Giáo Hội Việt Nam được những gì
hoặc mất những gì?
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Cái được, cái mất: Giáo Hội Việt Nam được những gì hoặc mất những gì?
Hà Nội, Việt Nam (28/09/2008) - Giáo Hội Việt Nam được những gì hoặc mất những gì? Tôi nghĩ Giáo Hội Việt Nam không mất cái gì, hoặc nếu có mất chỉ mất những cái không thuộc về mình (xem kinh Hòa bình mà Giáo Hội đã hát suốt dọc hành trình đòi công lý của mình), nhưng đã được, được rất nhiều, được cả những cái mà trong quá khứ ngỡ tưởng là mất.
Ðược
tình thương và sự hiệp thông.
Thái Hà thắp nến đêm 28/9/2008 (Ảnh Nguyễn H Vinh). |
Trong suốt tháng qua, bao nhiêu những hoạt động khắp mọi nơi, trong nước cũng như ngoài nước bày tỏ tình thương và lòng hiệp thông trong Hội Thánh. Khắp nơi đốt nến để cầu nguyện, bên cạnh lời cầu nguyện cho nền công lý và hòa bình, các cộng đoàn dân Chúa đã cầu nguyện cho những giáo sĩ và giáo dân đang phải đối đầu với thử thách.
Trong nước đã đành, tôi đã không cầm được nước mắt khi những người bạn ở nước ngoài gọi điện về, trong nước mắt nghẹn ngào bày tỏ lòng thương yêu và lo lắng cho Hội Thánh quê nhà.
Sự hiệp thông đã không còn chỉ trong các cộng đoàn Công giáo, nhưng đã có những lời nguyện ngắn ngủi khi một nhóm bạn bè không cùng tôn giáo ngồi bàn luận với nhau về chuyện Tòa Khâm Sứ - Thái Hà. Tôi biết ít nhất là tại Paris (Pháp), tại Frankfurt (Ðức), tại Cali (Hoa Kỳ) đã tổ chức cầu nguyện liên tôn cho Tòa Khâm Sứ - Thái Hà, Hà Nội.
Chưa bao giờ các vị Giám mục Việt Nam bày tỏ tình thương và sự hiệp nhất với nhau cao độ như lần này, những thông tin lọt ra từ cuộc họp thường niên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ở Xuân Lộc trong tuần vừa qua đã cho thấy điều đó.
Ðược thi hành vai trò Ngôn sứ.
- Nói sự thật:
Quyền tự do tôn giáo và tự do bày tỏ tín ngưỡng của mình là quyền căn bản của con người, từ nay chấm dứt lời cám ơn xu nịnh thường thấy trong các thánh lễ đặc biệt: "Cám ơn chính quyền các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi được tổ chức thánh lễ này". Người tín hữu công giáo đã trưởng thành trong suy nghĩ và cả trong hành động, tự do tôn giáo và tự do bày tỏ tín ngưỡng là quyền của mình, không phải là ân huệ của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Người dân Việt cũng đã hiểu rằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành đạo là trách nhiệm của chính quyền, bởi chính quyền nhận tiền thuế của dân để làm việc.
- Lên tiếng cho sự công bằng:
Nói cho những con người bị oan sai, bị chà đạp, bị khủng bố, bị loại trừ, bị đối xử bất công, bị kết án vô căn cứ,... Chỉ ra rằng trong xã hội có những thành phần bất hảo, đã thu vén lợi nhuận trên mạng sống của nhân dân. Cần phải trả lại sự công bằng vốn dĩ phải có cho người dân.
-
Chiến đấu cho sự trong sáng:
Thái Hà thắp nến đêm 28/9/2008 (Ảnh Nguyễn H Vinh). |
Bày tỏ mạnh mẽ trước những gian dối, những hành vi bóp méo sự thật, bịa đặt, vu khống. Ðòi hỏi sự trung thực, trong sáng và lương thiện. Cần phải thay đổi học thuyết và sứ mạng về giáo dục để đào tạo những tâm hồn trong sáng trung thực.
Ðược bày tỏ sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa.
Khi sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, mọi hậu quả trước quyền lực, minh chứng đượcsự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Không cậy dựa vào bất cứ điều gì của thế gian, không thỏa hiệp để tìm sự an toàn hèn nhát.
Ðược thoát khỏi bầu khí sợ hãi.
Phá vỡ bầu khi sợ hãi bao bọc quanh cuộc sống qua bao nhiêu năm tháng, bầu khí này đã làm thui chột đi bao nhiêu tâm hồn tốt lành, và đã hằn bao nhiêu vết thương trong rất nhiều tâm hồn đau khổ cam chịu.
Người công giáo đã dám bước ra khỏi bầu khí sợ hãi đó để đối diện với sự thật. Một cái bước vĩ đại kéo theo cả một bước đi của dân tộc ra khỏi đêm dài sợ hãi bao trùm rất nhiều năm tháng trên mảnh đất này.
Trong quá khứ, có những hành động lẻ loi, manh mún, cô độc dẫu rất hào hùng, lần đầu tiên, một vị lãnh đạo cao cấp của tôn giáo (cùng với sự hiệp nhất của cả một hội đồng lãnh đạo tôn giáo), một tập thể giáo sĩ tinh nhuệ của tôn giáo và một tập thể tín hữu đông đảo của tôn giáo cùng với sự nhất trí của đông đảo nhân dân cầm tay nhau bước ra khỏi sự sợ hãi. Từ nay sợ hãi không còn là bước cản của sự sống con người nữa.
Trang sử Việt nam đã được lật qua, như qui luật tất nhiên của xã hội loài người, tôn giáo từ nay sẽ được đóng đúng vai trò của mình trong xã hội Việt Nam, đó là gìn giữ và xây dựng một nền đạo đức con người, trong đó yêu thương thay thế cho thù hận, công bằng thay thế cho bất công, trong sáng trung thực thay thế cho xảo trá gian tà, công lý thay thế cho bạo tàn khủng bố. Tôn giáo không làm chính trị, nhưng không đứng bên lề xã hội mà phải soi sáng cho bước đi của con người.
Chúc mừng một bước tiến vĩ đại và hào hùng của nhân dân Việt Nam.
28/9/2008
Mai Hạnh