Ban Kinh Thánh và Trung Tâm Kinh Thánh (BICAM), đồng thời cũng là thành viên của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo, giúp khích lệ, thăng tiến và phối hợp việc sử dụng Kinh Thánh trong Giáo Hội.

Nghị phụ thứ hai phát biểu chiều thứ hai là Ðức Cha Thomas Menamparambil, Tổng Giám Mục Guwahati Ấn Ðộ. Ngài nêu bật sự kiện Ngôi Lời nhập thể làm người tại Á châu, và sứ điệp cứu độ được thánh Phaolô đem sang tây phương, thánh Phêrô trẩy sang Roma, thánh Giacôbê sang Tây Ban Nha, thánh Marcô đi Alessandria, thánh Toma sang Ấn Ðộ, thánh Ireneo sang Lyon vv... Lời Chúa được các tín hữu và các cộng đoàn đầu tiên tiếp nhận và suy niệm, làm thành các truyền thống tinh thần, là gia tài chung của Giáo Hội thời khai sinh. Các Công Ðồng đầu tiên đã được cử hành bên Á châu. Nền văn hóa phong phú của Á châu đã thấm nhập các ý niệm và thói quen trở thành giá trị đại đồng của giáo lý kitô, phụng vụ, phong trào viện tu, kỷ luật giáo hội và tinh thần truyền giáo. Các đan sĩ Siri hăng hái đem Lời Chúa tới Ba Tư, Afghanistan, Trung Á, phía Tây Trung Hoa và nam Ấn Ðộ. Các vị cũng đối thoại với các tín hữu theo đạo Zoroastre, Phật giáo, Manikeo, Lão giáo, Khổng giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và các tôn giáo bộ tộc, trong đó có người Thổ, người Unni và Mông Cổ. Tuy hàng lãnh đạo của các nền văn minh tân tiến Á châu không cảm thấy cần theo tôn giáo mới, nhưng người dân sẵn sàng tiếp nhận Tin Mừng.

Trên bình diện lịch sử, từ khi Kitô giáo trở thành tôn giáo của đế quốc Roma và từ khi các thừa sai tây âu đi truyền giáo bên Á châu, Kitô giáo bị coi như tôn giáo của tây phương, và tín hữu kitô cũng bị đồng hóa với các thế lực ngoại bang. Tuy nhiên công tác rao truyền Lời Chúa đã đem lại nhiều hoa trái tích cực. Các thừa sai đã thắng vượt các hàng rào văn hóa, thành lập các cộng đoàn, khiến cho nhiều tiếng nói có chữ viết và nhiều nhóm ngôn ngữ có nền văn chương. Các vị đã nghiên cứu nhân chủng học và làm cho thế giới biết đến các dân tộc này. Ngoài ra Lời Chúa và sứ điệp Tin Mừng còn được các vị diễn tả ra trong việc thăng tiến y tế, giáo dục, bác ái dưới mọi hình thức. Tuy bầu khí tục hóa cũng gia tăng tại Á châu, nhưng ơn gọi vẫn còn nhiều, các đại chủng viện và học viện cũng như dòng tu cũng gia tăng. Do đó cần chú ý hơn tới việc dậy dỗ Kinh Thánh và rao giảng phổ biến Lời Chúa qua các phương tiện truyền thông xã hội. Hiện nay có rất nhiều nhóm học hỏi chia sẻ Kinh Thánh đáp ứng nỗi đói khát Lời Chúa của người dân. Vấn đề hội nhập văn hóa tiếp tục là một thách đố lớn đối với các Giáo Hội tại Á châu.

