Khai mạc Thượng hội đồng Giám mục

bàn về Lời Chúa

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Khai mạc Thượng hội đồng Giám mục bàn về Lời Chúa.

Vatican (Vat. 5/10/2008) - Vào lúc 9 giỡ rưỡi sáng Chúa Nhựt 5/10/2008, đức thánh cha đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành để khai mạc khóa họp thường lệ lần thứ 9 của Thượng hội đồng giám mục, bàn về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Ðây là lần đầu tiên mà Thượng hội đồng giám mục được khai mạc tại đền thánh Phaolô, và có lý do của nó: một đàng vì chúng ta đang trong năm thánh kỷ niệm 2,000 năm sinh nhật của ngài, và đàng khác, vị thánh tông đồ đã hiến trót cuộc đời cho việc rao giảng Lời Chúa, và trở nên tấm gương cho Giáo hội. Cùng đồng tế với đức Bênêđictô XVI là các nghị phụ và các cộng sự viên: 52 hồng y, 14 giám mục thuộc các Giáo hội Ðông phương, 45 tổng giám mục, 130 giám mục, 85 linh mục (gồm các nghị phụ cũng như các chuyên viên). Các lời nguyện và bài đọc Sách thánh trích từ bài lễ chúa nhựt XXVII Thường niên. Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi, và đức thánh cha trở về Vatican để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin. Trong bài huấn dụ, ngài đã giải thích ý nghĩa của cơ quan Thượng hội đồng giám mục, được thành lập năm 1965, nhằm thắt chặt sự thông hiệp giữa hàng giám mục thế giới với vị kế nhiệm thánh Phêrô, qua việc thông tin và bàn luận về những vấn đề quan trọng của Giáo hội. Bên thềm phiên họp lần này bàn về Lời Chúa, Ðức Thánh Cha cũng nói đến một dự án do đài truyền hình RAI của Italia khởi xưóng với nhan đề "đọc Kinh Thánh ngày đêm", bắt đầu từ 7 giờ chiều chúa nhựt hôm qua, với chương đầu tiên của sách Sáng thế do chính ngài đọc, và kéo dài trong vòng 139 giờ, cho đến 1 giờ 25 trưa thứ bảy sắp tới, với sự tham gia của gần 1200 người, thuộc 50 quốc gia. Nhờ đài truyền hình, truyền thanh cũng như internet, Kinh thánh sẽ được mang đến các gia đình.

Trước hết, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, và tiếp đến, chúng tôi sẽ tóm lược bài giảng Thánh lễ:

Anh chị em thân mến

Sáng nay, với Thánh lễ tại đền thánh Phaolô ngoại thành, khóa họp thường lệ lần thứ Chín cua Thượng hội đồng Giám mục đã được khai mạc. Thượng hội đồng sẽ tiếp diễn ở Vatican trong vòng 3 tuần lễ, bàn về đề tài: "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội". Anh chị em đã biết giá trị và chức năng của Thượng hội đồng các giám mục, gồm các đại biểu của toàn thể hàng giám mục, và được triệu tập để mang lại cho vị kế nhiệm thánh Phêrô sự trợ giúp hữu hiệu, qua việc biểu lộ và củng cố dây thông hiệp của Giáo hội. Ðây là một cơ quan quan trọng, do vị tiền nhiệm của tôi là đức Phaolô VI thiết lập vào tháng 9 năm 1965 (Tự sắc Apostolica sollicitudo), trong giai đoạn chót của công đồng Vaticanô II, nhằm thực thi một quyết nghị hàm chứa trong sắc lệnh về tác vụ Giám mục (Christus Dominus, số 5). Mục tiêu của Thượng hội đồng giám mục là: cỗ võ sự hợp nhất và hợp tác giữa giáo hoàng và các giám mục trên khắp thế giới; cung cấp những thông tin trực tiếp và chính xác về tình hình và những vấn đề của Giáo hội; đẩy mạnh sự hoà hợp về đạo lý và hoạt động mục vụ; đối diện với những đề tài có tầm quan trọng và hiện đại. Những chức năng này được phối hợp nhờ Văn phòng Tổng thư ký, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của giám mục Rôma.

