Phiên họp đầu tiên của
Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 12
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 12.
Vatican (Vat 6/10/2008) - 3 năm sau Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thứ 11 về bí tích Thánh Thể, Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 12 về "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội" đã được ÐTC Biển Ðức 16 long trọng khai mạc qua thánh lễ đồng tế với các nghị phụ sáng chúa nhật 5-10-2008 tại Ðền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma.
Sáng thứ Hai 6-10-2008, toàn thể các nghị phụ, các dự thính viên và chuyên viên, đã nhóm phiên khoáng đại đầu tiên lúc 9 giờ sáng với kinh giờ Ba tại Hội trường Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới ở Nội thành Vatican, trước sự hiện diện của ÐTC và dưới quyền chủ tọa theo lượt của Ðức Hồng Y William Levada, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức, là một trong 3 vị chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Này. Trên bàn chủ tọa còn có một số chức sắc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục như vị Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croat, và Ðức Tổng Giám Mục Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục thủ đô Kinshasa, Tổng thư ký khóa họp này của Thượng Hội Ðồng Giám Mục; Ðức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec, Canada, Tổng tường trình viên của khóa họp.
Trong số hơn 253 nghị phụ đến từ 118 quốc gia, đặc biệt cũng có hai Ðại biểu của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, Giám Mục Phó Nha Trang, và Ðức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa. Ngoài ra, có một người Việt thứ ba, là Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giáo sư Kinh Thánh tại Ðại chủng viện Nha Trang, tham dự trong tư cách chuyên gia, trợ tá cho Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký đặc biệt Monsengwo Pasinya.
Cũng như các Thượng Hội Ðồng Giám Mục trước đây, lần này không có Giám Mục nào từ Hoa Lục được đến tham dự, nhưng cũng có Ðức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, SBD, Giám Mục Hong Kong, tham dự với tư cách là thành viên được ÐTC bổ nhiệm.
Suy tư của Ðức Thánh Cha
Phiên họp bắt đầu với kinh giờ Ba, và liền đó, ÐTC đã ứng khẩu trình bày một vài suy niệm của ngài liên quan tới thánh vịnh 118 về Lời Chúa vừa được mọi người đọc lên. Ngài nói: "Thánh vịnh này là một sự chúc tụng Lời Chúa, biểu lộ niềm vui của Israel được biết Lời Chúa, và qua đó có thể biết thánh ý và nhan Chúa."
ÐTC đặc biệt nhấn mạnh "Lời Chúa bền vững muôn đời. Ðó là một thực tại vững chắc mà cuộc đời chúng ta phải dựa lên. Ngài ghi nhận rằng lời nói của phàm nhân chúng ta hầu như chẳng là một điều gì cả trong thực tại, chỉ là một hơi thở, vừa nói ra đã biến mất. Nhưng lời con người có một sức mạnh không thể tượng. Ðó là những lời nói kiến tạo lịch sử, mang lại hình thái cho các tư tưởng. Chính lời nói hình thành lịch sử và thực tại."
"Lời Chúa còn hơn thế nữa, Lời Chúa là nền tảng của mọi sự, là thực tại. Ðể thực tế, chúng ta phải dựa vào thực tại ấy. Chúng ta phải thay đổi ý tưởng cho rằng chỉ có vật chất, chỉ có những sự vật vững chắc, động chạm đến được, mới là thực tại vững chắc, an ninh nhất. Nhưng vào cuối bài giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói đến sự kiện người ta có thể xây nhà trên cát hoặc trên đá tảng. Người nào chỉ xây dựng trên những sự vật hữu hình, trên thành công, sự nghiệp, tiền bạc, chính là người xây dựng trên cát. Tất cả những điều đó, một ngày kia sẽ qua đi. Chúng ta đang thấy điều đó trong sự sụp đổ của các ngân hàng lớn: những tiền bạc ấy biến mất, chúng chẳng là gì cả. Cũng vậy đối với các sự vật khác, chúng có vẻ là thực tại người ta cậy dựa vào, nhưng thực ra chúng chỉ là những thực tại thứ yếu. Ai xây dựng đời mình trên những thực tại ấy, trên vật chất, trên thành công, chính là người xây nhà trên cát".