Dưới ánh sáng và sức mạnh Lời Chúa các cộng đoàn kitô đem sứ điệp hòa bình vào trong các tình trạng xung khắc; thăng tiến công lý tại những nơi có áp bức; phát huy sự liêm chính tại nhưng nơi có gian tham hối lộ; thăng tiến bình đẳng tại những nơi có các khác biệt giai tầng xã hội và chủng tộc và trợ giúp người nghèo đói. Tại nhiều vùng Á châu kitô hữu cũng bị bách hại và ngược đãi, điển hình như trong bang Orissa bên Ấn Ðộ, nhưng dấn thân của các kitô hữu cho công ích và các vấn đề nền tảng của nhân loại như công lý, hòa bình, gia đình, môi sinh, sự tự do, quyền bình đẳng, tình liên đới, sự liêm chính, việc tôn trọng sự sống, lo cho người nghèo và ý thức trách nhiệm đối với mọi vấn đề của con người, vẫn tiến mạnh.

Ðại diện cho Úc và Ðại Dương châu Ðức Cha Michael Putney, Giám Mục Townsville, cho biết công tác rao giảng Tin Mừng tại đây mới bắt đầu hồi thế kỷ XIX với các thừa sai tin lành và công giáo. Công việc truyền giáo đã đem lại nhiều hoa trái, nhưng cũng tạo ra vấn đề vì các thừa sai đôi khi du nhập các yếu tố xa lạ với nền văn hóa của dân chúng. Dù tín hữu Ðại Dương châu có truyền thống chuyền miệng, nhưng họ siêng năng đọc, lắng nghe Lời Chúa trong gia đình hơn tín hữu Austrtalia và Niu Dilen, bị anh hưởng tục hóa nặng nề lơ là với cuộc sống đạo. Việc chuyển tiếp từ nếp sống thôn quê sang cuộc sống thành thị cũng tạo ra các căng thẳng trong gia đình và tạo ra tình trạng phân hóa.

Trong số các thách đố đối với việc dịch thuật, in ấn, rao giảng và phổ biến Lời Chúa có sự kiện các chủng tộc trong vùng có qúa nhiều tiếng nói khác nhau. Chỉ nội tại Papua Tân Guinea đã có tới 847 ngôn ngữ. Tổng cộng trong toàn Ðại Dương châu có tới 1,200 ngôn ngữ khác nhau.

Riêng đối với Australia và Niu Dilen thách đố lớn nhất là tình trạng "sa mạc tinh thần", vì đa số dân sống như thể không có Thiên Chúa nữa, mặc dù họ là tín hữu. Vì thế cần phải tìm ra các phương thức mới để tái rao giảng Tin Mừng cho dân chúng và giúp họ lắng nghe Lời Chúa. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney đã là một khích lệ rất lớn đối với Giáo Hội châu lục này.

Trong phần trình bầy tình hình Lời Chúa tại Âu châu Ðức Hồng Y Josip Bozanic, Tổng Giám Mục Zagreb, nêu bật sự kiện không thể tách rời Âu châu khỏi Kitô giáo, vì Kitô giáo là chìa khóa giúp đọc hiểu lịch sử toàn vẹn của đại lục này. Dĩ nhiên Kitô giáo không phải là tôn giáo duy nhất hiện diện tại đây, nhưng Âu châu đã nảy sinh nhờ Kitô giáo, và Giáo Hội đã góp phần xây dựng Âu châu nhờ nỗ lực loan báo tin mừng cứu độ của Chúa Kitô. Cũng chính vì thế có mối dây liên lạc không thể phân rẽ giữa Kinh Thánh và Âu châu. Kinh Thánh là khởi điểm của tất cả những gì làm thành nền văn hóa và văn minh âu châu: Âu châu của hàng ngàn vương cung thánh đường, cất giữ các kho tàng nghệ thuật, văn chương âm nhạc kitô, Âu châu của các hoạt động bác ái liên đới phục vụ người nghèo.

