Thủ tướng Việt Nam và

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

đã gặp nhau, nhưng phía Chính quyền

muốn độc quyền độc thoại

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thủ tướng Việt Nam và Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã gặp nhau, nhưng phía Chính quyền muốn độc quyền độc thoại!

Hà Nội, Việt Nam (2/10/2008) - Trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ các vị Ðại Diện của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã có cuộc gặp mặt và trao đổi quan điểm với các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt nam từ 17 giờ đến 18 h 30 ngày 01 tháng 10 năm 2008 tại dinh Thủ tướng. Cuộc trao đổi rất thẳng thắn và đi sâu vào các vấn đề mà cả hai bên quan tâm, nhất là quyền tư hữu của người dân, từ đó phát sinh những vấn đề khúc mắc mà dân oan cả nước đang than van, vấn đề truyền thông một chiều gây chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, vấn đề chính phủ dùng bạo lực giải quyết những xung khắc mà không có đối thoại chân thành để giải quyết các nỗi oan ức của dân chúng hay tổ chức giáo hội.


Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Chính phủ thảo luận (Ảnh: Cổng TTÐT Chính phủ).

Ðoàn của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam gồm 4 vị đại diện: Ðức cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài Gòn G.B Phạm Minh Mẫn, Ðức Tổng Giám Mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể và Ðức Giám mục Hưng Hoá Antôn Vũ Huy Chương.

Phía chính quyền, cùng ngồi với Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, ông Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng, ông Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Lê Ðăng Doanh, và ông Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế của BTG Chính phủ Dương Ngọc Tấn.

Tin tức mà chúng tôi ghi nhận được cho biết có lẽ đây là lần đầu tiên cả hai bên đều thẳng thắn đặt ra những vấn đề trọng yếu và quan tâm hàng đầu liên quan tới những khúc mắc giữa Giáo hội và Nhà nước Việt nam. Ðại diện Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng bênh vực Ðức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt của tổng giáo phận Hà nội và phản bác lại lập luận của ông Thủ tướng và Thượng tướng Công an. Các vị giám mục lên tiếng rằng vị Tổng giám mục Hà nội không làm bất một điều chi sai giáo luật cũng như không có bất cứ hành vi phạm pháp nào. Lời kêu gọi cầu nguyện cho Công lý không những là trách nhiệm của giám mục mà còn là bổn phận của bất cứ người công dân nào muốn thăng tiến nếp sống bình đẳng và trân trọng những giá trị nhân bản của con người, nhất là người Việt Nam.

Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và các vị Giám mục không những chỉ trình bầy chi tiết về Bản tuyên bố Quan Ðiểm và lập trường của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (bản văn đã được công bố sau Khóa họp tại Tòa Giám mục Xuân Lộc ngày 25/8/2008). Các ngài đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề quyền tư hữu, vấn đề luật đất đai, vấn đề xây dựng đất nước dựa trên công lý và sự thật, vấn đề truyền thông sai sự thật và hậu quả gây nên sự chia rẽ và bất ổn định trong cộng đồng dân tộc và đất nước và yêu cầu giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai tài sản trên lý và tình.

Riêng về các buổi cầu nguyện chung của người công giáo mà phía Nhà cầm quyền cho rằng vi phạm luật lệ và làm mất an ninh trật tự, thì các Giám mục đưa quan điểm của mình là việc cầu nguyện là quan trọng trong đời sống của Giáo hội, và nhấn mạnh đến "sự tốt đẹp của việc cầu nguyện ở mọi nơi, mọi lúc và cho mọi người trong đó có cả Thủ tướng!". Nên việc cầu nguyện phải được duy trì và tiếp tục luôn mãi.

Thêm vào đó đức cha Chủ tịch và các giám mục còn đưa ra những nhận định khác về những vấn đề giáo dục, xã hội, công việc bác ái, hoạt động tôn giáo, và những vấn đề liên quan tới nếp sống của dân chúng có ảnh hưởng tới nếp sống tinh thần linh thiêng của người dân, đặc biệt vai trò của Giáo hội trong xã hội và trong đất nước Việt Nam hôm nay.

So sánh lập luận và cách nhìn vấn đề từ phía Nhà nước và phía Giáo hội thì hầu như có nhiều xung khắc và đối chọi nhau không những về quan điểm pháp lý, cách nhìn sự kiện, phương hướng giải quyết mà còn về sự cách kết cấu giải pháp: Nhà nuớc muốn áp đặt giải pháp, đang khi phía Giáo hội muốn đối thoại dựa theo căn bản pháp lý và chứng cớ hiển nhiên. Do vậy xem ra khoảng cách còn rất xa và có khi hậu quả sau cuộc gặp gỡ này còn xa mờ hơn nữa, lý do là hầu như không còn niềm tin vào sự chân thành trong tiến trình đối thoại cũng như trong các tác nhân đối thoại.

Tưởng rằng đây là cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và hữu ích đề hai bên hiểu nhau hơn và cố tìm ra phương thức tiến tới một giải pháp đạt lý đạt tình.

Thế nhưng, sau buổi họp đến ban chiều tối khi các đài phát thanh và truyền hình của Nhà nước loan tin về kết quả của buổi họp thì như một đồng nghiệp của chúng tôi đã vẽ ra một hình ảnh độc thoại vô cùng ngoạn mục và tếu lâm như sau:

"Ðài VTV, VOV, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các báo liên tục 'ca' điệp khúc 'Thủ tướng': Thủ tướng tiếp, Thủ tướng bày tỏ, Thủ tướng không hài lòng, Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng cũng đề cập, Thủ tướng nghiêm khắc phê phán, Thủ tướng đánh giá cao, Thủ tướng yêu cầu, Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc, Thủ tướng cũng giải thích thêm, Thủ tướng cho rằng..."

Chấm hết phóng sự truyền thanh. Phía công giáo đáp lại: Amen!

Gặp gỡ để thảo luận để đối thoại nhưng khi tường trình thì chỉ nói về một phía của Nhà nước nói gì, làm gì... tuyệt nhiên là phía bên kia không có tiếng nói. Bạn là thính giả thế thì bạn có thể tự rút ra kết luận rồi đó. Có nghĩa là dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam thì người dân Việt nam không có tiếng nói, hay là bị câm hết, hoặc bị bịt miệng hết cả, hoặc là chính quyền nói thay cho họ cả rồi, chẳng việc chi mà phải nói... biết chi mà nói... nói cũng chăng ai nghe!

Bổ túc phần này, tin hành lang chúng tôi nhận được cho biết là một vị giám mục tham dự cuộc gặp này đã nói rằng: "Chúng tôi trình bày với ông Thủ tướng những điều mà chúng tôi biết chắc chắn là ti vi sẽ không nói, đúng hơn là không dám nói!".

Một Ðức giám mục khác nói rằng: "Cuộc đối thoại sẽ còn nhiều khó khăn, vì mình tôn trọng các giá trị, trong khi người ta chỉ tìm cách thực hiện chủ trương chính sách!".

 

Ðồng Nhân

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page