Cũng trong bài suy niệm, ÐTC nói đến sự tìm kiếm Lời Chúa và ngài cảnh giác những người chỉ bám chặt vào bản văn Kinh Thánh. Ngài nói: "Nếu chúng ta dừng lại ở chữ viết, thì không nhất thiết chúng ta thực sự hiểu Lời Chúa. Chúng ta có nguy cơ chỉ thấy lời con người mà không tìm thấy trong đó tác nhân đích thực là Chúa Thánh Linh. Chúng ta không tìm thấy Lời Chúa trong những dòng Kinh Thánh. Trong bối cảnh đó Thánh Augustino nhắc nhớ chúng ta rằng các luật sĩ và biệt phái được vua Hêrôđê hỏi ý kiến khi các Ðạo sĩ Ðông phương đến. Ông muốn biết Ðấng Cứu Thế sinh ra ở đâu. Các luật sĩ và biệt phái biết và đưa ra câu trả lời đúng, đó là tại Bethlehem. Họ là những đại chuyên gia, biết mọi sự. Nhưng họ không nhìn thấy thực tại,. họ không nhận biết Ðấng Cứu THế. Thánh Augustino nói rằng: họ là những ngừơi chỉ đường cho người khác, nhưng chính họ lại không di chuyển. Ðó là một nguy hiểm lớn, cả trong việc đọc Kinh Thánh: chúng ta dừng lại ở những lời phàm nhân, những lời của quá khứ, lịch sử quá khứ, nhưng chúng ta không khám phá hiện tại trong quá khứ. Ngày nay Thánh Linh nói với chúng ta qua những lời của quá khứ".
"Vì thế, khoa chú giải, tức là việc đọc Kinh Thánh thực sự, không phải chỉ là một hiện tượng văn chương, không phải chỉ là đọc một bản văn. Ðó là một chuyển động cuộc sống của tôi. Là hướng về Lời Thiên Chúa trong những lời của con người. Chỉ khi nào chúng ta hợp theo mầu nhiệm Thiên CHúa, hợp theo Chúa là Lời, chúng ta mới có thể đi vào bên trong của Lời Chúa, thực sự tìm được Lời Chúa qua những lời phàm nhân".
Ðức Hồng Y Levada
Ðức Hồng Y William Levada, Chủ tịch theo lượt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã đại diện mọi người chào mừng ÐTC và cám ơn ngài vì đã chọn đề tài quan trọng và tế nhị làm chủ đề của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này: "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội". Không ai không thấy tầm quan trọng của chủ đề này và vị thế trung tâm của nó trong đời sống Giáo Hội và trong chính căn tính của Kitô hữu.
Ðức Hồng Y Levada đặc biệt nhắc đến giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2, trong hiến chế Dei Verbum về tầm quan trọng của Truyền Thống bên cạnh Kinh Thánh (DV 9). "Chỉ có Truyền Thống sinh động của Giáo Hội giúp cho Kinh Thánh được hiểu như Lời chân thực của Thiên Chúa, hướng dẫn, trở thành qui luật cho đời sống Giáo Hội và sự tăng trưởng thiêng liêng của các tín hữu. Ðiều này có nghĩa là phải loại bỏ mọi sự giải thích Kinh Thánh một cách chủ quan hoặc hoàn toàn theo kinh nghiệm, hoặc chỉ là kết quả của một sự phân tích một chiều, không có khả năng đón nhận ý nghĩa toàn bộ, đã hướng dẫn toàn thể truyền thống của Dân Chúa qua dòng thời gian".
Ðức Tổng Giám Mục Eterovic
Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, cho biết 253 nghị phụ của công nghị Giám Mục thế giới hiện nay gồm đại diện của 13 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương tự quản, 113 Hội Ðồng Giám Mục, 25 cơ quan trung ương tòa thánh và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam.
Xét về châu lục, số nghị phụ đến từ Âu Châu đông nhất với 90 vị, tiếp đến là Mỹ châu 62 vị, Phi châu 51, Á châu 41 và sau cùng là 9 vị đến từ châu đại dương. Các vị tham dự công nghị Giám Mục này với nhiều danh nghĩa khác nhau: 173 vị được bầu ra, 38 vị do chức vụ, 32 vị do ÐTC bổ nhiệm, tương đương với 12,6% tổng số tham dự viên, 10 vị Bề trên tổng quyền đại diện Liên hiệp các Bề trên tổng quyền.
Xét về cấp bậc của các nghị phụ, có 8 thượng phụ, 52 Hồng y, 2 Tổng Giám Mục trưởng, 79 Tổng Giám Mục và 130 Giám Mục. Nghị phụ cao niên nhất, năm nay đã 88 tuổi, đó là Ðức Hồng Y Nasrallah Sfeir, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Maronit bên Liban; vị trẻ nhất 39 tuổi, đó là Ðức Cha Anton Leichtfried, Giám Mục phụ tá giáo phận Sankt Poelten, bên Áo. Dầu sao tuổi trung bình của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục này khá ca, với 63 tuổi.
Tham dự khóa họp cón có 41 Linh Mục chuyên gia đến từ 21 nước và 37 dự thính viên nam nữ đến từ 26 nước. 10 đại biểu các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội Kitô anh em, trong đó có 5 Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Arméni Tông truyền, Anh giáo, Giáo Hội Kitô Hoa Kỳ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève.