Tiếp đến Ðức Hồng Y Bozanic đã trình bầy lộ trình hình thành đó theo ba đề mục: mạc khải, giải thích và cử hành Lời Chúa trong cuộc sống của các Giáo Hội tại Âu châu. Trong việc đọc hiểu và giải thích Lời Chúa phải tránh khuynh hướng qúa kích và các lệch lạc ý thức hệ. Ngày nay Âu châu đang trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính trên tất cả mọi bình diện. Con người xem ra muốn trốn chạy Thiên Chúa mặc khải, và khép kín trong căn cước nhân loại mơ hồ của mình. Tuy bị tục hóa trầm trọng nhưng hiên nay cũng có các dấu chỉ cho thấy tín hữu chú ý tới Kinh Thánh nhiều hơn. Việc đọc hiểu suy gầm và cầu nguyện với Kinh Thánh phải khiến cho tín hữu giống Chúa Kitô hơn. Là người đến từ vùng đất đã từng phải sống dưới ách thống trị của các chế độ độc tài, trong đó có chế độ cộng sản, Ðức Hồng Y Bozanic cho biết các chủ chăn và tín hữu đã có thể kháng cự trước sự tàn bạo và kinh hoàng của các ý thức hệ này chỉ nhờ tín thác vào Lời Chúa. Vì thế cho dù có bị các ý thức hệ gian dối bạo lưc bách hại, và bề ngoài có bị mất hết tự do, nhưng bên trong kitô hữu vẫn tự do và bình an khích lệ các anh chị em khác sống lòng tin, cũng như sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ thù ghét và làm hại họ.

Bài phát biểu của Rabbi Cohen nóivề cách thức người do thái giải thích Kinh Thánh. Rabbi cung kêu gọi Ðức Thánh Cha và các Nghị Phụ bênh vực Israel chống lại Iran đang đe dọa Israel.

Sau cùng là bài phát biểu của Ðức Hồng Y Abert Vanhoye. Ðức Hồng Y đã trình bầy nội dung tài liệu của Ủy Ban Kinh Thánh của Tòa Thánh về đề tài "Dân do thái và các Sách Thánh do thái trong Binh Thánh Kitô". Ðức Hồng Y cho biết hồi năm 1996 Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, hồi đó là Chủ tịch, đã mời Ủy Ban họp để chọn một đề tài nghiên cứu mới. Trong số nhiều đề tài được đề nghị, đề tài "Khuynh hướng bài do thái và Kinh Thánh" chiếm nhiều phiếu nhất. Nhưng khi khai triển việc nghiên cứu, Ủy Ban Kinh Thánh đã chọn đề tài rộng rãi hơn: "Dân Do thái và các Sách Thánh Do thái trong Kinh Thánh Kitô".

Tài liệu nhắm trả lời cho hai vấn nạn: thứ nhất, đâu là các kiểu Kinh Thánh Kitô trình bầy dân do thái?"; thứ hai, các Sách Thánh của dân do thái chiếm chỗ đứng nào trong Kinh Thánh Kitô? Trong phần còn lại của bài phát biểu Ðức Hồng Y Vanhoye đã tường trình cách thức Ủy Ban Kinh Thánh làm việc và soạn thảo các chương khác nhau của tài liệu. Tài liệu gồm ba chương, chương I tựa đề: "Các Sách Thánh của dân do thái, là phần toàn vẹn của Kinh Thánh kitô" chứng minh cho thấy Tân Ước thừa nhận quyền bính các Sách Thánh của dân do thái và phù hợp với các Sách đó. Chương hai duyệt xét lại 9 đề tài nền tảng của các Sách Thánh do thái, cho thấy Tân Ước trung thành với các mạc khải của Cựu ước. Và chương ba tựa đề "Người do thái trong Tân Ước", cho thấy ban đầu đã có nhiều tín hữu do thái tin nhận Chúa Kitô. Không có văn bản nào trong Tân Ước cho thấy khuynh hướng bài do thái, tức là thái độ khinh rẻ thù nghich và bách hại tín hữu do thái. Ðiểm bất đồng duy nhất đối với đa số tín hữu do thái đó là Tân Ước công bố chương trình cứu độ của Thiên Chúa, được báo trước trong Cựu Ước, đã hiện thực nơi Ðức Kitô, nhưng đa số dân do thái không tin vào việc hiện thực này.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page