Mặc dầu Công An đã đưa xe ủi đất
vào phá dở khu vực Tòa Khâm Sứ
Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội vẫn Cương Quyết
Ðòi Nhà Nước Trả Lại Tòa Khâm sứ cũ tại Hà Nội
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Mặc dầu Công An đã đưa xe ủi đất vào phá dở khu vực Tòa Khâm Sứ, Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội vẫn Cương Quyết Ðòi Nhà Nước Trả Lại Tòa Khâm sứ cũ tại Hà Nội.
Hà
Nội (17h00 ngày 20 tháng 9 năm 2008) - Hơn 1 ngày sau khi chính
quyền cộng sản "phát hỏa" vụ việc biến Tòa Khâm
sứ cũ thành công viên, vụ việc này đã và đang thu hút
sự quan tâm theo dõi của không chỉ đông đảo bà con giáo
dân trong Tổng giáo phận Hà nội mà còn trở nên một chủ
đề "nóng" nhất, lôi kéo sự quan tâm rất lớn của
đông đảo quần chúng.
Các Linh Mục và nữ tu đau lòng nhìn khu vực Tòa Khâm Sứ đang bị Công An điều động xe ủi đến phá hoại. |
Ðặc biệt, sự có mặt kịp thời của các phóng viên của các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã làm hâm nóng sự kiện này. Chiều hôm nay (20/09/2008), trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục và cạnh Tòa Khâm sứ, có nhiều đoàn khách đến từ các vùng miền xa như Nam Ðịnh, Hà Nam, Lạng sơn, Cao bằng... để hiệp thông cầu nguyện và theo dõi trực tiếp vụ việc.
Quan sát dòng người tuốn về Tòa Tổng Giám mục, chúng tôi nhận thấy cũng có những công an chìm trà trộn vào, một số tên thỉnh thoảng lại đưa máy quay phim chụp hình sát mặt những giáo dân ở đây để kích động và gây hấn. Có một vài xô xát nhỏ do công an chìm cố ý gây ra với giáo dân.
Tại hiện trường Tòa Khâm Sứ cũ, một công viên đã dần hình thành bởi những bồn hoa tươi và đường đi lối lại trong đó cũng đang dần được lát xong. Công nhân đang làm việc với nhịp độ cao cùng với sự gầm rú của máy móc phá bê tông. Lực lượng an ninh, cảnh sát cùng với chó nghiệp vụ vẫn được bố trí dày đặc và canh gác nghiêm ngặt.
Khoảng gần 13 giờ chiều (20/09/2008), đoàn xe Ðức Tổng Giám mục đi làm việc với chính quyền thành phố về. Một điều đặc biệt, lúc đi xe của Ðức Tổng đàng hoàng đi thẳng ra con phố Nhà Chung đã bị chặn hai đầu, một vị linh mục phải xuống thương thuyết công an mới cho phép mở hàng rào phong tỏa để xe đi qua, khi về, công an cũng đã buộc phải tháo dỡ ba vòng hàng rào thép gai và dây chão kiên cố để xe Ðức Tổng đi qua. Ngay khi vừa về tới Tòa Tổng Giám mục, Ðức Tổng đã được cộng đồng dân Chúa hân hoan chào đón với những tràng pháo tay rộn rã. Ngài đã dành ít phút để chào thăm và chúc lành cho cộng đoàn, đồng thời kêu gọi khích lệ mọi người kiên trì cầu nguyện trong ôn hòa và nhẫn nại.