Có 3 vị được ÐTC mời dự đặc biệt là Rabbi Trưởng Cộng đoàn Do thái ở Haifa Israel, Shear Yahsyr Cohen, lên tiếng chiều thứ ba về cách thức dân Do thái đọc và giải thích Kinh Thánh. Ðây là lần đầu tiên một Rabbi Do thái, một người không thuộc Kitô giáo, được mời ngỏ lời với các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Hai vị khách mời đặc biệt khác là Mục Sư Miller Milloy, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Kinh Thánh, và Thầy Alois, tu viện trưởng Cộng đoàn Taizé bên Pháp.
Phụ giúp công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này có 32 Linh Mục trợ tá, các thông dịch viên và nhân viên kỹ thuật.
Vị Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng tường trình hoạt động từ sau Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 11 hồi tháng 10 năm 2005 đến nay, việc chuẩn bị cho khóa họp này, soạn tài liệu đề cương để tham khảo ý kiến các nơi. Việc soạn tài liệu làm việc cho khóa họp hiện nay.
Ðức Tổng Giám Mục Eterovic cho biết nói chung tỷ số trả lời của các nơi gửi về Roma là 78,3% trong số này, có 8 trên tổng số 13 Giáo Hội Công Giáo Ðông phương gửi bản trả lời góp ý; 82,3% các Hội Ðồng Giám Mục trả lời, 68% các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và sau cùng tỷ số trả lời của Liệp hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam là 100%.
Ðức Tổng Giám Mục Eterovic nói đến việc cải tổ qui luật điều hành Thượng Hội Ðồng Giám Mục và cả cuốn cẩm nang về phương pháp, theo đó, trong khóa họp này, mỗi nghị phụ chỉ được phát biểu tối đa 5 phút thay vì 6 phút như trong khóa họp 3 năm trước đây. Số giờ tiết kiệm được sẽ được dùng vào cuộc trao đổi thảo luận và cho công việc trong các nhóm nhỏ. Các đại biểu Giáo Hội anh em và dự thính viên được nói tối đa 4 phút. Ngoài ra, trong các cuộc thảo luận tự do, mỗi nghị phụ chỉ được nói tối đa 3 phút, và chỉ được trả lời 1 lần mà thôi nếu cần.
Ðức Hồng Y Marc Ouellet
Ðức Hồng Y Tổng tường trình viên, Marc Ouellet, Tổng Giám Mục Québec, Canada đã trình bày một bài dẫn nhập về các vấn cần bàn đến trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục 12 này.
Trong phần thứ I Ðức Hồng Y lần lượt nói về việc Thiên Chúa nói với con người; Chúa Giêsu Kitô là Lời của Giao Ước mới vĩnh cửu; Giáo Hội là Hiền Thê của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài cũng nhấn mạnh đến Truyền Thống, Kinh Thánh và Huấn quyền của Giáo Hội.
Sang phần thứ II, Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, Ðức Hồng Y Ouelett nhắc sự đối thoại của Giáo Hội với Thiên Chúa, qua Phụng vụ thánh, Thánh Thể, giảng thuyết, việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa - Lectio divina; tiếp đến là các vấn đề trong việc giải thích Lời Chúa; ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh; khoa chú giải Kinh Thánh và Thần Học.
Trong phần thứ III của bài tường trình dẫn nhập, Ðức Hồng Y Ouellet nói về Lời Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội: việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, vấn đề Chúa Giêsu lịch sử trong các sách Phúc Âm; tiếp đến là thể hiện chứng tá về Thiên Chúa Tình Thương; chứng tá đại kết; đối thoại với các dân nước và các tôn giáo.
Trong bài giới thiệu dẫn nhập, Ðức Hồng Y Ouellet nói đến sự không hài lòng của nhiều tín hữu đối với các bài giảng, tình trạng này cũng là lý do giải thích tại sao nhiều tín hữu Công Giáo chạy theo các nhóm tôn giáo khác. Ðức Hồng Y đề nghị lấp đầy hố trống bằng một văn bản "được Thánh Linh soi sáng", được giải thích một cách đơn sơ và thân tình, giúp cho cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và cộng đoàn. Ðức Hồng Y nói đến những căng tẳng và xung đột thường xảy ra cho sự giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự khủng hoảng về chú giải Kinh Thánh làm thương tổn sự hiệp thông của Giáo Hội, vì bầu không khí căng thẳng, tiêu cực, giữa thần học nơi giới đại học và Huấn quyền của Giáo Hội. Ðức Hồng Y cũng mời gọi các nghị phụ suy nghĩ về vấn đề một thông điệp liên quan tới việc giải thích Kinh Thánh.
Phiên khoáng đại đầu tiên đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi với kinh Truyền Tin. Trước khi kết thúc, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký đã ngỏ lời cám ơn ÐTC vì sự hiện diện và đặc biệt là những suy tư sâu xác, với linh đạo thật rõ ràng của ngài.
G. Trần Ðức Anh OP
(Radio Vatican)