Chiều kích "Hội đồng" là một yếu tố cấu thành của Giáo hội, được quy tụ từ khắp mọi dân tộc và văn hóa để trở nên một trong Chúa Kitô, và đi theo Người là "đường, sự thật, sự sống" (Ga 14,6). Thực vậy, danh từ synodos gốc hy lạp gồm bởi giới từ syn (nghĩa là cùng nhau) và odos (nghĩa là đường), gợi lên ý tưởng là "cùng đi, đồng hành", và đây là kinh nghiệm của Dân Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Ở khóa họp thường lệ khai diễn hôm nay, sau khi đón nhận ý kiến của nhiều người, tôi đã chọn đề tài "Lời Chúa" để đào sâu trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, dưới viễn tuợng mục vụ. Công cuộc chuẩn bị đã được tham gia rất là sâu rộng từ các Giáo hội điạ phương trên khắp thế giới. Họ đã gửi những góp ý về Văn phòng Tổng thư ký, và Văn phòng đã soạn thảo Tài liệu làm việc, dụa theo đó, 253 nghị phụ (51 Phi châu, 62 Mỹ châu, 41 Á châu, 90 Âu châu, 9 Ðại dương châu) sẽ trao đổi ý kiến, với sự góp phần của nhiều chuyên viên và dự thính viên, nam nữ, cũng như những "đại biểu huynh đệ" của các Giáo hội và vài thượng khách.

Anh chị em thân mến, tôi xin mời tất cả hãy nâng đỡ các công việc của Thượng hội đồng bằng lời cầu nguyện, cách riêng qua việc nài xin sự chuyển cầu của đức Trinh nữ Maria, người môn sinh tuyệt hảo của Lời Chúa.

Như đã nói trên, các bài đọc Sách Thánh của Thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng được trích từ bài lễ chúa nhựt 27 mùa Thường niên, với bài Phúc âm thuật lại dụ ngôn về những tá điền bất nhân. Phần chính của bài giảng đã dựa trên dụ ngôn đó. Trước hết, khi nghĩ đến những tá điền đã giết hại các kẻ được ông chủ sai đến để thu lượm kết quả, Ðức Thánh Cha tự hỏi: phải chăng điều này cũng đang xảy ra vào thời đại chúng ta, khi con người không những không đếm xỉa đến luật lệ của Thiên Chúa, mà còn muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống? Chúng ta đang chứng kiến nhiều quốc gia trước đây nổi bật về nếp sống đạo và phong phú ơn thiên triệu, nhưng ngày nay đã trở nên nguội lạnh. Hơn thế nữa, có những người tuyên bố "Thượng đế đã chết rồi" và họ tự phong mình làm "Thượng đế", làm bá chủ định mạng và thế giới, tự ý tung hoành, muốn làm bất cứ điều gì theo sở thích. Tuy nhiên, khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, thì liệu nó có được hạnh phúc hơn không? Khi con người tự xưng làm chủ vận mệnh và lịch sử, thì liệu họ có kiến tạo được một thế giới tự do, công lý hoà bình không? Hay là ngược lại, thế giới này đang ở dưới sự thống trị của bạo lực, ích kỷ, bóc lột.

Dù sao, sứ điệp của bài Phúc âm mang lại một tia hy vọng: vườn nho sẽ không bị huỷ diệt. Thiên Chúa không bỏ rơi vườn nho của mình. Ngài để cho các tá điến bất chính bị cuốn trôi theo ý đồ đen tối của chúng, nhưng Ngài đã gọi những người khác trung thành để vào vườn nho của mình. Chúa Giêsu là ví mình là "cây nho đích thực", và ban cho những ai tháp nhập vào với mình được hưởng sự sống dồi dào. Người đã bị sát hại, nhưng Người đã sống lại: sự ác không phải là lời cuối cùng, nhưng chính Ðức Kitô mới là lời hằng sống. Giáo hội có trọng trách rao giảng Tin mừng đó, theo gưong thánh Phaolô. Dĩ nhiên, trước đó, các tín hữu phải tự cảnh giác, làm sao để cho Lời Chúa phát sinh hoa trái trong cuộc sống của mình, qua việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời Chúa biến đổi cuộc sống của mình. Kế đó, Giáo hội cần phải rao truyền Lời Chúa cho thế gới hôm nay, khi mà còn biết ban dân tộc chưa biết Chúa Kitô.

Trong phần kết luận, Ðức Thánh Cha cũng nêu bật rằng các tín hữu cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa cũng như bởi Mình Thánh Chúa, như công đồng Vaticanô II đã viết. Xin Ðức Mẹ Maria giúp cho chúng ta biết lưu giữ Lời Chúa nhờ việc suy niệm trong tâm hồn.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page