Theo
nguồn tin chúng tôi nhận được, cuộc họp chính thức giữa
phái đoàn Tòa Tổng Giám mục với chính quyền thành phố tuy
kéo dài gần 4 giờ đồng hồ nhưng đã không đem lại một
giải pháp nào cho vụ việc hiện nay. Phía Tòa Tổng Giám mục
đã đưa ra những chứng cớ pháp lý và lịch sử về quyền
sở hữu hợp pháp cuả mình đối với khu đất Tòa Khâm
sứ cũ, đồng thời luôn nhấn mạnh: Tòa Tổng Giám mục
chưa bao giờ hiến, tặng nhà và đất khu Tòa Khâm sứ này
cho bất cứ ai, bất cứ tổ chức hay chính quyền nào. Bằng
những lý luận sắc bén và với tư cách của những người
nắm giữ chính lý và sự thật, Ðức Tổng Giám mục và
quý Cha đã phân tích một cách đầy đủ và hợp pháp cho
những yêu cầu của mình. Trong khi đó, phía chính quyền đã
dùng những lý lẽ không dựa trên sự thật để ngụy biện
cho những hành vi của mình: họ đã đơn phương phá bỏ cuộc
đối thoại với Hội Ðồng Giám mục Việt nam và Tòa Tổng
Giám mục Hà nội trong khi giải quyết vụ việc này, dùng
đến sức mạnh công an, cảnh sát, an ninh... để chèn ép, áp
đặt và bảo vệ cho hành vi bất chấp công lý này. Chính
quyền với những lý luận "cùn" đã liên tục nhắc
đi nhắc lại một điệp khúc "theo nghị quyết 23 của quốc
hội thì... không có cơ sở giải quyết".
Khu vực Tòa Khâm Sứ đang bị Công An điều động xe ủi đến phá hoại. |
Tòa Tổng Giám mục yêu cầu chính quyền nhanh chóng dừng việc thi công trên khu đất thuộc Tòa Khâm sứ cũ đồng thời xóa bỏ lệnh phong tỏa bất hợp pháp Tòa Tổng Giám mục và Dòng Mến Thánh Giá. Lý giải về việc phong tỏa Tòa Tổng Giám mục, ông chủ tịch đã bất chấp sự thật đang diễn ra khi cho rằng: chúng tôi chỉ phân luồng giao thông chứ không cấm hay phong tỏa các lối vào Tòa Tổng Giám mục trong khi đó các lối vào cổng chính Tòa Tổng Giám Mục và nhà dòng đều ở trong tình trạng "nội bất xuất ngoại bất nhập". Như vậy, cuộc họp kết thúc sau 4 giờ làm việc nhưng cũng chưa đem lại một giải pháp thỏa đáng nào cho vụ việc đang xôn xao này.
Vào khoảng 15 giờ chiều (20/09/2008), có một đoàn của chính quyền phường Hàng Trống vào để yêu cầu gặp lần thứ hai thầy Trần Văn Trác - chủ hộ khẩu Tòa Tổng Giám mục.
Việc tháo dỡ tòa nhà phía trong sân Tòa Khâm sứ cũ vẫn tiếp diễn. Ðiều đáng nói: việc phá dỡ diễn ra một cách vô ý thức và hết sức ẩu. Những người có mặt tại hiện trường đều rất bức xúc khi tiến hành phá dỡ tòa nhà lớn như vậy mà không hề có một hàng rào che chắn hay điều gì để bảo đảm an toàn. Ngôi nhà của bà cố Tuyết nằm ngay sát tòa nhà đang bị phá có nguy cơ nứt và nếu việc phá dỡ cứ tiếp tục tiến hành một cách hết sức vô ý thức như hiện nay thì ngôi nhà có thể sẽ nghiêng và sụp đổ bất cứ lúc nào. Khắp khuôn viên Tòa Tổng Giám mục tràn ngập khói, bụi và gạch đá rơi xuống từ phía tòa nhà đang bị phá.
Cùng đồng hành và hiệp thông với giáo dân trong việc mưu cầu chân lý này, có rất đông quý linh mục, chủng sinh, tu sỹ, đặc biệt có sự hiện diện của Ðức Cha Phaolo Lê Ðắc Trọng - nguyên giám mục phụ tá Hà nội, Ðức Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân - giám mục Lạng sơn.
Lúc này, tại Nhà thờ Chính Tòa đang diễn ra Thánh lễ do Cha Laurenxo Chu Văn Minh - giám đốc đại chủng viện - chủ sự cùng với khoảng 20 linh mục đồng tế và sự tham dự của đông đảo bà con giáo dân. Tin tưởng vào lòng Chúa yêu thương và quan phòng che chở, cộng đồng dân Chúa vẫn tiếp tục cầu nguyện trong an bình và hy vọng.
Huấn Trần